Nêu cảm nghĩ của em về đất nước trước và sau thời kỳ đổi mới.
Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 30/4/1975, cả nước độc lập thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam từ đây có một sự thay đổi lớn: đất nước thoát khỏi thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Nhiệm vụ chính lúc này là khôi phục, ổn định xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện hòa bình. Tình hình đó đã đặt ra một yêu cầu là cần phải có những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp với tình hình mới của đất nước để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trên thực tế, các chủ trương, chính sách, biện pháp của Đảng ở một số mặt trong thời kỳ này chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, đặc biệt là những chủ trương, đường lối trong lĩnh vực kinh tế (những vấn đề liên quan đến lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất).
Sau khi giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, nước ta bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế. Đảng nhận thấy rõ những khó khăn của nền kinh tế đất nước: cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém; năng suất lao động thấp, sản xuất chưa đảm bảo nhu cầu đời sống và tích luỹ,... Đảng cũng vạch ra những nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là nền kinh tế nước ta là sản xuất nhỏ; công tác tổ chức và quản lý kinh tế có nhiều hạn chế,...Nhưng những điểm bất hợp lý trong quan hệ sở hữu Đảng lại chưa chỉ ra. Ở miền Bắc, Đảng chủ trương củng cố và hoàn thiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức toàn dân và tập thể. Ở miền Nam, Đảng chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế. Chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế ở đây là: sử dụng, hạn chế và cải tạo công nghiệp tư bản tư doanh chủ yếu bằng hình thức công tư hợp doanh; chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp; cải tạo thủ công nghiệp bằng con đường hợp tác hoá là chủ yếu; cải tạo thương nghiệp nhỏ chủ yếu bằng cách chuyển dần sang sản xuất ...(1)
Như vậy, thực chất của quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế ở miền Nam cũng như trong cả nước là nhằm xoá bỏ chế độ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu. Đành rằng, những người cộng sản muốn xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa thì lẽ đương nhiên là phải xoá bỏ chế độ tư hữu. Mác đã từng khẳng định: "những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất này: xoá bỏ chế độ tư hữu"(2). Tuy nhiên, việc xoá bỏ chế độ tư hữu nhằm chuyển mọi tư liệu sản xuất vào trong toàn xã hội là mục tiêu rất lâu dài và phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phải nhằm phục vụ việc phát triển sản xuất. Việc tiến hành cải tạo một cách ào ạt các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, cũng như việc quá coi trọng thay đổi quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà không coi trọng việc giải quyết các khâu tổ chức, quản lý sản xuất và phân phối đã dẫn tới việc không tìm ra cơ chế gắn người lao động với sản xuất. Tính chủ động, sáng tạo của người lao động bị giảm đi vì mọi tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội phải được sử dụng theo phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước. Tư liệu lao động từ chỗ là tài sản riêng của người lao động bỗng chốc trở thành những tư liệu được tập thể hoá nên đã làm suy yếu đi một lực lượng sản xuất to lớn, lợi ích cá nhân không được coi trọng đúng mức, hay nói như lời của một số nhà nghiên cứu: "ở nước ta trước đây (thời kỳ trước đổi mới), lợi ích kinh tế, đặc biệt là lợi ích cá nhân người lao động, một động lực trực tiếp của hoạt động xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, sự vận động của nền kinh tế nhìn chung là chậm chạp, kém năng động"(3).
Tại Đại hội IV, Đảng đặc biệt quan tâm tới việc hoàn thiện hệ thống quản lý kinh tế, nhằm vào những vấn đề quan trọng nhất là tổ chức lại nền sản xuất xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. "Tổ chức lại tất cả các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp,... trong cả nước theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ tình trạng phân tán, cục bộ, hình thành những ngành kinh tế - kỹ thuật thống nhất và phát triển trên phạm vi cả nước..."(4). Đồng thời với việc tổ chức lại nền sản xuất, Đảng chủ trương cải tiến phương thức quản lý kinh tế, lấy kế hoạch hoá làm chính. Kế hoạch hoá trên cơ sở đề cao trách nhiệm và phát huy tính sáng tạo của các ngành, các địa phương và các cơ sở. Trong quản lý kinh tế, Đảng cũng đã nhấn mạnh tới việc phải coi trọng quy luật giá trị; phải thực hiện chế độ hạch toán kinh tế; sử dụng tốt thị trường;... Nếu so sánh với công tác quản lý kinh tế được đề ra tại Đại hội III, thì tới Đại hội IV lần này công tác này đã có những bước chuyển biến nhất định, nhất là khâu kế hoạch hoá. Kế hoạch hoá không còn được nhấn mạnh là "pháp lệnh" như tại Đại hội III, mà đã chú ý hơn tới tính sáng tạo của các ngành, các địa phương và các cơ sở.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác quản lý kinh tế còn nhiều khuyết điểm, đặc biệt là không gắn kế hoạch với hạch toán kinh tế, do đó kế hoạch chưa thực sự xuất phát từ thực tế lao động sản xuất, thiếu tính khả thi. Đảng vạch rõ: "về tổ chức thực hiện, khuyết điểm, sai lầm của chúng ta là quan liêu, xa rời thực tế, không nhạy bén với cuộc sống; là bảo thủ, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế"(5). Trong khi đó, cơ chế quản lý quan liêu bao cấp vẫn tiếp tục được duy trì đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất, nhất là trong việc phân phối, lưu thông. Nhà nước đóng vai trò điều tiết giá cả nên đã không kích thích được sản xuất kinh doanh phát triển. Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp với đặc điểm "tách rời việc trả công lao động với số lượng và chất lượng lao động"(6), kết hợp với nguyên tắc "phân phối theo lao động" đã làm cho chế độ phân phối mang tính bình quân, do đó không kích thích được sự nhiệt tình và khả năng tìm tòi sáng tạo của người lao động.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế được đề ra tại Đại hội IV, Đảng đã có sự chuyển hướng tương đối phù hợp với điều kiện nước ta. Từ chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng được đề ra tại Đại hội III, tới Đại hội IV Đảng đặt ra nhiệm vụ tập trung cao độ lực lượng cả nước, của các ngành, các cấp, tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp... Sự chuyển hướng này có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết tình trạng thiếu lương thực, khai thác một cách triệt để hơn các nguồn lực trong nước, đồng thời sẽ tạo ra được những điều kiện và tiền đề cần thiết cho những bước đi tiếp theo.
Trong những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, đất nước ta lại phải đương đầu với 2 cuộc xung đột ở biên giới phía Bắc và cuộc xung đột biên giới phía Tây Nam . Tình hình đó ảnh hưởng không nhỏ tới công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở nước ta. Nền kinh tế đất nước vốn đã gặp rất nhiều khó khăn nay lại phải đương đầu với những kẻ thù mới khiến tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế trong 5 năm (1976-1980) chưa thu hẹp được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân. Sản xuất phát triển chậm trong khi số dân tăng nhanh. Thu nhập quốc dân chưa đảm bảo được tiêu dùng xã hội, lương thực và các hàng tiêu dùng đều thiếu...
Trước sự yếu kém của nền kinh tế đất nước, tại Đại hội V năm 1982, Đảng đã có nhiều chủ trương mới cả trong chiến lược phát triển kinh tế và cải tạo quan hệ sản xuất. Từ Đại hội III năm 1960, Đảng luôn khẳng định công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Đến Đại hội V này, điều mới và quan trọng là Đảng đã xác định cụ thể nội dung và hình thức công nghiệp hóa trong chặng đường đầu tiên. Đó là "tập trung phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên xã hội chủ nghĩa..."(7)
Gắn liền với việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tại Đại hội V, Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hoá nông nghiệp ở Nam bộ, từng bước phát huy tác dụng của hợp tác hoá đối với việc đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và xây dựng nông thôn mới. Rút kinh nghiệm từ phong trào hợp tác hoá trong những năm trước đây đưa quy mô hợp tác xã nông nghiệp lên quá lớn ở một số địa phương, trong chủ trương lần này, Đảng nhấn mạnh tới việc ổn định quy mô hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, tổ chức tốt việc điều chỉnh quy mô trong những trường hợp cần thiết. Một bước tiến mới trong việc xây dựng và củng cố hợp tác xã là Đảng chủ trương "áp dụng rộng rãi khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động" (*)(8). Chủ trương này đã mở ra một phương hướng đúng đắn cho việc củng cố quan hệ kinh tế tập thể ở nông thôn, vì nó đã bước đầu thừa nhận quyền tự chủ của nông dân (hộ xã viên được tự chủ ở 3 khâu: gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Có thể coi đây là khâu đột phá đầu tiên trong tiến trình đổi mới, là một tiền đề quan trọng để tiến tới sự đổi mới toàn diện và sâu sắc nền kinh tế xã hội.
Trong suốt thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm 1981-1985, phương thức khoán sản phẩm này đã góp một phần quan trọng tạo nên một bước phát triển của nền sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,9% so với 1,9% hàng năm của thời kỳ 1976-1980. Sản xuất lương thực có bước phát triển quan trọng, mức bình quân hàng năm từ 13,4 triệu tấn trong thời kỳ 1976-1980 đã tăng lên 17 triệu tấn trong thời kỳ 1981-1985(9) (tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, trong thời gian này, Đảng chủ trương tập trung phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu).
Tới hội nghị Trung ương tháng 7-1984, những kết quả tốt đẹp do áp dụng chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã được Đảng rút kinh nghiệm và cho phép áp dụng vào trong sản xuất công nghiệp, với khuyến khích bằng vật chất trong tìm kiếm nguyên vật liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sử dụng lợi nhuận thu được từ sản phẩm ngoài kế hoạch cũng như cho phép giám đốc được quyết định về vấn đề lực lượng lao động của doanh nghiệp(10). Với những điều chỉnh này đã bước đầu tạo được tính độc lập tự chủ của các doanh nghiệp nhà nước, do đó đã góp phần làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhưng lúc này kế hoạch sản xuất, lãi suất, phần nộp ngân sách, mức lương và đầu tư của doanh nghiệp vẫn theo kế hoạch nhà nước, vì vậy mà sự giải phóng sức sản xuất của các doanh nghiệp vẫn hạn chế. Tình hình đó đã đặt ra yêu cầu là cần phải mau chóng có những chủ trương, biện pháp hữu hiệu hơn có tác dụng giải phóng sức lao động mạnh mẽ, đặc biệt là cần phải tự do hoá quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tài chính doanh nghiệp, để thực hiện được điều đó thì cần thiết phải thay đổi cơ chế quản lý của Nhà nước.
Tuy ở Đại hội V này Đảng đã có một số điều chỉnh tương đối hợp lý, nhưng nhìn chung những điều chỉnh đó so với yêu cầu của thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhiều điểm bất hợp lý vẫn còn tồn tại trong đường lối kinh tế của đảng, quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục được tiến hành theo hướng mà Đại hội IV đã đề ra. Đảng chủ trương: đối với công nghiệp tư bản tư doanh vừa sử dụng vừa cải tạo dưới hình thức công tư hợp doanh hoặc các hình thức khác, đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ, tuỳ theo đặc điểm của từng ngành, nghề mà tổ chức các hình thức làm ăn tập thể hay kinh doanh cá thể... Như vậy, trong một thời gian nhất định, ở miền Bắc nước ta có 3 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể và cá thể), ở miền Nam có 5 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư nhân)(11).
Mặc dù thực tiễn đất nước sau nhiều năm thực hiện chủ trương cải tạo theo hướng như trên là không hợp lý, không đảm bảo việc phát triển sản xuất, nhưng những chủ trương được đề ra tại Đại hội V về việc cải tạo các thành phần kinh tế về cơ bản vẫn giống như tại Đại hội IV. Tuy công cuộc cải tạo đã được tiến hành trong nhiều năm, nhưng chúng ta chưa xác định rõ ràng, nhất quán những quan điểm, chủ trương và chính sách chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, trong việc tổ chức thực hiện còn mắc quá nhiều sai lầm, tư tưởng nóng vội muốn xoá bỏ ngay chế độ tư hữu để mau chóng xác lập một quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến "cách làm thường theo kiểu chiến dịch, gò ép, chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng và hiệu quả, sau những đợt làm nóng vội, lại buông lỏng. Do đó, không ít tổ chức kinh tế được gọi là công tư hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chỉ có hình thức, không có thực chất của quan hệ sản xuất mới"(12).
Sau hơn một thập kỷ nhận thấy rõ những hạn chế của cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp, nhưng phải tới Đại hội V Đảng mới có một chủ trương thực sự mang tính bước ngoặt để xác lập một cơ chế quản lý mới về kinh tế thay cho cơ chế cũ. Đảng chủ trương "đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hoá hiện hành, xoá bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp, khắc phục bằng được tình trạng bảo thủ, trì trệ, vô trách nhiệm, vô kỷ luật, phát huy động lực làm chủ tập thể, nâng cao tính năng động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật"(13). Cả Trung ương, địa phương và cơ sở đều làm kế hoạch kế hoạch phải thấu suốt nguyên tắc hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là trong cơ chế quản lý mới này thì mọi hoạt động kinh tế phải so sánh chi phí với hiệu quả. Các tổ chức và đơn vị kinh tế phải tự bù đắp chi phí và có lãi để tái sản xuất mở rộng. Từ đó sẽ khiến cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao tính tự lập, phát huy tính chủ động sáng tạo của mình để đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Trong thời gian thực hiện kế hoạch 5 năm 1981-1985, một số ngành và nhiều địa phương đã tiến hành những cuộc thử nghiệm, tìm tòi về cách làm ăn mới này nhằm khai thác khả năng tiềm tàng của nền kinh tế phát triển sản xuất, cải tiến lưu thông, phân phối, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân. Song, cho tới năm 1986 cơ chế tập trung quan liêu bao cấp về căn bản chưa bị xoá bỏ. Cơ chế mới chưa được thiết lập đồng bộ. Nhiều chính sách, cơ chế đã lỗi thời chưa được thay đổi, một số thể chế quản lý mới còn chắp vá, không ăn khớp, thậm chí trái ngược nhau.
Tuy vậy, với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý này, Đảng đã đề ra được một phương hướng quản lý mới có tính khả thi, thể hiện một sự chuyển biến đúng hướng trong quan hệ sản xuất nói chung và trong việc tổ chức và quản lý sản xuất nói riêng. Đây tiếp tục là một khâu đột phá mới để tiến tới sự đổi mới toàn diện và sâu sắc về kinh tế-xã hội.
Trong lĩnh vực phân phối sản phẩm lao động, những chủ trương của Đảng tại Đại hội V tiếp tục là một sự báo hiệuđể tiến tới một sự đổi mới toàn diện nền kinh tế xã hội. Chủ trương của Đảng về chế độ phân phối tại Đại hội lần này đang loại trừ dần hình thức phân phối bình quân bằng việc "áp dụng nguyên tắc phân phối theo lao động, gắn chặt tiền lương với năng suất lao động, mở rộng đúng đắn lương khoán, lương sản phẩm và tiền thưởng, đi đôi với cung ứng theo định lượng những mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước quy định"(14).
Tuy những chủ trương mới trong phân phối đã thể hiện sự quan tâm đúng mức đến lợi ích cá nhân người lao động, đề cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật của người lao động, nhưng do cơ chế hành chính quan liêu bao cấp vẫn chưa thực sự được xóa bỏ, quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa mắc nhiều sai lầm,... dẫn đến tình hình phân phối ở nước ta trong thời kỳ này vẫn chưa được cải thiện, thậm chí trầm trọng hơn trước, 'suốt 5 năm qua (1981-1985), lĩnh vực phân phối lưu thông luôn căng thẳng và rối ren"(15).
Đất nước ta sau nhiều năm trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhưng nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng thấp kém. Thực trạng đất nước vào giữa những năm 1980 với những khó khăn mới gay gắt và phức tạp: Hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; mất cân đối lớn trong nền kinh tế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều nhu cầu chính đáng tối thiểu của nhân dân về đời sống vật chất tinh thần chưa được đảm bảo...Thực trạng kinh tế - xã hội đó đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách xoay chuyển tình hình, tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển. Trên thực tế, Đảng ta đã làm được điều đó.
Thời kì đổi mới:
Nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng sa sút nghiêm trọng trong thời điểm diễn ra Đại hội VI năm 1986. Đảng nghiêm khắc đánh giá những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan, duy ý chí, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật khách quan. Một bài học sâu sắc được Đảng rút ra tại Đại hội VI là: "Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo những quy luật khách quan... Tiêu chuẩn đánh giá sự vận dụng đúng đắn các quy luật thông qua chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là sản xuất phát triển, lưu thông thông suốt, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao, con người mới xã hội chủ nghĩa ngày càng hình thành rõ nét, xã hội ngày càng lành mạnh, chế độ xã hội chủ nghĩa được củng cố"(16).
Sau nhiều năm cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo phương hướng xã hội chủ nghĩa hoá toàn bộ quan hệ sản xuất đã dẫn tới tình trạng sản xuất bị đình đốn, nền kinh tế phát triển chậm. Thực tiễn đó đã minh chứng một điều là cần phải mở ra một phương hướng mới để đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đó cũng đã chứng minh việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là một quá trình lâu dài, phức tạp và phải trải qua nhiều bước đường khác nhau. Đó là cả một quá trình tìm tòi, sáng tạo, cần phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn để vạch ra những bước đi tiếp theo, phải tránh sự dập khuân, máy móc. Lênin đã chỉ ra rằng "chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà người xã hội chủ nghĩa phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống(17).
Trên tinh thần đó, và xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước, tại Đại hội VI Đảng đã đề ra chủ trương thực hiện đường lối đổi mới đất nước, trước hết là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy".
Đảng nhận thấy rõ nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất trong thời gian qua (trước Đại hội VI) là do những sai lầm, thiếu sót trong việc bố trí cơ cấu kinh tế, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong cơ chế quản lý kinh tế. Chính vì vậy mà tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch và các chính sách kinh tế đề ra lần này là nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Trong chủ trương xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, Đảng xác định rõ: xây dựng quan hệ sản xuất mới cả ba mặt, làm cho nó thật sự mang bản chất xã hội chủ nghĩa, gắn với mỗi bước phát triển của lực lượng sản xuất, là công việc to lớn, không thể làm xong trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, khác với những năm trước đây, là những năm mà trong nhận thức cũng như trong hành động, chúng ta chưa thực sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài, từ Đại hội VI trở đi nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế đó là:
- Kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cùng với bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với thành phần đó.
- Các thành phần kinh tế khác gồm: kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng khác.
Đảng khẳng định: chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xuất phát từ đặc trưng nói trên mà đề ra những chủ trương và biện pháp đúng đắn.
Việc thừa nhận nền kinh tế cơ cấu nhiều thành phần thể hiện sự nhận thức mới của Đảng ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lênin đã từng khẳng định: "Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm và đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy"(18). Ở một đoạn khác, Lê nin giải thích rõ hơn: Vậy thì, danh từ quá độ có nghĩa là gì? vận dụng vào kinh tế có phải có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có(19). Tuy chúng ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội không trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa với tính cách là một chế độ xã hội, nhưng chúng ta vẫn có thể sử dụng những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được. Do vậy, sự tồn tại của những thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một điều hiển nhiên, nó nằm trong quy luật của sự phát triển nói chung, của sự phát triển xã hội nói riêng.
Từ thực tiễn đất nước sau thập kỷ đầu tiên cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng ta rút ra kết luận: "lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so vớ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tình hình thực tế của nước ta đòi hỏi phải coi trọng những hình thức kinh tế trung gian, quá độ từ thấp đến cao, từ quy mô nhỏ, đến quy mô lớn. Trong mỗi bước đi quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, phải đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo ra lực lượng sản xuất mới, trên cơ sở đó tiếp tục đưa quan hệ sản xuất mới tiến lên hình thức và quy mô mới thích hợp để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển"(20).
Trong những năm trước Đại hội VI, Đảng đã có những biện pháp nóng vội, muốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh, có xu hướng muốn tổ chức ngay các hợp tác xã quy mô lớn, không tính đến khả năng trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý và năng lực cán bộ trước sự phát triển của thực tiễn, Đảng ta đã nhận thấy rõ những sai lầm do áp đặt chủ quan gây ra. Sự phát triển của lực lượng sản xuất đòi hỏi phải có những quan hệ phù hợp với nó. "Những quan hệ sản xuất lạc hậu" hay "những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất" ắt sẽ kìm hãm sự phát triển của nó. Thực ra kinh nghiệm này đã được Lênin rút ra từ thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Người đã dũng cảm chỉ ra rằng: "chúng ta đã thất bại trong cái ý định dùng phương pháp "xung phong", nghĩa là dùng con đường ngắn nhất, nhanh nhất, trực tiếp nhất để thực hiện việc sản xuất và phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa"(21).
Từ đó Lênin đã quyết định chuyển sang thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP). Nội dung cơ bản của NEP có thể trình bày ngắn gọn như sau: thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thuế lương thực, cho phép tự do buôn bán, chủ nghĩa tư bản nhà nước(22). Như vậy, NEP đã đặt ra một vấn đề có thể nói là hết sức mới mẻ đối với chủ nghĩa Mác - vấn đề về khả năng và sự cần thiết phải sử dụng các biện pháp "quá độ gián tiếp" với nhiều nấc thang trung gian. Trước hết điều đó có liên quan đến nền sản xuất hàng hoá nhỏ ở một nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà tuyệt đại đa số là nông dân. Lênin viết, "không nghi ngờ gì nữa, ở một nước trong đó những người sản xuất tiểu nông chiếm tuyệt đại đa số dân cư, chỉ có thể thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng một loạt những biện pháp quá độ đặc biệt, hoàn toàn không cần thiết ở những nước tư bản phát triển..."(23). Đây đều là những kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta.
Việc thừa nhận nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần cũng có nghĩa là ngoài chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, cho phép những cá nhân được phép sử dụng vốn để sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Sự điều chỉnh này đã góp phần giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước, phát huy được tính năng động, chủ động, sáng tạo của người lao động do nó gắn liền với lợi ích cá nhân của họ - một động lực không nhỏ đối với sự phát triển xã hội. Hơn nữa, sự điều chỉnh này còn phát huy được tiềm năng tuy phân tán nhưng rất quan trọng trong nhân dân, bao hàm cả về sức lao động, kỹ thuật, tiền vốn, khả năng tự tạo việc làm...
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng là một nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, để tiến hành vững chắc công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng tích cực của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, "điều quan trọng nhất là củng cố và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, trước hết là làm cho kinh tế quốc doanh thật sự giữ vai trò chủ đạo, chi phối được các thành phần kinh tế khác"(24). Nghĩa là, công hữu về tư liệu sản xuất phải là hình thức sở hữu chính, chủ yếu, căn bản ở nước ta.
Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp trong những năm trước đây (trước Đại hội VI) đã không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn phân phối lưu thông và làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Chính vì vậy mà Đảng ta tiếp tục chủ trương việc triển khai thực hiện một cách triệt để việc đổi mới cơ chế quản lý đã được đề ra tại Đại hội V. Cơ chế mới về quản lý kinh tế mới chính là "cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ"(25).
Tính kế hoạch là đặc trưng số một của cơ chế quản lý kinh tế, ngay từ buổi đầu của thời kỳ quá độ, Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý nền kinh tế quốc dân theo một kế hoạch thống nhất. Để tăng cường vai trò của tính kế hoạch trong nền kinh tế quốc dân, Đảng chủ trương đổi mới kế hoạch hoá: "kế hoạch kinh tế quốc dân trong những năm tới phải bảo đảm thực hiện phương hướng sắp xếp lại nền kinh tế, bố trí đúng cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư theo chương trình mục tiêu. Các cân đối kế hoạch được xây dựng từ cơ sở và tổng hợp từ dưới lên với sự hướng dẫn và điều hoà của Trung ương. Kết hợp kế hoạch hoá theo ngành và kế hoạch hoá trên địa bàn lãnh thổ"(26). Các đơn vị kinh tế cơ sở với quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, khai thác mọi khả năng để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước.
