K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

24 tháng 5 2021

Tham khảo ạ

“Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” (Nguyễn Minh Châu). Với hình tượng nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy. Nhà văn mang đến cho người đọc một hình tượng nghệ thuật với biết bao vẻ đẹp – nhất là sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong đêm mùa đông cởi trói cho A Phủ.
Tô Hoài – nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Với vốn am hiểu sâu rộng về nhiều lĩnh vực khác nhau, tác giả này thường lựa chọn được những hình ảnh, từ ngữ rất phù hợp để đưa vào trong từng trang văn của mình. Tô Hoài sáng tác nhiều ở các mảng đề tài khác nhau, có thể kể tới như truyện cho thiếu nhi, truyện về Tây Bắc và viết cả về Hà Nội. Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi được tiếp xúc với người nghệ sĩ này đã trầm trồ thán phục rằng: “Tô Hoài là nhà Hà Nội học” bởi những kiến thức mà ông biết không có trong bất cứ một cuốn sách nào, một thư viện nào. Sáng tác nhiều như vậy, nhưng nhà văn này lại dành một sự quan tâm sâu sắc cho hình ảnh của người lao động đặc biệt là đồng bào Tây Bắc. Theo như Tô Hoài tâm sự, vì mảnh đất miền Tây đã để thương để nhớ cho ông nhiều quá nên ông đã quyết định quay trở lại đây, trả món ân tình bằng một tập “Truyện Tây Bắc” xuất sắc. “Vợ chồng A Phủ” là một trong số ba truyện ngắn in trong tập truyện này. Tác phẩm là thành quả đẹp của chuyến đi thực tế dài 8 tháng vào năm 1952 cùng bộ đội. Thời gian ở đây, được sống, được làm việc, được tiếp xúc đã giúp cho ngòi bút của nhà văn nay có biết bao nhiêu cảm hứng để xây lên những áng văn đẹp và tình cho đời. Không quên sứ mệnh của một nhà văn, Tô Hoài nhìn thấy những con người vất vả, yêu câu chuyện mà họ kể lại viết thành những tác phẩm để đời. “Vợ chồng A Phủ” chính vì lý do đó mà đã thể hiện mạnh mẽ một trong những phẩm chất cao đẹp của người lao động – sức sống tiềm tàng.
Mị là nhân vật trung tâm của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Cô vốn là một cô gái vùng cao trẻ trung, xinh đẹp và tài hoa nhưng vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Vì vậy, Mị phải từ bỏ tuổi thanh xuân, phải sống một cuộc sống bị đọa đày về cả thể xác lẫn tinh thần. Mị đã từng muốn tìm đến cái chết với nắm lá ngón trong tay nhưng Mị không thể chết. Nếu Mị chết, cha Mị sẽ khổ, sẽ không thể trả được món nợ cho nhà thống lí. Mị đành chấp nhận quay trở lại làm con dâu gạt nợ, sống kiếp đời nô lệ, tủi nhục, bất hạnh. Song song với nét tính cách đó lại là tâm trạng của một người yêu đời, yêu cuộc sống, mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh sống đen tối, đầy bi kịch. Điều đó đã được thể hiện trong đêm mùa xuân. Trong đêm mùa xuân ấy, Mị ý thức được về bản thân và về cuộc đời rồi Mị muốn đi chơi. Sức sống tiềm tàng dưới tác động của bao yếu tố đã dần trỗi dậy mạnh mẽ. Nhưng sợi dây thô bạo của A Sử lại một lần nữa dập tắt sức sống của Mị. Dù phải chịu đau đớn và kết cục ê chề nhưng đêm ấy thật là một đêm có ý nghĩa với Mị. Đó là đêm cô thực sự sống cho riêng mình sau hàng ngàn đêm cô sống vật vờ như một cái xác không hồn. Đó là một đêm cô vượt lên uy quyền và bạo lực đế sống theo tiếng gọi trái tim. Sau đêm mùa xuân ấy, Mị lại tiếp tục sống kiếp đời trâu ngựa. Thế nhưng viết về vấn đề này, Tô Hoài khẳng định: cái khổ cái nhục mà Mị gánh chịu như lớp tro tàn phủ khuất che lấp sức sống tiềm tàng trong lòng Mị. Và chỉ cần có một luồng gió mạnh đủ sức thổi đi lớp tro buồn nguội lạnh ấy thì đốm lửa ấy sẽ bùng cháy và giúp Mị vượt qua cuộc sống đen tối của mình. Và cuối cùng, luồng gió ấy cũng đến. Đó chính là những đêm mùa đông dài và buồn trên núi rừng Tây Bắc đang về.
