Hạnh phúc tựa như một quả cầu thủy tinh, khi rơi xuống đất vỡ vụn thành trăm mảnh và chúng ta chỉ cần sử dụng đôi tay của mình để nhặt lên. Chúng ta có quyền quyết định mọi hình dạng của hạnh phúc trong lòng bàn tay mình. Chính bởi vậy khi được hỏi: “Bạn lựa chọn hạnh phúc của mình là gì?” Tôi không ngần ngại trả lời rằng: tôi chọn cách đối nhân xử thế hòa nhã với tất cả mọi người. Đối xử nhẹ nhàng với người khác cũng chính là một cách lan tỏa yêu thương mà đích đến cuối cùng chính là bản thân chính mình. Đó chính là chiêm nghiệm của tôi khi đọc câu chuyện “Nước nóng, nước nguội”. Con người chúng ta luôn sống dưới một áp lực vô hình vì vậy đừng dùng chính nỗi đau của bản thân hóa thành ngọn lửa để tổn thương những người xung quanh.
Câu chuyện “Nước nóng, nước nguội” xoay quanh Bác và một người người cán bộ. Biết chuyện có một cán bộ của mình thường xuyên nóng giận và quát mắng các chiến sĩ. Bác đã gọi người chiến sĩ lên Việt Bắc. Đến tận trưa mới gọi vào và mời người cán bộ ấy một cốc nước nóng. Ngay lập tức người cán bộ từ chối yêu cầu của Bác. Sau đó Bác liền giảng giải nước nóng không ai có thể uống được nhưng ngược lại hòa nhã, điềm đạm như cốc nước nguội thì ai cũng có thể tiếp thu. Hiểu được ý Bác, người cán bộ tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Chỉ qua một câu chuyện đời thường ấy thôi, ta thấy Bác thật có cách giáo dục thật tinh tế. Nhẹ nhàng mà sâu sắc khiến người cán bộ phải tự nhìn nhận và sửa sai. Qua đó chúng ta cũng rút ra bài học kinh nghiệm cho chính mình: chúng ta cần sự khéo léo trong giao tiếp ứng xử đặc biệt là trong việc sử dụng lời nói của mình. Bởi lời nói là con dao hai lưỡi, khi ta sử dụng nó để thỏa mãn cơn giận của bản thân thì chính nó là vũ khí gây sát thương lớn nhất cho người đối diện.
Trong số mệnh mỗi chúng ta đều khắc tên của “nỗi đau”. Một vài người chịu những áp lực không tên trong thầm lặng, nhưng một vài người lại “tự xoa dịu” nỗi đau của mình bằng cách trút giận lên những người xung quanh. Mỗi lời nói cay nghiệt trong lúc tức giận còn sắc hơn dao, nó cứa vào phần yếu mềm nhất trong trái tim thậm chí cả lòng tự trọng của người nghe. Khi bị “đụng chạm” quá mức, người được coi là “bao cát xả giận” sẽ mang những uất ức, tổn thương hoặc có thể hận thù ghim chặt trong ký ức. Từ đó mối quan hệ giữa người với người dần rạn nứt đến mức không thể hàn gắn được. Ta cũng từng chứng kiến không ít vụ việc thương tâm trong cuộc sống chỉ vì mâu thuẫn cá nhân mà lời qua tiếng lại rồi trong trong một phút giây nóng giận để phần “con” lấn át phần “người” gây ra những hậu quả đáng tiếc phải trả giá bằng cả tương lai tươi đẹp ở phía trước. Một số người coi việc giải tỏa sự tức giận của mình lên một cá thể khác để vơi bớt nỗi đau của bản thân mà không hề hay biết hành động ấy đang đẩy chính mình đến một vùng đất tuyệt vọng khác. Dần những người mang xu hướng bạo lực ngôn từ người khác để thỏa mãn cơn giận nhất thời sẽ bị cô lập trong tất cả những mối quan hệ họ có. Ai cũng là con người có cảm xúc nên sẽ không có ai sẽ mãi mãi chấp nhận làm nơi trút bỏ cảm xúc tiêu cực cho người khác.
