Bức ảnh trên có một người cầm theo một cây rìu đang nhuốm máu đằng sau lại cầm theo một túi tiền lớn. Nhưng điểm đặc biệt đó là dưới chân của người ấy lại là những gốc cây bị chặt một cách thô bạo. Phải chăng túi tiền nặng trĩu trên vai họ kia chính là từ máu của rừng xanh. Bức ảnh ấy gợi cho tôi nhớ đến vấn nạn chặt phá rừng nghiêm trọng đang diễn ra trên mảnh đất quê hương của mình. Rừng và con người vốn là những người bạn tốt, gắn bó thân thiết. Rừng bảo vệ che chở, giúp đỡ cho nhân dân Việt Nam trong từng cuộc chiến tranh tàn khốc “Rừng xà nu ưỡn ngực lớn của mình che chở cho làng” ( Rừng Xà Nu - Nguyễn Trung Thành). Ấy vậy mà một người bạn tốt, chiến hữu luôn kề vai sát cánh qua bao mưa bom bão đạn, đồng cam cộng khổ với ta lúc khó khăn giờ đang chết dần chết mòn bởi chính con người. Đôi bàn tay của chúng ta đã nhuốm máu của rừng xanh. Nếu coi sự tàn phá khủng khiếp của những tên lâm tặc là giai đoạn đầu tiên của căn bệnh ung thư thì phải chăng chính sự thờ ơ của con người là chất xúc tác để đẩy căn bệnh nan y ấy đến giai đoạn cuối? Tổng cục Lâm Nghiệp thống kê khoảng 22.800 ha rừng bị thiệt hại giai đoạn 2011-2019, trong đó nguyên nhân cháy rừng gần 14.000 ha, phá rừng hơn 9.000 ha. Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%. Từ tổng hợp của 58 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, trong khoảng 5 năm qua, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng gần 38.300 ha/1.892 dự án. Trong đó rừng tự nhiên gần 19.000 ha, rừng trồng hơn 15.800 ha, đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp trên 3.500 ha Việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, phá rừng lấy đất trồng cao su... là nguyên nhân chính làm mất rừng tự nhiên. Những con số biết nói ấy đã cho ta thấy điều gì? Đó là sự khai thác bừa bãi không biết điểm dừng của con người, chỉ để phục vụ cho những nhu cầu tầm thường mà không nghĩ đến hậu quả. Bảo vệ rừng xanh không phải là trách nghiệm của riêng một cá nhân mà cần sự chung tay góp sức của cả một cộng đồng Trước hết là ở ý thức của mỗi người cần ý thức rằng rừng là một loại tài nguyên vô giá như nó không vô hạn. Vì vậy bên cạnh việc khai thác hợp lí ta vẫn cần trú trọng khôi phục vốn rừng tự nhiên. Đặc biệt là phát triển những điều luật mang tính răn đe nghiêm khắc đối với lâm tặc và hành động khai thác rừng trái phép. Tiến hành giao đất, giao rừng cho nông dân để hợp thức hóa việc bảo vệ rừng không còn là trách nhiệm cá nhân của bất kỳ ai. Về phía nhà trường có thể tổ chức cho các em học sinh các buổi học ngoại khóa được tiếp xúc với thiên nhiên bồi dưỡng thêm tình cảm và nhận thức của các em về rừng và tầm quan trọng của chúng trong cuộc sống của chúng ta. Hãy luôn nhớ rằng vạn vật trên trái đất đều là một tổng thể hài hòa, có linh hồn và sự sống của riêng mình. Con người không thể vì lợi ích cá nhân của mình mà quên đi sự tồn tại của vạn vật xung quanh. Lựa chọn sống và bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta hay hủy diệt chúng, tự tay đào “mồ chôn” cho chính mình điều đó tùy thuộc vào bạn. Hành động ngay từ hôm nay để cải thiện chất lượng cuộc sống ngày mai với những giá trị cao cả vì môi trường.