Mùa đông trên núi cao dài và lạnh, Mị chỉ có bếp lửa là người bạn duy nhất của mình. Mị có thói quen sưởi lửa hàng đêm dù rất nhiều lần thằng A Sử nó về nhìn thấy Mị sưởi lửa nó đã đạp Mị ngả dụi xuống đất. Nhưng Mị không bỏ được. Bếp lửa đối với người con gái này không chỉ là công cụ sưởi ấm mà quan trọng hơn đó còn là người bạn sưởi ấm tâm hồn của Mị trong những năm tháng đầy chai sạn này, mà theo cách lí giải của tác giả Tô Hoài, ấy chính là phần vô thức của con người: “Ngọn lửa là hình ảnh có tính chất tượng trưng, nó ở trong sự vô vọng của cuộc đời Mị, dù rất mơ hồ nhưng nó níu kéo không để sự vô vọng lùa đi đến tuyệt cùng”. Đêm hôm đó, cũng nhờ bếp lửa, Mị nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ - Chàng trai gạt nợ cho nhà thống lý có thể ngày mai, ngày kia sẽ chết.
Chỉ vì mải bẫy nhím để hổ vồ mất bò, A Phủ phải chịu cảnh trói đứng nghiệt ngã. Nhưng ban đầu, khi đối diện với một con người đang đứng trên bờ vực cái chết là A Phủ ấy, “Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay”. Mị còn tự nghĩ A Phủ nếu là “cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Mị hoàn toàn vô cảm, thờ ơ trước cảnh A Phủ bị trói. Đây cũng là một diễn biến tâm lí bình thường, hợp lí. Nó hợp lí là bởi Mị đã ở lâu trong khổ đau, đã chịu bao đày đọa về thể xác và tinh thần. Cái cuộc sống ở nhà thống lí Pá Tra đã làm bào mòn đi tâm hồn Mị. Mị đã bị tê liệt đi mọi cảm xúc, ý thức, nhận thức, Mị trở nên vô cảm, thờ ơ với nỗi đau của chính mình và cả nỗi đau của người khác. Hơn thế nữa, cảnh trói người, đánh người cũng chẳng còn là xa lạ ở nhà thống lí Pá Tra. Nó diễn ra một cách thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ. Cuộc sống của những con người ở nhà thống lí đầy cơ cực, đắng cay và đày đọa. Chính vì vậy họ chẳng còn có thể đồng cảm, quan tâm đến nỗi đau của người khác.
Như vậy hoàn cảnh nghiệt ngã của đồng loại cũng chẳng còn lay động được tâm hồn Mị nữa rồi. Có lẽ phải cần thêm một tác nhân nữa. Và đó chính là dòng nước mắt của A Phủ. Lửa cháy sáng, “Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Đó là dòng nước mắt của một kẻ nô lệ khi phải đối mặt với cái chết đến rất gần. Chính “dòng nước mắt lấp lánh ấy” đã làm tan chảy lớp băng giá lạnh trong lòng Mị. Lòng Mị chợt bồi hồi trước một người cùng cảnh ngộ. Quả thật “Khi tình thương chạm vào trái tim thì cho dù sỏi đá cũng thành châu lệ”. Mị hiểu cảm giác bị trói đứng đến chết “chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”, bởi Mị đã từng bị A Sử trói như vậy. Ở đoạn văn này, tác giả không hề đề cập đến nỗi đau về thể xác của Mị, cũng không hề viết về nỗi tủi nhục của A Phủ nhưng tất cả đều hiện lên thật rõ. Mị đã cảm nhận nỗi đau của A Phủ bằng chính những cảm xúc xuất phát từ nỗi đau của mình. Mị căm phẫn khi nhớ lại người đàn bà đời trước cũng bị trói đến chết trong căn nhà này. Lần đầu tiên, Mị nhận thức được tội ác của cha con thống lí một cách cặn kẽ: “Chúng nó thật độc