K
Khách

Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.

11 tháng 8 2017

văn học hiện đại việc nam đang trên đà phát triển và cũng đang cố gắng để phát triển hơn nữa về sau này.để cho mọi người trên thế giới biết rằng văn học việt nam là cả một kho tàng là những viên ngọc còn mãi với thời gian càng để lâu càng sáng

4 tháng 7 2017

Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn bởi câu chuyện kết thúc có hậu ở chỗ: Vũ Nương cuối cùng được sống một cuộc sống bình yên chốn thủy cung. Nhân gặp Phan Lang còn có cơ hội nói lời tạ từ với Trương Sinh. Tuy nhiên bi kịch ở chỗ: cuộc sống bình yên ấy chỉ có được ở thế giới khác - cõi mộng, không phải trong thực tại. Nàng vĩnh viễn không thể trở về, ôm ấp vỗ về con...

27 tháng 10 2017

Từ buổi đầu dựng nước đến nay, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, Trong đó phải kể đến hai cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ vô cùng gian khổ. Cứ mỗi lúc đất nước gặp hiểm nguy, thanh niên Việt Nam lại nô nức lên đường theo tiếng gọi cùa Tổ quốc. Và họ đã trở thành những biểu tượng người lính dũng cảm, kiên cường được khắc hoạ chân thực trong hai tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Ở hai thời kì khác nhau, dưới hai ngòi bút khác nhau, những người lính cách mạng trong hai bài thơ đều mang trong mình phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, anh dũng, gan dạ và lòng yêu Tổ quốc sâu nặng. Họ là những người cùng chung lí tưởng, cách mạng cao đẹp là nguyện phấn đấu, hi sinh vì Tồ quốc, vì độc lập tự do của dân tộc. Đặc biệt, sau hơn hai mươi năm từ khi Đồng chí được ra đời thì lớp đàn con, đàn cháu của nhửng người lính thời chống Pháp từng súng bên súng, đầu sát bên đầu hay thương nhau tay nắm lấy bàn tay vẫn giữ trong mình truyền thống, tình đồng đội thiêng liêng, cao cả. Từ trong mưa bom, bão đạn của chiến tranh, những chiếc xe không kính lại hội tụ về đây họp thành tiểu đội xe không kính:

Những chiếc xe trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua của kính vỡ rồi.

Từ những cái bắt tay ấy, họ trao cho nhau cả niềm tin, hi vọng và sức mạnh. Nhưng, điểm khác ở họ là ý thức giác ngộ cách mạng. Những năm đầu chống Pháp, chính quyền ta vừa thành lập còn non trẻ nên về nhận thức chiến tranh của những người lính còn đơn giản, chưa sâu sắc như thời chống Pháp.

Và nếu như trong Đồng chí: Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh - Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi thì trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính những chiến sĩ lái xe phải tắm trong mưa bom, bão đạn, phải chịu sự dày vò của thời tiết trên tuyến đường Trường Sơn hiểm trở: Bụi phun tóc trắng như người già, Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời. Nhưng họ vẫn bất chấp, hiên ngang để vượt qua tất cả, họ vẫn thật lạc quan, yêu đời, và tinh nghịch, vẫn giữ trong mình một phong cách rất lính. Và gia đình của họ là ở nơi chiến hào, với đồng đội thân yêu, chứ không phải là ở hậu phương, nơi có mẹ già, vợ dại, con thơ như những chiến sĩ trong tác phẩm Đồng chí.

Vậy là dù có ở đâu, trong thời điểm nào ta vẫn cảm thấy sự anh dũng đáng khâm phục, bất chấp khó khăn gian khổ của chiến tranh. Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đã hoá thân vào các chiến sĩ Việt Nam để khắc hoạ thật sinh động hình ảnh của họ. Để lại cho đời những bức chân dung tuyệt đẹp.


27 tháng 10 2017

Thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống. Và có lẽ vì thế nên mỗi bài thơ đều mang đến sự đồng điệu giữa cảm xúc của người đọc, người nghe và tâm hồn thi sĩ của tác giả. Đặc biệt, những bài thơ gắn liền với hình ảnh người lính trong hai thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ lại càng khiến chúng ta thêm yêu cuộc sống chiến đấu gian khổ của dân tộc hơn. Tuy nhiên, hình ảnh người lính mỗi thời kì lại có những nét tương đồng và khác biệt, nên những bài thơ trong mỗi thời kì cũng khắc hoạ hình ảnh hai người lính khác nhau, mà tiêu biểu là bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “bài thơ tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.

Sự khác biệt đầu tiên của họ là hoàn cảnh chiến đấu và xuất thân. Những vần thơ của bài “Đồng chí” được Chính Hữu dùng ngòi bút của mình viết nên vào tháng 5.1948. Đây là những năm tháng đầu tiên giặc Pháp quay trở lại xâm lược nước ta sau cách mạng tháng 8, nên cuộc sống vô cùng khó khăn vất vả, nhất là đối với hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề ở chiến khu. Hiểu được nỗi đau của dân tộc, những người nông dân nghèo ở mọi nẻo đường đất nước đã bỏ lại sau lưng ruộng đồng, “bến nước gốc đa” để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

“Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.”

Khác với Chính Hữu, Phạm Tiến Duật – một nhà thơ trẻ trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước cho ra đời “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” vào tháng 5.1969. Thời gian này là cột mốc đánh dấu cuộc kháng chiến của quân và dân ta đang trong thời khốc liệt nhất. Anh giải phóng quân bước vào chiến trường khi tuổi đời còn rất trẻ. Họ ra đi khi vai còn vươn cánh phượng hồng, lòng còn phơi phới tuổi thanh xuân. Những anh hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ấy chẳng màng đến tương lai đang rộng mở đón chào, đôi chân họ bị níu chặt nơi mặt trận vì hai từ “yêu nước”.

Và vì hoàn cảnh, xuất thân khác nhau nên dẫn đến lí tưởng chiến đấu và ý thức giác ngộ cũng không tránh khỏi khác nhau. Trong bài “đồng chí", nhận thức về chiến tranh của người lính còn đơn giản, chưa sâu sắc. Họ chỉ biết chiến đấu để thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, giành lại tự do, giành lại quyền làm người mà thôi. Trong tim họ, tình đồng chí đồng đội là món quà thiêng liêng, quý giá nhất mà họ nhận được trong suốt quãng thời gian dài cầm súng.

“Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Đồng chí!”