Nóng giận và cáu gắt mất kiểm soát sẽ không mang lại hiệu quả giao tiếp mà còn khiến mối quan hệ của chúng ta trở nên căng thẳng hơn. Vậy đâu là chìa khóa hóa giải mọi mâu thuẫn kìm nén sự nóng giận bộc phát lên người khác? Đó chính là sự cảm thông dành cho nhau. Hãy thử một lần đặt bản thân vào cương vị của người nghe để cảm nhận. Nếu ta không thể chịu đựng được “nước sôi” thì người khác cũng vậy, chỉ có nước mát mới làm ta thỏa lòng. Hà cớ gì ta phải làm tổn thương người khác bằng chính điều khiến ta khó chịu nhất? Ai sống trong bể đời chẳng mang một nỗi khổ tâm dằn vặt qua từng năm tháng. Nhưng quan trọng ta chọn cách đối mặt thế nào với những áp lực vô hình ấy. Và tôi cho rằng cách tối ưu nhất chính là ứng xử tinh tế và khéo léo với mọi người. Đặc biệt khi ta đang đứng ở vị trí quan trọng dẫn dắt đồng đội của mình thì càng phải học cách tự kiềm chế bản thân, suy nghĩ cho đại cục. Tôi chợt nhớ đến kiệt tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Dẫu thế sự đang “dầu sôi lửa bỏng”, quân giặc vô cùng mạnh mẽ. Dưới áp lực của một vị tướng nắm trong tay quân đội và sinh mạng của biết bao bách tính vô tội, ông đã khéo léo dùng lời nói của mình để thu phục lòng quân và dân trong trận chiến chống quân Nguyên - Mông lần hai qua bài “Hịch tướng sĩ”. Lựa chọn cách hành xử đúng mực và phù hợp trong từng hoàn cảnh càng nâng cao địa vị của bản thân và nhận lại sự tôn trọng từ người khác.
Có lẽ Thượng đế ban cho con người hai mắt, hai tai nhưng chỉ có một miệng đều có nguyên do của nó. Hai mắt để nhìn cuộc đời bằng ánh mắt “cận nhân tình hơn”, hai tai để lắng nghe thấu thị mọi nỗi đau của người khác và một miệng để nói những lời yêu thương. Chính vì vậy đừng biến nó thành một bụi gai độc chạm đến ai cũng chỉ để lại những vết thương hằn lại. Nóng giận là bản năng, kiềm chế được là bản lĩnh. Suy cho cùng để đến gần với chữ “Người” hơn ta cần học được cách khống chế cảm xúc thể hiện qua lời nói và hành động với người khác. Nhất định không thể để cảm xúc trong lúc nóng giận của ta trở thành ngọn lửa trước khi thiêu rụi những người xung quanh chính nó lại làm ta bị thương trước. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta có thể sử dụng lời nói mềm mỏng để người khác nhận ra sai lầm của mình. Có một số người khi bị khiển trách bằng những lời nói nhẹ nhàng, họ không ý thức được sức nặng của sai lầm mình đã gây ra. Từ đó dễ đi lại vào vết xe đổ của chính mình.
Câu chuyện ‘nước nóng, nước nguội” giữa Bác và người cán bộ đã cho tôi những bài học sâu sắc. Chúng ta cần phải học cách đối nhân xử thế thật khéo léo với mọi người tránh để cơn giận dữ nhất thời nhấn chìm lí trí tạo thành vũ khí “vô hình” sát hại người khác. Đúng như lời Lão Tử từng dăn dạy “Răng thì cứng lưỡi thì mềm, trăm năm thay đổi lưỡi còn răng không. Thế nên mềm mỏng mới có thể giúp chúng ta sống lâu bền, hoà ái.”