ác!” – điều mà từ trước đến nay, ngay cả khi bị trói không cựa được Mị cũng chưa từng nghĩ. Đó là sự trỗi dậy ý thức về kẻ thù, căm ghét cái ác, cái tàn bạo. Việc trói người đến chết còn các hơn cả thú dữ trong rừng. Nhớ đến những chuyện ngày trước, trở về với hiện tại, Mị đau khổ cay đắng cho thân phận của mình: “Ta là thân đàn bà chúng nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết chờ ngày rũ xương ở đây thôi”. Từ thương mình, tới thương người, Mị cảm thấy thương A Phủ: “cơ chừng này chỉ đêm nay thôi là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Người kia việc gì mà phải chết như thế. A Phủ…. Mị phảng phất nghĩ như vậy”. Trong Mị đã le lói để rồi xuất hiện thật rõ ý muốn phản kháng, ý muốn cứu người, rồi tất yếu sẽ dẫn đến hành động cắt dây trói đầy dũng cảm.
Một loạt nét tâm lí ấy đã thôi thúc Mị cắt dây cởi trói cứu A Phủ. Nhưng trước khi cắt: Mị băn khoăn “cha con thống lý sẽ đổ cho Mị cởi trói, Mị sẽ bị trói thay vào đấy...”, rất có thể Mị sẽ phải chết thay A Phủ. Nhưng làm sao, “Mị cũng không thấy sợ”, lòng thương người trong Mị đã lớn hơn cả sự sợ hãi. Mị rón rén bước lại gần A Phủ, rút con dao nhỏ, cắt nút dây mây. Đó là một việc làm táo bạo và hết sức nguy hiểm nhưng nó phù hợp với nét tâm lí của Mị trong đêm mùa đông này. Trong Mị giờ đây không chỉ tiềm tàng ý thức muốn phản kháng cái ác mà mạnh mẽ hơn đó là sự thôi thúc của tình thương, của lòng trắc ẩn đã trỗi dậy. Sau khi cắt dây cởi trói cho A Phủ, Mị cũng không ngờ mình dám làm một chuyện động trời đến vậy. Mị thì thào lên một tiếng “Đi ngay” rồi Mị nghẹn lại. Đó là mệnh lệnh đối với A Phủ đồng thời là một lời kiên quyết đối với tâm hồn mình. A Phủ vùng chạy đi còn Mị vẫn đứng lặng trong bóng tối. Ta có thể hình dung được nét tâm lí ngổn ngang trăm mối của Mị lúc này. Lòng Mị rối bời với trăm câu hỏi: Vụt chạy theo A Phủ hay ở đây chờ chết? Bởi theo tập tục của dân tộc của Mị, đã cúng trình ma rồi thì dù chết cũng phải chết ở nhà đó, nếu chạy trốn cùng A Phủ thì Mị không đơn giản chỉ là giải thoát cho mình mà còn là làm trái với tập tục, với truyền thống. Đây chẳng còn là chuyện về ý chí nữa mà còn là chuyện về tâm linh, ý niệm.
Nhưng cận kề nhất với Mị sẽ là cái chết, chắc chắn là chết, nếu Mị ở lại. Đồng thời cái hình ảnh của A Phủ “quật sức vùng lên” tác động mạnh vào Mị. Mị đứng lặng trong bóng tối. Rồi cũng vụt chạy ra. “Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi”. Nghĩa là phía trước mọi cái vẫn tối tăm và bất định lắm, nhưng đó là sự bất định chưa rõ, còn cụ thể ngay giờ đây là cái chết. Trong tình huống đó, cả A Phủ và Mị không thể có con đường nào khác là chạy đi. Bước chân của Mị như đạp đổ chế độ cường quyền, thần quyền của bọn lãnh chúa phong kiến đã đè nặng tâm hồn Mị suốt bao nhiêu năm qua. Mị gọi với theo: “A Phủ. Cho tôi đi! Ở đây thì chết mất”. Đó là khao khát sống, khao khát tự do mãnh liệt của Mị. Câu nói ấy khi cất lên đã làm quặn đau trái tim độc giả, truyền đến độc giả sự cảm nhận rõ nhất về biết bao khổ cực Mị đã phải gánh chịu, cùng với đó là sự phục sinh mạnh mẽ hơn tất thảy của niềm khao khát sống trong Mị. Kể từ đây, những áp chế về cường quyền, bạo quyền và thần quyền đều ở lại. Hai người rời bỏ Hồng Ngài và đến Phiềng Sa, những ngày phía trước ra sao họ cũng chưa biết đến, chỉ biết rằng phải cật lực chạy thoát khỏi địa ngục trần gian này.
