Đọc văn bản sau:
Hãy chăm sóc mẹ
Ngay sau khi được tin mẹ bị lạc, cô bực tức hỏi mọi người trong gia đình sao không có ai ra ga tàu điện ngầm Seoul đón bố mẹ.
“Còn cô đã ở đâu?”
“Tôi ư?” Cô mím chặt môi. Tận bốn ngày sau khi mẹ bị lạc cô mới biết tin. Mọi người trong gia đình cô đổ lỗi cho nhau về chuyện mẹ bị lạc nhưng ai cũng cảm thấy day dứt trong lòng.
Rời khỏi nhà anh cả, cô bắt tàu điện ngầm về nhà nhưng rồi lại xuống ở ga Seoul, nơi mẹ biến mất. Trong nhà ga người đông như nêm, họ chen lấn va quệt vào cô khi cô tìm đường đi tới chỗ mẹ bị lạc. Chắc mẹ cô cũng bị lạc trong tình trạng hỗn loạn như thế này. Mọi người xô đẩy cô khi cô đứng tại nơi mẹ đã tuột mất bàn tay bố. Không ai nói một lời xin lỗi. Có lẽ mọi người đã ào ạt đi qua như thế trong khi mẹ cô đứng đấy, không biết phải làm gì.
Người ta có thể lật lại hồi ức được bao xa? Hồi ức về mẹ thì sao?
Từ khi nghe tin mẹ bị lạc đến tận bây giờ, cô không thể tập trung suy nghĩ được gì. Những ký ức cô đã quên lãng từ lâu bỗng nhiên trỗi dậy. Nỗi ân hận cứ bám theo từng ký ức. Cô nhớ lại nhiều năm về trước, mấy ngày trước khi cô rời thị trấn quê nhà lên thành phố, mẹ dẫn cô ra cửa hàng quần áo ngoài chợ. Cô muốn chọn một chiếc váy trơn nhưng mẹ lại chọn cho cô một chiếc váy xếp nếp có đai và đường diềm.
“Cái này thế nào?” mẹ cô hỏi.
“Không,” cô nói rồi gạt đi.
“Tại sao? Con cứ mặc thử đi.”
Mẹ lúc đó còn trẻ, mở to mắt ngạc nhiên không hiểu. Chiếc váy xếp nếp ấy tương phản hoàn toàn với chiếc khăn cũ kỹ lem nhem mẹ đội trên đầu như hai thế giới tách biệt không ăn nhập gì với nhau.
“Trông trẻ con quá.”
“Thật sao?” Mẹ cô nói nhưng vẫn cầm chiếc váy ngắm nghía mãi không nỡ rời. “Nếu là con thì mẹ đã thử cái váy này,” mẹ cô lẩm bẩm.
Thấy mẹ có vẻ hơi buồn khi cô cho rằng kiểu váy đó trẻ con, cô nói, “Cái này có phải kiểu mẹ hay mặc đâu.”
Mẹ nói, “Không, mẹ thích kiểu này, chỉ có điều mẹ thì không mặc được.”
“Mình lẽ ra nên mặc thử cái váy đó”, cô thầm nghĩ. Cô khuỵu chân ngồi xuống có lẽ đúng chỗ mẹ cô đã từng ngồi. Vài ngày sau khi nhất quyết đòi mua váy trơn, cô đã đến chính sân ga tàu điện ngầm Seoul này cùng mẹ. Mẹ nắm chặt tay cô, bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang từ trên cao nhìn thẳng xuống, rồi băng qua quảng trường và đợi anh cả dưới chân tháp đồng hồ. Sao một con người như vậy có thể bị lạc? Khi ánh đèn từ con tàu đang vào ga vừa rọi tới, mọi người đổ xô lại, liếc xéo qua chỗ cô ngồi cứ như thể họ đang bực bội vì cô cứ ngồi trên lối đi.
Lúc mẹ bị xô tuột khỏi tay bố, cô đang cùng đồng nghiệp tham dự triển lãm sách tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lúc mẹ cô bị lạc ở ga tàu điện ngầm Seoul, cô đang cầm trên tay bản dịch tiếng Trung cuốn sách của cô tại một quầy sách ở triển lãm. Cô tự hỏi tại sao bố không đi taxi mà lại đi tàu điện ngầm chứ? Chỉ cần bố không đi tàu điện ngầm thì chắc đã không xảy ra chuyện này.