Trong 5 năm đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới, công tác kế hoạch hoá đã có những bước tiến lớn có tác dụng tích cực đến quá trình sản xuất của các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Công tác kế hoạch hoá đã chuyển từ kế hoạch pháp lệnh sang kế hoạch định hướng là chủ yếu. Do đó, đã tạo được tính độc lập, tự chủ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Khác với cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu bao cấp, cơ chế quản lý mới này đặc biệt chú ý và sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hoá - tiền tệ: "Việc sử dụng quan hệ hàng hoá - tiền tệ đòi hỏi sản xuất phải gắn với thị trường, mọi hoạt động kinh tế phải so sánh chi phí với hiệu quả, các tổ chức và đơn vị kinh tế tự bù đắp chi phí và có lãi để tái sản xuất mở rộng"(27).
Cơ cế quản lý mới này có tác dụng rất lớn đối với quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá. Cuộc cải cách giá, chuyển từ hệ thống định giá hành chính sang cơ chế thị trường đã góp phần không nhỏ vào việc điều hoà cung cầu và giảm bớt chênh lệch về giá hàng hoá giữa các vùng trong nước nhờ giá cả phản ánh đúng giá trị và quan hệ cung cầu, do đó đã thúc đẩy nền kinh tế hàng hoá phát triển. Sau 5 năm thực hiện cơ chế mới, "hàng hoá trên thị trường, nhất là hàng tiêu dùng dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi"(28).
Tuy nhiên, việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế cũng có tác động không nhỏ tới các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ảnh hưởng tới các hợp tác xã thuộc lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xuất hiện hiện tượng tư nhân hoá các hợp tác xã. Tới năm 1991, khoảng 20% hợp tác xã, trong đó có những đơn vị chỉ là kinh tế tập thể về hình thức, cá thể hoặc chyển sang hoạt động dưới dạng tư nhân, ngay cả kinh tế nhà nước cũng vậy, mới chỉ gần một phần ba các xí nghiệp quốc doanh vươn lên trong kinh doanh và thích ứng được với cơ chế mới(29). Trong khi đó, cơ chế quản lý mới do mới hình thành nên còn nhiều hạn chế, còn thiếu nhiều luật lệ, chính sách đảm bảo sản xuất, kinh doanh đúng hướng, chậm tổng kết để đề ra chương trình tiếp tục đổi mới quản lý kinh tế có hệ thống. Bên cạnh những tiến bộ, sự quản lý và điều hành vĩ mô của Nhà nước ở các cấp cũng bộc lộ nhiều mặt non yếu. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều người có vốn lớn nhưng vẫn chưa mạnh dạn đầu tư, nhất là vào lĩnh vực sản xuất, vì môi trường kinh doanh chưa bảo đảm và có phần chưa tin vào sự ổn định của chính sách.
Đồng thời với việc điều chỉnh cơ cấu thành phần kinh tế và quản lý kinh tế, Đảng chủ trương tiếp tục điều chỉnh quan hệ phân phối sản phẩm lao động theo hướng mà Đại hội V đã đề ra. Trong chủ trương lần này Đảng nhấn mạnh: "việc thực hiện đúng nguyên tắc theo chế độ phân phối theo lao động đòi hỏi sửa đổi một cách căn bản chế độ tiền lương theo hướng đảm bảo yêu cầu tái sản xuất sức lao động, khắc phục tính bình quân... áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế"(30). Quan hệ phân phối này không những có tác dụng khắc phục được những mặt hạn chế trong quan hệ phân phối trước đây, như tính ỷ lại, thụ động, dựa dẫm... của người lao động mà nó còn có tác dụng kích thích người lao động hăng say sản xuất. Do đó, quan hệ phân phối này sẽ tác động tích cực tới việc tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất. Đối với những người lao động ngoài các cơ quan, xí nghiệp, Đảng và Nhà nước nhấn mạnh tới việc tôn trọng lợi ích chính đáng của những người hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp, có ích cho xã hội.
Sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng, tình hình lương thực, thực phẩm có chuyển biến tốt. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, năm 1989 còn phải nhập hơn 45 vạn tấn gạo, nay chúng ta đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân và cải thiện cán cân xuất nhập khẩu; hàng hoá thị trường, nhất là hàng tiêu dùng, dồi dào, đa dạng, lưu thông thuận lợi(31).
Một thành tựu khác về đổi mới kinh tế là bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tuy còn có những hạn chế nhất định tồn tại trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng những thành tựu bước đầu này chính là những tiêu chuẩn để Đảng ta đánh giá sự vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng nhận định: công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, chứng tỏ đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra là đúng đắn, bước đi của công cuộc đổi mới về cơ bản là phù hợp.
Tại Đại hội VII năm 1991, Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với bước đi vững chắc. Trong lĩnh vực quan hệ sản xuất, Đảng chủ trương tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế. Phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, bổ sung cho nhau trong nền kinh tế quốc dân.
Những điều chỉnh của Đảng về quan hệ sản xuất tại Đại hội VI đã tạo ra những hệ quả tất yếu của nó, đó là mộtnền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã dần hình thành. Sự hình thành nền kinh tế đó ở nước ta trước hết là do sự đổi mới các quan hệ sở hữu. Nếu như trước đây (trước Đại Hội VI), nền kinh tế nước ta chủ yếu là sở hữu toàn dân và tập thể thì hiện nay ngoài 2 hình thức sở hữu đó còn tồn tại nhiều thành phần sở hữu khác. Những năm trước thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn nhấn mạnh bảo đảm sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất nhưng lại không chủ trương xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, không chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu, không chấp nhận cơ chế thị trường... dẫn đến tình trạng lực lượng sản xuất bị kìm hãm không phát triển được, sản xuất trì trệ, nền kinh tế sa sút. Với chủ trương thực hiện đường lối đổi mới đất nước được đề ra tại Đại hội VI, quan niệm của Đảng ta về quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có sự thay đổi. Điều này đã được một số nhà nghiên cứu chỉ rõ: "trong quan niệm hiện nay của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã chứa đựng những tư tưởng đổi mới về quy luật của sự phù hợp khách quan giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Cái có ý nghĩa quyết định trong quy luật này là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Do vậy, trong sự phù hợp với trình độ phát trển của lực lượng sản xuất, sự tồn tại của các thành phần sở hữu đa dạng ở một nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn có cơ sở"(32).
Việc thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và các hình thức sở hữu khác nhau tất yếu phải có những thay đổi trong cơ chế quản lý kinh tế. Nếu như ở Đại hội VI Đảng ta mới chủ trương thay cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bằng cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thì tới nay, việc điều tiết nền kinh tế đất nước còn có sự tham gia của cơ chế thị trường. Trong cơ chế này, các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp, hợp tác và liên doanh tự nguyện. Thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nhằm tạo ra một môi trường kinh tế sôi động, Đảng chủ trương "kiên trì vận dụng cơ chế giá thị trường đối với sản xuất hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất, tỷ giá hối đoái, lãi suất tín dụng"(33).
Sự vận hành của cơ chế thị trường chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Đảng chỉ rõ: "Nhà nước quản lý nền kinh tế nhằm định hướng, dẫn dắt các thành phần kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt chẽ và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế, đảm bảo sự hài hoà giữa phát trển kinh tế và phát triển xã hội"(34).
Như vậy, sự quản lý của Nhà nước sẽ đảm bảo cho các hoạt động kinh tế diễn ra một cách bình thường, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị nhưng vẫn có tác dụng làm cho nền kinh tế phát triển theo một hướng đã định, đảm bảo nền kinh tế nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa đó, vai trò của quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế sẽ tạo cho các đơn vị kinh tế một môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để quản lý tốt nền kinh tế đất nước, Nhà nước phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô sao cho lực lượng sản xuất có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, tạo ra nguồn của cải dồi dào cho đất nước. Nhận thức rõ điều đó, tại Đại hội VII Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới, bổ sung và đồng bộ hoá hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng kế hoạch hoá, lấy thị trường làm đối tượng và căn cứ quan trọng nhất; xây dựng chính sách tài chính quốc gia và thực hiện cải cách cơ bản tài chính Nhà nước; ...
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những chủ trương này vẫn còn nhiều hạn chế, "hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chưa đồng bộ và nhất quán, thực hiện chưa nghiêm, công tác tài chính ngân hàng, kế hoạch hoá,... đổi mới chậm"(35). Tình hình đó đặt ra một nhiệm vụ đối với Đảng và Nhà nước ta là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô.
Trong quan hệ phân phối sản phẩm, để kích thích nền kinh tế hàng hoá phát triển, tại Đại hội VII, Đảng chú trọng tới việc điều chỉnh từ trả lương bằng hiện vật sang hình thức trả bằng tiền, kết hợp hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Đảng nhấn mạnh: "cải cách cơ bản chính sách tiền lương và tiền công theo nguyên tắc tiền lương và tiền công phải dựa trên số lượng và chất lượng lao động, đảm bảo tái sản xuất sức lao động, tiền tệ hàng hoá tiền lương, xoá bỏ chế độ bao cấp ngoài lương dưới hình thức hiện vật; thực hiện mối tương quan hợp lý về tiền lương và thu nhập của bộ phận lao động xã hội"(36). Ngoài ra, Đảng cũng khuyến khích mọi người tăng thu nhập và làm giàu dựa trên kết quả lao động và hiệu quả kinh tế; bảo hộ các nguồn thu nhập hợp pháp; điều tiết hợp lý thu nhập giữa các bộ phận dân cư, các ngành, các vùng... các chính sách phân phối đó thể hiện rõ một nguyên tắc mà Đảng đã nêu ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là: làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Do đó, quan hệ phân phối này đảm bảo được tính công bằng giữa những người lao động, đó là một điều kiện quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ngoài việc đổi mới và hoàn thiện các quan hệ sản xuất, Đảng còn đưa ra những chủ trương, biện pháp để nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất. Văn kiện Đại hội VII chỉ rõ: quan điểm của chúng ta là: trình độ lực lượng sản xuất ở nước ta còn thấp, lao động còn dư thừa, vốn còn hạn chế, ta phải kết hợp nhiều trình độ công nghệ, vừa tận dụng công nghệ sẵn có và từng bước cải tiến, nâng cao, vừa cố gắng tranh thủ công nghệ mới, lựa chọn từng mặt, từng khâu, từng ngành, mỗi cơ sở có khả năng tiến thẳng vào công nghệ hiện đại... Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, coi đây là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người, động lực trực tiếp của sự phát triển...
So với 5 năm đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới, giai đoạn 1991 - 1996 này Đảng và Nhà nước ta đã có những đổi mới đi vào chiều sâu của quan hệ sản xuất. Nhờ đó, nền sản xuất nước ta đã có một quan hệ sản xuất tương đối phù hợp, do đó lực lượng sản xuất được giải toả, tháo gỡ khỏi nhiều lực cản để phát triển.
Trong giai đoạn 1991 - 1995, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình trạng đình đốn trong sản xuất, rối ren trong lưu thông được khắc phục. Kinh tế tăng trưởng nhanh, nhịp độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm thời kỳ 1991 - 1995 đạt 8,2%, lạm phát bị đẩy lùi từ 774,7% năm 1986 còn 67,1% năm 1991, 12,7% năm 1995. Lương thực không những đủ ăn mà còn xuất khẩu được 2 triệu tấn gạo mỗi năm. Nhiều công trình thuộc kết cấu hạ tầng và cơ sở công nghiệp trọng yếu được xây dựng, tạo thêm sức mạnh vật chất và thế cân đối mới cho sự phát triển. Đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân được cải thiện. Trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hoá của nân dân khá hơn trước. ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Nhiệm vụ đề ra cho 5 năm 1991 - 1995 đã hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm (37).
Những thành tựu đó một lần nữa khẳng định sự nghiệp đổi mới đất nước được đề ra tại Đại hội VI là đúng đắn. Và đây cũng chính là những tiêu chí sát thực nhất để khẳng định những điều chỉnh trong quan hệ kinh tế của Đảng ta là phù hợp.
Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, lực lượng sản xuất ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế - xã hội không ngừng được ổn định và phát triển. Từ thực tiễn đó, tại Đại hội VIII năm 1996, Đảng ta nhận định: nước ta đã chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây là một nhận định cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa chỉ đạo đối với việc đề ra phương hướng, nhiệm vụ sắp tới.
Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá được Đảng ta chỉ rõ là: "xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". "Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp"(38). Công nghiệp hoá, hiện đại hoá chính là nhằm đẩy mạnh sự phát triển của lực lượng sản xuất, giúp cho quá trình cơ khí hoá, hiện đại hoá được diễn ra nhanh hơn. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nội dung không thể thiếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lê nin đã từng khẳng định: "cơ sở kinh tế duy nhất có thể có được của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí. Ai quên điều đó, người đó không phải là người cộng sản"(39). Tất nhiên, trong quá trình này người lao động phải không ngừng nâng cao trình độ khoa học và kiến thức chuyên môn để sử dụng, cải tiến và sáng tạo ra những công cụ lao động tiên tiến nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu của con người.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng có ý nghĩa là phải đầu tư rất lớn cho tư liệu sản xuất, mà trước hết là công cụ lao động. Nếu như năm 1995 tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ bản (bao gồm xây lắp, thiết bị và xây dựng cơ bản khác) là 26047,8 tỷ đồng, thì bắt đầu từ những năm thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá con số này đột ngột tăng: Năm 1996 là 35894,4 tỷ đồng; năm 1997 là 46570,4 tỷ đồng; năm 1998 là 51600,0 tỷ đồng ...(40). Nếu so sánh với năm 1995 thì năm 1998 tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ bản tăng gần 2 lần. Đó thực sự là một sự biến đổi lớn trong nội dung lực lượng sản xuất. Đảng nhấn mạnh: "nếu công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo nên lực lượng sản xuất cần thiết cho chế độ xã hội mới, thì việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần chính là để xây dựng hệ thống quan hệ sản xuất phù hợp"(41).
Để khẳng định nền kinh tế nhiều thành phần mà chúng ta đang xây dựng là nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chỉ rõ: "cần thiết phải chăm lo đổi mới và phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác, làm cho kinh tế nhà nước làm ăn thực sự có hiệu quả, phát huy vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế hợp tác xã phấn đấu dần dần trở thành nền tảng của nền nền kinh tế quốc dân"(42). Một đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Do vậy, Đảng ta đặc biệt coi trọng sự phát triển của kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã nhằm củng cố và phát triển chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Cho nên, mặc dù nền kinh tế nước ta có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển của nền kinh tế đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đối với kinh tế hợp tác xã, Đảng đã có những điều chỉnh thích hợp với cơ chế thị trường: "Hợp tác xã được tổ chức trên cơ sở đóng góp cổ phần và sự tham gia lao động trực tiếp của xã viên, phân phối theo kết quả lao động và theo cổ phần, mỗi xã viên có quyền như nhau đối với công việc chung"(43). Như vậy, sự điều chỉnh này đã đảm bảo được tính tự nguyện của người lao động khi tham gia hợp tác xã do có được cơ chế gắn người lao động với sản xuất, đảm bảo được lợi ích kinh tế của các xã viên. Đây chính là những điều kiện, những yêu cầu đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với mục đích huy động vốn, tạo thêm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả, Đảng nhấn mạnh tới việc thực hiện chủ trương cổ phần hoá một bộ phận doanh nghiệp nhà nước(44). Điều đó cũng có nghĩa là chấp nhận sự tham gia của các thành phần kinh tế khác trong các doanh nghiệp nhà nước. Thực chất của giải pháp này chính là để phát triển kinh tế tư bản nhà nước và đa dạng hoá các loại hình sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù luôn được sự quan tâm chú trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với vai trò chủ đạo của mình. "Hầu hết các doanh nghiệp kinh tế nhà nước đều hoạt động thiếu tính năng động và quá ỷ lại vào Nhà nước. Trong một số trường hợp, thậm chí kinh tế nhà nước còn vô tình hoặc cố ý bỏ rơi trận địa mà mình chiếm lĩnh, tiếp tay cho những phần tử tham nhũng, tiêu cực"(45). Sự kém năng động đó của các doanh nghiệp nhà nước đã làm suy giảm đáng kể chức năng định hướng phát triển và điều tiết kinh tế, điều tiết thị trường của kinh tế nhà nước trong quản lý nhà nước về kinh tế. Tình hình đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có những biện pháp thiết thực hơn trong những giai đoạn tiếp sau để nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước về kinh tế.
Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần không thể tách rời việc xây dựng đồng bộ và vận hành có hiệu quả cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định: "cơ chế thị trường đã phát huy tác dụng tích cực to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nó chẳng những không đối lập mà còn là một nhân tố khách quan cần thiết của việc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa"(46). Nền kinh tế đất nước sau những năm vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đã đạt được những thành tựu to lớn, nền kinh tế đã thoát ra khỏi khủng hoảng, sản xuất phát triển, hàng hoá dồi dào, lưu thông thuận lợi... Cơ chế thị trường có tác dụng như một guồng máy hoạt động của nền sản xuất và trong lưu thông hàng hoá, nó tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp. Đồng thời nó cũng có tác dụng như là một công cụ, một phương thức để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và mở ra cơ hội để tiếp xúc với bên ngoài... Cho nên, sự tồn tại của cơ chế thị trường là yếu khách quan và tất yếu đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, cơ chế thị trường còn có những tác động tiêu cực với bản chất của chủ nghĩa xã hội, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, hiện tượng suy đồi đạo đức ngày càng phổ biến... Chính vì vậy, vận dụng cơ chế thị trường đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, nhằm phát huy tác dụng tích cực đi đôi với ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những mặt tiêu cực. Phải xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường, đồng thời xây dựng và hoàn thiện các công cụ pháp luật, kế hoạch các thiết chế tài chính, tiền tệ và những phương tiện vật chất và tổ chức cần thiết cho sự quản lý của nhà nước tạo điều kiện cho cơ chế thị trường hoạt động hữu hiệu. Nhà nước thực hiện sự quản lý vĩ mô của mình bằng các công cụ, phương tiện. Để nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước thì nhất thiết phải không ngừng đổi mới, bổ sung và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô này. Để các công cụ quản lý vĩ mô này phát huy hiệu lực, đòi hỏi việc xây dựng chúng phải xuất phát từ thực tiễn, từ những yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trên cơ sở đó, Đảng khẳng định: "thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch hoá"(47).
Trong quá trình thực hiện các chủ trương trên, Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện vai trò quản lý kinh tế, quá trình xây dựng và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô đã đạt được những thành tựu nhất định, chẳng hạn như việc xây dựng hoàn chỉnh và cho ban hành Luật doanh nghiệp trong năm 2000 vừa qua, chính vì thế mà hơn 15 nghìn doanh nghiệp (chủ yếu là tư nhân và hỗn hợp) đã ra đời trong năm 2000. Cũng chính sự ra đời của Luật doanh nghiệp đã làm cho tốc độ tăng trưởng của các thành phần kinh tế tăng nhanh trong năm 2000: so với năm 1999, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp nhà nước tăng 12,2%, công nghiệp ngoài nhà nước tăng 18,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,5%(48). Tuy nhiên, trong công tác quản lý kinh tế của Nhà nước vẫn còn có những mặt chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển của lực lượng sản xuất, văn kiện Đại hội IX của Đảng đánh giá: cơ chế chính sách không đồng bộ và chưa tạo động lực mạnh để phát triển. Một số cơ chế chính sách còn thiếu, chưa nhất quán, chưa sát với cuộc sống, thiếu tính khả thi. Nhiều cấp, nhiều ngành chưa thay thế, sửa đổi những quy định về quản lý nhà nước không còn phù hợp; chưa bổ sung những cơ chế chính sách mới có tác dụng giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất ... Việc ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật còn rất chậm. Những mặt hạn chế này đang đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với Đảng và Nhà nước ta là mau chóng phát hiện ra những bất hợp lý trong quan hệ sản xuất để sớm điều chỉnh cho phù hợp với lực lượng sản xuất đang không ngừng vận động, sự vận động của lực lượng sản xuất có thể làm nảy sinh những thành phần kinh tế mới, chẳng hạn như thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Đảng ta phải nhanh chóng có những chủ trương, chính sách để các thành phần kinh tế phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chấp nhận nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là vì mục tiêu con người, làm cho đời sống người lao động ngày càng sung túc hơn, tiến bộ hơn.. Cho nên, trong quan hệ phân phối, Đảng ta luôn chú trọng tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Công bằng xã hội không chỉ là động lực, mà còn là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chúng ta không thể chấp nhận tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà phải luôn gắn với một quan hệ phân phối đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động, phải làm cho bản chất xã hội chủ nghĩa ngày càng sáng tỏ hơn.
Giai đoạn 1996-2000 là giai đoạn mà nền kinh tế nước ta phát triển trong những điều kiện rất khó khăn: những yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta; những thiên tai liên tiếp; cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế ở một số nước châu Á; tình hình thế giới diễn biến phức tạp... Tuy vậy, nền kinh tế nước ta vẫn đạt được những tành tựu quan trọng; Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân hàng năm 7% (mục tiêu đặt ra tại Đại hội VIII là 9-10%). Năm 2000 đã chặn được đà giảm sút mức tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra"(49). Nếu so sánh với giai đoạn 1991-1995 thì giai đoạn này có sự giảm sút rõ rệt, tổng sản phẩm trong nước đạt 8,2% trong giai đoạn 1991 - 1995 nay giảm xuống còn 7%. Sự giảm sút đó có nguyên nhân không nhỏ từ các điều kiện khách quan gây ra, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được những nguyên nhân do chủ quan gây ra. Những đổi mới trong lĩnh vực kinh tế tuy đã đi đúng hướng nhưng còn chậm, đặc biệt là trong công tác quản lý kinh tế, chưa theo kịp sự vận động của lực lượng sản xuất, chưa có tác dụng giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất.
Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế, thành công bước đầu trong việc chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục một bước tình trạng nước nghèo và kém phát triển, tạo thêm điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trình độ phát triển của nước ta còn thua kém nhiều so với một số nước xung quanh và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn vẫn là thách thức. Hoàn cảnh đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tại Đại IX năm 2001, Đảng ta thể hiện rõ quyết tâm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì nhất thiết phải có một nền sản xuất phát triển, lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của nền sản xuất. Nhưng lực lượng sản xuất chỉ có thể phát triển khi có một quan hệ sản xuất phù hợp với nó, chính vì vậy tại đại hội IX Đảng ta tiếp tục khẳng định thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, sự vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là một yêu cầu tất yếu khách quan. Bởi vì trong thời kỳ quá độ ở nước ta, những điều kiện chung của kinh tế hàng hoá vẫn tồn tại: sự phân công lao động xã hội đang phát triển mạnh mẽ; sự chuyên môn hoá và hợp tác lao động đã mở ra trên phạm vi quốc tế; nền kinh tế đã và đang tồn tại với nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động; mỗi hình thức sở hữu có nhiều đơn vị kinh tế độc lập về sản xuất, kinh doanh... Mô hình kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp tồn tại một thời đã kìm hãm sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường đã thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển. Chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường đang tạo nên những cơ sở vật chất quan trọng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng ta chỉ rõ: "mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân"(50). Do đó, có thể coi kinh tế thị trường là một công cụ, một phương tiện để chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lực lượng sản xuất chỉ có thể phát huy hết khả năng của nó trên một "địa bàn đầy đủ", tức là trên một quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của nó. Hơn lúc nào hết, Đảng ta đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng một quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là một công việc không hề đơn giản bởi trên thực tế trình độ của lực lượng sản xuất ở nước ta còn thấp kém, có sự đan xen giữa 3 cấp độ thủ công - cơ khí - hiện đại, "cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại, trong mỗi vùng, mỗi ngành vẫn còn phải chuyển biến sản xuất từ thấp đến cao, từ kinh tế tự cung, tự cấp lên sản xuất hàng hoá nhỏ, từ sản xuất hàng hoá nhỏ lên hàng hoá tư nhân, tư bản nhà nước, từ kinh tế cá thể tiến lên kinh tế tập thể; ..."(51). Chính vì thế mà Đảng ta luôn nhấn mạnh tới việc phát triển lực lượng sản xuất gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối". Đảng cũng xác định rõ động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức, kết hợp hài hoà các lợi ích tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế và của toàn xã hội. Việc xây dựng các quan hệ sản xuất mới cả trên phương diện sở hữu, quản lý và phân phối một cách hợp lý sẽ làm cho động lực đó thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước.