Hành động cắt dây cởi trói cứu A Phủ chính là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Mị. Từ thân phận nô lệ, Mị làm chủ cuộc đời mình. Từ sức sống tiềm tàng, âm ỉ đã phát triển thành sức mạnh giải phóng để thay đổi cuộc đời. Nhà văn Tô Hoài đã thật tinh tế khi sử dụng nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, cách dựng cảnh sinh động, cách lột tả nội tâm nhân vật nhiều bất ngờ, thú vị. Ngôn ngữ mộc mạc giản dị đã đưa ta đến chốn Hồng Ngài đầy dẫy đau thương nhưng vẫn sáng lên khao khát sống mãnh liệt của con người. Từ hành động cứu người của Mị, chúng ta nhớ đến sự việc giải cứu linh hồn quỷ dữ làng Vũ Đại của nhân vật Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao. Chỉ với việc đem cho Chí bát cháo hành mà Thị Nở đã làm thay đổi suy nghĩ và tâm tính của một con người triền miên trong cơn say và tội lỗi. Phải chăng “tình thương là một thứ năng lượng kì diệu mà bản thân nó có thể tạo ra những phép lạ”. Hay như sức sống mãnh liệt của những con người đang trên bờ vực chết vì đói trong “Vợ nhặt” của Kim Lân, sau cùng họ vẫn hướng về ánh sáng của no ấm, tự do, hạnh phúc. Tiềm ẩn trong mỗi con người vẫn luôn là khát vọng sống lớn lao mà không một khó khăn, không một cường quyền, bạo quyền nào có thể vùi dập hoàn toàn.
Một loạt câu văn ngắn, nhiều động từ đã được Tô Hoài sử dụng tạo nên tình huống hành động, giàu kịch tính cho đoạn trích. Khác với những sự kiện ở đoạn trước, tâm lí của Mị được thể hiện chủ yếu qua ngôn ngữ độc thoại. Trong sự kiện cuối cùng mang tính chất cao trào này, nhà văn vừa sử dụng ngôn ngữ độc thoại, vừa xen kẽ những lời thoại ngắn nhằm tạo độ nén, độ căng cho tác phẩm. Từ đó nhà văn khẳng định sức sống tiềm tàng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chính nó đã giúp Mị vượt lên trên số phận đen tối của mình. Mị cứu A Phủ cũng đồng nghĩa với việc Mị tự cứu lấy bản thân mình. Qua đoạn trích trên, Tô Hoài đã ca ngợi những phẩm chất đẹp đẽ của người phụ nữ miền núi nói riêng và những người phụ nữ Việt Nam nói chung. Nhà văn đã rất cảm thông và xót thương cho số phận tủi cực, không lối thoát của đồng bào bị áp bức như Mị. Thế nhưng bằng một trái tim nhạy cảm và chan chứa yêu thương, Tô Hoài đã phát hiện và ngợi ca đốm lửa còn sót lại trong trái tim Mị. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn sáng lên ở đó. Đồng thời, tác giả Tô Hoài cũng đã khẳng định được chân lí muôn đời: “Ở đâu có áp bức bất công thì ở đó có sự đấu tranh’’, để chống lại áp bức, con người có thể dũng cảm vùng lên mạnh mẽ, dù đó là sự vùng lên một cách tự phát như Mị.
Câu chuyện “Vợ chồng A Phủ” khép lại nhưng đồng thời mở ra trong ta những xúc cảm đặc biệt. Hình tượng nhân vật Mị trong đêm mùa đông cởi trói cho A Phủ đã cởi nút thắt cho bao nhiêu tăm tối và cùng cực của con người, đó nhưng một lời tuyên ngôn về sức mạnh của tình thương yêu và khát khao sống, khát khao tự do mãnh liệt. Ngòi bút Tô Hoài đã diễn tả thành công cuộc đời cũng như con đường đấu tranh từ tự phát đến tự giác của đồng bào miền núi, bằng lời văn giàu tính tạo hình, ngôn ngữ giản dị, phong phú và nghệ thuật kể chuyện linh hoạt, lôi cuốn. Với “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã thực sự trở thành “kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường.” (Nguyễn Minh Châu)

