Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh
đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam. Ai đã nghĩ đầu tiên dùng cốm làm quà sêu tết. Không còn gì hợp hơn với sự vấn vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi…Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để được hạnh phúc lâu bền.
(Trích “Một thứ quà của lúa non: Cốm” - Thạch Lam)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2. Đoạn trích trên viết về phương diện nào của cốm ?
Câu 3. Câu văn nói rõ nhất giá trị đặc sắc chứa đựng trong hạt cốm?
Câu 4. Nghĩa của từ “thanh khiết” trong câu:”Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam” là gì?
Câu 5. Trong câu “Hồng cốm tốt đôi” từ “hồng” chỉ sự vật gì?
Câu 6. Tại sao tác giả nghĩ đến cốm lại nghĩ đến quà sêu tết?
Câu 7. Xác định biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong câu văn sau: “Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn được nữa: màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già”?
Câu 8. Dấu chấm lửng trong câu văn: “Hồng cốm tốt đôi…” dùng để làm gì?
Câu 9. Qua đoạn ngữ liệu trên, tác giả muốn truyền tới người đọc tình cảm và thái độ nào trong ứng xử với thứ quà dân tộc là cốm?
Câu 10. Thạch Lam khẳng định: “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”. Quan điểm của em về thức quà quê – cốm là gì?