Với kinh nghiệm sau nhiều năm lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta nhận thấy rõ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là sản phẩm của nền kinh tế phát triển với trình độ xã hội hoá cao các lực lượng sản xuất hiện đại, từng bước được xác lập và sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khi chủ nghĩa xã hội được xây dựng về cơ bản. Điều đó lý giải tại sao Đảng và nhà nước ta chủ trương thực hiện lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là một quá trình phát triển kinh tế xã hội lâu dài trải qua nhiều bước và nhiều hình thức từ thấp tới cao. Sự nóng vội, đốt cháy giai đoạn, bỏ qua những hình thức trung gian sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế đất nước, thậm chí còn gây ra sự phung phí, phá hoại lực lượng sản xuất. Trên thực tế, điều này đã được Đảng ta đúc kết thành một bài học. Cho nên, việc xây dựng chế độ công hữu nói riêng và quan hệ sản xuất mới nói chung đòi hỏi phải từ thực tiễn tìm tòi, thử nghiệm để xây dựng nên. "Tiêu chuẩn căn bản để đánh giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội"(52) .Từ tiêu chuẩn này cho phép chúng ta đánh giá chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu của Đảng ta trong điều kiện hiện nay là đúng đắn.
Nền kinh tế thị trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế. Vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khắc phục những yếu kém, thúc đẩy những nhân tố tích cực luôn nảy sinh trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, đưa nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện tốt vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng hoàn thiện và sử dụng các công cụ như pháp luật, chính sách,... Đảng ta nhấn mạnh: "Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, quản lý kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, sử dụng cơ chế thị trường để kích thích sản xuất, phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, của toàn thể nhân dân"(53). Trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế đất nước, vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành, phát triển các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc quản lý và điều tiết tốt các loại thị trường, nhất là thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối... sẽ tránh được những đột biến xấu cho nền kinh tế đất nước.
Tại Đại hội Đảng IX, Đảng tiếp tục chủ trương đổi mới sâu rộng cơ chế quản lý kinh tế, phát huy những yếu tố tích cực của cơ chế thị trường, triệt để xoá bỏ bao cấp trong kinh doanh, tăng cường vai trò quản lý và điều tiết vĩ mô của nhà nước. Để nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, Đảng đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô, nhất là đối với kinh tế Nhà nước, Đảng nhấn mạnh việc phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, coi đó là động lực vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Đảng đưa ra giải pháp: "thực hiện tốt chủ trương cổ phần hoá và đa dạng hoá sở hữu đối với những doanh nghiệp nhà nước không cần 100% vốn; giao, bán, khoán, cho thuê,... Các doanh nghiệp loại nhỏ Nhà nước không cần nắm giữ, sáp nhập, giải thể, cho phá sản những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả và không thực hiện tốt các biện pháp trên"(54). Đây là một giải pháp quan trọng, hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường huy động vốn tiềm tàng trong dân cư đầu tư vào doanh nghiệp, tập trung được đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực then chốt, mũi nhọn, thúc đẩy và huy động các nguồn đầu tư trong nước. Thực hiện giải pháp này cũng có nghĩa là cần phải tích cực chuyển giao, chuyển đổi một số công nghệ sản xuất và dịch vụ cho các thành phần kinh tế khác, do đó đây là một bước đi cần phải hết sức thận trọng.
Ngoài ra, Đảng cũng đặc biệt chú trọng tới việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ sở kinh tế có yên tâm sản xuất kinh doanh hay không phụ thuộc rất lớn vào việc tổ chức và quản lý kinh tế của Nhà nước. Một môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phát huy hết khả năng của mình. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tiến hành sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Đảng cũng chú trọng tới việc "đổi mới hơn nữa công tác kế hoạch hoá, nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, tăng cường thông tin kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, công tác kế toán thống kê; ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và công nghệ trong dự báo, kiểm tra tình hình thực hiện ở các cấp vĩ mô và doanh nghiệp"(55).
Việc xây dựng các chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế gắn liền với hạch toán kinh tế cũng như gắn liền với việc sử dụng các thành tự khoa học - công nghệ, không những có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao trình độ dự báo kinh tế - xã hội mà còn bảo đảm các cân đối tổng thể cơ bản của nền kinh tế (cung - cầu; tiền - hàng; thu - chi; xuất - nhập, tích luỹ - tiêu dùng..). Việc đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế là một yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước, đưa nền kinh tế đất nước phát triển theo định hướng xã hội và đảm bảo cho mọi thành phần kinh tế yên tâm sản xuất kinh doanh.
Trong chủ trương thực hiện quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tại Đại hội IX, Đảng tiếp tục khẳng định một hình thức phân phối chủ yếu là phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế. Cũng tại Đại hội IX, Đảng đề ra chủ trương phân phối "theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội"(56). Đây là một bước tiến so với nguyên tắc phân phối được nêu trong văn kiện các Đại hội VI, VII và VIII. Bởi vì, nguyên tắc phân phối này đã tính đến nét đặc thù của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta đang có nhu cầu bức bách phải thu hút vốn đầu tư để có điều kiện và mở rộng sản xuất. Tất nhiên, đây chưa phải là nguyên tắc phân phối của chủ nghĩa xã hội, nhưng nó phù hợp với thực tiễn của thời kỳ quá độ. Do đó, nguyên tắc phân phối này chính là nguyên tắc phân phối của thời kỳ đi lên chủ nghĩa xã hội cho dù nó chưa phản ánh đầy đủ nét đặc thù của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Nói tóm lại, chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện tư duy, quan niệm của Đảng ta về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nếu đánh giá một cách tổng thể về đường lối kinh tế của Đảng ta kể từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến nay có thể thấy có sự khác nhau giữa 2 giai đoạn trước và sau đại hội VI năm 1986. Ở thập kỉ đầu tiên cả nước thống nhất đi lên CNXH, đường lối kinh tế của Đảng ta có nhiều điểm không hợp lý, không phù hợp với điều kiện, tình hình của nước ta. Bước vào thời kì đổi mới (từ năm 1986), Đảng ta đã đưa ra được một đường lối kinh tế đúng đắn, đường lối kinh tế đó vừa gắn liền với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa có sự phát triển sáng tạo, phù hợp với điều kiện , hoàn cảnh nước ta. Nhờ có đường lối kinh tế đúng đắn đó đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao (năm 2004 là 7,7 %), tình hình chính trị ổn định, quốc phòng an ninh vững chắc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện (tính đến 31/12/2002 là khoảng 500 USD/ người(57), vị thế đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế…Những thành tựu đó chính là cơ sở để khẳng định đường lối kinh tế đúng đắn của đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 30/4/1975, cả nước độc lập thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam từ đây có một sự thay đổi lớn: đất nước thoát khỏi thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Nhiệm vụ chính lúc này là khôi phục, ổn định xây dựng và phát triển đất nước trong điều kiện hòa bình. Tình hình đó đã đặt ra một yêu cầu là cần phải có những chủ trương, chính sách, biện pháp phù hợp với tình hình mới của đất nước để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trên thực tế, các chủ trương, chính sách, biện pháp của Đảng ở một số mặt trong thời kỳ này chưa đáp ứng được những yêu cầu đặt ra, đặc biệt là những chủ trương, đường lối trong lĩnh vực kinh tế (những vấn đề liên quan đến lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất).
Sau khi giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, nước ta bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế. Đảng nhận thấy rõ những khó khăn của nền kinh tế đất nước: cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém; năng suất lao động thấp, sản xuất chưa đảm bảo nhu cầu đời sống và tích luỹ,... Đảng cũng vạch ra những nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là nền kinh tế nước ta là sản xuất nhỏ; công tác tổ chức và quản lý kinh tế có nhiều hạn chế,...Nhưng những điểm bất hợp lý trong quan hệ sở hữu Đảng lại chưa chỉ ra. Ở miền Bắc, Đảng chủ trương củng cố và hoàn thiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất dưới hai hình thức toàn dân và tập thể. Ở miền Nam, Đảng chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế. Chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế ở đây là: sử dụng, hạn chế và cải tạo công nghiệp tư bản tư doanh chủ yếu bằng hình thức công tư hợp doanh; chủ trương hợp tác hoá nông nghiệp; cải tạo thủ công nghiệp bằng con đường hợp tác hoá là chủ yếu; cải tạo thương nghiệp nhỏ chủ yếu bằng cách chuyển dần sang sản xuất ...(1)
Như vậy, thực chất của quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế ở miền Nam cũng như trong cả nước là nhằm xoá bỏ chế độ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu. Đành rằng, những người cộng sản muốn xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa thì lẽ đương nhiên là phải xoá bỏ chế độ tư hữu. Mác đã từng khẳng định: "những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất này: xoá bỏ chế độ tư hữu"(2). Tuy nhiên, việc xoá bỏ chế độ tư hữu nhằm chuyển mọi tư liệu sản xuất vào trong toàn xã hội là mục tiêu rất lâu dài và phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phải nhằm phục vụ việc phát triển sản xuất. Việc tiến hành cải tạo một cách ào ạt các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, cũng như việc quá coi trọng thay đổi quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà không coi trọng việc giải quyết các khâu tổ chức, quản lý sản xuất và phân phối đã dẫn tới việc không tìm ra cơ chế gắn người lao động với sản xuất. Tính chủ động, sáng tạo của người lao động bị giảm đi vì mọi tư liệu sản xuất chủ yếu trong xã hội phải được sử dụng theo phương hướng và nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước. Tư liệu lao động từ chỗ là tài sản riêng của người lao động bỗng chốc trở thành những tư liệu được tập thể hoá nên đã làm suy yếu đi một lực lượng sản xuất to lớn, lợi ích cá nhân không được coi trọng đúng mức, hay nói như lời của một số nhà nghiên cứu: "ở nước ta trước đây (thời kỳ trước đổi mới), lợi ích kinh tế, đặc biệt là lợi ích cá nhân người lao động, một động lực trực tiếp của hoạt động xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Vì thế, sự vận động của nền kinh tế nhìn chung là chậm chạp, kém năng động"(3).
Tại Đại hội IV, Đảng đặc biệt quan tâm tới việc hoàn thiện hệ thống quản lý kinh tế, nhằm vào những vấn đề quan trọng nhất là tổ chức lại nền sản xuất xã hội chủ nghĩa trong phạm vi cả nước. "Tổ chức lại tất cả các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp,... trong cả nước theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ tình trạng phân tán, cục bộ, hình thành những ngành kinh tế - kỹ thuật thống nhất và phát triển trên phạm vi cả nước..."(4). Đồng thời với việc tổ chức lại nền sản xuất, Đảng chủ trương cải tiến phương thức quản lý kinh tế, lấy kế hoạch hoá làm chính. Kế hoạch hoá trên cơ sở đề cao trách nhiệm và phát huy tính sáng tạo của các ngành, các địa phương và các cơ sở. Trong quản lý kinh tế, Đảng cũng đã nhấn mạnh tới việc phải coi trọng quy luật giá trị; phải thực hiện chế độ hạch toán kinh tế; sử dụng tốt thị trường;... Nếu so sánh với công tác quản lý kinh tế được đề ra tại Đại hội III, thì tới Đại hội IV lần này công tác này đã có những bước chuyển biến nhất định, nhất là khâu kế hoạch hoá. Kế hoạch hoá không còn được nhấn mạnh là "pháp lệnh" như tại Đại hội III, mà đã chú ý hơn tới tính sáng tạo của các ngành, các địa phương và các cơ sở.
Tuy nhiên, việc thực hiện công tác quản lý kinh tế còn nhiều khuyết điểm, đặc biệt là không gắn kế hoạch với hạch toán kinh tế, do đó kế hoạch chưa thực sự xuất phát từ thực tế lao động sản xuất, thiếu tính khả thi. Đảng vạch rõ: "về tổ chức thực hiện, khuyết điểm, sai lầm của chúng ta là quan liêu, xa rời thực tế, không nhạy bén với cuộc sống; là bảo thủ, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế"(5). Trong khi đó, cơ chế quản lý quan liêu bao cấp vẫn tiếp tục được duy trì đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền sản xuất, nhất là trong việc phân phối, lưu thông. Nhà nước đóng vai trò điều tiết giá cả nên đã không kích thích được sản xuất kinh doanh phát triển. Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp với đặc điểm "tách rời việc trả công lao động với số lượng và chất lượng lao động"(6), kết hợp với nguyên tắc "phân phối theo lao động" đã làm cho chế độ phân phối mang tính bình quân, do đó không kích thích được sự nhiệt tình và khả năng tìm tòi sáng tạo của người lao động.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế được đề ra tại Đại hội IV, Đảng đã có sự chuyển hướng tương đối phù hợp với điều kiện nước ta. Từ chủ trương ưu tiên phát triển công nghiệp nặng được đề ra tại Đại hội III, tới Đại hội IV Đảng đặt ra nhiệm vụ tập trung cao độ lực lượng cả nước, của các ngành, các cấp, tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp... Sự chuyển hướng này có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết tình trạng thiếu lương thực, khai thác một cách triệt để hơn các nguồn lực trong nước, đồng thời sẽ tạo ra được những điều kiện và tiền đề cần thiết cho những bước đi tiếp theo.
Trong những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, đất nước ta lại phải đương đầu với 2 cuộc xung đột ở biên giới phía Bắc và cuộc xung đột biên giới phía Tây Nam . Tình hình đó ảnh hưởng không nhỏ tới công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở nước ta. Nền kinh tế đất nước vốn đã gặp rất nhiều khó khăn nay lại phải đương đầu với những kẻ thù mới khiến tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế trong 5 năm (1976-1980) chưa thu hẹp được những mất cân đối nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân. Sản xuất phát triển chậm trong khi số dân tăng nhanh. Thu nhập quốc dân chưa đảm bảo được tiêu dùng xã hội, lương thực và các hàng tiêu dùng đều thiếu...
Trước sự yếu kém của nền kinh tế đất nước, tại Đại hội V năm 1982, Đảng đã có nhiều chủ trương mới cả trong chiến lược phát triển kinh tế và cải tạo quan hệ sản xuất. Từ Đại hội III năm 1960, Đảng luôn khẳng định công nghiệp hoá là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Đến Đại hội V này, điều mới và quan trọng là Đảng đã xác định cụ thể nội dung và hình thức công nghiệp hóa trong chặng đường đầu tiên. Đó là "tập trung phát triển mạnh mẽ nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên xã hội chủ nghĩa..."(7)
Gắn liền với việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, tại Đại hội V, Đảng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hoá nông nghiệp ở Nam bộ, từng bước phát huy tác dụng của hợp tác hoá đối với việc đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và xây dựng nông thôn mới. Rút kinh nghiệm từ phong trào hợp tác hoá trong những năm trước đây đưa quy mô hợp tác xã nông nghiệp lên quá lớn ở một số địa phương, trong chủ trương lần này, Đảng nhấn mạnh tới việc ổn định quy mô hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, tổ chức tốt việc điều chỉnh quy mô trong những trường hợp cần thiết. Một bước tiến mới trong việc xây dựng và củng cố hợp tác xã là Đảng chủ trương "áp dụng rộng rãi khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động" (*)(8). Chủ trương này đã mở ra một phương hướng đúng đắn cho việc củng cố quan hệ kinh tế tập thể ở nông thôn, vì nó đã bước đầu thừa nhận quyền tự chủ của nông dân (hộ xã viên được tự chủ ở 3 khâu: gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. Có thể coi đây là khâu đột phá đầu tiên trong tiến trình đổi mới, là một tiền đề quan trọng để tiến tới sự đổi mới toàn diện và sâu sắc nền kinh tế xã hội.
Trong suốt thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm 1981-1985, phương thức khoán sản phẩm này đã góp một phần quan trọng tạo nên một bước phát triển của nền sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp tăng bình quân hàng năm 4,9% so với 1,9% hàng năm của thời kỳ 1976-1980. Sản xuất lương thực có bước phát triển quan trọng, mức bình quân hàng năm từ 13,4 triệu tấn trong thời kỳ 1976-1980 đã tăng lên 17 triệu tấn trong thời kỳ 1981-1985(9) (tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, trong thời gian này, Đảng chủ trương tập trung phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu).
Tới hội nghị Trung ương tháng 7-1984, những kết quả tốt đẹp do áp dụng chính sách khoán sản phẩm trong nông nghiệp đã được Đảng rút kinh nghiệm và cho phép áp dụng vào trong sản xuất công nghiệp, với khuyến khích bằng vật chất trong tìm kiếm nguyên vật liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và sử dụng lợi nhuận thu được từ sản phẩm ngoài kế hoạch cũng như cho phép giám đốc được quyết định về vấn đề lực lượng lao động của doanh nghiệp(10). Với những điều chỉnh này đã bước đầu tạo được tính độc lập tự chủ của các doanh nghiệp nhà nước, do đó đã góp phần làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhưng lúc này kế hoạch sản xuất, lãi suất, phần nộp ngân sách, mức lương và đầu tư của doanh nghiệp vẫn theo kế hoạch nhà nước, vì vậy mà sự giải phóng sức sản xuất của các doanh nghiệp vẫn hạn chế. Tình hình đó đã đặt ra yêu cầu là cần phải mau chóng có những chủ trương, biện pháp hữu hiệu hơn có tác dụng giải phóng sức lao động mạnh mẽ, đặc biệt là cần phải tự do hoá quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và tài chính doanh nghiệp, để thực hiện được điều đó thì cần thiết phải thay đổi cơ chế quản lý của Nhà nước.
Tuy ở Đại hội V này Đảng đã có một số điều chỉnh tương đối hợp lý, nhưng nhìn chung những điều chỉnh đó so với yêu cầu của thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa, nhiều điểm bất hợp lý vẫn còn tồn tại trong đường lối kinh tế của đảng, quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa vẫn tiếp tục được tiến hành theo hướng mà Đại hội IV đã đề ra. Đảng chủ trương: đối với công nghiệp tư bản tư doanh vừa sử dụng vừa cải tạo dưới hình thức công tư hợp doanh hoặc các hình thức khác, đối với tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và các ngành dịch vụ, tuỳ theo đặc điểm của từng ngành, nghề mà tổ chức các hình thức làm ăn tập thể hay kinh doanh cá thể... Như vậy, trong một thời gian nhất định, ở miền Bắc nước ta có 3 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể và cá thể), ở miền Nam có 5 thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể, công tư hợp doanh, cá thể và tư bản tư nhân)(11).
Mặc dù thực tiễn đất nước sau nhiều năm thực hiện chủ trương cải tạo theo hướng như trên là không hợp lý, không đảm bảo việc phát triển sản xuất, nhưng những chủ trương được đề ra tại Đại hội V về việc cải tạo các thành phần kinh tế về cơ bản vẫn giống như tại Đại hội IV. Tuy công cuộc cải tạo đã được tiến hành trong nhiều năm, nhưng chúng ta chưa xác định rõ ràng, nhất quán những quan điểm, chủ trương và chính sách chỉ đạo công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa, trong việc tổ chức thực hiện còn mắc quá nhiều sai lầm, tư tưởng nóng vội muốn xoá bỏ ngay chế độ tư hữu để mau chóng xác lập một quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã dẫn đến "cách làm thường theo kiểu chiến dịch, gò ép, chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng và hiệu quả, sau những đợt làm nóng vội, lại buông lỏng. Do đó, không ít tổ chức kinh tế được gọi là công tư hợp doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, chỉ có hình thức, không có thực chất của quan hệ sản xuất mới"(12).
Sau hơn một thập kỷ nhận thấy rõ những hạn chế của cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp, nhưng phải tới Đại hội V Đảng mới có một chủ trương thực sự mang tính bước ngoặt để xác lập một cơ chế quản lý mới về kinh tế thay cho cơ chế cũ. Đảng chủ trương "đổi mới chế độ quản lý và kế hoạch hoá hiện hành, xoá bỏ cơ chế quản lý hành chính quan liêu, bao cấp, khắc phục bằng được tình trạng bảo thủ, trì trệ, vô trách nhiệm, vô kỷ luật, phát huy động lực làm chủ tập thể, nâng cao tính năng động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật"(13). Cả Trung ương, địa phương và cơ sở đều làm kế hoạch kế hoạch phải thấu suốt nguyên tắc hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là trong cơ chế quản lý mới này thì mọi hoạt động kinh tế phải so sánh chi phí với hiệu quả. Các tổ chức và đơn vị kinh tế phải tự bù đắp chi phí và có lãi để tái sản xuất mở rộng. Từ đó sẽ khiến cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao tính tự lập, phát huy tính chủ động sáng tạo của mình để đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Trong thời gian thực hiện kế hoạch 5 năm 1981-1985, một số ngành và nhiều địa phương đã tiến hành những cuộc thử nghiệm, tìm tòi về cách làm ăn mới này nhằm khai thác khả năng tiềm tàng của nền kinh tế phát triển sản xuất, cải tiến lưu thông, phân phối, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân. Song, cho tới năm 1986 cơ chế tập trung quan liêu bao cấp về căn bản chưa bị xoá bỏ. Cơ chế mới chưa được thiết lập đồng bộ. Nhiều chính sách, cơ chế đã lỗi thời chưa được thay đổi, một số thể chế quản lý mới còn chắp vá, không ăn khớp, thậm chí trái ngược nhau.
Tuy vậy, với chủ trương đổi mới cơ chế quản lý này, Đảng đã đề ra được một phương hướng quản lý mới có tính khả thi, thể hiện một sự chuyển biến đúng hướng trong quan hệ sản xuất nói chung và trong việc tổ chức và quản lý sản xuất nói riêng. Đây tiếp tục là một khâu đột phá mới để tiến tới sự đổi mới toàn diện và sâu sắc về kinh tế-xã hội.
Trong lĩnh vực phân phối sản phẩm lao động, những chủ trương của Đảng tại Đại hội V tiếp tục là một sự báo hiệuđể tiến tới một sự đổi mới toàn diện nền kinh tế xã hội. Chủ trương của Đảng về chế độ phân phối tại Đại hội lần này đang loại trừ dần hình thức phân phối bình quân bằng việc "áp dụng nguyên tắc phân phối theo lao động, gắn chặt tiền lương với năng suất lao động, mở rộng đúng đắn lương khoán, lương sản phẩm và tiền thưởng, đi đôi với cung ứng theo định lượng những mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước quy định"(14).
Tuy những chủ trương mới trong phân phối đã thể hiện sự quan tâm đúng mức đến lợi ích cá nhân người lao động, đề cao ý thức trách nhiệm và kỷ luật của người lao động, nhưng do cơ chế hành chính quan liêu bao cấp vẫn chưa thực sự được xóa bỏ, quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa mắc nhiều sai lầm,... dẫn đến tình hình phân phối ở nước ta trong thời kỳ này vẫn chưa được cải thiện, thậm chí trầm trọng hơn trước, 'suốt 5 năm qua (1981-1985), lĩnh vực phân phối lưu thông luôn căng thẳng và rối ren"(15).