Còn trong thời chống Mĩ, khái niệm về tinh thần yêu nước, thống nhất nước nhà đã khắc sâu vào tâm trí mỗi con người nơi chiến khu. Họ hiểu được điều ấy là vì giai đoạn này, khi miền Bắc đã đi vào công cuộc xây dựng CNXH thì miền Nam lại tiếp tục chịu đựng khó khăn bởi sự xâm lược của đế quốc Mĩ. Và “thống nhất” trở thành mục tiêu quan trọng hàng đầu của dân tộc ta. Trong trái tim chảy dòng máu đỏ của người Việt Nam, những người lính Trường Sơn mang trong mình tinh thần lạc quan, ý chí quyết thắng giải phóng miền Nam cùng tình đồng chí đã hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp.

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Thật thiếu sót nếu như so sánh hai bài thơ mà không nói về vẻ đẹp của chúng. “Đồng chí” là hiện thân của vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà sâu sắc. Tình đồng chí được thể hiện thật tự nhiên hoà huyện trong tinh thần yêu nước mãnh liệt và chia sẻ giữa những người bạn với nhau. Còn “bài thơ về tiểu đội xe không kính” là sự khắc hoạ nổi bật của nét trẻ trung, tinh thần lạc quan, dũng cảm với tinh thần yêu thần yêu nước rừng rực cháy trong tim. Khát vọng và niềm tin của họ được gửi vào những chiếc xe không kính, thứ đưa họ vượt dãy Trường Sơn thẳng tiến vì miền Nam yêu dấu.

Thế nhưng, những người lính ấy, dù trong thời kì nào thì cũng có những nỗi nhớ không nguôi về quê nhà. Sống giữa chiến trường với tình đồng chí thiêng liêng, lòng những người nông dân bỗng quặng thắt mỗi khi hình ảnh mẹ già, vợ dại, con thơ hiện về. họ cảm thấy thật xót xa khi nghĩ đến ruộng đồng bỏ không cỏ dại, gian nhà trống vắng lại càng cô đơn.

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày,

Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay,

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Người lính chống Mĩ lại khác, nỗi nhớ của họ là sự vấn vươn nơi mái trường, là sự nuốc tiếc những trang vở còn tinh tươm. Họ buồn vì phải khép lại ước mơ rực rỡ trên hành trình đi đến tương lai. Nhưng họ hiểu rằng trách nhiệm với quê hương vẫn còn đó, nên họ quyết tâm chiến đấu hết mình. Họ biến con đường ra trận thành ngôi nhà chung gắn kết những trái tim vì tinh thần chống giặc ngoại xâm làm một.

“Bếp hoàng cầm ta dựng giữa trời,

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.”

Bàn về nghệ thuật của hai bài thơ, ta không khó để thấy rằng chúng có nét khác biệt tương đối rõ ràng. Chính Hữu dùng bút pháp lãng mạn, xây dựng trong thơ của mình biểu tượng nên thơ của tình đồng chí: “đầu súng trăng treo”. Cảm hứng dâng trào lên rồi lại lắng đọng trong tâm hồn, hoá thành hình ảnh của chiến đấu và hoà bình, mang đến cho đời một bài thơ đầy chất trữ tình nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Ngược lại, Phạm Tiến Duật xây dựng hình ảnh người lính bằng những gì có thực trong cuộc sống chiến đấu gần gũi nhất: “xe không kính”. Hình ảnh thơ này thật sự quá độc đáo, khiến người đọc nhiều lần ngỡ ngàng vì sự phá cách và nét đơn giản nhưng cũng ngập tràn chất thơ của “bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

Nhưng dù khác nhau từ hoàn cảnh, xuất thân cho đến lí tưởng chiến đấu, họ vẫn cùng chung một mục tiêu duy nhất: chiến đấu vì hoà bình, độc lập, tự do của tổ quốc. Họ lấy quyết tâm làm nền tảng, tinh thần làm cơ sở để vững bước đến tương lai được dựng nên bởi tình đồng chí. Dù biết rằng trong cuộc chiến một sống một còn ấy, đã có không ít những người phải hi sinh, nhưng đó lại là động lực lớn hơn chắp cánh cho ước mơ của những người chiến sĩ bay xa, bay cao. Hình tượng người lính ở hai thời kì đều chất chứa những phẩm chất cao đẹp của anh bộ đội cụ Hồ mà chúng ta cần phải trân trọng và yêu quý.

Nói tóm lại, người lính mãi mãi là biểu tượng tươi đẹp và sinh động nhất của chiến tranh, dù là thời kì chống Pháp hay chống Mĩ. Họ hiện lên quá đỗi gần gũi và thân thương, với nghĩa tình đồng đội ấm áp đã, đang và sẽ mãi mãi ấp ủ trong trái tim. Họ là những cây xương rồng rắn rỏi, cố gắng vươn lên giữa xa mạc mênh mông khô cằn. Họ là ngọn đèn thắp sáng con đường của quê hương chúng ta, đưa đất nước đi đến hoà bình và phát triển như ngày hôm nay.

17 tháng 10 2017

Cuộc sống đầy biến động. Những học sinh trường tôi đã chia tay nhau tại mái trường Thuận Thành yêu dấu này. Kể từ ngày đó, một phần do bận việc cơ quan, phần khác là công việc gia đình nên tôi chưa có dịp về thăm trường, thăm thầy, thăm cô. Hôm ấy, nhân chuyến đi công tác về Thuận Thành, tôi xin phép cơ quan nghỉ ba ngày để có dịp thăm lại trường xưa, bạn cũ. Đi cùng tôi còn có mấy đồng nghiệp trong toà soạn. Đó là chuyến đi đầy xúc động của tôi trong suốt những năm công tác ở Hà Nội.

Bánh xe lăn đều và nhanh trên con đường quen thuộc. Chỉ còn khoảng năm phút nữa là chúng tôi tới trường. Lòng tôi cứ bồn chồn rạo rực. Xe dừng lại ngay trước cổng trường. Cảnh trường khác xưa nhiều quá, tôi gần như không thể nhận ra. Thế là đã hai mươi năm kể từ khi chia tay, giờ tôi mới được trở lại đây - nơi tôi đã từng có những kỉ niệm êm đẹp. Cổng trường này, nơi lũ học trò chúng tôi vẫn đứng đợi nhau. Tôi ngó nghiêng như ngóng chờ một điều gì đó... áp mặt vào những thanh sắt của cánh cổng trường, tôi nhìn xa xăm... vẫn màu áo xanh hoà bình. Những học sinh đang vui vẻ nô đùa hồn nhiên trong sân trường làm tôi nhớ quá những lần đá cầu, nhảy dây, trốn tìm... cùng các bạn. Nước mắt tôi ứa ra, họng tôi tắc nghẹn như có cái gì chặn ngang. Tôi không thể kìm nổi xúc động này. "Thầy cô ơi", tiếng gọi sao mà thân thương quá! Mong tìm lại những kỉ niệm ngày xưa, tôi bước vào. Hàng vú sữa đã được thay bằng hàng phượng vĩ nhưng tôi vẫn ngửi thấy đâu đó mùi hương quen thuộc.

