Em hãy viết bài văn cho các đề văn sau đây:
1. Tả một em bé bụ bẫm chừng 4- 5 tuổi.
2. Tả một cụ già đang ngồi câu cá.
3. tả về một người bạn thân của em.
4. Tả bố hoặc mẹ trong lúc em bị ốm.
5. Tả về một người bạn thân mà em quý mến.
6. Tả chú thợ rèn chợ quê.
7. Công nhân sữa đường.
8. Tả chị hàng xóm.
Các bạn nhớ giúp mình nhá. 1 tuần nữa là mình thi rồi.
1. Bống là em gái nhỏ dễ thương nhất mà em từng biết.
Trông bé không khác gì một thiên thần nhỏ. Bống có thân hình mập mạp, tròn trịa. Da Bống trắng hồng, mịn màng lắm. Nhìn bé, ai cũng muốn ôm lấy mà thơm, mà nựng lên đôi má phúng phính lúc nào cũng thơm thơm mùi sữa. Cặp mắt Bống to, tròn, sáng như hòn bi ve. Mái tóc hơi nâu nâu, xoăn tít, giống bố như tạc. Cái mũi bé hơi cao còn đôi môi thì lúc nào cũng đỏ mọng như được tô son. Bé thích nhất là chơi trò đóng giả làm cô Tiên. Những lúc đó, Bống được mặc váy trắng tinh, đi giày búp bê màu hồng phấn và được chị Cún tết tóc hai bên, buộc nơ màu hồng trông rất xinh. Bống rất hay xấu hổ. Mỗi khi được khen, bé thường chạy ra ôm chầm lấy mẹ, dụi đầu vào lòng mẹ, không chịu buông. Mặt bé lúc đó đỏ bừng trông rất đáng yêu. Bống rất thích vẽ và vẽ cũng rất đẹp. Mẹ mua cho bé hẳn một quyển vở và một hộp chì màu mới cứng. Bống thích lắm. Mỗi tối, Bống thường ngồi vào bàn “học bài” rất chăm chỉ. Bống vẽ được rất nhiều tranh: có bức cả nhà đang đi chơi công viên, có bức lại vẽ chị Cún đang múa hát. Lắm lúc cả chú mèo mun đang ngủ cũng trở thành nhân vật cho hoạ sĩ nhí thể hiện. Bống ước mơ sau này trở thành một hoạ sĩ tài ba, vẽ thật nhiều tranh, tranh nào cũng thật đẹp để tặng ông bà, bố mẹ và cả chị Cún nữa.
Bống thật đáng yêu.
2. Một buổi sáng mùa thu, tiết trời ấm áp, em có dịp quan sát một cụ già đang ngồi câu cá bên bờ hồ.
Hôm đó , cụ mặc bộ đồ bà ba màu xám trắng, tay cầm chiếc cần câu bằng trúc, lóng lánh dưới nắng mai hồng. Cụ trông thanh cao, giản dị và đầy chí khí. Tuy cụ đã ngoài bảy mươi nhưng khuôn mặt vẫn đầy đặn, đẹp lão. Vầng trán cao đã hằn sâu những nếp nhăn. Mái tóc bạc phơ, nhìn cụ như một ông tiên nhân đức. Cụ già thong thả buông cần trúc xuống hồ sen. Trời nước lênh đênh, những chú cá chép lượn lờ trông mây dưới nước, đàn cá rô tung tăng đùa giỡn, cụ lay nhẹ cần câu, mặt nước hồ chao động. Đàn cá liếc mắt nhìn lên thấy chú giun cựa quậy dưới lưỡi câu, chúng lấy làm thích thú. Cụ già đưa tay vuốt nhẹ chòm râu bạc trắng, mắt cụ đăm đắm nhìn lũ cá đang vờn mồi. Cụ vẫn ung dung hút thuốc lào, mùi khói thuốc bay ra quyện với hương sen đang phảng phất. Khói cứ bay cao, lan tỏa trong không gian vắng lặng. Bỗng cụ mỉm cười thật tươi, đôi mắt hiền từ của cụ ánh lên một niềm vui, niềm thú vị, thì ra đó là một chú cá chép vừa rón rén tới cắn câu. Cụ nhanh tay bật mạnh cần câu, chú cá chép vừa nuốt chửng con mồi và cũng vừa được cụ đưa lên bờ, rồi nằm gọn trong giỏ tre của cụ. Chú cá quẫy tũng toẵng. Cụ nói: “Nếu muốn trở về với nước thì cũng nằm đấy mà đợi cụ nhé! “ Lời nói của cụ lúc trong trẻo nghe như tiếng chuông đồng, lúc trầm trầm sâu lắng, rồi cụ bảo em:
– Con có thích cá không?