Đất nước ta sau nhiều năm trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhưng nền kinh tế vẫn ở trong tình trạng thấp kém. Thực trạng đất nước vào giữa những năm 1980 với những khó khăn mới gay gắt và phức tạp: Hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; mất cân đối lớn trong nền kinh tế, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều nhu cầu chính đáng tối thiểu của nhân dân về đời sống vật chất tinh thần chưa được đảm bảo...Thực trạng kinh tế - xã hội đó đòi hỏi Đảng ta phải có những quyết sách xoay chuyển tình hình, tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển. Trên thực tế, Đảng ta đã làm được điều đó.
Thời kì đổi mới:
Nền kinh tế nước ta rơi vào tình trạng sa sút nghiêm trọng trong thời điểm diễn ra Đại hội VI năm 1986. Đảng nghiêm khắc đánh giá những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan, duy ý chí, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật khách quan. Một bài học sâu sắc được Đảng rút ra tại Đại hội VI là: "Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo những quy luật khách quan... Tiêu chuẩn đánh giá sự vận dụng đúng đắn các quy luật thông qua chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là sản xuất phát triển, lưu thông thông suốt, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân từng bước được ổn định và nâng cao, con người mới xã hội chủ nghĩa ngày càng hình thành rõ nét, xã hội ngày càng lành mạnh, chế độ xã hội chủ nghĩa được củng cố"(16).
Sau nhiều năm cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo phương hướng xã hội chủ nghĩa hoá toàn bộ quan hệ sản xuất đã dẫn tới tình trạng sản xuất bị đình đốn, nền kinh tế phát triển chậm. Thực tiễn đó đã minh chứng một điều là cần phải mở ra một phương hướng mới để đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực tiễn đó cũng đã chứng minh việc tiến lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là một quá trình lâu dài, phức tạp và phải trải qua nhiều bước đường khác nhau. Đó là cả một quá trình tìm tòi, sáng tạo, cần phải rút kinh nghiệm từ thực tiễn để vạch ra những bước đi tiếp theo, phải tránh sự dập khuân, máy móc. Lênin đã chỉ ra rằng "chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm, trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà người xã hội chủ nghĩa phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu với cuộc sống(17).
Trên tinh thần đó, và xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước, tại Đại hội VI Đảng đã đề ra chủ trương thực hiện đường lối đổi mới đất nước, trước hết là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy".
Đảng nhận thấy rõ nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất trong thời gian qua (trước Đại hội VI) là do những sai lầm, thiếu sót trong việc bố trí cơ cấu kinh tế, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và trong cơ chế quản lý kinh tế. Chính vì vậy mà tư tưởng chỉ đạo của kế hoạch và các chính sách kinh tế đề ra lần này là nhằm giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Trong chủ trương xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, Đảng xác định rõ: xây dựng quan hệ sản xuất mới cả ba mặt, làm cho nó thật sự mang bản chất xã hội chủ nghĩa, gắn với mỗi bước phát triển của lực lượng sản xuất, là công việc to lớn, không thể làm xong trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, khác với những năm trước đây, là những năm mà trong nhận thức cũng như trong hành động, chúng ta chưa thực sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài, từ Đại hội VI trở đi nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần. Các thành phần kinh tế đó là:
- Kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cùng với bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với thành phần đó.
- Các thành phần kinh tế khác gồm: kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng khác.
Đảng khẳng định: chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xuất phát từ đặc trưng nói trên mà đề ra những chủ trương và biện pháp đúng đắn.
Việc thừa nhận nền kinh tế cơ cấu nhiều thành phần thể hiện sự nhận thức mới của Đảng ta về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lênin đã từng khẳng định: "Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm và đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy"(18). Ở một đoạn khác, Lê nin giải thích rõ hơn: Vậy thì, danh từ quá độ có nghĩa là gì? vận dụng vào kinh tế có phải có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có(19). Tuy chúng ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội không trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa với tính cách là một chế độ xã hội, nhưng chúng ta vẫn có thể sử dụng những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản đã đạt được. Do vậy, sự tồn tại của những thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một điều hiển nhiên, nó nằm trong quy luật của sự phát triển nói chung, của sự phát triển xã hội nói riêng.
Từ thực tiễn đất nước sau thập kỷ đầu tiên cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội Đảng ta rút ra kết luận: "lực lượng sản xuất bị kìm hãm không chỉ trong trường hợp quan hệ sản xuất lạc hậu, mà cả khi quan hệ sản xuất phát triển không đồng bộ, có những yếu tố đi quá xa so vớ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tình hình thực tế của nước ta đòi hỏi phải coi trọng những hình thức kinh tế trung gian, quá độ từ thấp đến cao, từ quy mô nhỏ, đến quy mô lớn. Trong mỗi bước đi quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, phải đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo ra lực lượng sản xuất mới, trên cơ sở đó tiếp tục đưa quan hệ sản xuất mới tiến lên hình thức và quy mô mới thích hợp để thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển"(20).
Trong những năm trước Đại hội VI, Đảng đã có những biện pháp nóng vội, muốn xoá bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh, có xu hướng muốn tổ chức ngay các hợp tác xã quy mô lớn, không tính đến khả năng trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý và năng lực cán bộ trước sự phát triển của thực tiễn, Đảng ta đã nhận thấy rõ những sai lầm do áp đặt chủ quan gây ra. Sự phát triển của lực lượng sản xuất đòi hỏi phải có những quan hệ phù hợp với nó. "Những quan hệ sản xuất lạc hậu" hay "những yếu tố đi quá xa so với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất" ắt sẽ kìm hãm sự phát triển của nó. Thực ra kinh nghiệm này đã được Lênin rút ra từ thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô. Người đã dũng cảm chỉ ra rằng: "chúng ta đã thất bại trong cái ý định dùng phương pháp "xung phong", nghĩa là dùng con đường ngắn nhất, nhanh nhất, trực tiếp nhất để thực hiện việc sản xuất và phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa"(21).
Từ đó Lênin đã quyết định chuyển sang thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP). Nội dung cơ bản của NEP có thể trình bày ngắn gọn như sau: thay chế độ trưng thu lương thực thừa bằng thuế lương thực, cho phép tự do buôn bán, chủ nghĩa tư bản nhà nước(22). Như vậy, NEP đã đặt ra một vấn đề có thể nói là hết sức mới mẻ đối với chủ nghĩa Mác - vấn đề về khả năng và sự cần thiết phải sử dụng các biện pháp "quá độ gián tiếp" với nhiều nấc thang trung gian. Trước hết điều đó có liên quan đến nền sản xuất hàng hoá nhỏ ở một nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội mà tuyệt đại đa số là nông dân. Lênin viết, "không nghi ngờ gì nữa, ở một nước trong đó những người sản xuất tiểu nông chiếm tuyệt đại đa số dân cư, chỉ có thể thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng một loạt những biện pháp quá độ đặc biệt, hoàn toàn không cần thiết ở những nước tư bản phát triển..."(23). Đây đều là những kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta.
Việc thừa nhận nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần cũng có nghĩa là ngoài chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, cho phép những cá nhân được phép sử dụng vốn để sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Sự điều chỉnh này đã góp phần giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước, phát huy được tính năng động, chủ động, sáng tạo của người lao động do nó gắn liền với lợi ích cá nhân của họ - một động lực không nhỏ đối với sự phát triển xã hội. Hơn nữa, sự điều chỉnh này còn phát huy được tiềm năng tuy phân tán nhưng rất quan trọng trong nhân dân, bao hàm cả về sức lao động, kỹ thuật, tiền vốn, khả năng tự tạo việc làm...
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, nền kinh tế mà chúng ta đang xây dựng là một nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Do đó, để tiến hành vững chắc công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng tích cực của cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, "điều quan trọng nhất là củng cố và phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa, trước hết là làm cho kinh tế quốc doanh thật sự giữ vai trò chủ đạo, chi phối được các thành phần kinh tế khác"(24). Nghĩa là, công hữu về tư liệu sản xuất phải là hình thức sở hữu chính, chủ yếu, căn bản ở nước ta.
Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp trong những năm trước đây (trước Đại hội VI) đã không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn phân phối lưu thông và làm nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Chính vì vậy mà Đảng ta tiếp tục chủ trương việc triển khai thực hiện một cách triệt để việc đổi mới cơ chế quản lý đã được đề ra tại Đại hội V. Cơ chế mới về quản lý kinh tế mới chính là "cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ"(25).
Tính kế hoạch là đặc trưng số một của cơ chế quản lý kinh tế, ngay từ buổi đầu của thời kỳ quá độ, Nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lý nền kinh tế quốc dân theo một kế hoạch thống nhất. Để tăng cường vai trò của tính kế hoạch trong nền kinh tế quốc dân, Đảng chủ trương đổi mới kế hoạch hoá: "kế hoạch kinh tế quốc dân trong những năm tới phải bảo đảm thực hiện phương hướng sắp xếp lại nền kinh tế, bố trí đúng cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư theo chương trình mục tiêu. Các cân đối kế hoạch được xây dựng từ cơ sở và tổng hợp từ dưới lên với sự hướng dẫn và điều hoà của Trung ương. Kết hợp kế hoạch hoá theo ngành và kế hoạch hoá trên địa bàn lãnh thổ"(26). Các đơn vị kinh tế cơ sở với quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh, chủ động tiếp cận nhu cầu thị trường, khai thác mọi khả năng để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch Nhà nước.
Trong 5 năm đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới, công tác kế hoạch hoá đã có những bước tiến lớn có tác dụng tích cực đến quá trình sản xuất của các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Công tác kế hoạch hoá đã chuyển từ kế hoạch pháp lệnh sang kế hoạch định hướng là chủ yếu. Do đó, đã tạo được tính độc lập, tự chủ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Khác với cơ chế quản lý hành chính tập trung quan liêu bao cấp, cơ chế quản lý mới này đặc biệt chú ý và sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hoá - tiền tệ: "Việc sử dụng quan hệ hàng hoá - tiền tệ đòi hỏi sản xuất phải gắn với thị trường, mọi hoạt động kinh tế phải so sánh chi phí với hiệu quả, các tổ chức và đơn vị kinh tế tự bù đắp chi phí và có lãi để tái sản xuất mở rộng"(27).
Cơ cế quản lý mới này có tác dụng rất lớn đối với quá trình sản xuất và lưu thông hàng hoá. Cuộc cải cách giá, chuyển từ hệ thống định giá hành chính sang cơ chế thị trường đã góp phần không nhỏ vào việc điều hoà cung cầu và giảm bớt chênh lệch về giá hàng hoá giữa các vùng trong nước nhờ giá cả phản ánh đúng giá trị và quan hệ cung cầu, do đó đã thúc đẩy nền kinh tế hàng hoá phát triển. Sau 5 năm thực hiện cơ chế mới, "hàng hoá trên thị trường, nhất là hàng tiêu dùng dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi"(28).
Tuy nhiên, việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế cũng có tác động không nhỏ tới các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là ảnh hưởng tới các hợp tác xã thuộc lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xuất hiện hiện tượng tư nhân hoá các hợp tác xã. Tới năm 1991, khoảng 20% hợp tác xã, trong đó có những đơn vị chỉ là kinh tế tập thể về hình thức, cá thể hoặc chyển sang hoạt động dưới dạng tư nhân, ngay cả kinh tế nhà nước cũng vậy, mới chỉ gần một phần ba các xí nghiệp quốc doanh vươn lên trong kinh doanh và thích ứng được với cơ chế mới(29). Trong khi đó, cơ chế quản lý mới do mới hình thành nên còn nhiều hạn chế, còn thiếu nhiều luật lệ, chính sách đảm bảo sản xuất, kinh doanh đúng hướng, chậm tổng kết để đề ra chương trình tiếp tục đổi mới quản lý kinh tế có hệ thống. Bên cạnh những tiến bộ, sự quản lý và điều hành vĩ mô của Nhà nước ở các cấp cũng bộc lộ nhiều mặt non yếu. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều người có vốn lớn nhưng vẫn chưa mạnh dạn đầu tư, nhất là vào lĩnh vực sản xuất, vì môi trường kinh doanh chưa bảo đảm và có phần chưa tin vào sự ổn định của chính sách.
Đồng thời với việc điều chỉnh cơ cấu thành phần kinh tế và quản lý kinh tế, Đảng chủ trương tiếp tục điều chỉnh quan hệ phân phối sản phẩm lao động theo hướng mà Đại hội V đã đề ra. Trong chủ trương lần này Đảng nhấn mạnh: "việc thực hiện đúng nguyên tắc theo chế độ phân phối theo lao động đòi hỏi sửa đổi một cách căn bản chế độ tiền lương theo hướng đảm bảo yêu cầu tái sản xuất sức lao động, khắc phục tính bình quân... áp dụng các hình thức trả lương gắn chặt với kết quả lao động và hiệu quả kinh tế"(30). Quan hệ phân phối này không những có tác dụng khắc phục được những mặt hạn chế trong quan hệ phân phối trước đây, như tính ỷ lại, thụ động, dựa dẫm... của người lao động mà nó còn có tác dụng kích thích người lao động hăng say sản xuất. Do đó, quan hệ phân phối này sẽ tác động tích cực tới việc tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất. Đối với những người lao động ngoài các cơ quan, xí nghiệp, Đảng và Nhà nước nhấn mạnh tới việc tôn trọng lợi ích chính đáng của những người hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp, có ích cho xã hội.
Sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng, tình hình lương thực, thực phẩm có chuyển biến tốt. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, năm 1989 còn phải nhập hơn 45 vạn tấn gạo, nay chúng ta đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân và cải thiện cán cân xuất nhập khẩu; hàng hoá thị trường, nhất là hàng tiêu dùng, dồi dào, đa dạng, lưu thông thuận lợi(31).
Một thành tựu khác về đổi mới kinh tế là bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tuy còn có những hạn chế nhất định tồn tại trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng những thành tựu bước đầu này chính là những tiêu chuẩn để Đảng ta đánh giá sự vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng nhận định: công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, chứng tỏ đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra là đúng đắn, bước đi của công cuộc đổi mới về cơ bản là phù hợp.
Tại Đại hội VII năm 1991, Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu với bước đi vững chắc. Trong lĩnh vực quan hệ sản xuất, Đảng chủ trương tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế. Phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, bổ sung cho nhau trong nền kinh tế quốc dân.
Những điều chỉnh của Đảng về quan hệ sản xuất tại Đại hội VI đã tạo ra những hệ quả tất yếu của nó, đó là mộtnền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đã dần hình thành. Sự hình thành nền kinh tế đó ở nước ta trước hết là do sự đổi mới các quan hệ sở hữu. Nếu như trước đây (trước Đại Hội VI), nền kinh tế nước ta chủ yếu là sở hữu toàn dân và tập thể thì hiện nay ngoài 2 hình thức sở hữu đó còn tồn tại nhiều thành phần sở hữu khác. Những năm trước thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn nhấn mạnh bảo đảm sự phù hợp giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất nhưng lại không chủ trương xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, không chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu, không chấp nhận cơ chế thị trường... dẫn đến tình trạng lực lượng sản xuất bị kìm hãm không phát triển được, sản xuất trì trệ, nền kinh tế sa sút. Với chủ trương thực hiện đường lối đổi mới đất nước được đề ra tại Đại hội VI, quan niệm của Đảng ta về quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất có sự thay đổi. Điều này đã được một số nhà nghiên cứu chỉ rõ: "trong quan niệm hiện nay của chúng ta về chủ nghĩa xã hội đã chứa đựng những tư tưởng đổi mới về quy luật của sự phù hợp khách quan giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Cái có ý nghĩa quyết định trong quy luật này là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Do vậy, trong sự phù hợp với trình độ phát trển của lực lượng sản xuất, sự tồn tại của các thành phần sở hữu đa dạng ở một nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn có cơ sở"(32).
Việc thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và các hình thức sở hữu khác nhau tất yếu phải có những thay đổi trong cơ chế quản lý kinh tế. Nếu như ở Đại hội VI Đảng ta mới chủ trương thay cơ chế tập trung quan liêu bao cấp bằng cơ chế kế hoạch hoá theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, thì tới nay, việc điều tiết nền kinh tế đất nước còn có sự tham gia của cơ chế thị trường. Trong cơ chế này, các đơn vị kinh tế có quyền tự chủ sản xuất kinh doanh, quan hệ bình đẳng, cạnh tranh hợp pháp, hợp tác và liên doanh tự nguyện. Thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Nhằm tạo ra một môi trường kinh tế sôi động, Đảng chủ trương "kiên trì vận dụng cơ chế giá thị trường đối với sản xuất hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất, tỷ giá hối đoái, lãi suất tín dụng"(33).
Sự vận hành của cơ chế thị trường chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Đảng chỉ rõ: "Nhà nước quản lý nền kinh tế nhằm định hướng, dẫn dắt các thành phần kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt chẽ và xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh tế, đảm bảo sự hài hoà giữa phát trển kinh tế và phát triển xã hội"(34).
Như vậy, sự quản lý của Nhà nước sẽ đảm bảo cho các hoạt động kinh tế diễn ra một cách bình thường, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị nhưng vẫn có tác dụng làm cho nền kinh tế phát triển theo một hướng đã định, đảm bảo nền kinh tế nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Với ý nghĩa đó, vai trò của quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế sẽ tạo cho các đơn vị kinh tế một môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để quản lý tốt nền kinh tế đất nước, Nhà nước phải không ngừng đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô sao cho lực lượng sản xuất có cơ hội phát huy hết khả năng của mình, tạo ra nguồn của cải dồi dào cho đất nước. Nhận thức rõ điều đó, tại Đại hội VII Đảng chủ trương tiếp tục đổi mới, bổ sung và đồng bộ hoá hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng kế hoạch hoá, lấy thị trường làm đối tượng và căn cứ quan trọng nhất; xây dựng chính sách tài chính quốc gia và thực hiện cải cách cơ bản tài chính Nhà nước; ...
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện những chủ trương này vẫn còn nhiều hạn chế, "hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách chưa đồng bộ và nhất quán, thực hiện chưa nghiêm, công tác tài chính ngân hàng, kế hoạch hoá,... đổi mới chậm"(35). Tình hình đó đặt ra một nhiệm vụ đối với Đảng và Nhà nước ta là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô.
Trong quan hệ phân phối sản phẩm, để kích thích nền kinh tế hàng hoá phát triển, tại Đại hội VII, Đảng chú trọng tới việc điều chỉnh từ trả lương bằng hiện vật sang hình thức trả bằng tiền, kết hợp hài hoà giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Đảng nhấn mạnh: "cải cách cơ bản chính sách tiền lương và tiền công theo nguyên tắc tiền lương và tiền công phải dựa trên số lượng và chất lượng lao động, đảm bảo tái sản xuất sức lao động, tiền tệ hàng hoá tiền lương, xoá bỏ chế độ bao cấp ngoài lương dưới hình thức hiện vật; thực hiện mối tương quan hợp lý về tiền lương và thu nhập của bộ phận lao động xã hội"(36). Ngoài ra, Đảng cũng khuyến khích mọi người tăng thu nhập và làm giàu dựa trên kết quả lao động và hiệu quả kinh tế; bảo hộ các nguồn thu nhập hợp pháp; điều tiết hợp lý thu nhập giữa các bộ phận dân cư, các ngành, các vùng... các chính sách phân phối đó thể hiện rõ một nguyên tắc mà Đảng đã nêu ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là: làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Do đó, quan hệ phân phối này đảm bảo được tính công bằng giữa những người lao động, đó là một điều kiện quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, ngoài việc đổi mới và hoàn thiện các quan hệ sản xuất, Đảng còn đưa ra những chủ trương, biện pháp để nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất. Văn kiện Đại hội VII chỉ rõ: quan điểm của chúng ta là: trình độ lực lượng sản xuất ở nước ta còn thấp, lao động còn dư thừa, vốn còn hạn chế, ta phải kết hợp nhiều trình độ công nghệ, vừa tận dụng công nghệ sẵn có và từng bước cải tiến, nâng cao, vừa cố gắng tranh thủ công nghệ mới, lựa chọn từng mặt, từng khâu, từng ngành, mỗi cơ sở có khả năng tiến thẳng vào công nghệ hiện đại... Đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, coi đây là quốc sách hàng đầu để phát huy nhân tố con người, động lực trực tiếp của sự phát triển...
So với 5 năm đầu tiên thực hiện đường lối đổi mới, giai đoạn 1991 - 1996 này Đảng và Nhà nước ta đã có những đổi mới đi vào chiều sâu của quan hệ sản xuất. Nhờ đó, nền sản xuất nước ta đã có một quan hệ sản xuất tương đối phù hợp, do đó lực lượng sản xuất được giải toả, tháo gỡ khỏi nhiều lực cản để phát triển.
Trong giai đoạn 1991 - 1995, nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tình trạng đình đốn trong sản xuất, rối ren trong lưu thông được khắc phục. Kinh tế tăng trưởng nhanh, nhịp độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân hàng năm thời kỳ 1991 - 1995 đạt 8,2%, lạm phát bị đẩy lùi từ 774,7% năm 1986 còn 67,1% năm 1991, 12,7% năm 1995. Lương thực không những đủ ăn mà còn xuất khẩu được 2 triệu tấn gạo mỗi năm. Nhiều công trình thuộc kết cấu hạ tầng và cơ sở công nghiệp trọng yếu được xây dựng, tạo thêm sức mạnh vật chất và thế cân đối mới cho sự phát triển. Đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân được cải thiện. Trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hoá của nân dân khá hơn trước. ổn định chính trị - xã hội được giữ vững. Nhiệm vụ đề ra cho 5 năm 1991 - 1995 đã hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm (37).
Những thành tựu đó một lần nữa khẳng định sự nghiệp đổi mới đất nước được đề ra tại Đại hội VI là đúng đắn. Và đây cũng chính là những tiêu chí sát thực nhất để khẳng định những điều chỉnh trong quan hệ kinh tế của Đảng ta là phù hợp.
Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, lực lượng sản xuất ở nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế - xã hội không ngừng được ổn định và phát triển. Từ thực tiễn đó, tại Đại hội VIII năm 1996, Đảng ta nhận định: nước ta đã chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây là một nhận định cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa chỉ đạo đối với việc đề ra phương hướng, nhiệm vụ sắp tới.
Mục tiêu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá được Đảng ta chỉ rõ là: "xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, có cơ cấu hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh". "Từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp"(38). Công nghiệp hoá, hiện đại hoá chính là nhằm đẩy mạnh sự phát triển của lực lượng sản xuất, giúp cho quá trình cơ khí hoá, hiện đại hoá được diễn ra nhanh hơn. Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nội dung không thể thiếu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Lê nin đã từng khẳng định: "cơ sở kinh tế duy nhất có thể có được của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí. Ai quên điều đó, người đó không phải là người cộng sản"(39). Tất nhiên, trong quá trình này người lao động phải không ngừng nâng cao trình độ khoa học và kiến thức chuyên môn để sử dụng, cải tiến và sáng tạo ra những công cụ lao động tiên tiến nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu của con người.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng có ý nghĩa là phải đầu tư rất lớn cho tư liệu sản xuất, mà trước hết là công cụ lao động. Nếu như năm 1995 tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ bản (bao gồm xây lắp, thiết bị và xây dựng cơ bản khác) là 26047,8 tỷ đồng, thì bắt đầu từ những năm thực hiện chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá con số này đột ngột tăng: Năm 1996 là 35894,4 tỷ đồng; năm 1997 là 46570,4 tỷ đồng; năm 1998 là 51600,0 tỷ đồng ...(40). Nếu so sánh với năm 1995 thì năm 1998 tổng mức đầu tư cho xây dựng cơ bản tăng gần 2 lần. Đó thực sự là một sự biến đổi lớn trong nội dung lực lượng sản xuất. Đảng nhấn mạnh: "nếu công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo nên lực lượng sản xuất cần thiết cho chế độ xã hội mới, thì việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần chính là để xây dựng hệ thống quan hệ sản xuất phù hợp"(41).