Hè đến, phượng nở đỏ rực cả một góc trời. Ve kêu râm ran ve... ve.... Tiếng ve gọi hè, gọi cả những hồi ức ấu thơ đẹp đẽ. Tôi đi dạo một vòng quanh trường như "dạo" lại những bài hát mà chúng tôi đã từng hát khi còn học dưới mái trường này. Tôi lẩm bẩm: Hàng ghế đá, xanh hàng cây góc sân trường, bạn thân hỡi.... Tôi dừng lại, không hát nữa, nói đúng hơn là tôi không hát nổi.

Tôi ghé lại chỗ hàng liễu xanh rì - đó là nơi tôi và các thầy, cô cùng các bạn chụp bức hình cuối cùng. "Bức ảnh" - tôi nghĩ trong đầu. Và chạy lẹ về phía ô tô. Tôi bới tung cái va li, tìm kiếm bức ảnh.

Đây rồi! -Mắt tôi sáng lên vui vẻ. Tay tôi lướt trên bức ảnh, lướt qua từng khuôn mặt, nụ cười của thầy cô và các bạn. Nước mắt tôi rơi trên tấm ảnh, cảnh vật xung quanh nhoà đi trước mắt tôi.

Tôi chạy vào văn phòng, chẳng có ai ngoài bác Hiền - bác bảo vệ mà lũ học sinh chúng tôi ngày xưa rất kính trọng và tin tưởng. Bác quý học sinh như con của mình. Bác đã già nhưng vẫn vui tính và nhanh nhẹn như ngày xưa. Hồi đó, bố mẹ gửi tôi lên học và nhờ bác lo cơm nước cho tôi. Hàng ngày, tôi nhổ tóc sâu cho bác, hai bác cháu nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Trong hai năm học ở trường, bác đã cho tôi không ít những lời khuyên bổ ích và đúng đắn. Tội tiến lại gần chỗ bác:

- Bác... bác Hiền ơi...!.- Tôi nghẹn ngào.

Bác quay sang phía tôi, chăm chú nhìn:

- Trang ... hả...?

Giọng bác run run, mắt bác sáng ngời và mặt bác vui vẻ. Bác trách tôi:

- Sao lâu rồi mày chẳng về đây với bác, bác có bao nhiêu chuyện mà chẳng biết kể với ai, bác cứ ngóng mày mãi! Thế hôm nay có việc gì mà lại về đây?

- Cháu về thăm bác! - Tôi đùa.

- Thăm bác? Lại xạo rồi - Bác cười hiền hậu.

- Sao bác biết? - Tôi nũng nịu - Cháu đùa thôi. Hôm nay, cơ quan phân tụi cháu về trường mình làm bài phóng sự về phong trào thi đua học tập của trường.

- À! Ra thế! - Bác cười.

Mấy bác cháu tôi ngồi nói chuyện hồi lâu thật là vui vé. Một lúc, bác Hiền bảo:

- Thôi, mấy đứa ngồi nói chuyện, bác phải lên đánh trống đây.

Bọn tôi ngồi đùa vui vẻ. Nhác thấy phía xa có bóng người quen quen, tôi tìm lại kí ức. "Cô Huyền" - tôi nghĩ, vẫn dáng người nhỏ nhắn, tay hay đưa lên đầu và cả cách ôm cặp nữa. "Đúng rồi". Tôi đứng bật dậy, chạy lại phía cô, tôi ôm lấy cô thật chặt. Trông cô có vẻ xanh xao, mệt mỏi:

- Cô không khoẻ ạ! - Tôi thắc mắc.

- À... ừ...! Mấy hòm nay thời tiết oi bức. Cô hơi mệt. - Cô nói.

Tôi lúng túng hỏi:

- Thế cô uống thuốc chưa ạ? Cô đừng cố quá sức cô ạ! Cô nhìn tôi với con mắt trìu mến. Hai cô trò nói chuyện với nhau cả buổi sáng. Cô hỏi tôi nhiều về cuộc sống của tôi. Các thầy cô khác trong trường cũng đến nhưng chẳng còn ai, toàn giáo viên trẻ. Cô đứng lên nghiêm mặt:

- Trang!

- Dạ! - Tôi bật dậy.

- Hôm nay là lần gặp mặt đầu tiên sau 20 năm của cô trò mình, cô trò mình phải tâm sự với nhau thật nhiều chứ nhỉ - Cô nói.

Cô vẫn cưng tôi như ngày nào. Tối hôm đó, tôi đưa đồng nghiệp vào nhà trọ rồi tới ngủ với cô, hai cô trò nói chuyện thâu đêm.

Đó là một chuyến công tác và cũng là chuyến thăm trường đầy xúc động của tôi. Tôi ra về, tới chào mọi người nhưng tôi hứa với bác Hiền và cô là tôi sẽ trở lại vào một ngày gần đây. Chuyến đi này đã giúp tôi tô đậm thêm những kỉ niệm về mọi người - về thầy cô và các bạn. Ngay ngày sau đó, bài phóng sự về trường Thuận Thành đã được in ngay trên trang đầu tiên của tờ báo, nơi tôi làm việc.


17 tháng 10 2017

mình ko muốn chép bài trên mạng bạn ạ!!limdim

9 tháng 11 2017

"Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương".

Ngàn năm trôi qua, làn khói viếng "miếu vợ chàng Trương" vẫn muôn đời lan tỏa, vấn vương, như tiếc như thương cho số phận đầy bi kịch của Vũ Nương. Bằng ngòi bút đầy trân trọng trong "Chuyện người con gái Nam Xương", Nguyễn Dữ đã tạc vào lịch sử văn học Việt Nam hình ảnh một người phụ nữ thời phong kiến, một Vũ Nương, đại diện cho cái đẹp hoàn mỹ. Nhưng đáng tiếc thay, cuộc đời nàng lại chất chứa những trang buồn đầy nước mắt.