Em vội trả lời:
– Có ạ! Cụ câu cho con một chú cá rô nhé!
– Vậy thì ngồi đấy mà chờ ông.
Rồi cụ gọi:
– Cá rô ơi; hãy cắn câu đi nào!
Đàn cá rô vẫn vô tư, lượn lờ dưới nước, quanh quẩn bên đài sen để thưởng thức hương thơm. Chú giun vẫn cứ cựa quậy dưới lưỡi câu lóng lánh, cụ già vẫn kiên trì chờ đợi. Mặt hồ trải rộng, mênh mông và gợn sóng. Những đóa sen vẫn rung rinh, gật gù trong gió sớm. Đột nhiên, một chú cá rô dũng cảm đến gần lưỡi câu. Cụ già khẽ bảo em:
– Lần này thì con có cá rô rồi đấy.
Em vui lắm và thầm mong cho cá cắn câu. Cụ già như hiểu ý em, cụ cố nhìn con mồi. Cụ cũng mong có cá rô cho em. Bàn tay xương xương của cụ vẫn nắm chặt lấy cần câu. Bóng cụ trải dài dưới mặt nước trong xanh. Mấy cọng tóc bạc phất phơ trước trán. Cụ vẫn kiên nhẫn, đợi chờ. Lần này trông cụ lo lắng, không còn vẻ ung dung vì sợ em thấy thất vọng. Chú cá rô không cầm lòng trước miếng mồi ngon, chú đớp mạnh còn mồi rồi định tuôn chạy nhưng đâu còn kịp nữa. Chú đã mắc câu. Cụ già bung tay lên hất cần câu lên bờ hồ. Cụ mỉm cười rồi bắt cá bỏ vào chiếc bị cho em. Cụ còn dặn dò em:
– Ông cho cá con đây nhưng con phải hứa với ông là học giỏi đấy!
Em vội đưa hai tay đón lấy cá và cám ơn cụ rối rít: – Con cảm ơn cụ, con sẽ học giỏi ạ! Chào cụ con về ạ Cụ gật đầu khen em ngoan rồi vuốt nhẹ chòm râu. Có lẽ cụ hài lòng…
Em cầm chú cá đi về mà thầm cảm ơn cụ già tốt bụng kia… Lời dặn dò của cụ vẫn còn vang lời dặn dò của cụ già mà em xem như một ông tiên nhân hậu.
3. Ngày đầu tiên đến trường chắc ai cũng trong tâm trạng lo sợ, bẽn lẽn không dám nói chuyện với thầy cô, bạn bè của mình đúng không nào? Em cũng vậy đó. Khi ấy em rất nhút nhát, sợ sệt với những cảnh vật mới và cả thầy cô mới nữa. Và một người bạn đã giúp em hòa đồng tự tin hơn là Phương Trúc. Một người bạn thân ở lớp mà em quý mến nhất.
Em và Trúc chơi thân với nhau từ lớp Một đến giờ. Hai đứa bằng tuổi nhau nhưng Trúc cao hơn em một cái đầu và tính tình lại chững chạc, điềm đạm như người lớn đấy . Bạn không đẹp nhưng với khuôn mặt hiền lành dễ thương nên được rất nhiều bạn quý mến. Làn da ngăm ngăm màu bánh mật khỏe khoắn nhưng rất mịn màng bạn tự hào vì đó là sở hữu một làn da giống ba. Khuôn mặt dễ nhìn, tô điểm cho khuôn mặt ấy là mái tóc đen huyền trông khá mượt mà, lúc nào cũng được bạn cột rất gọn gàng. Thỉnh thoảng, Trúc còn thắt bính hai bên trông thật dễ thương làm sao . Vầng trán cao và rộng hơi nhô nhô về phía trước cho thấy bạn là một người thông minh và nhanh nhẹn. Nhưng em nghĩ bạn học giỏi là do bạn ham học hỏi, tìm tòi chứ không phải nhờ vầng trán cao. Trúc luôn thu hút mọi người vì đôi mắt như biết cười, biết nói. Mỗi khi nói chuyện cùng bạn, em mới thấy đôi mắt ấy đẹp biết nhường nào. Đã vậy, khi nhìn ai , Trúc cũng nhìn thẳng cho thấy bạn là một người trung thực, can đảm không sợ gì cả. Chiếc mũi củ tỏi , dù nó không đẹp lắm nhưng em lại thấy nó rất hợp với khuôn mặt tròn trịa của bạn. Sở hữu một hàm răng trắng đều như hạt bắp, bạn trông thật “ăn ảnh” trong các bức hình chụp em cùng với bạn.
