Đọc đoạn văn sau:
[…] Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc. Thêm vào cái mùi hơi ngát của lá sen già, ướp lấy từng hạt cốm một, còn giữ lại cái ấm áp của những ngày mùa hạ trên hồ. Chúng ta có thể nói rằng trời sinh lá sen để bao bọc cốm, cũng như trời sinh cốm nằm ủ trong lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may chút bụi nào. Hỡi các bà mua hàng! Chớ có thọc tay mân mê thức quà thần tiên ấy, hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chút chiu mà vuốt ve ... Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người, và sự cố tiềm tàng và nhẫn nại của thần lúa. Sự thưởng thức của các bà sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn và cái vui cũng sẽ tươi sáng hơn nhiều lắm.
(“Một thứ quà của lúa non: Cốm” - Thạch Lam)
Câu 9: Đọc đoạn văn, em cảm nhận được điều gì về tâm hồn của nhà văn Thạch Lam?
Đọc đoạn văn, em cảm nhận được nhà văn Thạch Lam là người có tâm hồn lãng mạn, bay bổng, ông yêu cái đẹp và luôn hướng tới cái đẹp. Vì vậy đối với cốm - một nét đẹp độc đáo của Hà Nội, đối với ông việc thưởng thức cốm như thưởng thức tác phẩm nghệ thuật một cách đầy nâng niu và trân trọng. Qua đó, ta thấy được nhà văn Thạch Lam là một người tinh tế và đặc biệt coi trọng nét đẹp văn hóa trong một thứ quà giản dị độc đáo của dân tộc.