Tên nàng là "Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương", đã đẹp người lại đẹp nết. Trương Sinh, chồng nàng, là một người thất học lại thêm tính đa nghi. Khi binh đao loạn lạc, Trương phải ra trận. Một tuần sau, nàng sinh con trai đầu lòng và một mình chăm sóc mẹ chồng, lo tang ma khi mẹ chồng mất. Giặc tan, chàng Trương về, nghe lời con trẻ mà nghi ngờ lòng thủy chung của vợ. Vũ Nương không minh oan được nên đành trẫm mình, nhưng nàng được Linh Phi ở động Rùa cứu giúp. Sau đó, nàng gặp Phan Lang, người hàng xóm đã cứu Linh Phi, nhờ Phan Lang gửi hộ lời với chàng Trương. Trương Sinh hối cải, lập đàn giải oan theo lời Vũ Nương. Nàng hiện lên gặp chồng con rồi lại quay về động Rùa vì hai người đã "âm dương đôi đường". Nhưng hình ảnh Vũ Nương không dừng lại ở đó mà còn mãi vấn vương trong lòng người đọc bởi nét đẹp hoàn mỹ cũng như số phận oan khuất và cái chết đầy bi thảm của nàng.

Vũ Nương chính là đại diện cho vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Không như Nguyễn Du miêu tả thật tinh tế nét đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" của Thúy Kiều, Nguyễn Dữ chỉ điểm qua nhẹ nét đẹp của Vũ Nương: "tư dung tốt đẹp". Nhưng chỉ bằng một chi tiết nhỏ ấy, tác giả đã phần nào khắc họa được hình ảnh một cô gái có nhan sắc xinh đẹp. Cũng bởi "mến vì dung hạnh" nên chàng Trương đã lấy nàng làm vợ. Nhưng chữ "dung" ấy, vẻ đẹp hình thức ấy, chẳng thể nào tỏa sáng ngàn đời như vẻ đẹp tâm hồn nàng. Vũ Nương "vốn con kẻ khó", song rất mực tuân theo "tam tòng tứ đức", giữ trọn lề lối gia phong và phẩm hạnh của chính mình. Thế nên, nàng rất "thùy mị, nết na". Trong gia đình chồng, nàng luôn "giữ gìn khuôn phép, không để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa". Thế là, "hạnh", một trong những tiêu chuẩn đánh giá con người, nàng đã vẹn tròn. Lễ nghĩa, nàng cũng thông hiểu, am tường. Tuy chẳng phải tiểu thư khuê các, con nhà quyền quý nhưng lời nàng nói ra dịu dàng như vàng như ngọc. Ngày tiễn chồng ra trận, nàng đã dặn rằng: "Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi". Từng lời, từng chữ nàng thốt ra thấm đẫm tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt, khiến "mọi người đều ứa hai hàng lệ". Phận làm vợ, ai chẳng mong phu quân mình được phong chức tước, áo gấm về làng. Còn nàng thì không. Nàng chỉ ước ao giản dị rằng chàng Trương trở về được bình yên để có thể sum họp, đoàn tụ gia đình, hạnh phúc ấm êm như ngày nào. Nhưng mong ước của nàng đã không thực hiện được. Bị chồng một mực nghi oan, Vũ Nương tìm mọi lời lẽ để chứng minh sự trong sạch của mình. Nàng vẫn đoan trang, đúng mực, chỉ nhẹ nhàng giải thích: "Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng. Ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Xin chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp". Lời nói của nàng luôn từ tốn, nhẹ nhàng, không quá hoa mỹ nhưng chất chứa nghĩa tình. Chỉ qua những lời thoại, từ "ngôn" của Vũ Nương đã để lại một ấn tượng khó phai trong lòng người đọc bởi vẻ từ tốn, tế nhị của nàng. Và cũng từ những câu nói ấy, chúng ta cảm nhận được sự hy sinh vô bờ của nàng vì chồng con, gia đình. Khi chồng ra trận, cả giang san nhà chồng trĩu nặng trên đôi vai gầy guộc, mỏng manh của nàng. Nàng phải sinh con một mình giữa nỗi cô đơn lạnh lẽo, thiếu sự vỗ về, an ủi của người chồng. Thật là một thử thách quá khó khăn với một người phụ nữ chân yếu tay mềm. Nhưng nàng vẫn vượt qua tất cả, một mình vò võ nuôi con khôn lớn, đợi chồng về. Không những thế, nàng còn hết lòng chăm lo cho mẹ chồng ốm nặng: "Nàng hết sức thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn". Thời xưa, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu dường như chưa bao giờ êm đẹp và chứa đầy những định kiến khắt khe.

"Mẹ anh nghiệt lắm anh ơi
Biết rằng có được ở đời với nhau
Hay là vào trước ra sau
Cho cực lòng thiếp, cho đau lòng chàng".

Nhưng nàng đã yêu thương mẹ chồng như chính cha mẹ ruột của mình. Mọi việc trong nhà đều được nàng chăm lo chu tất. Và lời trăn trối cuối cùng của mẹ chồng như một lời nhận xét, đánh giá, một phần thưởng xứng đáng với những công lao và sự hy sinh cao cả của nàng vì gia đình nhà chồng: "Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Tác giả đã một lần nữa nhắc lại: "Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như với cha mẹ đẻ mình", như tô đậm tình yêu thương của nàng đối với mẹ chồng. Vũ Nương là một nàng dâu đảm đang, thảo hiền trong mắt tất cả mọi người. Vậy là cả "công – dung – ngôn – hạnh" nàng đều vẹn toàn. Nàng chính là đỉnh cao của sự hoàn mỹ về cả vẻ đẹp hình thức lẫn tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam xưa dưới chế độ phong kiến. Song, số phận chẳng hề mỉm cười với nàng.