Bạn là tấm gương để em noi theo . Ở lớp , Trúc là tổ trưởng nên bạn vừa học giỏi vừa tích cực tham gia các hoạt động học tập, văn nghệ do lớp, trường tổ chức. Mỗi ngày đi học, quần áo của bạn đều tươm tất, gọn gàng chứ không luộm thuộm như các bạn khác do bạn đã chuẩn bị trước từ tối. Tác phong của bạn luôn được cô tuyên dương trước lớp trong các buổi sinh hoạt cuối tuần, thế còn học tập thì sao nhỉ ? Thật ra , bạn rất chăm học và chữ viết của bạn cũng đẹp nữa . Trong lớp, mỗi khi cô cho bài tập toán nâng cao, bạn đều kiên trì suy nghĩ để tìm ra hướng giải chứ không bỏ cuộc như chúng em. Còn khi không hiểu bài, bạn liền tự tin nhờ cô hướng dẫn để rút kinh nghiệm cho các bài tập khác. Bạn còn được bạn bè đặc biệt danh là cây văn vì bạn viết văn rất hay, mạch lạc. Ở lớp, bạn vừa chăm học vừa lễ phép với thầy cô, hòa đồng cùng bạn bè còn ở nhà thì bạn cũng rất ngoan ngoãn , siêng năng làm việc . Có dịp đến nhà bạn chơi , em vô cùng bất ngờ khi thấy bạn đang cặm cụi nấu ăn , tưới cây... giúp bố mẹ . Bạn chia thời gian làm bài, làm việc rất hợp lý nên dù bận làm bài nhưng bạn vẫn còn thời gian giúp bố mẹ, chơi đùa giải trí.
Bạn Trúc là bạn thân nhất của em suốt thời Tiểu học. Mỗi khi buồn hay vui , chúng em đều trò chuyện chia sẻ với nhau rất vui vẻ. Đối với em, bạn luôn là một tấm gương sáng để em học tập theo . Còn vài tháng nữa là chúng em xa trường . Có thể chúng sẽ không gặp lại nhau nữa nhưng các kỉ niệm về bạn , em sẽ không bao giờ quên.
4. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, suốt đời vỗ mãi vào lòng con, dành cho con những gì đẹp đẽ, chân quý nhất từ tấm lòng. Mỗi khi ta ốm đau hay khỏe mạnh, mẹ lúc nào cũng lo lắng, quan tâm giành cho ta tất cả yêu thương từ tận đáy lòng bao la ấy. Và với em, hình ảnh mẹ khi chăm sóc em bị ốm đã để lại những dấu ấn khó phai.
Mẹ em có dáng người dong dỏng, thanh thoát. Khuôn mặt mẹ hiền từ, phúc hậu với nụ cười rạng rỡ. Nắng mưa, sóng gió cuộc đời mẹ kinh qua đã in dấu vào làn da nâu rám nắng rất chân quê, mộc mạc của người.
Có những lúc em cảm thấy mình thật ngốc vì dù mẹ có mắng mỏ hay trách móc em thì suy cho cùng cũng là để em nên người chứ đâu có phải vì ghét bỏ gì em. Có ai lại ghét bỏ đứa con mình dứt ruột chín tháng mười ngày sinh ra cơ chứ. Ấy vậy mà, thỉnh thoảng em vẫn cáu gắt, hờn dỗi và cãi lại mẹ. Rồi cho đến một ngày, khi em bị ốm nhìn thấy mẹ chăm sóc em mệt mỏi, vất vả như thế em mới càng thấm thía hơn về giá trị của tình mẫu tử.