11 tháng 3 2016

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhân vật Mỵ, đặc biệt nhấn mạnh nghệ thuật miêu tả tâm lý của Tô Hoài => Đi vào phân tích tâm lý của Mỵ trong đêm cởi trói cho A Phủ.

2. Giới thiệu về A Phủ và sự việc A Phủ bị trói.

            - A Phủ là một người nông dân nghèo, vì tội đánh con quan nên bị bắt về làm nô lệ nhà thống lý.

            - A Phủ chăn bò và để hổ ăn thịt mất một con bò nên bị thống lý bắt trói đứng vào cột mấy ngày liền.

3. Giới thiệu nỗi cô đơn, tủi nhục của Mỵ:

            - Cô đơn: Làm bạn với ngọn lửa.

            - Tủi nhục: Nhiều lần bị A Sử đánh khi ngồi sưởi ấm.

            - A Phủ bị trói gần nơi bếp lửa của Mỵ.

4. Tâm trạng ban đầu của Mỵ trước việc A Phủ bị trói

            - Mỵ vẫn thản nhiên . Dẫu A Phủ là cái xác chất đứng đấy cũng thế thôi -> Có lẽ vì cảnh trói người ở nhà thống lý diễn ra thường xuyên. Mỵ không buồn bận tâm.

5. Tâm trạng khi nhìn thấy một dòng nước mắt bò xuống má A Phủ:

            - Mỵ nhớ lại quá khứ, việc mình cũng bị trói => Đồng cảnh => đồng cảm sâu sắc.

            - Mỵ nghĩ nhiều đến cái chết:

            + Có một người đàn bà từng bị trói đến chết.

            + Người kia nay mai phải chết.

            + Ta là thân đàn bà ... đợi ngày rũ xương ở đây thôi.

            + Biết đâu A Phủ trốn thoát, Mỵ bị trói thay đến chết

            => Cái chết trở thành nỗi ám ảnh và vì thế Mỵ rơi vào trạng thái sợ hãi.

6. Đằng nào Mỵ cũng chết và lập tức sau đó Mỵ lựa chọn cái chết có nghĩa, chết vì tình thương ( chứ không phải chết vì con ma nhà thống lý, càng không phải chết oan, chết bị trói thay). Điều này khiến Mỵ quyết định cởi trói cho A Phủ.

7. Hành động cởi trói:

- Mỵ lấy dao cắt lúa cắt nút dây mây.

            => Tình thương chiến thắng nỗi sợ hãi.

            => Hành động này mang ý nghĩa là sự giải thoát cho đồng loại

8. Hành động chạy theo A Phủ:

            => Mang ý nghĩa là sự tự giải thoát, thể hiện khát vọng sống mạnh mẽ của Mỵ.

9. Đánh giá chung:

            - Thông qua diễn biến tâm lý và hành động của Mỵ trong đêm cởi trói cho A Phủ tác giả phát hiện ra sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của Mỵ.Điều này góp phần thể hiện sâu sắc giá trị nhân đạo của tác phẩm.

            + Lên án chính sách cai trị đọc ác, dã man của bọ địa chủ vùng rừng núi Tây Bắc.

            + Cảm thông và chia sẽ trước đời sống tủi nhục của người nô lệ.

            + Đề cao những phẩm chất và khát vọng của người nông dân - nô lệ và vạch ra con đường đấu tranh tự giải phóng đến với cách mạng của họ.

12 tháng 5 2017

a) Nêu tóm tắt số phận Mị và A Phủ

b) Giá trị nhân đạo của tác phẩm thể hiện trên các khía cạnh:

- Sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với những cảnh ngộ của người dân miền núi cao Tây Bắc.

- Phát hiện sức sống tiềm tàng, khát vọng tự do và hạnh phúc trong những con người nô lệ như Mị.

- Ca ngợi tình cảm đồng loại, tình cảm giai cấp trong những con người bị áp bức.

- Giúp nhân vật tìm đường đến với cách mạng và kháng chiến.

31 tháng 8 2016

Gii thích ý kiến

- Ý kiến thứ nhất: hành động cắt nút dây mây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị thật bất ngờ, đột ngột, không thể dự đoán trước: Đánh giá kết thúc của truyện Vợ chồng A Phủ là bất ngờ với mạch truyện, tâm trạng nhân vật Mị và cả người đọc.