Để khẳng định nền kinh tế nhiều thành phần mà chúng ta đang xây dựng là nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng chỉ rõ: "cần thiết phải chăm lo đổi mới và phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác, làm cho kinh tế nhà nước làm ăn thực sự có hiệu quả, phát huy vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế hợp tác xã phấn đấu dần dần trở thành nền tảng của nền nền kinh tế quốc dân"(42). Một đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Do vậy, Đảng ta đặc biệt coi trọng sự phát triển của kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã nhằm củng cố và phát triển chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Cho nên, mặc dù nền kinh tế nước ta có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển của nền kinh tế đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đối với kinh tế hợp tác xã, Đảng đã có những điều chỉnh thích hợp với cơ chế thị trường: "Hợp tác xã được tổ chức trên cơ sở đóng góp cổ phần và sự tham gia lao động trực tiếp của xã viên, phân phối theo kết quả lao động và theo cổ phần, mỗi xã viên có quyền như nhau đối với công việc chung"(43). Như vậy, sự điều chỉnh này đã đảm bảo được tính tự nguyện của người lao động khi tham gia hợp tác xã do có được cơ chế gắn người lao động với sản xuất, đảm bảo được lợi ích kinh tế của các xã viên. Đây chính là những điều kiện, những yêu cầu đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Với mục đích huy động vốn, tạo thêm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả, Đảng nhấn mạnh tới việc thực hiện chủ trương cổ phần hoá một bộ phận doanh nghiệp nhà nước(44). Điều đó cũng có nghĩa là chấp nhận sự tham gia của các thành phần kinh tế khác trong các doanh nghiệp nhà nước. Thực chất của giải pháp này chính là để phát triển kinh tế tư bản nhà nước và đa dạng hoá các loại hình sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước.
Mặc dù luôn được sự quan tâm chú trọng của Đảng và Nhà nước, nhưng trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với vai trò chủ đạo của mình. "Hầu hết các doanh nghiệp kinh tế nhà nước đều hoạt động thiếu tính năng động và quá ỷ lại vào Nhà nước. Trong một số trường hợp, thậm chí kinh tế nhà nước còn vô tình hoặc cố ý bỏ rơi trận địa mà mình chiếm lĩnh, tiếp tay cho những phần tử tham nhũng, tiêu cực"(45). Sự kém năng động đó của các doanh nghiệp nhà nước đã làm suy giảm đáng kể chức năng định hướng phát triển và điều tiết kinh tế, điều tiết thị trường của kinh tế nhà nước trong quản lý nhà nước về kinh tế. Tình hình đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có những biện pháp thiết thực hơn trong những giai đoạn tiếp sau để nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước về kinh tế.
Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần không thể tách rời việc xây dựng đồng bộ và vận hành có hiệu quả cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng ta khẳng định: "cơ chế thị trường đã phát huy tác dụng tích cực to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nó chẳng những không đối lập mà còn là một nhân tố khách quan cần thiết của việc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa"(46). Nền kinh tế đất nước sau những năm vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước đã đạt được những thành tựu to lớn, nền kinh tế đã thoát ra khỏi khủng hoảng, sản xuất phát triển, hàng hoá dồi dào, lưu thông thuận lợi... Cơ chế thị trường có tác dụng như một guồng máy hoạt động của nền sản xuất và trong lưu thông hàng hoá, nó tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với sản xuất công nghiệp. Đồng thời nó cũng có tác dụng như là một công cụ, một phương thức để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và mở ra cơ hội để tiếp xúc với bên ngoài... Cho nên, sự tồn tại của cơ chế thị trường là yếu khách quan và tất yếu đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, cơ chế thị trường còn có những tác động tiêu cực với bản chất của chủ nghĩa xã hội, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, hiện tượng suy đồi đạo đức ngày càng phổ biến... Chính vì vậy, vận dụng cơ chế thị trường đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước, nhằm phát huy tác dụng tích cực đi đôi với ngăn ngừa, hạn chế và khắc phục những mặt tiêu cực. Phải xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường, đồng thời xây dựng và hoàn thiện các công cụ pháp luật, kế hoạch các thiết chế tài chính, tiền tệ và những phương tiện vật chất và tổ chức cần thiết cho sự quản lý của nhà nước tạo điều kiện cho cơ chế thị trường hoạt động hữu hiệu. Nhà nước thực hiện sự quản lý vĩ mô của mình bằng các công cụ, phương tiện. Để nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước thì nhất thiết phải không ngừng đổi mới, bổ sung và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô này. Để các công cụ quản lý vĩ mô này phát huy hiệu lực, đòi hỏi việc xây dựng chúng phải xuất phát từ thực tiễn, từ những yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Trên cơ sở đó, Đảng khẳng định: "thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch hoá"(47).
Trong quá trình thực hiện các chủ trương trên, Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng trong việc thực hiện vai trò quản lý kinh tế, quá trình xây dựng và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô đã đạt được những thành tựu nhất định, chẳng hạn như việc xây dựng hoàn chỉnh và cho ban hành Luật doanh nghiệp trong năm 2000 vừa qua, chính vì thế mà hơn 15 nghìn doanh nghiệp (chủ yếu là tư nhân và hỗn hợp) đã ra đời trong năm 2000. Cũng chính sự ra đời của Luật doanh nghiệp đã làm cho tốc độ tăng trưởng của các thành phần kinh tế tăng nhanh trong năm 2000: so với năm 1999, tốc độ tăng trưởng của công nghiệp nhà nước tăng 12,2%, công nghiệp ngoài nhà nước tăng 18,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,5%(48). Tuy nhiên, trong công tác quản lý kinh tế của Nhà nước vẫn còn có những mặt chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển của lực lượng sản xuất, văn kiện Đại hội IX của Đảng đánh giá: cơ chế chính sách không đồng bộ và chưa tạo động lực mạnh để phát triển. Một số cơ chế chính sách còn thiếu, chưa nhất quán, chưa sát với cuộc sống, thiếu tính khả thi. Nhiều cấp, nhiều ngành chưa thay thế, sửa đổi những quy định về quản lý nhà nước không còn phù hợp; chưa bổ sung những cơ chế chính sách mới có tác dụng giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất ... Việc ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật còn rất chậm. Những mặt hạn chế này đang đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với Đảng và Nhà nước ta là mau chóng phát hiện ra những bất hợp lý trong quan hệ sản xuất để sớm điều chỉnh cho phù hợp với lực lượng sản xuất đang không ngừng vận động, sự vận động của lực lượng sản xuất có thể làm nảy sinh những thành phần kinh tế mới, chẳng hạn như thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đòi hỏi Đảng ta phải nhanh chóng có những chủ trương, chính sách để các thành phần kinh tế phát huy hết khả năng của mình, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Nền kinh tế nước ta là một nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta chấp nhận nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là vì mục tiêu con người, làm cho đời sống người lao động ngày càng sung túc hơn, tiến bộ hơn.. Cho nên, trong quan hệ phân phối, Đảng ta luôn chú trọng tăng trưởng kinh tế phải luôn gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. Công bằng xã hội không chỉ là động lực, mà còn là mục tiêu của tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chúng ta không thể chấp nhận tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà phải luôn gắn với một quan hệ phân phối đảm bảo sự công bằng giữa những người lao động, phải làm cho bản chất xã hội chủ nghĩa ngày càng sáng tỏ hơn.
Giai đoạn 1996-2000 là giai đoạn mà nền kinh tế nước ta phát triển trong những điều kiện rất khó khăn: những yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta; những thiên tai liên tiếp; cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế ở một số nước châu Á; tình hình thế giới diễn biến phức tạp... Tuy vậy, nền kinh tế nước ta vẫn đạt được những tành tựu quan trọng; Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng bình quân hàng năm 7% (mục tiêu đặt ra tại Đại hội VIII là 9-10%). Năm 2000 đã chặn được đà giảm sút mức tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt hoặc vượt kế hoạch đề ra"(49). Nếu so sánh với giai đoạn 1991-1995 thì giai đoạn này có sự giảm sút rõ rệt, tổng sản phẩm trong nước đạt 8,2% trong giai đoạn 1991 - 1995 nay giảm xuống còn 7%. Sự giảm sút đó có nguyên nhân không nhỏ từ các điều kiện khách quan gây ra, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được những nguyên nhân do chủ quan gây ra. Những đổi mới trong lĩnh vực kinh tế tuy đã đi đúng hướng nhưng còn chậm, đặc biệt là trong công tác quản lý kinh tế, chưa theo kịp sự vận động của lực lượng sản xuất, chưa có tác dụng giải phóng mạnh mẽ lực lượng sản xuất.
Sau 15 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế nước ta có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế, thành công bước đầu trong việc chuyển sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục một bước tình trạng nước nghèo và kém phát triển, tạo thêm điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trình độ phát triển của nước ta còn thua kém nhiều so với một số nước xung quanh và nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn vẫn là thách thức. Hoàn cảnh đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu để thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tại Đại IX năm 2001, Đảng ta thể hiện rõ quyết tâm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nguồn lực con người, năng lực khoa học và công nghệ, kết cấu hạ tầng, tiềm lực kinh tế, quốc phòng, an ninh được tăng cường, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được hình thành về cơ bản, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì nhất thiết phải có một nền sản xuất phát triển, lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của nền sản xuất. Nhưng lực lượng sản xuất chỉ có thể phát triển khi có một quan hệ sản xuất phù hợp với nó, chính vì vậy tại đại hội IX Đảng ta tiếp tục khẳng định thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, sự vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là một yêu cầu tất yếu khách quan. Bởi vì trong thời kỳ quá độ ở nước ta, những điều kiện chung của kinh tế hàng hoá vẫn tồn tại: sự phân công lao động xã hội đang phát triển mạnh mẽ; sự chuyên môn hoá và hợp tác lao động đã mở ra trên phạm vi quốc tế; nền kinh tế đã và đang tồn tại với nhiều hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động; mỗi hình thức sở hữu có nhiều đơn vị kinh tế độc lập về sản xuất, kinh doanh... Mô hình kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp tồn tại một thời đã kìm hãm sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường đã thúc đẩy kinh tế hàng hoá phát triển. Chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường đang tạo nên những cơ sở vật chất quan trọng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng ta chỉ rõ: "mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân"(50). Do đó, có thể coi kinh tế thị trường là một công cụ, một phương tiện để chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội.
Lực lượng sản xuất chỉ có thể phát huy hết khả năng của nó trên một "địa bàn đầy đủ", tức là trên một quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ của nó. Hơn lúc nào hết, Đảng ta đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng một quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là một công việc không hề đơn giản bởi trên thực tế trình độ của lực lượng sản xuất ở nước ta còn thấp kém, có sự đan xen giữa 3 cấp độ thủ công - cơ khí - hiện đại, "cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại, trong mỗi vùng, mỗi ngành vẫn còn phải chuyển biến sản xuất từ thấp đến cao, từ kinh tế tự cung, tự cấp lên sản xuất hàng hoá nhỏ, từ sản xuất hàng hoá nhỏ lên hàng hoá tư nhân, tư bản nhà nước, từ kinh tế cá thể tiến lên kinh tế tập thể; ..."(51). Chính vì thế mà Đảng ta luôn nhấn mạnh tới việc phát triển lực lượng sản xuất gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trên cả ba mặt sở hữu, quản lý và phân phối". Đảng cũng xác định rõ động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức, kết hợp hài hoà các lợi ích tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế và của toàn xã hội. Việc xây dựng các quan hệ sản xuất mới cả trên phương diện sở hữu, quản lý và phân phối một cách hợp lý sẽ làm cho động lực đó thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của đất nước.
Với kinh nghiệm sau nhiều năm lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta nhận thấy rõ chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là sản phẩm của nền kinh tế phát triển với trình độ xã hội hoá cao các lực lượng sản xuất hiện đại, từng bước được xác lập và sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối khi chủ nghĩa xã hội được xây dựng về cơ bản. Điều đó lý giải tại sao Đảng và nhà nước ta chủ trương thực hiện lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu là một quá trình phát triển kinh tế xã hội lâu dài trải qua nhiều bước và nhiều hình thức từ thấp tới cao. Sự nóng vội, đốt cháy giai đoạn, bỏ qua những hình thức trung gian sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế đất nước, thậm chí còn gây ra sự phung phí, phá hoại lực lượng sản xuất. Trên thực tế, điều này đã được Đảng ta đúc kết thành một bài học. Cho nên, việc xây dựng chế độ công hữu nói riêng và quan hệ sản xuất mới nói chung đòi hỏi phải từ thực tiễn tìm tòi, thử nghiệm để xây dựng nên. "Tiêu chuẩn căn bản để đánh giá hiệu quả xây dựng quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện công bằng xã hội"(52) .Từ tiêu chuẩn này cho phép chúng ta đánh giá chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu của Đảng ta trong điều kiện hiện nay là đúng đắn.
Nền kinh tế thị trường ở nước ta trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế. Vai trò quản lý kinh tế của Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc khắc phục những yếu kém, thúc đẩy những nhân tố tích cực luôn nảy sinh trong nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, đưa nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện tốt vai trò quản lý vĩ mô của nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng hoàn thiện và sử dụng các công cụ như pháp luật, chính sách,... Đảng ta nhấn mạnh: "Nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, quản lý kinh tế bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, sử dụng cơ chế thị trường để kích thích sản xuất, phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, của toàn thể nhân dân"(53). Trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế đất nước, vai trò quản lý của Nhà nước về kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành, phát triển các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc quản lý và điều tiết tốt các loại thị trường, nhất là thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối... sẽ tránh được những đột biến xấu cho nền kinh tế đất nước.
Tại Đại hội Đảng IX, Đảng tiếp tục chủ trương đổi mới sâu rộng cơ chế quản lý kinh tế, phát huy những yếu tố tích cực của cơ chế thị trường, triệt để xoá bỏ bao cấp trong kinh doanh, tăng cường vai trò quản lý và điều tiết vĩ mô của nhà nước. Để nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, Đảng đặc biệt chú trọng tới việc hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô, nhất là đối với kinh tế Nhà nước, Đảng nhấn mạnh việc phát huy vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế quốc dân, coi đó là động lực vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Đảng đưa ra giải pháp: "thực hiện tốt chủ trương cổ phần hoá và đa dạng hoá sở hữu đối với những doanh nghiệp nhà nước không cần 100% vốn; giao, bán, khoán, cho thuê,... Các doanh nghiệp loại nhỏ Nhà nước không cần nắm giữ, sáp nhập, giải thể, cho phá sản những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả và không thực hiện tốt các biện pháp trên"(54). Đây là một giải pháp quan trọng, hữu hiệu để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường huy động vốn tiềm tàng trong dân cư đầu tư vào doanh nghiệp, tập trung được đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực then chốt, mũi nhọn, thúc đẩy và huy động các nguồn đầu tư trong nước. Thực hiện giải pháp này cũng có nghĩa là cần phải tích cực chuyển giao, chuyển đổi một số công nghệ sản xuất và dịch vụ cho các thành phần kinh tế khác, do đó đây là một bước đi cần phải hết sức thận trọng.
Ngoài ra, Đảng cũng đặc biệt chú trọng tới việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ sở kinh tế có yên tâm sản xuất kinh doanh hay không phụ thuộc rất lớn vào việc tổ chức và quản lý kinh tế của Nhà nước. Một môi trường sản xuất kinh doanh ổn định, thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất kinh doanh phát huy hết khả năng của mình. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tiến hành sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Đảng cũng chú trọng tới việc "đổi mới hơn nữa công tác kế hoạch hoá, nâng cao chất lượng công tác xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, tăng cường thông tin kinh tế xã hội trong nước và quốc tế, công tác kế toán thống kê; ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và công nghệ trong dự báo, kiểm tra tình hình thực hiện ở các cấp vĩ mô và doanh nghiệp"(55).
Việc xây dựng các chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế gắn liền với hạch toán kinh tế cũng như gắn liền với việc sử dụng các thành tự khoa học - công nghệ, không những có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao trình độ dự báo kinh tế - xã hội mà còn bảo đảm các cân đối tổng thể cơ bản của nền kinh tế (cung - cầu; tiền - hàng; thu - chi; xuất - nhập, tích luỹ - tiêu dùng..). Việc đổi mới và hoàn thiện các công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với nền kinh tế là một yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước, đưa nền kinh tế đất nước phát triển theo định hướng xã hội và đảm bảo cho mọi thành phần kinh tế yên tâm sản xuất kinh doanh.
Trong chủ trương thực hiện quan hệ phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tại Đại hội IX, Đảng tiếp tục khẳng định một hình thức phân phối chủ yếu là phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế. Cũng tại Đại hội IX, Đảng đề ra chủ trương phân phối "theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội"(56). Đây là một bước tiến so với nguyên tắc phân phối được nêu trong văn kiện các Đại hội VI, VII và VIII. Bởi vì, nguyên tắc phân phối này đã tính đến nét đặc thù của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta đang có nhu cầu bức bách phải thu hút vốn đầu tư để có điều kiện và mở rộng sản xuất. Tất nhiên, đây chưa phải là nguyên tắc phân phối của chủ nghĩa xã hội, nhưng nó phù hợp với thực tiễn của thời kỳ quá độ. Do đó, nguyên tắc phân phối này chính là nguyên tắc phân phối của thời kỳ đi lên chủ nghĩa xã hội cho dù nó chưa phản ánh đầy đủ nét đặc thù của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Nói tóm lại, chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện tư duy, quan niệm của Đảng ta về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đó là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nếu đánh giá một cách tổng thể về đường lối kinh tế của Đảng ta kể từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng đến nay có thể thấy có sự khác nhau giữa 2 giai đoạn trước và sau đại hội VI năm 1986. Ở thập kỉ đầu tiên cả nước thống nhất đi lên CNXH, đường lối kinh tế của Đảng ta có nhiều điểm không hợp lý, không phù hợp với điều kiện, tình hình của nước ta. Bước vào thời kì đổi mới (từ năm 1986), Đảng ta đã đưa ra được một đường lối kinh tế đúng đắn, đường lối kinh tế đó vừa gắn liền với những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa có sự phát triển sáng tạo, phù hợp với điều kiện , hoàn cảnh nước ta. Nhờ có đường lối kinh tế đúng đắn đó đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao (năm 2004 là 7,7 %), tình hình chính trị ổn định, quốc phòng an ninh vững chắc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện (tính đến 31/12/2002 là khoảng 500 USD/ người(57), vị thế đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế…Những thành tựu đó chính là cơ sở để khẳng định đường lối kinh tế đúng đắn của đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
Từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. So với công cuộc cải cách và chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường ở các quốc gia khác, đổi mới ở Việt Nam có những nét đặc thù riêng. Đổi mới ở Việt Nam diễn ra từ hai chiều: “từ dưới lên” tức là ở các hợp tác xã, doanh nghiệp và “từ trên xuống” tức là các quyết định của Đảng và Nhà nước. Mối liên hệ hai chiều ấy đã làm cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam diễn ra không có sự xung đột giữa “phía trên” và “phía dưới”, cũng như không có các “cú sốc” quá mạnh được tạo ra bởi các chính sách và biện pháp điều chỉnh vĩ mô cứng rắn và duy ý chí của bộ máy lãnh đạo “phía trên”. Đó là đặc điểm nổi bật của quá trình đổi mới ở Việt Nam, vừa có sự chỉ đạo từ trên xuống, vừa có sự sáng tạo của nhân dân từ bên dưới. Do đó, đổi mới đã dẫn đến thành công.
Khác với các nước Đông Âu và Liên Xô, ở Việt Nam nhu cầu đổi mới các chính sách xuất phát từ chính lĩnh vực kinh tế, chứ không phải là hệ quả của những biến động chính trị.
Sự chuyển từ chiến tranh sang hòa bình đã làm bùng nổ các nhu cầu về đời sống, từ đó làm nảy sinh yêu cầu tháo gỡ các cản trở về quản lý kinh tế và sau đó dẫn đến những thay đổi trong quan niệm từ sự vận hành của nền kinh tế. Nói cách khác, thực tiễn đã làm “tan băng” các quan niệm xơ cứng và thúc ép hoàn thành hệ thống lý thuyết và quan niệm phù hợp hơn.
Đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi lớn lao, hầu như tất cả các nước đều có sự điều chỉnh chính sách của mình. Những kinh nghiệm cải cách của các nước cũng là sự gợi mở cho Việt Nam trong sự nghiệp tìm tòi con đường đổi mới. Vì vậy, những quan điểm đổi mới của Việt Nam được hình thành không chỉ đúc kết kinh nghiệm của nước mình mà còn từ những kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước xã hội chủ nghĩa khác.
I- NHỮNG THÀNH TỰU CỦA CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI
Ở VIỆT NAM
Đổi mới ở Việt Nam là quá trình thử nghiệm, trong quá trình này cái mới và cái cũ xen kẽ nhau, cái cũ không mất đi ngay mà lùi dần, có lúc, có nơi còn chiếm ưu thế hơn cái mới, nhưng xu hướng chung là cái mới dần dần được khẳng định và đưa tới thành công.
Điểm nổi bật của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là luôn luôn lấy sự ổn định chính trị - xã hội làm tiền đề, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới, phát triển và chính sự phát triển đó sẽ tạo ra sự ổn định mới vững chắc hơn.
Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài nhiều năm, khắc phục được nạn lạm phát có lúc trên 700% (năm 1986) xuống mức lạm phát 12% (năm 1995) và từ đó đến nay lạm phát chỉ còn một con số; khắc phục được nạn thiếu lương thực trước đây và hiện nay kinh tế phát triển liên tục, đặc biệt là sản xuất lương thực, Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu gạo thứ hai, thứ ba trên thế giới.
Hiện nay Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Cùng với tăng trưởng kinh tế, trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã chú ý đến việc thực hiện chính sách công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện một bước đáng kể. Tính riêng trong 5 năm (1993-1998), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng 2,45 lần.
Một đặc điểm khác đáng chú ý nữa là sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam đã xác định đổi mới kinh tế là trọng tâm, trước hết phải đổi mới tư duy về kinh tế. Nhờ định hướng đúng đắn mà những yêu cầu cấp thiết của nhân dân ta về sản xuất và đời sống được giải quyết, đem lại sự tin tưởng của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, tự nó trở thành động lực thúc đẩy công cuộc đổi mới giành nhiều thắng lợi.
Song song với đổi mới kinh tế, từng bước đổi mới về chính trị, xã hội, văn hóa với mục tiêu phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Khoa học - công nghệ cùng với giáo dục - đào tạo được Nhà nước hết sức chăm lo. Nhà nước coi chính sách phát triển khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhờ vậy, trong những năm vừa qua, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Năm 2000, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, hiện nay chương trình đào tạo sau đại học với hai học vị thạc sĩ và tiến sĩ đang được thực hiện ở hầu hết các ngành học thuộc khoa học tự nhiên và công nghệ cũng như khoa học xã hội và nhân văn.
Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam thực hiện chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Trên cơ sở đường lối đó, Việt Nam đã kiên trì phấn đấu đẩy lùi và làm thất bại chính sách bao vây cấm vận, cô lập Việt Nam của các thế lực thù địch, tạo được môi trường quốc tế, khu vực thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tháng 7-1995, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Tháng 3-1996, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) gồm 10 nước châu Á và 15 nước châu Âu với tư cách thành viên sáng lập. Tháng 10-2004, Hội nghị ASEM lần thứ năm đã họp tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam.