Hôm đấy là vào buổi chiều, đã có dự báo thời tiết trời sẽ mưa to, mẹ dặn em rõ ràng là phải mang áo mưa đi cẩn thận vậy mà em mải chơi quên lời mẹ dặn. Kết quả là hôm ấy em bị dính mưa và đêm đến sốt cao. Nằm trên giường, em miên man chìm vào giấc ngủ say, đầu óc quay cuồng trống rỗng. Thỉnh thoảng em cảm nhận có bàn tay rất ấm của ai đó vuốt nhẹ mái tóc và khuôn mặt của mình. Hơi ấm ấy rất quen thuộc thân thương và chắc chắn đó chính là mẹ, cảm nhận của ta về tình mẫu tử không bao giờ là sai cả. Ánh đèn mờ mờ trong đêm, em lim dim mắt thấy thấp thoáng bóng mẹ đổ dài trên chiếc giường, thi thoảng lại sấp khăn lau trán cho em. Một hồi sau mẹ bón từng thìa cháo nhỏ cho em ăn. Ánh mắt mẹ nhuốm đầy ưu tư lo lắng. Một đêm dài, mệt mỏi và khó chịu đã qua đi, nhờ có bàn tay kì diệu và tình yêu thương của mẹ em đã đỡ sốt hơn. Sáng hôm sau tỉnh dậy, em thấy mẹ nằm gục bên cạnh giường, tay vẫn nắm lấy bàn tay non nớt của em. Đôi mắt mẹ thâm quầng, có lẽ vì do đêm qua thức khuya chăm sóc em nên không ngủ được. Mái tóc dài mượt mọi khi thay vào đó rối bời vì lăn lộn chạy qua chạy lại săn sóc cho em nên cũng chẳng có thời gian để chỉnh chu. Tự nhiên, lòng em dấy lên một cảm xúc bồi hồi khó tả, trong miên man xa xăm, vọng về trong em là những lần em nói hỗn với mẹ, những lời lẽ khó nghe mẹ nhường nhịn em, em bỗng thấy mình thật là một đứa trẻ hư. Đúng lúc ấy, mẹ tỉnh dậy, vội vàng ôm em vào lòng, hỏi han xem em đỡ chưa, ánh mắt đầy lo lắng đợi chờ. em bật khóc nức nở, ôm mẹ và ngập ngừng vài tiếng lí nhí không thành lời. Mẹ xoa đầu em mỉm cười đầy trìu mến.
Mẹ là vầng trăng, làm dịu mát tâm hồn thơ ngây trong trẻo của em, mẹ cũng là ánh mặt trời tỏa nắng tâm hồn em. Mẹ là tất cả những gì thiêng liêng, cao quý nhất. Cảm giác mỗi khi bị ốm được bàn tay mẹ chăm sóc như có liều thuốc tiên khỏi bệnh rất nhanh. Phải chăng đó chính là sức mạnh của tình mẫu tử.
5. Những năm tháng tuổi thơ được học dưới mái trường Tiểu học, em có rất nhiều bạn tốt. Bạn nào cùng dễ thương và đáng mến nhưng em thích rất là bạn Thuỳ Dung.
Thuỳ Dung năm nay tròn mười tuổi, bằng tuổi em. Dáng người bạn nhỏ nhắn, đi đứng nhanh nhẹn. Bạn có khuôn mặt tròn trĩnh trông rất dễ thương. Đôi mắt bồ câu đen láy sáng long lanh. Đôi mắt ấy biết buồn, cười, biết thông cảm với bạn bè xung quanh. Đôi môi đỏ như son luôn nở nụ cười tươi như hoa. Mái tóc của Thuỳ Dung đen nhánh và dài như suối xõa xuống bờ vai tròn trịa trông thật đáng yêu.
Hằng ngày, Thuỳ Dung đến trường với bộ đồng phục quen thuộc váy xanh, áo trắng. Chiếc khăn quàng đỏ trên vai như cánh bướm. Thuỳ Dung nói năng rất nhỏ nhẹ, tính tình hiền lành, chan hoà với mọi người, luôn giúp đỡ những bạn học yếu. Có điều gì bạn bè không hiểu, Dung đều tận tình giúp đỡ. Trong giờ học Dung thường phát biểu ý kiến xây dựng bài. Bài làm của Dung luôn đạt điểm cao.
