Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG
NẾU CÓ KHÁC BIỆT LÀ DO HỌC VẤN
Người ta thường nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Kể từ khi tạo hóa làm ra con nqười thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo.[...]
Vậy mà nhìn rộng ra khắp xã hội, cuộc sống con người luôn có những khoảng cách một trời một vực. Đó là khoảng cách giữa người thông minh và kẻ đần độn: giữa người giàu và người nghèo; giữa tầng lớp quý tộc và tầng lớp hạ đẳng.
Như thế là tại làm sao? Nguyên nhân thực ra rất rõ ràng.
Cuốn sách dạy tu thân Thực ngữ giáo có câu: “Kẻ vô học là người không có trí thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt”. Câu nói trên cũng có thể hiện: sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi.
...Như tôi đã đề cập: ở con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ.
(Khuyến học, Fukuzawa Yukichi - Phạm Hữu Lợi dịch, NXB Thế giới, 2017, tr.24)
Câu 1 : Hãy tóm tắt hệ thống ý cơ bản của văn bản giúp thể hiện quan niệm trong tiêu đề: "MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG. NẾU CÓ KHÁC BIỆT LÀ DO HỌC VẤN"? *
Câu 2: Anh/ chị hiểu như thế nào về các khái niệm "người đứng trên người" và "người đứng dưới người"? *
Câu 3 :Theo anh/ chị, học vấn có phải yếu tố duy nhất quyết định sự chênh lệch đẳng cấp sang - hèn, giàu - nghèo trong xã hội hay không? Vì sao? *
Câu 4 : Bài học lớn nhất anh/ chị rút ra cho mình từ văn bản trên là gì? Lí giải ít nhất 7 dòng. *
Tham khảo:
Câu 1:
Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì chúng ta đều có tư cách, địa vị, không phân biệt trên dưới, giàu nghèo.
Việc học đóng vai trò quan trọng đối với mỗi người và khi con người đều học tập, ta sẽ có được nhiều điều ý nghĩa trong đời.
Câu 2:
Người đứng trên người: là người tài giỏi, người lãnh đạo, người có quyền sai khiến người khác
Người đứng dưới người: là người ở trình độ thấp hơn, có kĩ năng, kinh nghiệm, tiền bạc ít hơn và cần phụ thuộc vào người đứng trên kia
Cách nói người đứng trên, người đứng dưới như vậy chính là chỉ sự bất bình đẳng.
Câu 3:
Học vấn không phải yếu tố duy nhất quyết định sự chênh lệch đẳng cấp sang - hèn, giàu - nghèo trong xã hội
Vì: đạo đức, kĩ năng, cách ứng xử... cũng góp phần phản ánh sang hèn, giàu nghèo ở con người.
Học vấn chỉ làm ta giàu có hơn về tri thức. Nhưng nếu ta học, ta có tài, mà ta không có đạo đức nhân cách, không có cách ứng xử đúng mực, tốt đẹp thì ta không thể tạo nên "đẳng cấp" của riêng mình.
Câu 4:
Bài học bản thân ta có thể rút ra cho bản thân mình chính là không ngừng học tập, nỗ lực trong cuộc sống. Học tập tri thức làm giàu vốn văn hóa, hiểu biết. Nhưng đồng thời, cũng không ngừng học tập các kĩ năng, kinh nghiệm, kiến thức. Đừng để bản thân mãi mãi chỉ giam mình trong sự kém hiểu biết, trong những hạn chế về thế giới quanh mình. Cách ta tạo nên giá trị của riêng mình chính là học tập, học để trau dồi, hoàn thiện. Học sẽ lan tỏa, tạo ra giá trị tới ta cũng như mọi người quanh ta. Còn nếu không học, con người vẫn sống, vẫn có thể đủ đầy, nhưng những giá trị, ý nghĩa thực sự của cuộc đời là điều mà mãi mãi ta không phát hiện ra.