Tháng 11-1998, Việt Nam đã gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) gồm các nước và lãnh thổ thuộc châu Á, châu Mỹ và châu Đại Dương ở ven hai bờ Thái Bình Dương.
Chính trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng xuất khẩu, thúc đẩy phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Năm 1990, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,404 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,752 tỷ USD, tính chung bốn năm từ năm 2001 đến năm 2004, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 77 tỷ USD, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân bốn năm khoảng 14,6%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2004 đạt trên 305 USD/người.
Đổi mới ở Việt Nam đã kết hợp được nội lực và ngoại lực. Tháng 12-1987, Việt Nam đã ban hành Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ thời gian ấy đến nay, đất nước ta đã thu được hàng chục tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài với hàng nghìn dự án, trong số đó đã thực hiện khoảng 21 tỷ USD. Có thể nói rằng, nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, Việt Nam còn tranh thủ được nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) ngày càng cao.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận với những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Đồng thời, thông qua các dự án hợp tác với nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm quản lý tiên tiến.
Những thành tựu đổi mới trên bắt nguồn từ đổi mới tư duy. Việc đổi mới tư duy mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12-1986) của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra rất khái quát, nhưng hết sức cơ bản và có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới về sau. Khi công cuộc đổi mới được triển khai và đi vào chiều sâu thì đổi mới tư duy càng được đẩy mạnh. Bất cứ một sự ngưng trệ nào trong tư duy cũng đều làm ngưng trệ sự đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thực tiễn đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội vừa là kết quả đổi mới tư duy, lại vừa đặt ra những yêu cầu mới cho việc tiếp tục đổi mới tư duy ở trình độ cao hơn.
Ở Việt Nam, đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà làm cho chủ nghĩa xã hội đi tới thắng lợi. Đổi mới không phải là phủ định quá khứ mà khẳng định những gì hiểu đúng, làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai, bổ sung những nhận thức mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới.
Thực hiện được những điều trên đây thực sự là cuộc đấu tranh phức tạp giữa cái đúng và cái sai, giữa tiến bộ và lạc hậu, lỗi thời, giữa cái mới thúc đẩy sự phát triển và cái cũ cản trở sự phát triển. Tiêu chuẩn để phân biệt những mặt trái ngược đó chính là thực tiễn - kết quả về kinh tế, xã hội giành được trong thời kỳ đổi mới.
Thành tựu đổi mới ở Việt Nam đã được thể hiện rõ nét trên một số vấn đề sau đây:
Thứ nhất, chuyển từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung chỉ có hai thành phần kinh tế (nhà nước và tập thể) sang mô hình mới - kinh tế hàng hóa nhiều thành phần (nhà nước, tập thể, cá thể tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài), trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong sự thống nhất biện chứng với tính đa dạng các hình thức sở hữu, đa dạng các hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Đây là đổi mới căn bản mà ý nghĩa sâu xa của nó là tôn trọng quy luật khách quan về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Điều đó đã mở đường giải phóng mọi tiềm năng xã hội, giải phóng sức sản xuất. Nhân tố quan trọng bậc nhất của lực lượng sản xuất là con người: Người lao động làm chủ, được thúc đẩy bởi quy luật lợi ích, trong đó lợi ích cá nhân của người lao động là động lực trực tiếp và là cơ sở để thực hiện phát triển lợi ích của tập thể và của toàn xã hội.
Thứ hai, từ mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung chuyển sang mô hình quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường. Điểm nổi bật trong đổi mới cơ chế quản lý kinh tế là xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp, hình thành tương đối đồng bộ cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới có tính chất đột phá là từ chỗ về cơ bản không sử dụng quan hệ hàng hóa - tiền tệ, chuyển sang coi thị trường vừa là căn cứ, vừa là đối tượng của kế hoạch. Còn kế hoạch mang tính định hướng, điều tiết ở tầm vĩ mô, thị trường có vai trò trực tiếp hướng dẫn các đơn vị kinh tế lựa chọn lĩnh vực hoạt động và phương án tổ chức sản xuất kinh doanh.
Cơ chế thị trường thừa nhận cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất phát triển, nhưng đồng thời dẫn tới sự chênh lệch, sự phân hóa giàu nghèo. Đây là mặt trái của cơ chế thị trường.
Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải có chính sách đúng đắn để cho cơ chế thị trường đẩy sự phân hóa giàu nghèo vượt qua giới hạn cho phép. Việt Nam đã giải quyết vấn đề này bằng chính sách xóa đói, giảm nghèo được thực hiện tương đối hiệu quả.
Tại cuộc Hội thảo quốc tế với tiêu đề Xóa đói, giảm nghèo: Kinh nghiệm Việt Nam và một số nước châu Á do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 6-2004, đại diện của nhiều tổ chức và nhà tài trợ quốc tế đã đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Việt Nam là nước có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba, đổi mới hệ thống chính trị từ chế độ tập trung quan liêu, với phương thức quản lý kinh tế hành chính mệnh lệnh sang dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện dân chủ gắn liền với tôn trọng luật pháp, kỷ cương xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ những lực cản đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, nảy sinh ra những nhân tố mới, động lực mới, thúc đẩy công cuộc đổi mới ở Việt Nam giành được nhiều thành quả.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam gồm ba phần cấu thành: Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Nói đổi mới hệ thống chính trị thực chất là đổi mới tổ chức, cán bộ và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị đó. Cụ thể là:
- Đảng Cộng sản Việt Nam “lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng... Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái”1.
- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, định ra pháp luật, tổ chức quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, kế hoạch và các chính sách cụ thể. Lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, nhờ vậy đã có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền và lợi ích của nhân dân.
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. “Các đoàn thể nhân dân, tùy theo tính chất, tôn chỉ và mục đích đã xác định, vừa vận động đoàn viên, hội viên giúp nhau chăm lo, bảo vệ các lợi ích thiết thực; vừa giáo dục nâng cao trình độ mọi mặt cho đoàn viên, hội viên, vừa tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội”2.
Thành tựu đạt được trong việc thực hiện đổi mới hệ thống chính trị là đáng kể. Đổi mới đã tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở trong xã hội, đã thiết lập được các cơ chế và chính sách để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Tất cả những điều vừa trình bày trên đây đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Thành tựu này được các nước trong khu vực cũng như các đối tác có quan hệ với Việt Nam thừa nhận và xem đây là một thuận lợi trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
II- NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM CỦA CÔNG CUỘC
ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM
Từ thực tiễn đổi mới, Đảng và Nhà nước ta càng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý. Có thể rút ra một số bài học sau đây:
1. Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và trong tám thập kỷ qua, Đảng ta luôn kiên trì mục tiêu đó. Trong hơn 20 năm đổi mới, tình hình thế giới biến động rất phức tạp. Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Chủ nghĩa xã hội hiện thực bị lâm vào thoái trào, phong trào cách mạng thế giới gặp những khó khăn to lớn chưa từng thấy. Tình hình đó đã tác động đến cách mạng nước ta. Đứng trước tình thế hiểm nghèo đó, với bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng ta vẫn kiên định con đường xã hội chủ nghĩa đã chọn - con đường hợp quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, phù hợp với con đường phát triển của nhân loại.
Trong những năm đổi mới, Đảng ta đã có sự nhận thức sâu sắc hơn, đúng đắn hơn đối với chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đại hội VII của Đảng thông qua năm 1991 Đảng ta đã đưa tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho cách mạng nước ta.
Trên cơ sở đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, Đảng ta đặt vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Thực tiễn cách mạng nước ta từ khi có Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới đã khẳng định giá trị, sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là kiên định tính biện chứng, là điều kiện cơ bản bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới vô cùng phức tạp của tình hình thế giới.
2. Đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp
Công cuộc cải tổ, cải cách ở một số nước xã hội chủ nghĩa cho thấy, nếu xác định đúng mục tiêu, song không xác định đúng phương hướng, bước đi thì vẫn có thể không thành công. Đối với nước ta, đổi mới là một sự nghiệp có tính chất cách mạng, toàn diện, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đổi mới toàn diện phải tiến hành đồng bộ trên tất cả các mặt, tuy nhiên phải xác định trọng tâm, trọng điểm và phải có các bước đi, hình thức, cách làm phù hợp, phải nắm lấy khâu then chốt trong mỗi thời kỳ, phải nắm vững các mối quan hệ biện chứng chủ yếu trong đời sống xã hội, đó là quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa kinh tế và chính trị, giữa kinh tế và quốc phòng - an ninh, trong đó xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Trong quá trình đổi mới, nước ta kế thừa những kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc, những thành tựu của cách mạng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa nhân loại, trong đó có mặt tích cực của kinh tế thị trường, những giá trị tư tưởng về nhà nước pháp quyền.
Để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, nước ta đã bảo đảm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Gắn kết chặt chẽ kinh tế với văn hóa và bảo đảm môi trường sinh thái. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội trong từng bước phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
3. Đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, phù hợp thực tiễn, luôn luôn nhạy bén với cái mới
Sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện về bản chất mang tính nhân dân sâu sắc thể hiện ở chỗ nó bắt nguồn từ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân và do nhân dân thực hiện. Chính những sáng kiến của nhân dân, của cơ sở nảy sinh từ cuộc sống thực tiễn là cơ sở, nguồn gốc để hình thành chủ trương đổi mới của Đảng. Đường lối đổi mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, thể hiện ý Đảng lòng dân nên được toàn dân ủng hộ và thực hiện một cách sáng tạo đã giải phóng được mọi tiềm năng của lực lượng sản xuất - nhân tố quyết định sự phát triển xã hội, khơi dậy được tài sức của nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hiện nay, công cuộc đổi mới đang đặt ra nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn mà Đảng ta phải nghiên cứu giải quyết. Vì vậy, phải tiếp tục nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Những bài học rút ra trong sự nghiệp đổi mới vừa qua sẽ góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới đi tới thành công, nhất là phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhiều vấn đề cấp bách khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, v.v..
Do tác động mặt trái của kinh tế thị trường, nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí đang tiếp tục diễn ra ở một số cán bộ và một số cơ quan quan trọng làm cho quan hệ giữa Đảng và nhân dân có mặt bị giảm sút. Vì vậy, phải củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Lợi ích chính đáng của nhân dân phải là cơ sở để hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước. Có như vậy những sáng kiến, kinh nghiệm của quần chúng, tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân mới có thể được biến thành những quyết sách chính trị trong quá trình đổi mới.
4. Phát huy cao độ nội lực, đồng thời khai thác ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững, trong đó phát huy nội lực là nhân tố quyết định, khai thác nhân tố ngoại lực là quan trọng, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, kinh tế tri thức ngày càng phát triển, chúng ta phải chủ động sử dụng những thành tựu khoa học và công nghệ (công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới...) cùng với những thành tựu của kinh tế tri thức để phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại của thế giới.
Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành một xu thế khách quan, tác động đến tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, Đảng ta đã đề ra chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, chúng ta đã xác lập được quan hệ ổn định với các nước lớn, đã thiết lập ngoại giao với 167 nước, có quan hệ thương mại với 221 nước và vùng lãnh thổ, chúng ta đã gia nhập AFTA, ASEM, APEC và năm 2006 đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nhờ vậy, chúng ta đã thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư nước ngoài FDI và ODA. Chúng ta cũng đã thiết lập được quan hệ tín dụng với các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, tranh thủ được số lượng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đồng thời tranh thủ kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, mở rộng thị trường để phát triển đất nước.
Sự khai thác ngoại lực làm tăng lên sức mạnh của nội lực. Việc phát huy nội lực tạo cơ sở cho việc sử dụng ngoại lực có hiệu quả hơn. Trong việc khai thác ngoại lực, sử dụng sức mạnh của thời đại, chúng ta phải đứng vững trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc.
5. Phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân
Thực tiễn công cuộc đổi mới đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của đổi mới. Nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, ngày càng hoàn thiện, vai trò lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng được tăng cường, do đó, công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng được đông đảo nhân dân hưởng ứng biến thành hành động sôi nổi, rộng khắp của quần chúng.
Trong quy trình đổi mới, Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, coi việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong điều kiện mới là nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng.
Trong quá trình đổi mới, Đảng ta rất coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vì dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Dân chủ hóa đời sống xã hội sẽ làm cho mọi tiềm năng của con người được phát huy, tính tích cực, chủ động của nhân dân được tăng lên, sự tham gia của nhân dân vào quá trình sáng tạo ra xã hội mới sẽ ngày càng có hiệu quả hơn.
Để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa phải tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong việc tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở lợi ích chung của đất nước, lấy việc giữ vững độc lập, thống nhất Tổ quốc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng. Phải tạo điều kiện và cơ chế cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trên đây là những bài học lớn được rút ra từ công cuộc đổi mới. Những bài học này có ý nghĩa chỉ đạo tiếp tục cho công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu. Vì vậy, nắm vững và quán triệt chúng để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là yêu cầu quan trọng hiện nay và sắp tới.
* Những thành tựu
- Về lương thực, thực phẩm, từ chỗ thiếu ăn triền miên, chúng ta đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân và thay đổi cán cân xuất - nhập khẩu.
- Hàng hóa trên thị trường nhất là hàng tiêu dùng dồi dào, đa dạng và lưu thông tương đối thuận lợi.
- Kinh tế đối ngoại phát triển mạnh, mở rộng hơn trước về quy mô, hình thức.... đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
- Đã kìm chế được một bước đà lạm phát.
- Bước đầu hình thành nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường và có sự điều tiết của nhà nước.
- Những thành tựu, ưu điểm, tiến bộ đạt được chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng là đúng, bước đi của công cuộc đổi mới về cơ bản là phù hợp. Công cuộc đổi mới như là một cuộc cách mạng, có thành tựu, ưu điểm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
* Những tồn tại yếu kém :
- Đất nước chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội.
- Nhiều vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối chưa được giải quyết.
- Nền kinh tế vẫn còn mất cân đối lớn, lạm phát vẫn còn cao, người lao động vẫn còn thiếu việc làm, hiệu quả kinh tế thấp.
- Chưa có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế.
- Chế độ tiền lương còn bất hợp lí, đời sống của những người lao động chủ yếu bằng lương và trợ cấp xã hội cũng như một bộ phận nhân dân vẫn còn giảm sút.
THAM KHẢO:
Viết đoạn văn về tình yêu quê hương đất nướcĐoạn văn mẫu số 1
Quê hương, đất nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Bởi vậy, chúng ta cần có tình yêu quê hương, đất nước. Đó là tình cảm gắn bó, yêu mến và tự hào của con người dành cho quê hương, đất nước của mình. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu quê hương, đất nước. Lịch sử dân tộc đã phải trải qua nhiều năm đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược. Bất kì một thời đại nào, nhân dân cũng đoàn kết một lòng để đánh bại kẻ thù, giành lại độc lập cho đất nước. Hòa bình lặp lại, chúng ta lại cùng chung tay để khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng lại quê hương giàu đẹp. Hiện tại, tình yêu quê hương, đất nước được xuất phát từ những điều nhỏ bé. Chúng ta yêu cánh đồng quê hương, xóm làng thân thuộc hay con đường vẫn đi qua. Thế hệ trẻ cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp này.
Đoạn văn mẫu số 2Tình yêu quê hương, đất nước là tình cảm gắn bó, yêu mến và tự hào về quê hương, đất nước. Ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, tình cảm đó lại được biểu hiện theo một cách riêng. Nếu trong những năm tháng chiến tranh, nhân dân Việt Nam cùng đồng lòng để đánh bại kẻ thù xâm lược, giành lại chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Biết bao nhiêu con người đã hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân. Thì khi đất nước được hòa bình, chúng ta lại yêu quê hương, đất nước với nhiều hành động khác. Mỗi người luôn nhớ về nguồn cội, biết ơn thế hệ trước. Chúng ta cố gắng học tập để trở về xây dựng quê hương, đất nước. Hay ý thức cần phải coi trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước cũng có thể đến từ nhiều điều nhỏ bé như yêu con đường, xóm làng hay cánh đồng… Như vậy, chúng ta cần hiểu được tầm quan trọng và ý thức phát huy tình cảm tốt đẹp này.
Đoạn văn mẫu số 3“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao”
(Quê hương, Giang Nam)
Tình yêu quê hương, đất nước là tình cảm thật đẹp đẽ, thiêng liêng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người Việt Nam vẫn giữ gìn và phát huy tình cảm tốt đẹp đó. Trong quá khứ, rất nhiều thế hệ đ ã ngã xuống để bảo vệ cho nền độc lập, hòa bình của dân tộc. Đến hiện tại, tình yêu quê hương đất nước lại được thể hiện qua nhiều hành động khác nhau. Chúng ta cố gắng học tập thật tốt để tương lai góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu những nét đẹp truyền thống của quê hương, đất nước đến nhân dân trong nước và quốc tế. Ý thức trách nhiệm, cũng như tinh thần quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, những nét đẹp truyền thống văn hóa lâu đời… Mỗi người hãy nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp này, để xứng đáng với nguồn gốc của mình.
Đoạn văn mẫu số 4Tình yêu quê hương, đất nước là một thứ tình cảm tốt đẹp. Trước hết, tình yêu quê hương, đất nước là sự gắn bó, yêu mến của con người với quê hương, đất nước của mình. Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam vẫn luôn tự hào với truyền thống yêu nước vẻ vang. Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, biết bao con người đã ngã xuống để giành lại nền độc lập dân tộc, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh - khi còn trẻ vốn là một chàng thanh niên giàu lòng yêu nước, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan nhân dân lầm than khổ cực, Người đã quyết tâm ra đi và tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Trong suốt những năm bôn ba nước ngoài, Bác luôn nhớ về mảnh đất quê hương, với một lòng mong mỏi, yêu thương. Bác chính là tấm gương sáng cho lòng yêu quê hương, đất nước. Khi đất nước đã bước vào thời đại hòa bình, tình yêu quê hương đất nước lại thể hiện qua những hành động giản dị. Lòng yêu xóm làng thân thuộc, cánh đồng lúa chín hay con người thôn quê. Tinh thần nỗ lực học tập để tương lai trở về xây dựng quê hương, đất nước. Hay ý chí kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, nét đẹp truyền thống dân tộc. Mỗi người dân Việt Nam hãy luôn giữ được tình cảm thiêng liêng, quý giá đó trong trái tim của mình.
Đoạn văn mẫu số 5Yêu nước là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Tình yêu quê hương, đất nước có thể được hiểu là sự gắn bó, yêu mến của con người với quê hương, đất nước. Trong lịch sử dân tộc đã có hàng nghìn năm chống lại kẻ thù phương Bắc. Sau đó, chúng ta phải kể đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Trong bất cứ thời đại nào, nhân dân Việt Nam vẫn đồng lòng, chung sức vì một tình yêu to lớn. Thế trẻ hôm nay cần phải giữ gìn và phát huy truyền thống quý giá đó. Từ việc nhỏ nhất là cố gắng học tập tốt, rèn luyện phẩm chất để trở thành những công dân có ích cho đất nước. Đến việc lớn lao như kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Dù nhỏ bé hay lớn lao thì cũng đều là tấm lòng đáng trân trọng. Tinh thần yêu nước chắc chắn sẽ là một sức mạnh to lớn để đất nước Việt Nam, con người Việt Nam ngày càng phát triển.
Đoạn văn mẫu số 6Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống. Một trong những truyền thống quý giá đó là lòng yêu nước. Tình yêu dành cho quê hương, đất nước - thứ tình cảm mà bất cứ con người nào cũng cần phải có. Nhờ có tình yêu đó, dân tộc ta đã vượt qua những khó khăn. Trong quá khứ là các cuộc kháng chiến để bảo vệ lãnh thổ của đất nước. Nhiều người con đã ngã xuống vì tinh thần: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Đến với thời điểm hiện tại, tình yêu quê hương, đất nước lại được thể hiện ở phương diện khác. Mỗi người khi tiếp thu văn minh hiện đại của nước ngoài dựa trên nguyên tắc “hòa nhập chứ không hòa tan”. Nhiều thanh niên tài năng với những phát minh khoa học được thế giới công nhận lại nguyện trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp. Nhiều sinh viên vừa mới tốt nghiệp, tình nguyện trở về quê hương để xây dựng cho quê hương mình. Bên cạnh đó, không ít người sẵn sàng chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức… Đó là những hành động đáng phê phán và tránh xa. Chúng ta - những con người Việt Nam hãy luôn dặn lòng phải giữ cho mình một tình yêu dành cho quê hương, đất nước.
Đoạn văn mẫu số 7“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều…”
Những lời trong bài thơ Quê hương của Đỗ Trung Quân đã gợi ra những suy từ về tình yêu quê hương đất nước. Đầu tiên, tình yêu quê hương, đất nước là một tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Con người Việt Nam vốn giàu tình yêu quê hương, đất nước. Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn phát huy điều đó trong mọi hoàn cảnh. Từ quá khứ hào hùng của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, Mỹ thì tinh thần đó lại càng sáng ngời. Tinh thần yêu nước không phân biệt tuổi tác, giới tính hay giai cấp. Bất kì ai, nếu đã là người Việt Nam thì đều mang trong mình lòng yêu quê hương, đất nước. Tình yêu quê hương, đất nước là một thứ tình cảm thiêng liêng. Nhưng có những người lại quên đi nguồn cội của mình. Điều đó thật đáng lên án và phê phán. Mỗi người dân Việt Nam cần ý thức nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước.
Đoạn văn mẫu số 8Quê hương, đất nước - tiếng gọi thật thiêng liêng mà giàu tình cảm. Đối với mỗi người cũng như với em, tình yêu quê hương, đất nước là vô cùng quan trọng. Em sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuộc ngoại thành của thủ đô Hà Nội. Đó là một vùng quê trù phú, yên bình và tuyệt đẹp. Những cánh đồng lúa bát ngát một màu vàng ươm. Con đường làng như một dải lụa vắt ngang qua cánh đồng. Dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa quanh năm cung cấp cho đồng ruộng quê em những tinh túy của đất trời. Không chỉ có thiên nhiên mà con người cũng đáng quý, họ sống rất thật thà và nồng hậu. Người dân quê em làm ăn vất vả, bận rộn quanh năm. Nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Tất cả khiến em thêm yêu quê hương của mình nhiều hơn. Hôm nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, quê hương của em cũng đang trở nên hiện đại hơn. Nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng. Đường phố trở nên khang trang, tập nập. Những cửa hàng đẹp đẽ, rộng lớn… Càng tự hào về quê hương của mình bao nhiêu, em tự nhủ phải cố gắng học tập bấy nhiêu. Trong tương lai, em sẽ trở về để xây dựng quê hương mình ngày một giàu đẹp hơn nữa.
Đoạn văn mẫu số 9Nhà bác học Louis Pasteur đã từng khẳng định: “Học vấn không có quê hương, nhưng người học phải có tổ quốc”. Qua câu nói trên, người đọc đã cảm nhận được tầm quan trọng của quê hương, đất nước đối với con người. Bởi vậy mà chúng ta cần phải có tình yêu quê hương, đất nước. Đó chính là sự yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Trong quá khứ, dân tộc Việt Nam đã luôn phát huy truyền thống yêu nước. Chúng ta đã cùng nhau đoàn kết đánh thắng kẻ thù xâm lược, bảo vệ nền độc lập của đất nước. Biết bao chàng trai, cô gái đã ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Đến ngày hôm nay, tình yêu đó vẫn được giữ gìn. Sự biết ơn, yêu mến của mỗi học sinh, sinh viên với những người đã sinh thành, dạy dỗ chúng ta. Cũng có thể đến từ sự bảo vệ và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc. Đặc biệt là lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy rình rập (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…). Trong bất kì hoàn cảnh nào, tình yêu quê hương đất nước cũng vô cùng quan trọng.