Ở trường, Dung là một học sinh giỏi, về nhà, Dung là một người con ngoan Dung giúp mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, hướng dẫn cho em học. Có lần Dung tâm sự: “Cha mẹ phải làm việc vất vả để cho mình ăn học, mình phải học giỏi và ngoan ngoãn để cha mẹ vui lòng”.
Thuỳ Dung đã đế lại trong lòng bạn bè nhiều ấn tượng tốt đẹp. Bạn là tấm gương tốt cho các bạn noi theo. Tôi sẽ cố gắng học tập tốt đế xứng đáng là bạn thân của Thuỳ Dung. Sống trên đời ai cũng cần phải có 1 người bạn thân.
6. Mỗi lần cùng mẹ đi chợ, em lại ấn tượng với những người thợ rèn ở chợ quê. Họ ngồi ở một góc nhỏ trong chợ khá chật chội nhưng rất đông người ghé qua để mua dao và vật dụng khác.
Có lẽ những ông thợ rèn chỉ còn xuất hiện ở những khu chợ quê, khi mà các vật dụng gia đình được thay thế bằng các loại dụng cụ hiện đại như dao bằng inox người ta không mấy khi ra các lò rèn để rèn nữa. Chỉ còn những người nông dân chính gốc họ vẫn phải nhờ vào sự giúp đỡ của các ông thợ lò rèn để sửa chữa những vật dụng. Đi chợ quê không khó để bắt gặp một ông thợ rèn với những con dao, lưỡi cuốc, xẻng, liềm gặt… bày bán ngay trước những lò rèn của mình.
Người dân ở quê chủ yếu mua dao hay các dụng cụ lao động như lưỡi cuốc, liềm ở những lò rèn ở chợ. Những người thợ rèn thường ngồi một góc chợ thường thì những góc này rất ít người qua lại vì chỉ có những người cần đến họ sẽ tự tìm đến. Phía ngoài mỗi lò rèn của có cái bảng ghi dòng chữ nhỏ: nhận sửa liềm, rèn lại dao. Không phải mời gọi nhưng cứ đến gần mùa gặt những lò rèn này lại tấp nập người qua lại để mua liềm, rẽ lưỡi liềm náo loạn cả một khu chợ.
Bên ngoài những lò rèn là các mặt hàng mà chủ rèn bày bán, bên trong là một bếp than hồng rực để người thợ rèn làm việc. Để có một bếp than hồng người thợ rèn phải đến chợ từ rất sớm để chuẩn bị nhóm bếp và thắp lửa, chuẩn bị trả hàng cho khách đã đặt hàng từ trước. Bếp than hồng làm sáng cả một khu lều của người thợ. Người thợ rèn ngồi trong lán ngoài 40, tóc điểm những sợ bạc rõ rệt. Người thợ rèn vừa cho một chiếc liềm vào trong lò than. Nếu như trước họ phải thổi cho than hồng rực bằng những lò quay bằng tay giống như những cái quay tơ, thì giờ họ đã dùng lò để giữ than nóng lâu hơn. Đôi tay dẻo dai, không sợ nóng vẫn cho những chiếc dao hay chiếc liềm vào đống than đợi cho đến khi đỏ rực thì rút ra nhúng vào nước lạnh.
Những động tác được người thợ rèn làm nhanh thoăn thoắt như một nghệ nhân đã rất quen thuộc và điêu luyện với công việc của mình. Sau khi đưa những chiếc dao hay cái liềm ra khỏi lò nung các bác thợ rèn nhúng qua nước lạnh rồi lấy búa để đập nó trên một cái bệ bằng sắt để nó mỏng dẹt ra rồi sau khi nguội lại cho vào lò nung cho tới khi hồng đỏ rồi lại mang ra. Công việc chỉ có vậy nhưng làm việc bên cạnh một lò than đỏ rực thì những giọt mồ hôi rơi ra ướt hết cả chiếc áo mặc trên người mồ hôi rơi xuống mặt cứ lúc lúc bác lại phải ngơi tay để lấy chiếc khăn mặt quàng lên cổ lau mồ hôi một lần. Mồ hôi rơi như tắm có người thợ rèn không chịu được sức nóng vừa quạt cũng phải cởi áo ra vì không chịu được nóng.