- Ý kiến thứ hai: Đó là là một kết thúc tự nhiên, tất yếu:  ý kiến này nhìn nhận, đánh giá kết thúc của tác phẩm trong mối quan hệ với lô gíc diễn biến tâm trạng nhân vật Mị và mạch vận động tất yếu của đời sống con người: khi bị dồn đẩy đến bước đường cùng, con người sẽ vùng lên tìm ánh sáng cho mình.

Phân tích, chứng minh:

hành động cắt nút dây mây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị thật bất ngờ, đột ngột, không thể dự đoán trước: trong tác phẩm, Mị và A Phủ cùng là nô lệ trong nhà thống lí Pá Tra, song họ không có quan hệ tình cảm gì cụ thể, thậm chí là Mị đã gần như tê liệt hoàn toàn về ý thức, chỉ còn như con trâu, con ngựa. Trong hoàn cảnh A Phủ bị trói đứng đến gần chết, Mị vẫn thờ ơ đến mức như vô cảm trước nỗi khổ của A Phủ. Không ai có thể ngờ rằng, người con dâu bất hạnh và câm lặng ấy lại đột ngột cắt nút dây mây cởi trói cho A Phủ rồi chạy trốn theo anh. Đây là hành động  hoàn toàn không hề có sự chuẩn bị, tính toán từ trước.

- Đó là là một kết thúc tự nhiên, tất yếu: Đặt trong sự phát triển tính cách của hình tượng Mị thì đây lại là một hành động tự nhiên, tất yếu. Bởi lẽ, Mị là cô gái ham sống, yêu đời, yêu tự do, khát khao hạnh phúc. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt ở Mị dù có bị vùi dập đến kiệt cùng vẫn không lụi tắt. Đêm tình mùa xuân là minh chứng rõ nét cho sức sống ấy. Mặt khác, Mị vốn là cô gái giàu tình thương, vị tha, biết nghĩ, biết hi sinh cho người khác. Hành động của Mị là kết quả tất yếu của sự bóc lột, đàn áp tàn nhẫn của cha con thống lí nói riêng, tầng lớp phong kiến miền núi cao Tây Bắc nói chung đối với những người lao động nghèo. Hành động ấy chứng tỏ sức phản kháng mãnh liệt, khả năng hướng về cách mạng một cách tự nhiên của người dân Tây Bắc.

Bình lun, đánh giá chung:

       Cả hai ý kiến đều đúng, không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tài năng kể chuyện, miêu tả nội tâm nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Đồng thời, ta càng trân trọng hơn .tấm lòng yêu thương, đồng cảm của tác giả đối với người dân nơi đây.

 


 

11 tháng 3 2017

Khi "Mị lé mắt trông sang... một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại", giọt nước mắt tuyệt vọng của A Phủ đã giúp Mị nhớ lại mình, nhận ra mình, xót xa cho mình và thương người đồng cảnh. Lòng thương người trắc ẩn và tình giai cấp đã khiến Mị có hành động mạnh bạo: cắt dây cởi trói cứu A Phủ.

Đáp án cần chọn là: B

Câu 1:

Từ thuở xa xưa thanh niên Việt Nam đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Trong thời chiến họ luôn là lực lượng tiên phong trong các phong trào đánh giặc cứu nước, luôn là lực lượng nòng cốt của cách mạng, xả thân vì tổ quốc mà không tiếc thời tuổi trẻ. Vậy chúng ta những thanh niên may mắn được sinh ra trong thời bình, chúng là phải có trách nhiệm như thế nào để gìn giữ và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng đã được đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ đi trước, phải làm gì để xứng đáng hưởng được những thành quả ngày hôm nay. Mỗi chúng ta phải xác định cho mình một lí tưởng sống cao đẹp, phải có ước mơ và hoạch định ra cho mình một kế hoạch cụ thể, phải rèn đức luyện tài, phải hiểu được vai trò đất nước đối với chúng ta, có như vậy chúng ta mới xác định được đúng đắn nhiệm vụ của mình đối với đất nước. Chúng ta ra sức học tập cũng là đang thực hiện nhiệm của của mình với đất nước, nó không phải là một cái gì đó sâu xa như các bạn nghĩ nó chỉ đơn giản là làm tốt bổn phận của mình để phấn đấu trở thành một công dân tốt góp phần xây dựng một đất nước giàu đẹp vững mạnh. Như vậy trách nhiệm của thanh niên ở thời chiến hay thời bình đều do ý thức mỗi con người tuy nhiên nó lại được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau.