Đoạn văn mẫu số 10Tình yêu quê hương, đất nước - một thứ tình cảm cao quý trong cuộc sống. Lòng yêu nước được hiểu là sự gắn bó, yêu mến của con người với quê hương, đất nước. Từ đó mà chúng ta mong muốn được cống hiến, xây dựng quê hương, đất nước ngày một tốt đẹp hơn. Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Điều đó không chỉ được thể hiện trong những năm chiến tranh. Mà còn ngay trong thời bình, khi chúng ta cùng nhau chung tay xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Đôi khi, lòng yêu quê hương, đất nước cũng đến từ những hành động vô cùng đơn giản: dọn dẹp đường làng ngõ xóm, học tập chăm chỉ… Nhờ có tình yêu này mà chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, sống tích cực hơn và nỗ lực để trở thành người có ích cho xã hội. Vậy mà có những người lại quên đi nguồn cội của mình. Họ rời bỏ quê hương hoặc thậm chí là tìm cách chống phá đất nước (để lộ bí mật quốc gia, hiện tượng chảy máu chất xám…). Đó là những hành vi đáng lên án, cần phải tránh xa. Tình yêu quê hương, đất nước trong mọi hoàn cảnh đều vô cùng quan trọng. Bởi vậy thế hệ trẻ hôm nay hãy giữ gìn thứ tình cảm thiêng liêng đó.
Đoạn văn mẫu số 11Quê hương có một vị trí quan trọng trong lòng mỗi người. Mỗi người dân Việt Nam đều có tình cảm thiêng liêng gắn bó với quê hương xứ sở của mình. Đối với những con người lao động, nhất là người nông dân, họ đã gắn bó mật thiết với quê hương. Từ lúc cất tiếng khóc chào đời, cho đến những năm tháng tuổi thơ đẹp đẽ. Trong công việc hay cuộc sống gia đình, và cho tới lúc nhắm mắt họ đã sống gắn liền với làng quê. Tình cảm yêu quê hương đất nước là một truyền thống tốt đẹp và đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cho dù có ở nơi xa nhưng mỗi người vẫn luôn nhớ về quê nhà của mình. Quê hương như một người mẹ hiền ôm ta vào lòng và dành cho ta những gì tốt đẹp nhất. Quê mẹ là nơi ấp ủ tình yêu thương. Nơi nuôi ta lớn, dạy dỗ, an ủi che chở cho ta. Quê hương - hai tiếng thân thương mỗi lần nghe thấy chúng ta không khỏi xúc động bồi hồi. Tình yêu quê hương đã ăn sâu vào máu thịt, đi sâu vào lòng mỗi con người. Vì vậy nếu ai chưa nhận thức chưa có tình cảm gắn bó với xứ sở của mình thì hẳn họ chưa được coi là trưởng thành. Quê hương đi vào lòng con người một cách rất tự nhiên. Người ta có thể nhớ tới quê hương đất nước của mình chỉ qua một món ăn bình dị hay một địa danh đã gắn liền với những kỷ niệm đẹp.
Đoạn văn suy nghĩ về tình yêu quê hương, đất nước Lớp 7Đoạn văn mẫu số 1
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể”
(Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm)
Đó là những cảm nhận về đất nước của riêng nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Còn đối với tôi, đất nước là tất cả những gì gần gũi, thân thương nhất: là mảnh đất nơi ta cất tiếng khóc chào đời, là nơi có những người thân yêu, là nơi có mái đình cổ kính, có cây đa già và có cả những điều thân thuộc vô cùng gắn bó …. Và như thế, tình yêu đất nước nói ra cũng thật giản đơn, yêu đất nước chính là yêu gia đình, yêu xóm làng thân quen, yêu những lũy tre bờ đê, yêu từng cánh đồng lúa chín… Tình yêu đất nước bắt nguồn từ những điều bình dị thân quen như thế và biểu hiện ra trong đời sống hằng ngày. Với những người lính tình yêu đất nước là sẵn sàng hy sinh, xả thân vì Tổ quốc. Với những người dân là cố gắng làm việc để xây dựng gia đình, xã hội. Với những em nhỏ là cố gắng học tập để góp phần kiến thiết quê hương… Tình yêu đất nước lúc nào cũng thường trực trong mỗi con người. Chúng ta cần phải luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ đất nước, sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc cần, cố gắng lao động tích cực xây dựng xã hội vững mạnh… Tình yêu đất nước là một tình cảm giản dị nhưng thiêng liêng và cao quý vô cùng như nhà thơ Xuân Diệu đã từng ca ngợi: “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi bờ sông”.
Đoạn văn mẫu số 2Đối với em, cứ nhắc đến quê hương là lòng em lại dâng trào biết bao niềm tự hào. Quê hương em là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi đã nuôi nấng em thành người. Nơi đây đã ghi lại bao kỷ niệm ngọt ngào, vui buồn của tuổi thơ em. đó là những ngày em được sống bên bố mẹ được bố mẹ yêu thương. Ngày nắng chói chang mẹ vừa quạt vừa ru em ngủ. Mùa đông lạnh già bố ủ ấm cho em bằng tình yêu thương của người. Quê hương cũng là nơi cho em những người bạn hiền, bạn tốt. Những người bạn cùng em học tập. cùng em chăn trâu cắt cỏ trên bờ đê. Những người bạn đã cùng em sẻ chia bao nỗi buồn vui. Em còn nhớ những thầy cô đã dạy dỗ em. Những lời giảng, những nét bút, tiếng nói, đã khắc sâu trong trái tim em. Làm sao em có thể quên được những con người đáng yêu đáng quý ở nơi yêu dấu của mình? Quê hương còn cho em những hàng cây xanh mướt, những bãi nương dâu, màu xanh tươi của đồng lúa. Chao ôi! biết ơn và tự hào biết mấy quê hương yêu dấu của em.
Đoạn văn mẫu số 3Nhắc đến quê hương mình, lòng em dâng lên biết bao niềm yêu mến, tự hào. Quê hương em, đó là nơi cha mẹ sinh ra em và nuôi lớn em thành người. Nơi đây ghi dấu bao kỉ niệm ngọt ngào của tuổi thơ. Đó là những ngày đầu tiên em chập chững biết đi, em bi bô biết nói. Ngày nắng chói chang mẹ thức đêm quạt cho em ngủ. Đêm đông lạnh giá, cha ủ ấm cho em bằng hơi ấm của của người. Quê hương cũng là nơi cho em những người bạn quý trong đời. Người bạn cùng em chăn trâu cắt cỏ, người bạn cùng em thả diều, bắt cá và cũng chính người bạn ấy cùng em tới lớp tới trường, sẻ chia bao niềm vui nỗi buồn với em. Em còn nhớ đến những thầy cô đã góp công dạy em khôn lớn. Từng lời thầy giảng, từng nét bút của cô còn như in dấu trong em như những âm thanh, hình ảnh thiêng liêng nhất trong đời. Làm sao em quên được những hàng cây xanh mướt, những con đường giản dị, những bờ mương trong mát, và bầu trời lồng lộng tiếng sáo diều... Chao ôi! Biết ơn và tự hào biết mấy về quê hương yêu dấu này.
Đoạn văn mẫu số 4Bất cứ ai trong cuộc sống này cũng có một quê hương, một Tổ quốc trong tim. Ngay từ bé, tôi đã được mẹ nói cho nghe về những truyền thống lịch sử dân tộc, những văn hóa cổ truyền đặc sắc của quê hương. Từ đó trong tôi đã dồi dào một lòng yêu quê hương, đất nước từ bao giờ không hay. Quả thực, đây là một thứ tình cảm cao quý mà ai cũng cần có trong mình. Vì quê hương là nơi ta sinh ra và lớn lên, nuôi dưỡng tâm hồn ta, cho ta sự sống. Đó là cội nguồn để hướng về, nơi chôn rau cắt rốn mà bất cứ ai cũng không thể phủ nhận. Bên cạnh đó, con người ta có được cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no như ngày hôm nay là nhờ công lao của biết bao thế hệ ông cha ta ngày trước đã kiên cường dựng nước và giữ nước, không ngại đổ máu xương để chống lại kẻ thù xâm lược. Vậy nên, cần biết trân trọng và yêu thương Tổ quốc này vì từng tấc đất mà ta đang ở đều được đánh đổ bằng bao mồ hôi công sức của thế hệ trước.
Đoạn văn mẫu số 5Tình yêu quê hương là một tình yêu thường trực trong tâm hồn mỗi con người. Bởi quê hương là nơi ta sinh ra, lớn lên và có những kỉ niệm về một tuổi thơ êm đềm. Quê hương gắn với những chiều ngả mình trên lưng trâu, lim dim đôi mắt nhìn bầu trời xanh và lắng nghe tiếng sáo diều. Quê hương gắn với những cánh cò, những rặng tre rì rào, những cánh đồng lúa chín thơm vàng ửng. Quê hương gắn với giọt mồ hôi của mẹ, của cha, gắn với tiếng đưa võng kẽo kẹt cùng lời ru của bà... Nhắc đến quê hương thôi là mở ra cả một bầu trời thương nhớ. Những kỉ niệm thơ bên những người thân thương sao mà êm đềm đến thế. Tình yêu quê hương còn là tình cảm gắn bó với giang sơn, đất nước, với lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc. Nhà văn Nga, I-li-a Ê-ren-bua đã từng nói: “Lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở nên lòng yêu Tổ quốc”. Quê hương nào không là một phần máu thịt của tổ quốc, giang sơn. Yêu quê hương là một biểu hiện của lòng yêu Tổ quốc.Dựng xây quê hương cũng là một cách xây dựng đất nước mình, cho đất nước ngày một giàu đẹp hơn. Tình yêu quê hương , đất nước là cội nguồn của những tình cảm cao đẹp trong tâm hồn mỗi con người. Phải biết yêu mình, yêu lấy mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên thì mới có thể yêu thương người khác, yêu thương những mảnh đất mà trong cuộc đời ta sẽ đi qua. Yêu quê hương đất nước không chỉ là yêu vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình của những danh lam thắng cảnh mà còn là tình yêu, niềm tự hào với nền văn hoá, văn hiến, với lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng ta có quyền tự hào về những chiến công vang dội trong quá khứ, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn bản sắc dân tộc suốt mấy nghìn năm lịch sử. Là một người con Việt Nam, ghi nhớ lời Bác Hồ dạy “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” Dải đất hình chữ S thân thương đánh đổi bằng biết bao xương máu của thế hệ cha anh. Vì vậy mỗi chúng ta phải biết trân trọng những hy sinh lớn lao ấy, trân trọng và bảo vệ tổ quốc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày một giàu đẹp sánh vai với các cường quốc trên trường quốc tế.
Đoạn văn mẫu số 6Tình yêu quê hương đất nước là tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Nhờ có tình yêu đó mà con người không ngừng cố gắng để xây dựng và phát triển quê hương, dựng xây đất nước. Một thứ tình cảm đầy thiêng liêng luôn thường trực trong trái tim mỗi con người. Dân tộc Việt Nam có một lòng yêu nước nồng nàn. Điều đó được thể hiện từ những buổi đầu dựng nước và giữ nước. Lịch sử dân tộc chứng kiến hơn một nghìn năm Bắc thuộc với biết bao mất mát, đau thương. Nhưng không thời nào là không có anh hùng đứng lên lãnh đạo nhân dân chống lại kẻ thù. Không thời nào là nhân dân không chung lòng đấu tranh để bảo vệ đất nước. Nhưng những năm tháng hào hùng nhất có lẽ phải kể đến cuộc đấu tranh kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Người cũng là tấm gương sáng ngời cho lòng yêu nước thương dân sâu sắc, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh bại kẻ thù xâm lược. Biết bao nhiêu chàng trai, cô gái - họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, mang trong trái tim mình tình yêu với mảnh đất quê hương, để rồi không ngại hy sinh thân mình vì chính mảnh đất ấy. Ngày hôm nay, khi nhân loại được hưởng nền hòa bình hiếm hoi. Tình yêu quê hương, đất nước có lẽ xuất phát từ những điều thật bình dị. Đó có thể là lòng biết ơn, yêu mến những người đã sinh ra, dạy dỗ chúng ta. Hay là mong muốn học tập để mai này trở về xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Cũng có thể đến từ sự bảo vệ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của quê hương. Đặc biệt là lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy rình rập (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…). Chính vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay được sống trong một thế giới hòa bình, cần phải ý thức giữ gìn tình yêu quê hương, đất nước.
Đoạn văn mẫu số 7“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”
Tình yêu quê hương, đất nước là một tình cảm tình cảm yêu mến và gắn bó sâu sắc, chân thành đối với những sự vật, con người thuộc về nơi chúng ta sinh ra và lớn lên. Tình yêu quê hương, đất nước giúp cho con người trở nên tốt đẹp hơn, không quên đi nguồn cội của chính mình. Đó còn là động lực để bản thân sống có trách nhiệm hơn với gia đình, quê hương, đất nước. Tình yêu nước được biểu hiện qua những hành động cụ thể. Có thể là trong quá khứ với biết bao nhiêu người con đã nguyện hy sinh tính mạng để bảo vệ nền độc lập của tổ quốc. Hay trong hiện đại là việc tiếp thu văn minh hiện đại của nước ngoài dựa trên nguyên tắc “hòa nhập chứ không hòa tan”. Nhiều thanh niên tài năng với những phát minh khoa học được thế giới công nhận lại nguyện trở về Việt Nam xây dựng sự nghiệp. Nhiều sinh viên vừa mới tốt nghiệp, tình nguyện trở về quê hương - những vùng miền núi xa xôi… Vậy mà có nhiều bạn trẻ lại sẵn sàng chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, sống tự do, cá nhân, vô tổ chức… Họ quên đi nguồn cội của mình, rời bỏ quê hương hoặc thậm chí là tìm cách chống phá đất nước (để lộ bí mật quốc gia, hiện tượng chảy máu chất xám…). Từ đó sẽ góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, giữ gìn và phát triển đất nước ngày một cường thịnh. Mỗi cá nhân hãy biết bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và có những hành động cụ thể để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày một phát triển. Đồng thời cũng cần lên án và tránh xa những hành vi gây hại đến quê hương, đất nước. Quê hương, đất nước - là nơi gắn bó máu thịt với mỗi người. Chính vì vậy hãy giữ gìn tấm lòng yêu nước của chính mình.
Đoạn văn mẫu số 8“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi”
(Quê hương, Đỗ Trung Quân)
Quê hương, đất nước là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Bởi vậy chắc hẳn ai cũng đều dành cho quê hương, đất nước một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu đó có thể được thể hiện qua những lời thơ, câu hát. Những cụ thể nhất vẫn là những hành động cụ thể, thiết thực. Con người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn. Trong quá khứ, nhân dân ta đã cùng nhau đồng lòng để chống lại biết bao kẻ thù xâm lược. Hàng nghìn năm Bắc thuộc, đến thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì lòng tình yêu đó vẫn là điểm tựa sức mạnh để giúp nhân dân ta chiến thắng. Bởi vậy thế hệ trẻ hôm nay cần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó của ông cha ta. Mỗi bạn trẻ cần cố gắng học tập tốt, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của trường, lớp cũng như biết yêu thương bạn bè, kính trọng thầy cô và những người xung quanh. Đồng thời, cần phải xác định cho bản thân một ước mơ, một lý tưởng để cố gắng hoàn thành nó và trở thành người có ích trong tương lai. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những thanh niên có nhận thức hết sức lệch lạc. Bên cạnh đó, nhiều người có lối sống sai lầm, lệch lạc. Họ chạy theo lối sống ích kỉ, thực dụng để rồi có những việc làm ảnh hưởng đến lợi ích của quê hương, đất nước. Như vậy, mỗi người cần nuôi dưỡng để tình yêu quê hương, đất nước luôn cháy trong trái tim mình.
Đoạn văn mẫu số 9Hồ Chủ tịch đã từng khẳng định rằng: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”. Điều đó đã được chứng minh qua từng trang sử vẻ vang của dân tộc. Trước hết, tình yêu quê hương, đất nước là sự gắn bó, yêu mến của con người với quê hương, đất nước. Trong quá khứ, nhân dân ta luôn thể hiện được tình cảm đó. Thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… - năm tháng nào cũng có những con người đứng lên để bảo vệ đất nước. Đặc biệt nhất trong hai cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ thì tinh thần đó lại càng sáng ngời. Trong thời hiện đại, tình yêu quê hương đất nước đến từ những điều bình dị. Chúng ta yêu lời kể chuyện của bà, yêu tiếng hát ru của mẹ. Chúng ta yêu xóm làng thân thuộc, yêu cánh đồng lúa chín thơm. Hay cũng có thể là những hành động thật lớn lao như học tập tốt để mai này trở về xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp, bảo vệ và phát huy những nét văn hóa truyền thống của quê hương và lòng quyết tâm chiến đấu bảo vệ đất nước của mỗi con người trong những lúc gian nguy rình rập như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh…. Dù là nhỏ bé hay lớn lao thì tình yêu đó tin chắc sẽ còn tồn tại mãi với thời gian. Bởi tình yêu quê hương, đất nước chính là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Đoạn văn mẫu số 10Tình yêu quê hương, đất nước là sự gắn bó, yêu mến của con người với quê hương, đất nước của mình. Tình cảm này đã được nhân dân ta giữ gìn và phát huy từ trong quá khứ đến thời hiện tại. Lịch sử dân tộc ta đã trải qua những năm tháng dựng nước, giữ nước. Nhân dân ta đã cùng nhau đoàn kết để đánh bại những kẻ thù xâm lược. Từ kẻ thù phương Bắc đến thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ. Ở bất cứ thời đại nào, luôn có những con người sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ mảnh đất của quê hương, đất nước. Còn khi đất nước đã bước vào thời đại hòa bình, tình yêu quê hương đất nước lại thể hiện qua những hành động giản dị. Chúng ta cố gắng học tập tốt, rèn luyện phẩm chất để trở thành những công dân có ích cho đất nước. Hay như việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu văn hóa nước ngoài một cách có chọn lọc. Tình yêu quê hương, đất nước chính là một sức mạnh lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong của một dân tộc.
Đoạn văn mẫu số 11Quê hương, đất nước là một phần trong cuộc sống của con người. Tình yêu dành cho quê hương, đất nước là thứ tình cảm mà bất cứ con người nào cũng cần phải có. Trong quá khứ, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua nhiều năm tháng chiến tranh. Chúng ta luôn giữ trong tim một tình cảm nồng cháy dành cho mảnh đất thân thương. Để rồi có biết bao con người đã ra đi - “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” - để đất nước có được nền độc lập, tự do. Còn trong thời hòa bình, tình yêu quê hương đất nước lại biểu hiện theo một cách khác. Chúng ta yêu những điều giản dị như câu chuyện của bà, lời hát ru của mẹ. Chúng ta yêu con đường làng thân quen, cánh đồng lúa chín… Những điều nhỏ bé, giản dị nhưng lại là một phần máu thịt không thể thiếu. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ đã có lối sống sai lầm, thậm chí gây ra những hành động ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Mỗi con người Việt Nam hãy nuôi dưỡng cho mình thứ tình cảm tốt đẹp, đáng giữ gìn - tình yêu quê hương, đất nước.
Đoạn văn mẫu số 12Một trong những tình cảm tốt đẹp là tình yêu quê hương, đất nước. Hiểu đơn giản tình yêu quê hương, đất nước là sự gắn bó, yêu mến của con người với quê hương, đất nước của mình. Dân tộc Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc đấu tranh để chống lại kẻ thù xâm lược. Rất nhiều thế hệ đã nằm xuống, họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong thời hòa bình, tình yêu quê hương đất nước lại được biểu hiện qua những hành động thật giản dị. Tuổi trẻ cố gắng học tập thật tốt để tương lai cống hiến cho đất nước. Sự tiếp thu văn hóa nước ngoài có chọn lọc, mà vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc. Hay tinh thần quyết tâm bảo vệ đất nước khi gặp phải gian nguy… Bên cạnh đó, nhiều người có lối sống ích kỉ, có những suy nghĩ và hành động gây ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Bởi vậy, mỗi người Việt Nam hãy nuôi dưỡng tình cảm tốt đẹp này trong trái tim mình - tình yêu quê hương, đất nước.
Đoạn văn mẫu số 13Tình yêu quê hương, đất nước là một tình cảm đẹp đẽ. Đó là sự gắn bó, yêu mến và tự hào của con người với quê hương, đất nước của mình. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tình cảm này vẫn được giữ gìn và phát huy. Trong những năm chiến tranh, người dân Việt Nam đã cùng nhau đánh bại kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập cho đất nước và tự do cho nhân dân. Còn trong thời đại hòa bình, tình yêu quê hương, đất nước lại đến từ những hành động rất đơn giản. Chúng ta yêu những gì thuộc về quê hương như xóm làng quen thuộc, cánh đồng lúa chín hay con sông hiền hòa. Chúng ta cố gắng học tập thật tốt, trở thành những con người thành công để góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Vậy mà vẫn còn nhiều người sống ích kỉ, chạy theo lối sống vật chất. Điều đó thật đáng lên án, phê phán. Mỗi người cần hiểu rằng, tình yêu quê hương đất nước chính là nguồn sức mạnh to lớn cần được giữ gìn và trân trọng.
Đoạn văn mẫu số 14“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…”
(Bài học đầu cho con, Đỗ Trung Quân)
Chắc hẳn, mỗi người đều có quê hương, đất nước của mình. Và tình yêu quê hương, đất nước là một tình cảm thiêng liêng, quan trọng. Dân tộc Việt Nam được biết đến với truyền thống yêu nước. Trong quá khứ, chúng ta đã phải trải qua nhiều năm tháng chiến tranh. Dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào, tình yêu quê hương đất nước vẫn cháy bỏng trong trái tim mỗi người. Nhiều thế hệ đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc. Khi đất nước có được hòa bình, tình yêu đó lại đến từ những hành động khác. Nhiều người đã cố gắng học tập để trở về xây dựng quê hương, đất nước. Chúng ta luôn coi trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Hay lòng tự hào trước quá khứ hào hùng của đất nước… Nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ đã có lối sống ích kỉ và vô cảm, họ có những hành động ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Tình yêu quê hương, đất nước thật đáng trân trọng, là nguồn động lực để mỗi công dân tự khẳng định chính mình.
Đoạn văn mẫu số 15Quê hương, đất nước là nơi gắn bó với mỗi người. Tình yêu quê hương, đất nước là một tình cảm đẹp đẽ. Đó là s ự gắn bó, yêu mến và tự hào của con người với quê hương, đất nước của mình. Từ quá khứ cho đến hiện tại, tình cảm đó vẫn luôn được lưu giữ và phát huy một cách mạnh mẽ. Trong quá khứ, dân tộc Việt Nam phải chịu áp bức, bóc lột trước nhiều kẻ thù xâm lược. Nhưng bất cứ thời đại nào, chúng ta cũng đoàn kết một lòng để giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân. Ở thời hòa bình, tình yêu quê hương, đất nước lại đến từ những hành động rất đơn giản. Mỗi người ra sức cố gắng học tập thật tốt, trở thành những con người có ích cho xã hội. Nhiều bạn trẻ sau khi học tập xong, không ở lại thành phố mà trở về để xây dựng quê hương dẫu biết còn nhiều khó khăn. Có đôi khi, tình yêu quê hương, đất nước chỉ đơn giản là yêu mến cánh đồng, xóm làng, con đường… đã rất đỗi quen thuộc. Bên cạnh đó, vẫn có rất nhiều người chạy theo lối sống vật chất, quên đi nguồn cội của bản thân. Hành động này thật đáng lên án, phê phán. Chúng ta cần giữ gìn tình yêu quê hương đất nước, bởi đó chính là nguồn sức mạnh to lớn.