Với bàn tay khéo léo sau khi những công đoạn trong lò đã hoàn thành thì người thợ rèn lại phải chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm của mình hơn nữa. Chỉ nhìn thôi cũng chưa được họ kiểm tra rồi cắt thử nếu được rồi mới trả cho khách. Người thợ rèn trong bếp lửa đỏ khuôn mặt ửng đỏ lên những vệt mồ hôi dài lăn trên má. Những mảnh tro tàn từ lớp than thỉnh thoảng bay lên phủ lên mái tóc nửa bạc, bay cả vào quần áo của người thợ. Tiếng gõ, tiếng đập dồn dập, làm cho một góc chợ không chỉ có tiếng nói của người mua, người bán mà còn có tiếng của bác thợ rèn với tiếng kêu vang một góc chợ quê. Âm thanh ấy khiến nhiều người trở nên quen thuộc và thấy vui hơn khi mỗi lần đi chợ. Người ta không chỉ thấy một không khí mua sắm, mà còn thấy được cái âm thanh của những lò rèn đỏ lửa phục vụ bà con nông dân trong những phiên chợ nghèo dưới mái lá đơn sơ. Bác thợ rèn với đôi tay chắc khỏe, rám nắng đang đội những nhát búa đanh thép để một con dao, một cái liềm hay một cái lưỡi quốc được xuất ra bán.
Tiếng cười nói xôn xao của khu chợ không thể lấp đi tiếng búa của người thợ rèn, những nhát búa đanh thép chắc chắn. Hình ảnh người thợ với những giọt mồ hôi lăn dài trên mặt cùng với bếp lửa hồng có lẽ làm cho mỗi người không thể nào quên mỗi lần ghé qua chợ quê.
7.
Những hôm trời nắng những chiếc áo bảo hộ ướt đẫm mồ hôi rơi. Nhìn những công nhân sửa đường giữa tiết trời nắng gần 40 độ, cái nắng rát phả vào mặt dù có đội mũ hay đội nón lá không tránh khỏi cái nóng. Chiếc áo đầm đìa nước, khuôn mặt đỏ vì nắng nóng những giọt mồ hôi lăn đều trên đôi má sạm nắng của những người công nhân. Chịu đựng bao vất vả, cực nhọc chỉ vì miếng cơm manh áo, vì sự an toàn của mỗi người có lẽ với họ là đây là niềm hạnh phúc mà họ dành cho con em họ hay những người thân trên mỗi con đường.
Chưa kể những hôm trời mưa mặc dù ai nấy đều che áo mưa kín mít từ trên xuống dưới nhưng không tránh khỏi bị ướt. Mọi người thì lo trú mưa nhưng họ vì công việc mà miệt mài làm việc vì sợ nước lớn lại ảnh hưởng đến công sức của mình đã dành ra. Mặc dù vất vả là thế nhưng họ vẫn cười nói vui vẻ trong lúc làm việc, đến khi nghỉ trưa với một xuất cơm hộp cũng mỉm cười hạnh phúc. Những đôi bàn tay vì cát đá mà chai sạn, trầy xước. Có những vết chai to nhìn rõ trên từng ngón tay, nhưng đôi tay ấy vẫn không ngừng làm việc ngày hôm nay có thể ở đoạn đường này rồi ngày mai ở đoạn đường khác. Họ vẫn làm việc không ngừng nghỉ những giọt mồ hôi vẫn rơi dù là ngày nắng hay ngày mưa, dù là ngày đông hay ngày hè. Sự vất vả, khó nhọc của những người thợ sửa đường góp phần mang lại hạnh phúc cho những người đi đường.Nhiều người nghĩ hạnh phúc là những gì cao quý lắm, nhưng đối với những cô chú công nhân sửa đường đó là một ngày làm việc vui vẻ, hiệu quả và năng suất. Hạnh phúc đơn giản với họ chỉ là sửa xong một con đường, được mang lại niềm vui cho mọi người khi được di chuyển trên những con đường đẹp, an toàn. Do vậy dù có vất vả nhọc nhằn đến mấy họ vẫn luôn sẵn sàng làm những công việc ấy để phục vụ mọi người.
