Qua hình vẽ trên, em nhận ra được một triết lý: "Cho dù có nhận được khá nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ; nhưng nếu không biết tận dụng tối đa những hỗ trợ đó thì có bao nhiêu sự giúp đỡ cũng không thể giải quyết được khó khăn mà ta đang vướng mắc hoặc giải quyết vấn đề sẽ kém hiệu quả." Thật vậy, từ một ví dụ đơn giản như trong ảnh, ta liên hệ với thực tế cuộc sống này. Một ví dụ khá phổ biến đó là khi mà có bài tập nào khó mà các bạn học sinh đã thử hết sức mình rồi mà vẫn chưa giải được, thì các bạn ấy sẽ phải tìm đến những sự trợ giúp: có thể là từ mạng Internet, có thể là từ cha mẹ, thầy cô giáo hay những người bạn; có thể là từ những cuốn sách, những bài báo. Nhưng, cho dù có xin cách giải từ hết nơi này đến nơi khác, nhưng các bạn đó lại chỉ học thuộc làu làu lời giải mà không hề biết phương pháp làm của bài đó, thì mọi sự trợ giúp sẽ đổ sông đổ bể; khi gặp những bài tương tự như thế nhưng chỉ thay đổi số liệu thì chắc chắn các bạn ấy sẽ không thể nào giải ra. Điều đó thật đáng buồn! Trái lại, nếu mỗi học sinh biết tự tìm hiểu và nhớ được phương pháp làm dạng bài này thì cho dù chỉ là từ một nguồn tin, lần sau, không kể bất kì số liệu nào, hễ là bài thuộc dạng bài đó thì các bạn đều làm được. Cho dù có khá ít sự trợ giúp mà ta biết sử dụng chúng đúng cách, còn hơn là nhận được vô số những sự trợ giúp mà không biết cách tận dụng. Trong cả con đường học tập và trong cuộc sống, sẽ có nhiều trở ngại quá khó khăn mà chỉ một mình ta không thể nào giải quyết mà phải có thêm sự trợ giúp từ những người, những vật xung quanh ta. Do đó, triết lý trên là cực kì quan trọng để giúp con người ta giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.