Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính,
Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan,
Nước khe cơm vắt gian nan,
Dãi dầu nghìn dặm lầm than một đời.
Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc tên rơi,
Lập lòe ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương!
Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp,
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,
Ngẩn ngơ khi trở về già,
Ai chồng con tá biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não,
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Cũng có kẻ nằm cầu gối đất,
Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi,
Thương thay cũng một kiếp người,
Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan.
(Nguyễn Du, Văn tế thập loại chúng sinh(1))
Chú thích:
Văn tế thập loại chúng sinh còn được gọi là Văn chiêu hồn, là một sáng tác xuất sắc bằng chữ Nôm của đại thi hào Nguyễn Du, hiện chưa rõ thời điểm sáng tác. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ông Trần Thanh Mại trên Đông Dương tuần báo năm 1939 thì Nguyễn Du viết bài văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hàng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Tuy nhiên, GS. Hoàng Xuân Hãn lại cho rằng có lẽ Nguyễn Du viết tác phẩm này trước cả Truyện Kiều, tức khi ông còn làm cai bạ ở Quảng Bình (1802 - 1812).
Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 2. Liệt kê những kiếp người xuất hiện trong đoạn trích.
Câu 3. Trình bày hiệu quả của việc sử dụng từ láy trong hai dòng thơ dưới đây:
Lập lòe ngọn lửa ma trơi
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương!
Câu 4. Phát biểu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của đoạn trích.
Câu 5. Từ cảm hứng chủ đạo của đoạn trích, anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ về truyền thống nhân đạo của dân tộc ta (trình bày khoảng 5 - 7 dòng).
Tiếp
BÀI 3