Trong cuộc sống, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân. Những suy nghĩ như “mặc kệ nó”, “mạnh ai nấy sống” hay “chuyện thường ngày ở huyện”... đôi khi khiến đâu đó, lòng trắc ẩn trước nỗi đau người khác, sự phẫn nộ trước cái xấu trở nên hiếm hoi. Căn bệnh vô cảm đang len lỏi vào một bộ phận xã hội, đặc biệt là giới trẻ trong thời đại số.
“Trẻ em bây giờ sẵn sàng vô cảm trước nỗi đau của ba mẹ mình. Nguyên nhân cũng có thể từ môi trường mạng xã hội, đó là không gian truyền thông công cộng, những thông tin trên đó đều không được kiểm chứng và không ít rác rưởi. Tâm hồn các em bị nhiễm độc khi hàng ngày, hàng giờ vào môi trường đó, lâu dần thành quen. Gieo thói quen hình thành tính cách, gieo tính cách sẽ ra định hình đường đời một con người”, PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.
Thói quen bó hẹp giao tiếp, chỉ giao lưu với người ảo qua các trò chơi trực tuyến, nhiều chuyên gia cảnh báo, những cảnh bạo lực, chém giết man rợ, đầy rẫy trong các trò chơi điện tử, trong truyện tranh hay video clip trên mạng xã hội đang làm lệch lạc cảm xúc, suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ. Mải mê với thế giới số, nên nhiều bạn trẻ thờ ơ, lãnh đạm, không quan tâm gì đến thế giới thực, tới người xung quanh. Đây là hệ lụy không tránh khỏi.
Cách đây 2 năm, nhiều người bị ám ảnh trước sự vô cảm của một tài xế taxi lạnh lùng bỏ đi khi gây tai nạn và người qua đường không có động thái gọi cơ quan chức năng. Không ít người gặp người bị nạn chẳng quan tâm sống chết ra sao, hoặc có ghé lại thì cũng chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ, hoặc chỉ để quay clip để đưa lên trang cá nhân câu view,... Hay những vụ hồn nhiên hôi của, giành giật đồ đánh rơi ngoài đường, bỏ qua lời van xin của người đang gặp nạn. Đó là những tiếng chuông báo động về sự vô cảm.
Nhip sống hối hả, rồi lo toan cơm áo gạo tiền, lối sống quá nặng tính cá nhân khiến con người ngày càng ít để tâm đến người khác, có nhiều người thấy không cần giúp ai cả, và lâu dần hình thành tâm lý sống “chỉ biết mình”. Trong nhiều trường hợp, sự vô cảm còn bắt nguồn cả ở sự sợ vạ lây, “không phải đầu cũng phải tai”. Gần đây trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip một người đàn ông trước khi giúp người bị tai nạn đã phải đưa điện thoại nhờ người khác quay xác nhận rằng mình không phải là thủ phạm gây tai nạn mà chỉ là người giúp đỡ. Vừa quay clip, vừa khẳng định rằng quay lại cho chắc chắn để tránh vạ lây. Hành động này cho thấy một thực trạng đáng buồn rằng đôi khi lòng tốt lại trở thành thứ phiền phức.
“Xã hội đang có hiện tượng người tốt bị nhìn như từ trên trời rơi xuống. Mọi người đang đứng xem nhưng có một anh xông ra làm việc tử tế như băng bó vết thương cho người bị tai nạn thì bị người ta nói vớ vẩn lại bị người nhà ra đánh, và thực tế đã có trường hợp giúp người nhưng bị nghi oan và vạ lây”, chuyên gia tâm lí Đinh Đoàn chia sẻ.
“Bệnh vô cảm” không phải là tội ác, nhưng rất có thể nó là con đường dẫn đến tội ác. Hơn nữa, nó có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Một người vô cảm thì mọi người xung quanh sẽ vô cảm theo, và cuối cùng có thể là cả một xã hội vô cảm. Vô cảm còn bị ví như căn bệnh “ung thư tâm hồn”, khiến sự tử tế, sự nhân văn cạn kiệt. Một nhà văn Nga đã từng nói nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi không có tình thương. Vì thế, chỉ có tình yêu thương, lòng trắc ẩn với mọi người, dù là người thân hay người xa lạ gặp khó khăn, gặp sự cố... mới có thể làm ấm nóng cảm xúc... Khi nhiều lòng tốt, giản dị cộng lại, sự vô cảm sẽ không còn đất sống.
(Theo https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri)
cô ơi,cô phải gửi cả bài chứ cô?