Ngoài đường, rì rầm tiếng nói chuyện của các cô, các bà gánh hàng đi chợ sớm. Ngôi làng bị đánh thức bởi những âm thanh ồn ào dội dần về phía chợ quê.
Trong nhà, mẹ đã dậy từ bao giờ. Tiếng lạch xạch vọng lên dưới nhà ngang. Tôi nằm tưởng tượng ra dáng mẹ đang sửa soạn thúng mủng, quang gánh. Năm nào cũng vậy, phiên chợ Tết của mẹ là hai thúng gạo nếp cái hoa vàng mẩy hạt mang đi và khi gánh về là một gánh thực phẩm cho cái Tết đủ đầy. Thực ra, nhà tôi cũng không túng thiếu đến nỗi phải đổi gạo lấy đồ dùng. Nhưng như một thói quen của người làm ruộng, có thúng gạo ngon cũng muốn mang ra chợ để góp thêm hương sắc chợ quê ngày Tết. Đợi mẹ chuẩn bị xong xuôi, tôi rón rén bước ra ngoài hiên. Mẹ cười xòa với thêm chiếc áo ấm cho tôi mặc rồi quẩy gánh, dắt tay đứa con nhỏ lên đường.
Chợ quê tôi họp một tháng sáu phiên nhưng đông vui nhất vẫn là ngày phiên 28 Tết. Đến phiên chợ, kẻ bán, người mua khắp nơi đổ về đông nghịt. Thóc gạo đất quê có sẵn, vải vóc Ninh Hiệp, lụa tơ tằm Vọng Nguyệt đưa về, tre đan Giới Tế, rau quả Yên Lã mang sang, tranh Đông Hồ bên kia sông cũng kịp góp mặt... Chợ quê ngày này vui như mở hội, dường như ai cũng muốn góp mặt tận hưởng không khí Tết đang về.
Mẹ tôi đặt hai thúng gạo ngay lối cổng phụ vào chợ. Bên cạnh, các bà cũng mang gạo đến bày sẵn từ bao giờ. Một hàng thúng gạo như những bông hoa trắng đều xếp gọn gàng, hấp dẫn những vị khách đi qua. Gạo nếp quê mẩy tròn, nổi tiếng khắp vùng mà giá bao năm không đổi. Người bán mang nhiều hết nhiều, mang ít hết ít, chẳng mấy ai quan tâm, chèo kéo khách vào mua. Vậy mới có chuyện, người ta vẫn kháo nhau nghe, vào phiên chợ năm nào, cô bán gạo đang mải mê kể chuyện nhà cửa “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với bạn hàng. Có người khách đi qua, hỏi mãi chẳng thấy tiếp lời, đành tự đong hai mèn gạo, bỏ lại vào thúng đúng số tiền cần trả rồi rời đi.
Những đứa trẻ theo bà, theo mẹ đi chợ í ới vẫy nhau. Cả đám nhanh chóng kéo ra chỗ ông lão nặn tò he. Bàn tay ông nhào nặn ra đủ thứ hình thù từ bông hoa hồng, rồng, phượng đến cả ông võ tướng cầm gươm mặt gườm gườm một cách dữ dằn. Ngắm chán, chúng tôi lại hò nhau đi xem người thợ tranh Đông Hồ dọn hàng gần đấy. Trong chợ, hàng tranh Đông Hồ vẫn đông người qua lại nhất. Người dân quê, dù khó khăn đến đâu cũng sẵn lòng mua một bức tranh về treo trong nhà. Có lẽ, trong tâm niệm của họ những hình ảnh “sáng bừng trên giấy điệp” kia sẽ mang đến những hy vọng no ấm, đủ đầy hơn.
Phiên chợ Tết, người dân khắp nơi đổ về mua bán. Những người dân quê quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng, lũy tre làng nay gặp gỡ bao người từ nơi khác đến. Đi chợ đôi khi trở thành cái cớ để người ta thăm hỏi nhau. “Tay bắt mặt mừng” khi biết vùng này năm nay làm ăn khấm khá, rồi cũng chau mày trầm ngâm khi biết vùng kia còn vất vả khó khăn. Những lời hỏi thăm, chia sẻ, quan tâm lẫn nhau khiến chợ quê trở nên gần gũi, ấm áp hơn giữa ngày đông lạnh giá.
Trời đã gần về trưa, người chợ về thì ít, người đến mua lại thêm đông. Chuyện quê góp nhặt, mỗi lúc một rôm rả khiến khu chợ ngày càng nhộn nhịp. Lũ trẻ nhỏ xúng xính quần áo mới, tay cầm tò he đứng bên cạnh các bà, các mẹ đang chuẩn bị quẩy gánh ra về. Có đứa trẻ đã đi đến cổng chợ còn vội nhìn lại, hít một hơi thật sâu như muốn giữ cả hương sắc chợ Tết về nhà.
Chỉ ra chất trữ tình biểu hiện trong văn bản trên