Cuộc đời Vũ Nương tiêu biểu cho số phận oan trái của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến. Nàng gặp bao bất hạnh trên đường đời. Chiến tranh tàn khốc đã khiến bao gia đình li tán. Trước cảnh đất nước binh đao loạn lạc, Trương Sinh phải đi lính, giao phó cả giang san nhà chồng trên đôi vai bé nhỏ của người thiếu phụ. Tất cả mọi việc trong nhà đều trông cậy vào nàng. "Khi xa chồng vừa đầy tuần thì sinh ra một đứa con trai, đặt tên là Đản". Thiếu vắng sự quan tâm, săn sóc của người chồng, song nàng vẫn nuôi nấng, dạy dỗ con thơ khôn lớn, trưởng thành. Vừa một mình chăm sóc, thuốc ***** mẹ chồng, Vũ Nương vừa sinh con trai, lại thầm lặng, tần tảo nuôi con và cũng một mình lo ma chay, chôn cất mẹ chồng chu đáo. Từng ngày từng ngày trôi, bấy giờ, trên đôi vai bé nhỏ của nàng khó khăn lại chồng chất khó khăn. Rồi chiến tranh cũng qua, cứ ngỡ Vũ Nương lại được sum họp gia đình, đoàn viên cùng chàng Trương, được sống trong hạnh phúc lứa đôi mà nàng hằng ao ước. Nàng đâu biết rằng bi kịch cuộc đời nàng sắp bắt đầu. Những ngày xa chồng, nàng đã âm thầm nuôi con, và nàng xót xa biết bao khi nhìn cảnh con thơ thiếu vắng sự chăm sóc, yêu thương của người cha. Thế là nàng đã chỉ bóng mình trên tường mà bảo với con rằng ấy chính là cha Đản. Hành động ấy chẳng phải vì nàng quá thương nhớ chồng mà xuất phát từ tấm lòng yêu thương con vô bờ của một người mẹ. Nhưng nàng sẽ chẳng bao giờ ngờ được rằng nàng chết chính bởi cái bóng của chính mình. Ngày Trương Sinh về, nghe lời con thơ dại mà hàm oan vợ: "Trước đây có người đàn ông đêm nào cũng đến. Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả". Trương Sinh vốn là tên thất học, lại thêm "tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức". Lời nói ngây thơ của bé Đản chứa đầy những chi tiết đáng ngờ, như đổ thêm dầu vào lửa. Tính đa nghi của Trương Sinh đã dâng lên đến cao trào và một mực "đinh ninh là vợ hư". Chàng không còn đủ bình tĩnh để phán đoán, phân tích, bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ, không tin cả những nhân chứng bênh vực cho nàng, cũng nhất quyết không nói ra nguyên cớ để nàng có cơ hội minh oan. Và Trương Sinh thoáng chốc hóa một kẻ vũ phu, thô bạo, "mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi". Vượt qua được mọi gian lao, vất vả trong chiến tranh để vẹn tròn phận dâu thảo hiền nhưng Vũ Nương không thể vượt qua nổi bức tường của chế độ nam quyền độc đoán, bất công, tàn bạo. Lời nói của nàng đầy thương tâm: "Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu". Ngay từ đầu, cuộc hôn nhân giữa nàng và chàng Trương đã có phần không bình đẳng và mang tính chất một cuộc trao đổi, mua bán: Trương Sinh "xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về". Điều ấy khiến chúng ta chạnh lòng nhớ đến tình cảnh một Thúy Kiều khi phải bán mình chuộc cha:

"Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm".

Sự cách bức về địa vị xã hội như thế đã tạo cho Trương Sinh một cái thế bên cạnh những uy quyền vốn có của người chồng, người đàn ông trong gia đình gia trưởng phong kiến. Chính cái gia đình "chồng chúa vợ tôi", "phu xướng phụ tùy" ấy đã khiến nàng bị khinh rẻ, đối xử tệ bạc. Một người vợ vốn đức hạnh, ngoan hiền, vâng theo cả "tam tòng tứ đức" lại phải mang tiếng xấu "hư thân mất nết". Mọi lời mắng nhiếc của Trương Sinh như chà đạp lên phẩm giá cao đẹp mà nàng đã gìn giữ cả một đời. Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thủy chung, yêu chồng tha thiết, nỗi buồn nhớ cứ dài theo những "bướm lượn đầy vườn", "mây che kín núi". Thế mà khi vừa mới sum họp hạnh phúc, nàng lại bị gán cho tội danh: "lừa chồng dối con". Thật đau đớn, thật tủi nhục! Bi kịch của cuộc đời Vũ Nương chính từ lễ giáo bất công và chế độ nam quyền. Người đàn ông với những quyền hành về số phận, cuộc đời người phụ nữ đã đẩy Vũ Nương vào đường cùng không lối thoát. Cái chết oan khuất, xót xa của Vũ Nương, ai có thể ngờ người gây ra thảm kịch ấy chính là chồng và con nàng, những người thân mà nàng hết mực yêu thương, chăm sóc. Nàng, một người con gái luôn khao khát hạnh phúc dù chỉ nhỏ nhoi, bình dị nhưng cho đến khi trẫm mình xuống sông thì cuộc đời nàng đúng là một chuỗi dài những bi kịch. Hạnh phúc đâu quá xa vời mà xã hội phong kiến ấy không cho nàng chạm tay đến tận hưởng "thú vui nghi gia nghi thất" một lần duy nhất trong đời. Nỗi oan của nàng thấu cả trời xanh. Ngày xưa, Quan Âm Thị Kính mắc oan giết chồng bởi "tình ngay lý gian". Nhưng nàng Thị Kính cũng còn hiểu ra nỗi oan khuất của mình từ đâu mà thành. Còn khi đã chìm sâu dưới dòng nước, Vũ Nương vẫn không hề biết rằng mình phải chết vì đâu. Bi kịch của Vũ Nương là một lời tố cáo xã hội phong kiến xem trọng quyền uy của kẻ giàu và của người đàn ông trong gia đình, đồng thời bày tỏ niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ. Người phụ nữ đức hạnh không những không được bênh vực, che chở mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lý; chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ miệng còn hôi sữa và vì sự hồ đồ, vũ phu của anh chồng ghen tuông mà đến nỗi phải kết liễu cuộc đời mình. Phải chăng đằng sau nỗi oan của nàng còn bao nhiêu nỗi oan của những người phụ nữ khác trong chế độ phong kiến bị rẻ rúng, suốt đời sống trong câm lặng.