Câu 2:

Bàn về kết thúc đoạn trích "Vợ chồng A Phủ"

– Ý kiến thứ nhất: hành động cắt nút dây mây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị thật bất ngờ, đột ngột, không thể dự đoán trước: Đánh giá kết thúc của truyện Vợ chồng A Phủ là bất ngờ với mạch truyện, tâm trạng nhân vật Mị và cả người đọc.

– Ý kiến thứ hai: Đó là là một kết thúc tự nhiên, tất yếu:  ý kiến này nhìn nhận, đánh giá kết thúc của tác phẩm trong mối quan hệ với lô gíc diễn biến tâm trạng nhân vật Mị và mạch vận động tất yếu của đời sống con người: khi bị dồn đẩy đến bước đường cùng, con người sẽ vùng lên tìm ánh sáng cho mình.

Bình luận các ý kiến:

 Cả hai ý kiến đều đúng, không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc hiểu rõ hơn về tài năng kể chuyện, miêu tả nội tâm nhân vật của nhà văn Tô Hoài. Đồng thời, ta càng trân trọng hơn .tấm lòng yêu thương, đồng cảm của tác giả đối với người dân nơi đây.

12 tháng 12 2021

-

31 tháng 5 2020

a) Giới thiệu khái quát những nét cơ bản về tác giả, tác phẩm, nhân vật, vị trí đoạn văn trong tác phẩm đưa ý kiến của Tô Hoài.
B.Giải thích sơ lược ý kiến của Tô Hoài:
- Khẳng định hành động cởi trói cho A Phủ là thể hiẹn sức trỗi dạy mãnh liệt nhất của sức sống và vẻ đẹp tâm hồn ở Mỵ.
- Hành động này chỉ diễn ra trong khoảnh khắc bởi đây là hành động bột phát không có trong suy nghĩ ban đầu của Mỵ, nhưng đây là khoảnh khắc quyết định và tồn tại đời đời, bởi cắt dây trói cho A Phủ chính là Mỵ đã cắt sợi dây trói buộc cuộc đời mình khỏi ách thống lý Pá Tra, từ đây Mỵ và A Phủ bước sang cuộc đời tự do.
c. Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của Mỵ trong dêm cởi trói cho A Phủ để làm rõ ý kiến:
- Lúc đầu nhìn cảnh A Phủ bị trói, Mỵ vẫn thản nhiên, dửng dưng trong trạng thái vô cảm, vô thức ( dẫn chứng)
- Nhưng rồi đêm nay, qua ánh lửa bếp nhìn sang, Mỵ thấy "một dòng nước mắt... của A Phủ" thì Mỵ chợt xúc động.
- Trông người mà nghĩ đến mình, xót cho mình, Mỵ sống trở lại trong sự tự ý thức, thương mình, nhận ra kẻ thù ( dẫn chứng).
- Từ thương mình đến thương người rồi lòng thương người lớn dần hơn cả thương mình, trong lòng Mỵ nảy sinh ý nghĩ được hy sinh để cứu người (dẫn chứng).
- Từ ý nghĩ tới hành động: Mỵ cắt dây trói cho A Phủ sau đó vụt chạy theo A Phủ ® hành động tự phát song tất yếu hợp quy luật của sự phát triển tính cách, thể hiện sự trỗi dậy mãnh liệt nhất của tâm hồn, sức sống ở Mỵ.
d. Nhận xét nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của Tô Hoài:
Miêu tả tài tình vối những khám khá tinh tế: con người Mỵ hiện lên không giản đơn mà luôn có hai mặt tâm trạng đối lập nhau cùng tồn tại trong Mỵ, nó đan xen nhau, tranh đấu với nhau khiến tâm lý Mỵ thường xuyên vận động, chuyển hoá tạo sự hấp dẫn và bật lên giá trị nhân đạo của tác phẩm.

