(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Như mọi công dân chân chính khác, trong cái "Vất vả và gian lao" đằng đẵng của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đó là phần đóng góp tự nguyện như một lẽ sống:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Cái "tôi" của nhà thơ như một dòng suối nhỏ khiêm nhường, đã hòa vào cái "ta" của "dòng sông xanh" trên quê hương, đất nước mình. Từ vị thế của cái "ta", "chúng ta", tức là vị thế của người trong cuộc, nhà thơ đã chân thành tâm sự với bạn bè, đồng chí của mình về một lẽ sống thật giản dị.
Bài thơ ra đời vào tháng 11 năm 1980, đó là một năm trong thập kỉ (1976 - 1986) khi đất nước ta đang phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt gay gắt. Làm sao Thanh Hải lại không buồn về những điều đó? Nếu Nguyễn Duy "giật mình" trước "đột ngột vầng trăng tròn" thì Thanh Hải chắc cũng giật mình khi chợt nghe một tiếng chim hót, khi chợt thấy một bông hoa? Mùa xuân, vầng trăng, tiếng chim hót, bông hoa nở... thì đã, đang và sẽ mãi mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu... Thế còn cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người? Trong quan hệ giữa cái "tôi" với cái "ta"? Liệu có vĩnh cửu không? Thanh Hải không trả lời trực tiếp câu hỏi này mà thay vào đó bằng một lời nhắn nhủ. Ông đã nhắn nhủ điều gì? "Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến.". Làm con chim thì phải có tiếng hót riêng. Làm bông hoa thì phải có hương sắc riêng. Nhưng những cái riêng ấy chỉ được xác lập giá trị trong quan hệ với cái chung, tức là với những cá thể cùng loài xung quanh. Không thể và cũng không nên so sánh giữa tiếng hót của con chim với hương sắc của bông hoa, cái nào có ích hơn, cái nào quan trọng hơn? ... Mỗi người cũng vậy, có một giá trị riêng không thể so sánh. Vì thế trong bản "hòa ca" đoàn kết, nên có người ở vị trí khiêm tốn như một "nốt trầm". Nhưng "nốt trầm" ấy vẫn phải có bản sắc riêng của mình như tiếng hót riêng của mỗi con chim và hương sắc riêng của mỗi bông hoa bởi đó là bản "hòa ca" có "nhạc luật" chứ đâu phải là "hòa tan": một cách vô vị, nhạt nhẽo?
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, lời giãi bày chân thành, giản dị, Hoàng Dân, in trong Văn học và Tuổi trẻ, số 1 (323), năm 2015)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định câu văn mang luận điểm của đoạn trích.
Câu 2. Trong đoạn trích, người viết đã lựa chọn những từ ngữ, hình ảnh nào của khổ thơ để phân tích?
Câu 3. Việc người viết dẫn ra hoàn cảnh ra đời của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và tâm trạng của nhà thơ Nguyễn Duy được thể hiện trong bài Ánh trăng có ý nghĩa gì?
Câu 4. Phân tích hiệu quả của việc kết hợp sử dụng nhiều biện pháp tu từ trong câu văn sau: Mùa xuân, vầng trăng, tiếng chim hót, bông hoa nở... thì đã, đang và sẽ mãi mãi mãi tồn tại; đó là những giá trị vĩnh cửu; đó là cái đẹp vĩnh cửu...
Câu 5. Đọc kĩ đoạn văn được in đậm và cho biết người dẫn đã đưa ra kiến giải cá nhân nào về việc tiếp nhận khổ thơ thứ tư trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải? Em có đồng tình với quan điểm của nhà thơ không? Vì sao?