Xót thương trước nỗi đau khổ vì bị chà đạp của những người phụ nữ, Nguyễn Dữ như muốn minh oan và bù đắp cho những đức tính tốt đẹp của nàng bằng một cuộc sống khác với dương gian. Nhưng ở chốn "làng mây cung nước", Vũ Nương chẳng thể nào nguôi nỗi nhớ về những oan ức, bĩ cực ở cõi trần. Sống giữa cõi tiên huyền ảo, đẹp diệu kỳ nhưng nàng dường như không bao giờ dứt tình nghĩa gia đình, mãi khóc thương cảnh gia đình tiêu điều xơ xác. Nàng xin lập đàn giải oan, khao khát được trả lại danh dự của một người con gái đức hạnh. Và cuối cùng, nỗi oan của nàng đã được giải. Từ chốn thủy cung, Vũ Nương "ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng, rực rỡ sắc màu, lúc ẩn, lúc hiện". Nhưng xót xa thay, nàng "chẳng thể trở về nhân gian được nữa". Nỗi oan tình của nàng đã được minh oan, giải tỏa nhưng âm dương đôi đường cách trở, nàng chẳng bao giờ được làm vợ, làm mẹ chốn cõi trần. Bé Đản mãi mãi là một đứa bé mồ côi mẹ. Nếu nàng được trở về với cõi trần thì liệu xã hội phong kiến bất công không có nơi dành cho cái đẹp này có dành cho nàng một cuộc sống ấm êm, bình yên, hay một lần nữa, nàng phải đau đớn, buồn khổ. Dù quay về chốn tiên cảnh xinh đẹp, nhưng cuối cùng, mơ ước cả đời của nàng, hạnh phúc "nghi gia nghi thất", chỉ mãi là ước mơ hảo huyền.

Hình tượng nhân vật Vũ Nương là hiện thân của lòng vị tha và vẻ đẹp người phụ nữ. Song cuộc đời nàng gặp nỗi bi kịch lớn. Ấy chính là tấn bi kịch của người phụ nữ Việt Nam trong chế độ phong kiến tàn ác, chế độ của sự lạc hậu và cả bóng đêm vĩnh cửu. Điều đó khiến chúng ta phải chạnh lòng trước số phận của người phụ nữ.

"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

30 tháng 12 2017

Bài văn mẫu 1:

Nguyễn Dữ sống ở thế kỷ XVI quê ở huyện Trường Tân nay là Thanh Miện – Hải Dương. Ông là học trò của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các tác phẩm của ông đã đóng góp rất lớn cho nền văn học trung đại Việt Nam. Điển hình là "Truyền kỳ Mạn Lục" gồm có hai mươi câu chuyện nhỏ. Trong đó tiêu biểu là chuyện người con gái Nam Xương là câu chuyện thứ 16 của Truyền Kỳ Mạn Lục, được bắt đầu từ truyện "vợ chàng Trương". Truyện thể hiện niềm thương cảm sâu sắc của tác giả trước số phận bất hạnh của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đồng thời ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của họ qua nhân vật chính Vũ Nương.

Trước tiên Vũ Nương là người phụ nữ mang nhiều phẩm chất tốt đẹp, là người phụ nữ bình dân xuất thân từ gia đình nghèo nhưng nàng vừa có nhan sắc, vừa có đức hạnh. Tính đã thùy mị nết na lại thêm tư duy tốt đẹp.

Vẻ đẹp của Vũ Nương mang vẻ đẹp của một người phụ nữ - của chiếc bánh trôi trong thơ của Hồ Xuân Hương "vừa trắng lại vừa tròn". Vì vậy Trương Sinh con nhà hào phú đã xin với mẹ trăm lạng vàng cưới nàng về làm vợ, cuộc hôn nhân không bình đẳng, đã vậy Trương Sinh lại có tính đa nghi, hay ghen. Vậy mà trong đạo vợ chồng nàng tỏ ra là một phụ nữ thông minh, đôn hậu, biết chồng có tính đa nghi hay ghen nàng đã "luôn giữ gìn khuôn phép... thất hòa" chứng tỏ nàng rất khéo léo trong việc vun vén hạnh phúc gia đình.

Sống trong thời loạn lạc nên cuộc sum vầy chưa được bao lâu thì Trương Sinh tòng quân đi lính nơi biên ải. Buổi tiễn chồng ra trận nàng rót chén rượu đầy chúc chồng bình yên "chàng đi chuyến này thiếp chẳng mong... thế là đủ rồi". Ước mong của nàng thật giản dị chỉ vì nàng coi trọng hạnh phúc gia đình hơn mọi công danh phù phiếm ở đời. Những năm xa cách Vũ Nương thương nhớ chồng khôn xiết kể: "Mỗi khi bướm lượn đầy vườn mây che kín núi thì nỗi buồn chân trời góc bể lại không thể nào ngăn được"

Tâm trạng thương nhớ ấy của Vũ Nương cũng là tâm trạng chung của nhiều người chinh phụ trong thời loạn lạc ngày xưa.

"Nhớ chàng đằng đẳng đường lên bằng trời
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong"

(Chinh phụ ngâm khúc - Đoàn Thị Điểm)

Thể hiện tâm trạng ấy Nguyễn Dữ vừa cảm thông với nỗi đau xa cách chồng của Vũ Nương vừa ca ngợi tấm lòng chung thủy của nàng.

Không chỉ là một người vợ chung thủy, Vũ Nương còn là một người mẹ hiền, người con dâu hiếu thảo, chàng ra trận vừa tròn tuần thì nàng sinh con nuôi dạy con khôn lớn. Để bù đắp thiếu vắng cha của con nàng chỉ chiếc bóng của mình trên tường và nói là cha Đản, còn với mẹ chồng già yếu nàng chăm sóc mẹ rất chu đáo, thuốc thang phụng dưỡng như cha mẹ đẻ của mình. Nàng đã làm chọn chữ "công" với nhà chồng. Đây là điều rất đáng trân trọng của Vũ Nương bởi thời xưa quan hệ mẹ chồng nàng dâu dường như chưa bao giờ êm đẹp và chứa đầy những định kiến khắt khe.

Tấm lòng của nàng đã được người mẹ chồng ghi nhận, điều này thể hiện qua những lời trăn trối của bà trước khi qua đời "Sau này trời xét lòng lành ban cho phúc đức giống dòng tối tươi, xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ". Vũ Nương chính là người phụ nữ lý tưởng trong xã hội ngày xưa: Công, dung, ngôn, hạnh.

Là người phụ nữ có bao phẩm chất tốt đẹp đáng lẽ nàng phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc chí ít cũng như nàng mong ước đó là thú vui nghi gia, nghi thất - vợ chồng con cái sum họp bên nhau. Thế nhưng cuộc sống của Vũ Nương cũng như cuộc đời của người phụ nữ xưa là những trang buồn đầy nước mắt. Bất hạnh của nàng bắt đầu từ khi giặc tan Trương Sinh trở về, chuyện cái bóng của con thơ đã là Trương Sinh ngờ vực, rồi kết tội Vũ Nương. Chàng đinh ninh là vợ hư, nàng hết lời phân trần để bày tỏ lòng thủy chung, cố gắng hàn gắn hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ những tất cả đều vô ích. Vốn có tính hay ghen lại vũ phu ít học.

