Chủ đề: TƯỞNG TƯỢNG…
Logic đưa chúng ta từ điểm A đến điểm B, còn trí tưởng tượng sẽ đưa chúng ta đến mọi nơi.
(Albert Einstein)
I. Đọc hiểu văn bản văn học và viết đoạn văn nghị luận văn học (5,0 điểm)
Từ "Khóc"
Câu chuyện này vẫn còn chưa xảy ra nhưng chắc chắn mai đây nó sẽ xảy ra. Chuyện là thế này…
Ở tương lai xa xăm, có một bà giáo già đưa đám học trò của mình đi thăm Bảo tàng của Thời Xa Xưa, nơi trưng bày tất cả những đồ vật của một thời và giờ không còn dùng tới nữa, như vương miện của nhà vua, đuôi áo của hoàng hậu, tàu điện ở Monza,...
Trong một chiếc tủ kính nhỏ phủ một lớp bụi mờ có từ "Khóc".
Đám học trò thời tương lai đọc biển giải thích mà vẫn không hiểu.
– Thưa cô, từ đó nghĩa là gì ạ?
– Đó là đồ trang sức của cổ ạ?
– Nó thuộc về thời người Etrusca phải không ạ?
Bà giáo già liền giải thích rằng một thời đó là từ được dùng rất thường xuyên và gây ra rất nhiều đau khổ. Bà chỉ một chiếc bình bên trong có chứa những giọt nước mắt: có lẽ đó là nước mắt của một nô lệ bị chủ đánh đập, cũng có thể đó là của một đứa bé không nhà.
– Trông như nước ấy nhỉ! – một cậu học trò nói.
– Nhưng lại nóng hổi đấy! – bà giáo đáp.
– Chắc tại người ta đem đun lên trước khi dùng chăng?
Đám học trò vẫn không thể tưởng tượng ra được "khóc" là gì, "nước mắt" là gì. Chúng thật sự không hiểu và bắt đầu thấy chán. Vì vậy bà giáo đành đưa chúng đi thăm những khu khác của Bảo tàng, nơi có những thứ dễ hiểu hơn như song sắt nhà tù, một chú chó giữ nhà, tàu điện ở Monza,... Tất cả đều là những thứ mà ở thế giới hạnh phúc của tương lai đều không tồn tại.
(Theo Gianni Rodari, Chuyện kể trên điện thoại, Bùi Thị Thái Dương dịch, NXB Kim Đồng, 2021, trang 146 -147)
Câu 1 (3,0 điểm):
a. Xác định lời người kể chuyện và lời nhân vật trong đoạn sau (0,5 điểm):
“Đám học trò thời tương lai đọc biển giải thích mà vẫn không hiểu.
– Thưa cô, từ đó nghĩa là gì ạ?”
b. Chi tiết đám học trò đọc biển giải thích về từ “Khóc” mà vẫn không hiểu và chi tiết sau khi bà giáo già giải thích, đám học trò vẫn không thể tưởng tượng ra được “khóc” là gì có vai trò như thế nào đối với cốt truyện? (0,75 điểm)
c. Chuyển một lời dẫn trực tiếp trong văn bản trên thành lời dẫn gián tiếp. (0,75 điểm)
d. Trong tưởng tượng của em, điều gì không nên tồn tại trong thế giới hạnh phúc của tương lai? Vì sao? (1,0 điểm)
Câu 2 (2,0 điểm):
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm Từ “Khóc” (Gianni Rodari).
Câu 1 (3,0 điểm):
a.
– Lời người kể chuyện: “Đám học trò thời tương lai đọc biển giải thích mà vẫn không hiểu.”
– Lời nhân vật: “– Thưa cô, từ đó nghĩa là gì ạ?”
➡️ 0,5 điểm.
b.
Chi tiết đám học trò không hiểu “khóc” là gì dù đã đọc giải thích và được giảng giải cho thấy sự khác biệt hoàn toàn giữa thế giới tương lai và quá khứ, đồng thời làm nổi bật sự phát triển của xã hội trong tương lai – nơi không còn khổ đau, không còn nước mắt. Những chi tiết này là trọng tâm tạo nên tình huống truyện độc đáo, góp phần truyền tải chủ đề nhân văn của tác phẩm.
➡️ 0,75 điểm.
c.
Chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp:
Ví dụ:
Câu trực tiếp: “– Thưa cô, từ đó nghĩa là gì ạ?”
→ Câu gián tiếp: Một học trò lễ phép hỏi cô giáo rằng từ đó có nghĩa là gì.
➡️ 0,75 điểm.
d.
Trong tưởng tượng của em, chiến tranh là điều không nên tồn tại trong thế giới hạnh phúc của tương lai. Bởi chiến tranh mang lại đau khổ, mất mát, chia ly và hủy hoại sự sống của con người. Một thế giới văn minh, phát triển và đầy yêu thương phải được xây dựng trên nền tảng hòa bình, nơi con người cùng nhau sáng tạo, sẻ chia và phát triển bền vững.
Câu 2 (2,0 điểm): Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích chủ đề tác phẩm Từ “Khóc”
Tác phẩm Từ “Khóc” của Gianni Rodari là một truyện ngắn giàu trí tưởng tượng và đầy tính nhân văn, mang đến cho người đọc một cái nhìn sâu sắc về giá trị của hạnh phúc và lòng nhân ái. Qua câu chuyện về những đứa trẻ tương lai không hiểu từ "khóc" nghĩa là gì, tác giả đặt ra một giả định đầy lạc quan rằng sẽ có một ngày, nỗi đau và nước mắt không còn tồn tại trong thế giới loài người. Trong thế giới ấy, những điều từng rất quen thuộc với con người như nước mắt, nhà tù, chó giữ nhà... đều trở thành những kỷ vật lịch sử xa lạ. Câu chuyện tưởng chừng nhẹ nhàng, dí dỏm nhưng lại mang theo một ước mơ lớn lao: con người có thể xây dựng một xã hội lý tưởng – nơi không còn bất hạnh, không còn nước mắt. Chủ đề của tác phẩm vừa thể hiện niềm tin vào sự tiến bộ của nhân loại, vừa nhắn nhủ mỗi người hãy cùng nhau nuôi dưỡng ước mơ về một thế giới hạnh phúc, nhân đạo và không còn đau thương.