31 tháng 5 2020

A, MB

- giới thiệu nhà văn Tô Hoài: nhà văn lớn với số lượng tác phẩm đạt kỷ lục, Những sáng tác thiên về cuộc sống đời thường. Lối viết văn hóm hỉnh, sinh động của người từng trải

- giới thiệu truyện Vợ chồng A Phủ: người dân vùng lên ko cam chịu bọn thực dân và chúa đất áp bức

- Chi tiết nổi bật trong truyện: chi tiết cắt dây trói cho A Phủ của nhân vật Mị. Hành động này dù chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng nó là khoảnh khắc quyết định cuộc đời và hạnh phúc của Mị mãi mãi sau này.

--> Nút thắt cho câu chuyện

B, TB

- Động lực của việc cắt dây trói: giọt nước mắt của A Phủ gợi được lòng trắc ẩn trong Mị. Mị thấy thương và đồng cảm.

- Mị bùng lên khao khát được sống mà nó đã tắt ngấm bấy lâu nay. Mị khao khát sống nên dẫn đến hành động táo bạo chớp nhoáng đỉnh điểm: cắt dây trói và trốn theo A phủ. Vì dù gì ở nhà thống lí Mị cũng sẽ chết dần chết mòn nên Mị đánh liều bỏ trốn để tìm được hạnh phúc tự do hằng mơ ước mãi mãi

C, KB

Tổng kết cảm nghĩ của em.

BÀI LÀM

Nhà văn Tô Hoài là một nhà văn lớn, người có số lượng tác phẩm đạt kỷ lục trong văn học hiện đại Việt Nam. Những sáng tác của ông thiên về diễn tả những sự thật của đời thường. Không chỉ vậy, văn phong của ông còn luôn hấp dẫn người đọc bằng lối trần thuật sinh động, hóm hỉnh của người từng trải bằng vốn từ vựng giàu có, bình dị mà tài ba. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ trong tập "Truyện Tây Bắc" của Tô Hoài đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị và sức hút đối với nhiều thế hệ người đọc. Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về những người dân lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng để đi tìm cuộc sống tự do. Hẳn người đọc khó mà ta quên được chi tiết Mị cắt dây trói cứu A Phủ, chi tiết nút thắt cho câu chuyện. Theo tác giả, khi cắt dây cứu A Phủ, Mị đã tự cắt dây trói buộc cuộc đời mình với nhà thông lí Pá Tra; đây dù chỉ là chi tiết trong khoảnh khắc nhưng nó quyết định tương lai và cuộc sống tự do cả đời của Mị.

Trong hoàn cảnh bị bắt về làm kiếp trâu ngựa, đỉnh điểm là 1 lần bị A Sử trói vào cột nhà, Mị đã dần mất đi khao khát sống, tự do mà tiếp tục cam chịu cuộc sống địa ngục như vậy. Tuy nhiên, khi A Phủ bị trói ở nhà Mị. Sự đau khổ và giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức được bản năng khao khát sống đang mất dần trong Mị. "Chao ôi! nước mắt". Cái giọt nước mắt đau khổ ấy đã làm Mị “chợt nhớ lại” việc Mị bị trói đứng năm trước, cũng nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ không lau đi được. Mị lại nhớ đến người đàn bà đã bị trói chết trong nhà này và A Phủ chỉ đêm nay là chết thôi. Mị thấy thương những con người đồng cảnh ngộ với mình, đều bị nhà thống lý áp bức. Chi tiết là sự sống dậy của khao khát sống trong Mị. Cô đã đứng lên trong một ý thức chấp nhận sự hi sinh về mình: lấy con dao nhỏ cắt cho A Phủ. Đó là chi tiết nút thắt cho câu chuyện của cuộc đời Mị. Hành động cắt trói và bỏ trốn theo A Phủ là hành động táo bạo chớp nhoáng của Mị thể hiện được khao khát sống mãnh liệt. Vì dù gì ở lại đây cũng sẽ chết dần chết mòn nên Mị đánh liều một phen để đi tìm cuộc sống mình hằng mong ước trước đây. Nơi mà tương lai Mị được hạnh phúc, được tự do, no ấm.

Chi tiết mang đậm tính nhân văn và là sự phản kháng mạnh mẽ của những người nông dân đối với bọn chúa đất áp bức. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn thành công và để lại ấn tượng sâu sắc nhất của nhà văn Tô Hoài.