Trương Sinh đã đối xử với nàng hết sức tàn nhẫn "mắng nhiếc, đánh đuổi nàng đi", bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ và những lời khuyên can của hàng xóm. Thất vọng đến tột cùng Vũ Nương đành mượn dòng nước quê hương để giãi tỏ nỗi lòng trong trắng của mình. Nàng "tắm gội chay sạch ra bến sông Hoàng Giang ngửa cổ lên trời là than rằng kẻ bạc mệnh này duyên hẩm hiu... phỉ nhổ". Nói rồi nàng nhảy xuống sông tự vẫn. Vũ Nương bị người thân nhất đẩy xuống bên bờ vực thẳm dẫn đến bi kịch gia đình.

Cảm nhận về nhân vật Vũ Nương (thân phận người phụ nữ trong XHPK) qua "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ, "thà chết trong còn hơn sống đục" với tấm lòng yêu thương con người Nguyễn Dữ không để cho sự trong sáng cao đẹp của Vũ Nương phải chịu oan khuất nên phần cuối chuyện đầy ắp những chi tiết hoang đường kì ảo. Sau câu chuyện của Phan Lang, Trương Sinh lập đàn giải oan cho vợ. Nàng trở về trong thế rực rõ uy nghi nhưng chỉ thấp thoáng trong giây lát rồi biến mất mãi mãi. Vũ Nương mãi mất đi quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền làm vợ, làm mẹ. Bi kịch của Vũ Nương cũng chính là bi kịch của người phụ nữ xã hội xưa. Bi kịch ấy không chỉ dừng ở thế kỉ XVI, XVII, XVIII mà đến đầu thế kỷ XIX Nguyễn Du từng viết trong truyện Kiều:

"Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"

Với niềm xót thương sâu sắc Nguyễn Dữ lên án những thế lực tàn ác chà đạp lên những khát vọng chính đáng của con người – của phụ nữ. Ông tố cáo xã hội phong kiến với những hủ tục phi lý, trọng nam khinh nữ, đạo tam tòng bao bất công và hiện thân của nó là nhân vật Trương Sinh, người chồng ghen tuông mù quáng, vũ phu sống với hủ tục là thế lực đồng tiền bạc án nên Trương Sinh con nhà hào phú một lúc bỏ ra trăm lạng vàng để cưới Vũ Nương. Ngoài ra ông còn tố cáo chiến tranh phi nghĩa đã làm phá vỡ hạnh phúc gia đình của con người.

Như vậy bằng cách xây dựng truyện hết sức độc đáo là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự sự, trữ tình và yếu tố thực ảo. Chuyện "Người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ mang đến cho chúng ta bao ấn tượng tốt đẹp. Truyện ca ngợi Vũ Nương có đầy đủ phẩm chất tốt đẹp mang tính truyền thống nhưng cuộc đời nàng lại là những trang buồn đầy nước mắt. Vẻ đẹp số phận của nàng cũng là vẻ đẹp số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến cũ. Ngày nay chúng ta được sống trong thế giới công bằng dân chủ, văn minh người phụ nữ là một nửa của thế giới họ được hưởng những quyền lợi mà nam giới được hưởng. Vậy chúng ta hãy phát huy những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa và thương cảm trước số phận của họ.

26 tháng 9 2017

Truyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm đề cập tới số phận đầy bị kịch của người phụ nữ ở dưới chế độ phong kiến,thông qua hình tượng nhân vật Vũ Nương . Vũ Nương là một người phụ nữ sinh ra trong một tầng lớp bình dân thùy mị và nết na, có tư dung tốt đẹp. Không những thế, nàng còn là một người vợ chung thủy ,là người con dâu hiếu thảo và là một người mẹ có tình yêu con vô bờ bến. Tất cả những điều đó cho thấy Vũ Nương là nhân vật điển hình đại diện đầy đủ nhất những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam đó là công,dung,ngôn,hạnh . Nhưng rồi chỉ vì một lời nói ngây thơ hồn nhiên của đứa con mà Trương Sinh đã nghi ngờ nàng thất tiết, buộc nàng phải chọn con đường cùng để giữ gìn phẩm hạnh cho mình giải oan.

Truyện đã phả ánh một cách rõ nét về người phụ nữ xưa, phản ánh xa hội phong kiến xưa với những bất công, với lí do quan niệm trọng nam khinh nữ. Để cho Trương Sinh chà đạp lên nhân phẩm ấy, xét về mức độ quan hệ gia đình thì đó là sự gen tuông mờ quáng còn xét về mặt xã hội thì sự gen tuông của Trương Sinh là hệ quả của cả một tính cách, một sản phẩm của xã hội phong kiến đương thời lúc đó. Nguyên nhân cái chết của Vũ Nương đó là do xã hội phong kiến, một xã hội bất công

27 tháng 9 2017

Trong xã hội cũ, thân phận nữ nhi vẫn luôn ở mức dưới đáy của xã hội. Dù họ có tốt đẹp, có trong sáng đến mấy cũng không có quyền được sống tự do, được hưởng trọn vẹn niềm vui và hạnh phúc. Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã bày tỏ những niềm xót xa, đồng cảm với thân phận bọt bèo, nổi trôi của người phụ nữ qua nhân vật Vũ Nương. Giá trị nhân đạo và hiện thực mà tác phẩm đã để lại trong lòng người đọc bao niềm xót thương và đồng cảm.

Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn đương thời có tấm lòng thương cảm sâu sắc với những người cùng khổ trong xã hội, đặc biệt là người phụ nữ. Vì thế, trong những áng văn của ông vẫn luôn nêu rõ giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo rất sâu sắc.