Đi học về trên những con đường không khó để bắt gặp một bác hay một anh công nhân sửa đường đang là việc miệt mài. Bất chấp mưa hay nắng họ vẫn làm việc để cho các phương tiện giao thông được đi lại an toàn và đảm bảo.
Trên mỗi con đường mỗi khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nhưng mỗi khi có sự cố ta lại thấy sự có mặt của những cô bác công nhân sửa đường. Không quản ngại trời mưa hay trời nắng, sớm hay tối để đảm bảo cho các phương tiện giao thông được lưu thông an toàn những người công nhân sửa đường vẫn có mặt để khắc phục sự cố.
Những cô chú công nhân sửa đường thường mặc những bộ quần áo tối màu, hay có nhiều người lại mặc những bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh dương. Mỗi người một việc người thì dọn dẹp, người thì chở những xe đá và cát đổ vào những chỗ trống bên đường. Những công việc ấy không phân biệt ngày mưa hay nắng không phân biệt là sớm hay tối cần đảm bảo an toàn và hoàn thành công việc họ mới ra về.
Công việc nhiều người nhìn bề ngoài tưởng nhàn hạ nhưng cực nhọc và chịu nhiều vất vả, gian truân. Để có thể có mặt sớm tại một con đường các cô chú phải dậy sớm di chuyển từ nhà đến địa điểm được chỉ định sửa chữa. Bắt tay vào công việc từ khi trời còn sáng đến lúc trời tối khuya mới về đến nhà, chưa kể những hôm chưa xong việc hôm sau hay một tuần sau mới xong được. Làm vất vả nhiều lúc ăn cơm bụi, thậm chí mỗi người một xuất cơm hộp cho qua bữa nghỉ ngơi một chút lại bắt tay vào công việc ngay.
8. Gần nhà em có một chị hàng xóm mà em rất quý mến. Chị năm nay khoảng hai mươi tư tuổi. Chị Hiên là một cô giáo rất hiền hâụ. Chị có dáng người thanh mảnh, cao và hơi gầy.Những lúc em có bài khó, thì chị lại giảng dạy cho em hiểu. Chị thường nhắc nhở chúng em cần phải:"nghe lời bộ mẹ,học giỏi,ngoan ngoãn." Chúng em rất yêu quý chị Hiên. Chị Hiên cũng rất quý em như quý người em ruột của mình.
Chúc bạn học tốt!
Trong cuộc đời mỗi con người, chúng ta chắc hẳn luôn có những người bạn giúp chúng ta vượt qua những khó khăn và kề bên mỗi khi gặp chuyện vui cũng như chuyện buồn. Em cũng không phải là ngoại lệ, cũng có một người bạn thân luôn sẻ chia và giúp đỡ mỗi khi em gặp khó khăn. Kha – đó là tên đứa bạn thân nhất của em.
Kha năm nay bằng tuổi em, cũng là mười tuổi. Kha có nước da trắng như trứng gà bóc cùng dáng người thanh mảnh. Lúc nào đến lớp bạn cũng gọn gàng trong bộ đồng phục áo trắng quần đen, mái tóc dài được búi gọn gàng sau gáy. Kha có khuôn mặt bầu bĩnh và đôi mắt biết nói. Đôi mắt bạn to tròn lấp lánh ánh cười luôn cong cong như vầng trăng khuyết, nó như biết nói biết cười, biết sẻ chia mỗi khi em buồn và cổ vũ mỗi khi em gặp chuyện vui. Giọng nói của Kha trong trẻo như tiếng chim vàng oanh mỗi sáng, bạn đừng lầm tưởng rằng giọng nói ấy sẽ chua ngoa nhé. Bởi vì giọng nói ấy rất truyền cảm và vô cùng thu hút. Kha thường kể cho chúng em nghe những câu chuyện ma mà bạn ấy biết, với chất giọng ly kì hấp dẫn, nó luôn làm chúng em hét toáng mỗi khi đến đoạn cao trào. Đổi lấy một tiếng cười vang nhí nhảnh của nó là bộ mặt hoảng hồn của mấy đứa chúng em.
