(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Việt Nam quê hương ta
Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.
Cánh cò bay lả dập dờn,
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
Quê hương biết mấy thân yêu,
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau.
Mặt người vất vả in sâu,
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn.
Đất nghèo nuôi những anh hùng,
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên.
Đạp quân thù xuống đất đen,
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Việt Nam đất nắng chan hoà,
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh.
Mắt đen cô gái long lanh,
Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung.
Đất trăm nghề của trăm vùng,
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem.
Tay người như có phép tiên,
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.
Nước bâng khuâng những chuyến đò,
Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi.
Đói nghèo nên phải chia ly,
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường.
Ta đi ta nhớ núi rừng,
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ.
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô,
Bữa cơm rau muống quả cà giòn tan...
(Trích trường ca Bài thơ Hắc Hải, 1958, Nguyễn Đình Thi)
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ.
Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ.
Câu 3. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ trong khổ thơ sau:
Ta đi ta nhớ núi rừng,
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ.
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô,
Bữa cơm rau muống quả cà giòn tan...
Câu 4. Con người Việt Nam hiện lên trong bài thơ với những phẩm chất nào?
Câu 5. Phát biểu đề tài, chủ đề của bài thơ.
Câu 1.
Thể thơ: Lục bát.
Câu 2.
Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Biểu cảm.
Câu 3.
– HS xác định được một biện pháp tu từ trong khổ thơ: Lặp cấu trúc (Ta đi ta nhớ ...), điệp từ (nhớ), liệt kê (rừng, dòng sông, đồng ruộng, khoai ngô, bữa cơm rau muống, quả cà giòn tan).
– HS phân tích được tác dụng của một biện pháp tu từ:
+ Lặp cấu trúc: Nhấn mạnh tình yêu, nỗi nhớ của người con xa quê dành cho quê của mình.
+ Điệp từ: Khẳng định nỗi nhớ của người con xa quê dành cho quê hương thông qua những sự vật quen thuộc, bình dị như núi đồng ruộng, khoai ngô.
+ Liệt kê: Chỉ ra những sự vật bình dị, quen thuộc của quê hương như núi rừng, dòng sông, đồng ruộng, khoai ngô, bữa cơm rau muống, quả cà giòn tan, qua đó thể hiện tình yêu, sự trân trọng của người con xa quê dành cho quê hương của mình.
Câu 4.
Con người Việt Nam hiện lên trong bài thơ với những phẩm chất:
– Dũng cảm, anh hùng: Khi đất nước lâm nguy, con người Việt Nam sẵn sàng vùng lên đấu tranh, đánh tan quân thù: Đạp quân thù xuống đất đen.
– Hiền hòa, chăm chỉ, cần cù: Mặt người vất vả in sâu/ Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn; Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
– Thủy chung, trọng tình: Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung; Nước bâng khuâng những chuyến đò/ Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi;...
– Khéo léo, tinh tế: Tay người như có phép tiên/ Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ;...
Câu 5.
– Đề tài: Vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
– Chủ đề: Tình yêu, sự trân trọng, ngợi ca dành cho vẻ đẹp và con người quê hương, đất nước.