Đối với tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương cũng vậy, Nguyễn Dữ đã dựng nên hình ảnh một người thiếu phụ hoàn hảo mang tên Vũ Thị Thiết, thường gọi là Vũ Nương. Nàng vừa đẹp người lại đẹp nết. Trái tim nàng cũng khao khát một cuộc sống bình yên và hạnh phúc nhưng sự éo le và khổ hạnh vẫn luôn ập đến khi nàng sống dưới chế độ xã hội phong kiến đầy bất công. Số phận hẩm hiu và những ngang trái trong cuộc đời người thiếu phụ trẻ cũng là số phận chung của bao người phụ nữ đương thời trong xã hội ấy. Xây dựng nên nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã cho nàng hội tụ đầy đủ những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: hiền lành, ngoan ngoãn, công – dung – ngôn – hạnh đều đủ cả. Và rồi, Vũ Nương cũng bước vào cuộc sống làm vợ, làm dâu. Vốn tính thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp, nên dù Trương Sinh – chồng nàng có đa nghi đến mấy cũng không bao giờ nàng để gia đình phải thất hòa. Không những thế, khoảng thời gian Trương Sinh đi lính đánh giặc, Vũ Nương một mình ở nhà vừa chăm con nhỏ vừa đỡ đần mẹ chồng già yếu bệnh tật. Nàng vừa là mẹ mà cũng là cha, vừa là con dâu mà cũng là con trai an ủi mẹ già không khác gì mẹ ruột của mình. Khi bà ốm, Vũ Nương hết lòng chăm sóc, thuốc thang, cúng bái cầu xin thần phật nhưng bà vẫn không qua khỏi. Nàng lại hết lời thương xót, làm ma chay chu đáo cho mẹ.

Vũ Nương đã tận tụy hi sinh cả tuổi xuân đang phơi phới của mình cho chồng cho con nhưng những gì nàng nhận lại được hoàn toàn trái ngược lại với lẽ tự nhiên. Bởi lẽ ra nàng sẽ hạnh phúc vô cùng khi chồng bình yên từ chiến trận trở về. Nhưng tai họa đã ập đến. Trương Sinh nghe theo lời con nhỏ mà kết án vợ hư hỏng, đã thất tiết khi mình đi vắng. Chàng đánh đuổi vợ ra khỏi nhà, một mực không cho nàng giải thích, có giải thích chàng cũng không nghe. Vũ Nương – một người phụ nữ chân yếu tay mềm, lại sống trong xã hội phong kiến với chế độ nam quyền, nàng không thể nào minh chứng cho sự trong sạch của mình được. Bất đắc dĩ, Vũ Nương đã phải tìm đến cái chết. Tấm lòng thủy chung son sắt, một người con dâu hiếu thảo, một người vợ chung thủy nay đã bị chính người chồng của mình, người mà ngày đêm nàng mong nhớ, sỉ nhục nàng, làm tổn thương sâu sắc đến nàng. Không gì tủi hổ hơn khi người mà mình đã hết lòng thương yêu và nhung nhớ nay cầm con dao cứa thẳng vào trái tim mình. Nàng ôm đau thương và ai oán đến bến Hoàng Giang gieo mình tự vẫn. Có lẽ chỉ có cái chết mới minh chứng được sự trong sạch của nàng.

Cái chết của Vũ Nương đã một lần nữa nói lên một cách chân thực về thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Họ luôn khát khao hạnh phúc, khát khao một tổ ấm gia đình nhưng khi sóng gió ập đến, họ không thể nào được làm chủ cuộc đời mình. Lúc ấy, chỉ có cái chết mới có thể giải thoát được họ khỏi những đau thương. Qua đó, Nguyễn Dữ đã gián tiếp tái hiện lại sự bất công của xã hội cũ đã đẩy người phụ nữ vào cái chết, chết oan ức, chết bi thương.

Nhưng sau đó, Nguyễn Dữ đã sáng tạo thêm những tình tiết ly kỳ khiến câu chuyện vừa hấp dẫn vừa mang kết thúc có hậu và thỏa đáng, khiến người đọc cũng cảm thấy được an lòng. Đây cũng chính là niềm đồng cảm và sự xót thương của tác giả với những thân phận hẩm hiu của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Sau khi chết, Vũ Nương đã được các nàng tiên cứu giúp vì bản tính đức hạnh và phẩm giá cao quý của nàng. Chính cái chết đã giúp nàng được hồi sinh, được sống lại và thoát khỏi cảnh khổ đau, ai oán của trần gian. Nhưng nỗi oan trong lòng nàng vẫn chưa nguôi ngoai nếu không được làm sáng tỏ. Nhân việc Phan Lang lạc vào địa hải, nàng được dịp nhờ Phan chuyển lời đến Trương Sinh lập đàn giải oan cho mình. Trương Sinh ban đầu vẫn nghi ngờ nhưng khi Phan đưa chiếc trâm của vợ mình ra chàng đã tin và làm theo ước muốn của nàng. Quả nhiên, Vũ Nương hiện về trên dòng sông, nàng ngồi trên một chiếc kiệu hoa đứng ở giữa dòng, theo sau đến năm mưới chiếc xe cờ tán, võng lạc rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện. Hình ảnh này thật đẹp, thật xứng đáng với một con người đức hạnh như Vũ Nương. Và đó cũng chính là những gì mà nàng xứng đáng được nhận. Nhưng nàng không thể trở về nhân gian được nữa, nỗi oan được giãi bày, được sáng tỏ, nàng đã yên lòng mà ra đi.

Câu chuyện đã kết thúc nhưng giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực của tác phẩm đã khiến người đọc xúc động và nhận ra những ý nghĩa, những quy luật bất biến của cuộc đời: ở hiền gặp lành. Và rồi nhất định chế độ phong kiến cũ cũng sẽ tàn lụi, trả lại cuộc sống tự do và công bằng cho người phụ nữ, cho những con người cùng khổ dưới chế độ nam quyền bất công. Đồng thời, khi xây dựng lên nhân vật Vũ Nương hoàn hảo đẹp cả người lẫn nết, nhà văn đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ truyền thống Việt Nam, qua đó ông muốn gửi đến người phụ nữ thế hệ sau một tấm gương sáng về đạo làm vợ, làm mẹ, làm con dâu hiền thảo, nết na.

13 tháng 4 2018

Câu 1 (8,0 điểm)

Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?

Em hãy viết một bài văn ngắn, trình bày suy nghĩ, quan điểm của em để trả lời cho câu hỏi trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Bàn về khả năng tác động của tác phẩm văn học đến tâm hồn con người, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã cho rằng: "Mỗi tác phẩm như rọi vào bên trong chúng ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi..."

(Tiếng nói của văn nghệ - SGK Ngữ văn 9, tập 2, trang 14)

Em hiểu như thế nào về ý kiến trên?

Từ bài thơ Ánh trăng (Nguyễn Duy) hãy phân tích và làm rõ ánh sáng riêng mà tác phẩm này đã soi rọi vào tâm hồn em.