Thú thật lúc đầu em cũng không thích Kha bởi vì người đâu mà vừa học giỏi vừa xinh lại còn hát hay nữa. Không những thế ba mẹ lại rất hay lôi Kha ra để so sánh với em làm em cảm thấy rất bực bội cùng tủi thân bởi chẳng một đứa trẻ nào thích bị bố mẹ so sánh với bạn bè đâu, đặc biệt là trong khi đứa trẻ ấy còn không thích cô bạn kia nữa. Và có lẽ em vẫn sẽ ghét Kha như vậy nếu không có chuyện xảy ra lần đó.
Hôm ấy là một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, từng cơn gió bấc rít gào bên ô cửa sổ khiến em run lên. Chẳng hiểu sao chiều hôm trước em còn khỏe mạnh, chạy từ đầu sân đến cuối sân chơi trò đuổi bắt với anh trai mà ngày hôm sau đã ốm đến không dậy nổi. Em mệt mỏi mở to đôi mắt thẫn thờ nhìn bầu trời xám đen bên ngoài ô cửa, lòng nghĩ thầm cách để đến lớp mà không làm phiền ai. Mùa đông đến, em biến thành con sâu lười ham ngủ, chính vì vậy mà em luôn là nguời ngủ dậy muộn nhất nhà. Ba mẹ thường cùng anh trai em ăn sáng rồi đi học, đi làm em dậy sau nên sẽ ăn sáng sau rồi tự đi học. Nếu không phải hôm nay trường anh em tổ chức làm tình nguyện nên phải đi từ sớm thì nếu không anh sẽ không để em như thế này mà đến trường. Em đang đau đầu định bước xuống giường thì nghe thấy tiếng của Kha vọng từ bên ngoài vào:
- Lan ơi, cậu không đi bây giờ là cậu muộn học đấy!
Em muốn nói thật to cho nó rằng tớ đang bị ốm nhưng lời nói chẳng thể nào thoát ra khỏi cổ họng được. Chờ mãi không thấy ai trả lời, lại thấy đèn nhà em đang sáng, nó tò mò bước vào nhà không quên kèm theo câu: “Cháu xin phép ạ.”. Vào đến phòng em nó hoảng hốt chạy vào, hết sờ mặt lại sờ đến trán:
- Cậu sốt rồi, sao không gọi tớ vào, bố mẹ cậu đâu, anh trai cậu đâu sao cậu ở nhà một mình thế?
- Bố…mẹ…tớ…đi làm. Còn… còn anh tớ đi tình nguyện rồi…khụ..
- Cậu đã ăn sáng chưa? Rồi còn nhà cậu có thuốc không, để đâu chỉ tớ, tớ đi lấy.
Nhìn bộ dạng lo sốt vó của nó mà em ngỡ ngàng, bấy lâu nay em nghĩ Kha cũng chẳng ưa em vậy mà khi em ốm bạn liền lo lắng đến như vậy. Tự nhiên em cảm thấy mình đúng là một đứa bạn tồi, không nhận ra Kha tốt như thế nào mà chỉ theo suy nghĩ riêng của mình mà ghét bạn. Em ngại ngùng đón nhận sự giúp đỡ từ bạn mà vui sướng khi có một người bạn tốt như Kha. Sau khi nấu cháo cho em ăn, bạn còn giúp em uống thuốc và gọi điện xin phép cho cả hai chúng em cùng nghỉ bởi vì chăm sóc em đã khiến bạn muộn giờ học.
Từ hôm ấy ngày nào Kha cũng qua nhà giảng bài cho em, nhờ vậy mà em đã theo kịp bạn bè khi đi học trở lại mà không cần đến sự giúp đỡ của gia sư hay thầy cô phụ đạo thêm. Dù trước đây luôn ham chơi bỏ bê bài tập nhưng sau kỉ niệm lần ấy em đã chú ý hơn và nâng cao được điểm số khiến thầy cô và bố mẹ rất vui lòng. Tất cả là nhờ có sự tận tâm giúp đỡ của Kha, cuối học kì I vừa rồi chúng em đã đứng trong top 10 của lớp và được các thầy cô tuyên dương là đôi bạn cùng tiến đấy!
Em rất yêu quý cô bạn thân của mình và mong muốn tình bạn của chúng em cũng sẽ bển chặt qua thời gian để em có thể lưu lại được những kí ức tuổi học trò khi ở bên bạn bè và gia đình.