Bố cô nói ông đã nghĩ tại sao phải đi taxi khi ga tàu hỏa cũng nối liền với ga tàu điện ngầm? Có những khoảnh khắc mà người ta thường suy ngẫm lại sau khi có việc gì đó xảy ra, nhất là sau khi chuyện không may xảy ra. Khoảnh khắc mà người đó nghĩ, “Lẽ ra mình không nên làm vậy”. Khi bố cô nói với cả nhà rằng bố mẹ có thể tự tìm đến nhà anh Hyong-chol, tại sao khác với những lần trước anh chị em cô lại để bố mẹ làm thế? Bình thường mỗi lần bố mẹ lên thành phố thăm các con, trong số anh em cô vẫn có người ra ga xe lửa hay ga tàu điện ngầm Seoul đón họ. Điều gì khiến bố cô, vốn luôn dùng xe của nhà hoặc đi taxi mỗi lần lên thành phố, quyết định đi tàu điện ngầm vào cái ngày định mệnh ấy? Khi tàu điện đến, bố mẹ vội vã chạy lại. Nhưng lúc bố lên tàu, nhìn lại phía sau thì đã không thấy mẹ đâu. Đó là một buổi chiều thứ Bảy đông đúc. Mẹ lạc bố giữa đám đông, đoàn tàu lăn bánh khi mẹ hoàn toàn mất phương hướng. (...)
Bố cô xuống ở bến kế tiếp và quay lại ga tàu điện ngầm Seoul nhưng mẹ cô đã không còn ở đó.
“Dù không bắt được tàu nhưng sao có thể quên được đường cơ chứ? Bảng hướng dẫn ở đâu cũng có. Mẹ biết dùng điện thoại công cộng, chỉ cần đến bốt điện thoại là có thể gọi được mà.” Chị dâu cô một mực cho rằng chắc chắn đã có chuyện gì đó xảy ra với mẹ, rằng thật khó hiểu khi mẹ không thể tìm thấy nhà anh cả chỉ vì không lên đúng chuyến tàu điện ngầm như bố. Có điều gì đã xảy ra với mẹ ư? Đó là suy nghĩ của những người muốn nghĩ mẹ là một bà già quê mùa.
Khi cô nói, “Có thể mẹ đã bị lạc đường chứ chị,” thì chị dâu cô tròn mắt ngạc nhiên. “Chị biết dạo này mẹ thế nào rồi đấy,” cô giải thích nhưng chị dâu làm ra vẻ không hiểu cô đang nói gì. Nhưng thực ra cả gia đình đều biết tình trạng của mẹ dạo này. Có thể cô sẽ không tìm được mẹ.
(Shin Kyung Sook (2022), Hãy chăm sóc mẹ, Lý Hiệp Lâm – Lê Nguyễn Lê dịch, NXB Hà Nội, trang 13, 14.)
Chú thích: Câu chuyện kể về hành trình những đứa con của bà Park So Nyo tìm lại mẹ khi bà bị lạc. Trong quá trình đó, gia đình bà dần nhận ra những đau đớn, tổn thương, những bí mật khuất lấp của bà, và hiểu được tình yêu và sự hi sinh mà người mẹ này đã dành cho gia đình. Từ đó, tác phẩm mang đến thông điệp về tình yêu thương.
Nhân vật “tôi” xuất hiện trong đoạn trích này là con gái thứ ba – Chi-hon.
Câu 1: Xác định ngôi kể của văn bản trên.
Câu 2: Xác định điểm nhìn trong đoạn trích.
Câu 3: Đọc đoạn văn sau:
“Lúc mẹ bị xô tuột khỏi tay bố, cô đang cùng đồng nghiệp tham dự triển lãm sách tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Lúc mẹ cô bị lạc ở ga tàu điện ngầm Seoul, cô đang cầm trên tay bản dịch tiếng Trung cuốn sách của cô tại một quầy sách ở triển lãm.”
Biện pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng trong đoạn văn trên? Nêu tác dụng.
Câu 4: Những phẩm chất nào của người mẹ đã được thể hiện qua lời kể của người con gái trong tác phẩm? Chỉ ra câu văn thể hiện phẩm chất của người mẹ.
Câu 5: Chi-hon đã hối tiếc điều gì khi nhớ về mẹ? Viết đoạn văn 4-5 câu nêu suy nghĩ về những hành động vô tâm có thể khiến những người thân tổn thương.
147
Có 204 quốc gia