đề 1 :
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son"
Bánh trôi nước-một loại bánh dân dã, bình thường thấy quanh năm, được Hồ xuân Hương miêu tả một cách sinh động về màu sắc, hình dáng như là chiếc bánh đang tự nói về chính mình:
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn"
Qua đó, người phụ nữ Việt Nam có thể hóa thân vào những chiếc bánh dân dã đáng yêu ấy. Bà không dùng "khuôn mặt hình trái xoan", hay "đôi mày hình lá liễu" để mô tả vẻ đẹp quý phái của phụ nữ , trái lại bà dùng hình tượng "tròn", "trắng" để cho ta có thể liên tưởng đến một vẻ đẹp mạnh mẽ, xinh xắn. Bên cạnh đó, điệp từ "vừa" càng làm tăng thêm sự tự hào về vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ Việt Nam. Người phụ nữ Việt Nam mạnh khỏe, xinh xắn, đáng yêu là thế, còn cuộc đời của họ thì sao? Trong xã hội phong kiến xưa, số phận người phụ nữ cũng lênh đênh chìm nổi như chiếc bánh trôi nước trong nồi.
"Bảy nổi ba chìm với nước non"
Cuộc đời long đong, gian truân đầy sóng gió dường như đã dành sẵn cho người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến, nghe như một tiếng than thầm, cam chịu, nhưng cũng phảng phất vẻ cao ngạo của họ. Cũng nổi, cũng chìm, nhưng lại nổi chìm "với nước non".
"Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn"
Lời thơ có vẻ trở nên cam chịu, người phụ nữ xưa vốn không có một vai trò gì trong xã hội. Họ không tự quyết định được số phận của mình, cuộc đời họ từ khi mới sinh ra cho đến lúc lìa đời là một cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc. Khi còn nhỏ thì phụ thuộc vào cha mẹ, khi lấy chồng thì phụ thuộc vào chồng, chồng mất thì phụ thuộc vào con cái. Họ không có cuộc sống của riêng họ, cuộc sống của họ chỉ để tô điểm thêm cho cuộc sống của người khác. Thế nhưng, thơ của Hồ xuân Hương lại phảng phất chút phớt lờ, bất cần. Thấp thoáng đâu đó trong thơ bà có chút phản kháng, chống cự lại những quan điểm bất công thời ấy. Nếu như trong ca dao, người phụ nữ được ví: "Thân em như tấm lụa đào - Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai" chỉ để thể hiện thân phận lênh đênh , thì trong thơ của Hồ xuân Hương ngoài việc miêu tả số phận người phụ nữ còn khẳng định nhân cách, vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
"Mà em vẫn giữ tấm lòng son"
Cuộc đời có bạc bẽo, bất công, cuộc sống có gian khổ, long đong như thế nào chăng nữa, người phụ nữ vẫn giữ được sự son sắt, thủy chung cùng những phẩm chất tốt đẹp của mình. Đó là sự khẳng định của bà và đó cũng chính là phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam.
Với hình tượng cái bánh trôi nước, Hồ xuân Hương đã nói lên được vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng, son sắt của người phụ nữ, đồng thời cũng đã đề cập đến một vấn đề xã hội rộng lớn đối với người phụ nữ - sự bình đẳng giới. Đây cũng chính là vấn đề mà xã hội tốt đẹp của chúng ta đang xây dựng. Cám ơn bà đã để lại cho đời một bài thơ thật đẹp.
vẫn đề 1 nhưng bài 2 nhé :
Nếu như Bà Huyện Thanh Quan với những lời thơ trang nhã, nhẹ nhàng, mang chút cung đình buồn thương man mác. Thì thơ Hồ Xuân Hương có phong cách hoàn toàn khác. Giọng thơ rắn rỏi, mạnh mẽ, đề tài bình thường dân dã, ý thơ sâu sắc thâm thuý mà chua cay chứa nỗi niềm phẫn uất phản kháng xã hội đương thời. Bánh trôi nước là một bài thơ như vậy:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Bánh trôi nước là bài thơ trữ tình đặc sắc. Tác giả mượn chiếc bánh trôi để thế hiện vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người con gái có thân phận nhỏ nhoi, chìm nổi, phụ thuộc mà vẫn giữ trọn phẩm giá của mình.
Toàn bộ bài thơ là hình ảnh nhân hoá tượng trưng. Với khả năng quan sát và liên tưởng kỳ lạ, chất liệu dân gian là chiếc bánh trôi nước - loại bánh dân gian xưa cho là tinh khiết thường dùng vào việc cúng tế, nhà thơ đã phát hiện ra những nét tương đồng giữa chiếc bánh trôi bình thường với hình ảnh người phụ nữ. Cả hai đều có vẻ bề ngoài rất đẹp (trắng, tròn), có phẩm giá cao quý (tấm lòng son) tương đồng cuộc sống (chìm, nổi), số phận phụ thuộc (rắn nát tuỳ thuộc tay kẻ nặn). Với những từ ngữ đa nghĩa bài thơ tạo nên một trường liên tưởng cho người đọc. Do vậy nhà thơ tả thực mà lại mang ý nghĩa tượng trưng. Nói cái bánh trôi mà thành chuyện con người - người phụ nữ. Người con gái hình thể đẹp, da trắng nõn nà, thân hình căng tràn nhựa sống, tâm hồn nhân hậu hiền hoà.
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Với vẻ đẹp hình thể như vậy đáng lẽ phải có cuộc sống sung sướng hạnh phúc nhưng cuộc đời con người, đặc biệt là người phụ nữ thì phải chịu bao đắng cay, vất vả.
Bẩy nổi ba chìm với nước non
Được cha mẹ sinh ra để làm người, nhưng người phụ nữ không làm chủ được mình, cuộc đời họ do người khác định đoạt. Nàng Vũ Nương thuỳ mị nết na, đức hạnh thuỷ chung, chồng ra trận nàng ở nhà một thân một mình nuôi mẹ già, con thơ. Nàng đã làm tròn bổn phận của một người con, người vợ, người mẹ trong gia đình. Vậy mà do sự đa nghi ghen tuông quá mức, nàng bị chồng nghi cho là thất tiết. Nàng đã phải lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Câu chuyện mang đến cho chúng ta một thông điệp: trong xã hội ấy người tốt như nàng không được sống hạnh phúc.
Cùng như vậy cuộc đời của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn bị xã hội nhào nặn xô đẩy:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Dù cuộc đời có phũ phàng, bất hạnh họ vẫn giữ vẹn phẩm giá, tâm hồn cao đẹp của mình.
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Sự sáng tạo của nữ sĩ khá độc đáo. Bà lựa chọn chi tiết không nhiều nhưng lại nói được nhiều. Hai từ thân em được đặt trước chiếc bánh, chiếc bánh được nhân hoá, đó chính là lời tự sự của người phụ nữ. Nét nghệ thuật này gợi cho trí tưởng tượng của người đọc được chắp cánh và hình ảnh người phụ nữ hiện lên rõ nét hơn.
Từ thoáng chút hài lòng giọng thơ chuyển hẳn sang than oán về số phận hẩm hiu. Hồ Xuân Hương đã đảo lại thành ngữ quen thuộc ba chìm bảy nổi thành bảy nổi ba chìm đối lập với vừa trắng lại vừa tròn tạo sự bất ngờ và tô đậm sự bất hạnh của người phụ nữ.
Đến đây ta không còn thấy giọng thơ than vãn cam chịu: Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn. Cuộc đời họ, họ không làm chủ được bản thân mà phụ thuộc hoàn toàn vào tay kẻ khác. Thế nhưng: Mà em vẫn giữ tấm lòng son. Không những sự đối lập giữa thái độ người phụ nữ trong câu ba và bốn là đối lập giữa thái độ cam chịu và thái độ bảo vệ phẩm chất trong sáng trong tâm hồn con người. Từ vẫn thể hiện sự khằng định, quả quyết vượt trên số phận để giữ tấm lòng son. Người phụ nữ đã ý thức rất rõ về cuộc sống và phẩm giá của mình. Dẫu cho cuộc đời cay đắng, nhào nặn, xô đẩy thì giá trị đáng kính của họ luôn luôn là điều sống còn đối với họ.
Trong xã hội với ý thức hệ nho giáo hà khắc như vậy, quan niệm tam tòng tứ đức, nam tôn nữ ti đã ăn sâu vào ý thức con người. Nói được như Hồ Xuân Hương thật đáng khâm phục, trân trọng.
Bài thơ chỉ có bốn câu, đề tài bình dị nhưng dưới ngòi bút thần diệu, Hồ Xuân Hương đã tạo cho viên bánh trôi nước mang vẻ đẹp sáng ngời của viên ngọc lấp lánh nhiều màu. Bài thơ chứa đựng một luồng ánh sáng, ý thức về xã hội bất công vùi dập người phụ nữ và giá trị nhân phẩm của mình.
Quả thật bài thơ của Hồ Xuân Hương có giá trị hiện thực và xã hội sâu sắc. Đây là tiếng nói chung của người phụ nữ đối với sự bất công của xã hội xưa và khẳng định phẩm giá của bản thân. Nhà thơ đã đại diện cho những số phận bất hạnh cất lên tiếng nói của chính họ và của thời đại. Bài thơ thể hiện khẩu khí của bà chúa thơ nôm.
bây h mới là đề thứ 2 nè:Đề bài: Hãy nêu cảm nghĩ của em về tác phẩm " Cảnh khuya" của Hồ Chí Minh.
Bài thơ Cảnh khuya được Bác Hồ sáng tác vào năm 1947, thời kì đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kì, gian khổ mà oanh liệt của dân tộc ta. Giữa hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề và những thử thách ác liệt tưởng chừng khó có thể vượt qua. Bác Hồ vẫn giữ được phong thái ung dung, tự tại. Người vẫn dành cho mình những giây phút thanh thản để thưởng thức vẻ đẹp cua thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc. Thiên nhiên đã trở thành nguồn động viên to lớn đối với người nghệ sĩ - chiến sĩ là Bác.
Như một họa sĩ tài ba, chỉ vài nét bút đơn sơ, Bác đã vẽ ra trước mắt chúng ta vẻ đẹp lạ kì của một đêm trăng rừng:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Trong đêm khuya thanh vắng, dường như tất cả các âm thanh khác đều lặng chìm đi để bật lên tiếng suối róc rách, văng vẳng như một tiếng hát trong trẻo, du dương. Tiếng suối làm cho không gian vỗn tĩnh lặng lại càng thêm tĩnh lặng. Nhịp thơ 3⁄4 ngắt ở từ trong sau đó là nốt lặng giống như thời gian suy ngẫm, liên tưởng để rồi đi đến hình ảnh so sánh thật đẹp:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa.
Ánh trăng bao phủ lên mặt đất, trùm lên tán cây cổ thụ. Ánh trăng chiếu vào cành lá, lấp lánh ánh sáng huyền ảo. Bóng trăng và bóng cây quấn quýt, lồng vào từng khóm hoa rồi in lên mặt đất đẫm sương:
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Khung cảnh thiên nhiên có xa, có gần. Xa là tiếng suối, gần là bóng trăng, bóng cây, bóng hoa hòa quyện, lung linh. Sắc màu của bức tranh chỉ có trắng và đen. Màu trắng bạc của ánh trăng, màu đen sẫm của tàn cây, bóng cây, bóng lá. Nhưng duwois gam màu tưởng chừng lạnh lẽo ấy lại ẩn chứa một sức sống âm thầm, rạo rực của thiên nhiên. Hòa với âm thanh của tiếng suối có ánh trăng rời rợi, có bóng cổ thụ, bóng hoa... Tất cả giao hòa nhịp nhàng, tạo nên tinh điệu êm đềm, dẫn dắt hồn người vào cõi mộng.
Nếu ở hai câu đầu là cảnh đẹp đêm trăng nơi rừng sâu thì hai câu sau là tâm trạng của Bác trước thời cuộc:
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Trước vẻ đẹp kì diệu của thiên nhiên, Bác đã sung sướng thốt lên lời ca ngợi: cảnh khuya như vẽ. Cái hồn của tạo vật đã tác động mạnh đến trái tim nghệ sĩ nhạy cảm của Bác và là nguyên nhân khiến cho người chưa ngủ. Ngủ làm sao được trước đêm lành trăng đẹp như đêm nay?! Thao thức là hệ quả tất yếu của nỗi trăn trở, xao xuyến không nguôi trong tâm hồn Bác trước cái đẹp.
Còn lí do nữa không thể không nói đến. Bác viết thật giản dị: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Vậy là đã rõ. Ở câu thơ trên, Bác chưa ngủ vì tâm hồn nghệ sĩ xao xuyến trước cảnh đẹp. Vòn ở câu dưới, Bac chưa ngủ vì nghĩ đến trác nhiệm nặng nề của một lãnh tụ cách mạng đang Hai vai gánh vác việc sơn hà.
Trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào. Bác cũng luôn canh cánh bên lòng nỗi niềm dân, nước. Nỗi niềm ấy hội tụ mọi suy nghĩ, tình cảm và hành động của Người. Tuy Bác lặng lẽ ngắm cảnh thiên nhiên và phát hiện ra những nét đẹp tuyệt vời nhưng tâm hồn Bác vẫn hướng tới nước nhà. Đang từ trạng thái say mê chuyển sang lo lắng, tưởng chừng như phi loogic nhưng thục ra điều này lại gắn bó khăng khít với nhau. Cảnh gợi tình và tình không bó hẹp trong phạm vi cá nhân mà mở rộng tới tình dân, tình nước, bởi Bác đang ở cương vị một lãnh tụ Cách mạng với trách nhiệm vô cùng to lớn, nặng nề.
Bác không giấu nỗi lo mà nói đến nó rất tự nhiên. Ánh trăng vằng vặc và Tiếng suối trong như tiếng hát xa không làm quên đi nỗi đau nô lệ của nhân dân và trách nhiệm đem lại độc lập cho đất nước của Bác. Ngược lại, chính cảnh thiên nhiên đẹp đẽ đầy sức sống đã khơi dậy mạnh mẽ quyết tâm cứu nước cứu dân của Bác. Non sông đất nước đẹp như gấm như hoa này không thể nào rơi vào tay quân xâm lược. Câu thơ cuối cùng chất chứa cảm xúc thật miên mông, sâu sắc. Hồn người lắng sâu vào hồn cảnh vật và cái sâu lắng của cảnh vật tôn thêm nét sâu lắng của hồn người.
Cảnh khuya là một bài thơ hay, có sự kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và tính hiện đại, giữa lãng mạn và hiện thực. Bài thơ bộc lộ rõ tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và ý thức trách nhiệm cao cả của Bác Hồ - vị lãnh tụ giản dị mà vĩ đại của đại dân tộc ta. Bài thơ là một dẫn chứng sinh động chứng minh cho phong cách tuyệt vời của người nghệ sĩ - chiến sĩ Hồ Chí Minh.
Bài Mẫu Số 3: Cảm Nhận Của Em Về Bài Thơ Cảnh Khuya
Thơ đôi khi không cần nhiều từ ngữ, chỉ vài dòng ngắn thôi cũng đủ tạc sâu vào tâm trí người đọc những ấn tượng khó phai. Đọc bài thơ "Cảnh khuya" của Bác Hồ kính yêu, chỉ vẹn vẻn có bốn dòng thơ bảy chữ nhưng khiến cho dòng cảm xúc trong ta mãi không chịu ngừng suy tư.
Bài thơ này được Bác sáng tác tại chiến khu Việt Bắc vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt năm 1947 nhưng ngay từ câu mở đầu bài thơ, người đọc đã ấn tượng mạnh với khung cảnh thiên nhiên được vẽ ra trước mắt bằng một cảm quan hết sức thi sĩ. Điều đầu tiên mà người đọc nhận ra đó là âm thanh của tiếng suối được cảm nhận hết sức tinh tế:
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa"
Ngay từ nhan đề bài thơ ta cũng có thể đoán ra được không gian trong bài, đó vào thời gian đã về đêm và có lẽ không gian núi rừng Việt Bắc yên tĩnh đến mức Người cảm nhận tiếng suối chảy xiết nghe du dương, lúc trầm, lúc bổng như là một tiếng hát vẳng xa. Tiếng hát ấy không chỉ vang mà còn trong vắt trong không gian yên tĩnh của núi rừng, cảm giác như ở trong đó chứa đựng mọi thanh tao, thoát tục nhất của cả một vùng núi rừng này. Phép so sánh này khiến ta liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Trãi:
"Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai"
(Côn Sơn ca)
Nếu Nguyễn Trãi thấy tiếng suối như tiếng đàn bên tai thì Bác cảm nhận nó là tiếng hát vang vọng, tiếng hát bay cao, bay xa, tiếng hát của núi rừng. Chỉ một từ "xa" thôi cũng đủ gợi sự rộng lớn hùng vĩ của núi rừng Việt Bắc nhưng cũng chính nó mở ra một núi rừng hoang vu, xa vắng tiếng người.
Từ âm thanh xa gần của tiếng suối, điểm nhìn chuyển xuống những tán cổ thụ với:
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa"
Điệp từ "lồng" xuất hiện khiến cho người đọc liên tưởng đến sự gắn kết tuyệt đẹp khi trăng trên cao đã "xà" xuống thế gian, lồng bóng mình vào bóng thiên nhiên, vào bóng cổ thụ. Phải chăng nhìn từ tán cổ thụ, trăng treo trên cao như hạ xuống, đậu lên tán, thậm chí đan cài vài tán, bóng trăng cũng vì thế mà lồng vào bóng lá, bóng hoa, tạo nên những bóng đen, bống trắng như muôn vàn hình hoa trên mặt đất. Khung cảnh thiên nhiên thật đẹp, thật thơ mộng và hình ảnh con người đến lúc này mới lộ diện:
"Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Đêm đã khuya vậy mà Bác vẫn còn chưa ngủ, bóng Bác đổ dài theo ánh trăng in xuống lồng vào bóng hoa, bóng trăng, tưởng chừng chính cảnh khuya đang vẽ nên chân dung Bác trong đêm không ngủ. Nhưng Bác không ngủ không phải là để thưởng trăng cũng không phải để nghe "tiếng suối trong như tiếng hát" kia mà là vì Bác có những trăn trở về một sự nghiệp vĩ đại:
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà".
Người chưa ngủ vì lo cho nước, lo cho dân, lo cho những chiến sĩ, lo cho cuộc kháng chiến gian nan của dân tộc. Hình ảnh ấy của Người thật đẹp, thật rạng rỡ, phần nào tưởng còn phát ánh hào quang mạnh hơn cả chính bóng trăng đang vẽ chân dung Người.
Sóng Hồng đã từng nói: "Thơ là thơ, là nhạc, là họa, là trạm khắc theo một cách riêng". Người nghệ sĩ làm thơ đâu chỉ là sự xếp sắp vần và con chữ mà còn bằng cảm xúc của mình vẽ nên hình cho người ta thấy, khắc vào lòng người ta những ấn tượng khó phai. Và có lẽ đó là tất cả những gì mà ta có thể cảm thấy trong bài "Cảnh khuya". Đọc bài thơ, ta không chỉ thấy tâm hồn thi sĩ của Bác mà còn cảm nhận sâu sắc nỗi lòng vì dân vì nước của vị lãnh tụ vĩ đại đồng thời khắc vào lòng những ấn tượng về một tượng đài có sức sống vĩnh hằng.
Tình yêu quê hương là một tình cảm vô cùng tinh túy trong lòng mỗi con người chúng ta.Quê hương là nơi yên bình gắn liền với những cánh cò,tiếng những rặng tre rì rào trong gió.Tình yêu quê hương còn là tình cảm gắn bó với giang sơn, đất nước, với lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc. Nhà văn Nga, I-li-a Ê-ren-bua đã từng nói : “ Lòng yêu nhà, yêu làng xóm trở nên lòng yêu Tổ quốc.” Quê hương nào không là một phần máu thịt của tổ quốc, giang sơn. Yêu quê hương là một biểu hiện của lòng yêu Tổ quốc.Dựng xây quê hương cũng là một cách xây dựng đất nước mình, cho đất nước ngày một giàu đẹp hơn. Chúng ta phải biết yêu lấy quê hương,đất nước,yêu lấy cái mảnh đất màu mỡ nơi chúng ta được sinh ra.Rất nhiều các thế hệ đã đứng lên,đổ máu vì quê hương,đất nước.Vậy nên chúng ta cũng hãy trở thành một công dân tốt để báo đáp lại quê hương,tổ quốc.
Quê hương đối với em, như bến bờ đối với những chiếc thuyền. Bởi quê hương chính là nơi luôn dang rộng vòng tay đón em trở về. Trong tâm trí của em, quê hương đẹp đến lạ kì. Phía cuối làng là những ngọn đồi nhỏ nhấp nhô, suốt bốn mùa thơm phưng phức mùi ngai ngái của lá thông. Nhìn từ trên đồi, ngôi làng đẹp như tranh vẽ, với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, lẩn khuất trong những tầng lá xanh của cây ăn quả. Xen lẫn ở đó, là những khoảng trống của các con đường đi lộc cộc sỏi đá. Phóng tầm mắt ra xa hơn, là bãi biển rộng lớn mênh mông chẳng biết đâu là bến bờ. Cũng như khung cảnh bình yên, người dân quê hương em hiền lành chất phác. Ở đây, người ta đối xử với nhau bằng cái tình nhiều hơn là cái lý. Đôi khi trong em nảy lên những suy nghĩ thật ích kỉ, để quê hương cứ mãi mộc mạc như thế này, không phát triển hiện đại thêm nữa. Nhưng em cũng hiểu rằng, điều đó là không thể. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, dù quê hương thay đổi như thế nào thì tình yêu em dành cho nơi đây vẫn mãi vẹn nguyên như thế.
Em tham khảo:
Quê hương em có bãi biển Sầm Sơn vô cùng nổi tiếng. Khung cảnh thiên nhiên ở nơi đây mới đẹp làm sao! Bầu trời cao, trong xanh không một gợn mây. Ông mặt trời tỏa ánh nắng chói chang xuống khắp nơi. Bãi cát vàng trong nắng càng trở nên lấp lánh, trông tuyệt đẹp. Nước biển xanh và trong. Đứng gần biển em có thể nhìn thấy từng đợt sóng đánh vào bờ. Nhìn ra xa phía chân trời, bầu trời và biển như hòa vào làm một. Khi em đứng trước bờ biển lắng tiếng sóng vỗ nghe thật vui tai. Bên cạnh bãi biển, núi Trường Lệ cũng là một địa danh khá nổi tiếng ở đây ở quê em. Dãy núi đứng sừng sững chạy dài theo mép nước. Phía nam dãy Trường Lệ còn có bãi tắm Tiên Ẩn, một thung lũng nhỏ với cảnh quan gần như nguyên sơ. Cuối bãi là đền Độc Cước cổ kính uy nghi, tọa lạc trên một hòn núi đá. Tất cả giống như một bức tranh được vẽ bởi họa sĩ tài ba vậy. Em cảm thấy vô cùng tự hào về những nét đẹp của quê hương mình
Tham khảo:
Hà Nội - thủ đô của nước Việt Nam là quê hương của em. Đó là một thành phố rất rộng lớn và sôi động. Nơi đây có rất nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên san sát nhau. Hai bên đường là các cửa hàng, quán ăn luôn tấp nập người mua bán. Ở Hà Nội có nhiều điểm tham quan rất nổi tiếng như hồ Gươm, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long… thu hút nhiều khách du lịch. Con người Hà Nội rất thanh lịch, hiếu khách. Mỗi mùa, Hà Nội lại mang một nét đẹp riêng. Hà Nội không chỉ hiện đại mà còn cổ kính. Mỗi nét đẹp đều khiến con người say mê. Em yêu tất cả mọi thứ thuộc về thành phố này.
hỏi google cũng đc mà