Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Viết: Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học SVIP
VIẾT: VIẾT BÀI VĂN PHÂN TÍCH MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC (THƠ TRÀO PHÚNG)
1. Phân tích bài viết tham khảo
Phân tích bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương vốn nổi tiếng với một hồn thơ phóng khoáng. Bà thường dành mối quan tâm lớn cho các vấn đề của cuộc sống đời thường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến người phụ nữ. Nhưng khi thấy cảnh trái tai gai mắt: một tên tướng giặc bại trận phải tự vẫn mà được lập đền thờ, bà đã không ngại ngần cất tiếng cười giễu cợt. Bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống ra đời từ sự bức xúc ấy:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
Chữ “đề” trong nhan đề bài thơ thể hiện nét văn hóa “tức cảnh sinh tình", ngẫu hứng làm thơ vịnh cảnh, cảm khái trước khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống đời thường. Đây là một nét văn hóa đẹp, rất phổ biến ở cả Trung Quốc và Việt Nam ta thuở xưa. Hầu hết những bài thơ như vậy mang cảm hứng ngợi ca, tôn vinh. Nhưng trường hợp bài thơ Đề đền Sầm Nghi Đống lại không mang cảm hứng ấy, bởi một tên tướng giặc bại trận phải tự vẫn đâu có đáng được ngợi ca. Do đó, ngụ ý giễu cợt (ngỡ là được ngợi ca, hóa ra lại bị đem ra để đả kích, khinh thường) đã xuất hiện ngay từ nhan đề của bài thơ.
Nhà thơ không hề giấu giếm thái độ giễu cợt ngay từ những câu thơ đầu tiên:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Câu khởi bài thơ bắt đầu bằng cụm từ ghé mắt, nghĩa là ngôi đền ấy chẳng đáng để nhìn ngắm một cách trang trọng, chỉ đáng để liếc qua, thậm chí là nhìn bằng “nửa con mắt”.
Ánh nhìn khinh thị ấy còn được tô đậm thêm bằng cụm từ trông ngang (chứ không phải trông lên, kính ngưỡng). Cái bảng đề tên ngôi đền được treo lên, chắc chắn phải ở một vị trí cao, vậy mà tác giả trông ngang cũng thấy được. Chỉ một câu thơ mà sự bề thế của ngôi đền bỗng trở nên vô nghĩa dưới cái nhìn của nữ sĩ. Từ thấy ở giữa câu thơ, nhưng lại thể hiện thái độ thờ ơ, hờ hững của tác giả trước “cảnh đẹp”, thật giản dị mà thâm thúy.
Câu thừa tiếp đà cảm xúc ấy bằng cách đưa ra lời đánh giá:
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.
Sau khi “ghé mắt trông ngang”, nữ sĩ như muốn “giới thiệu” với mọi người về ngôi đền. Từ kìa hàm ý chỉ trỏ, chẳng giấu giếm sự bất kính với chốn đề miếu linh thiêng. Từ kìa đồng thời cho thấy nữ sĩ tuy ngắm cảnh, vịnh cảnh, nhưng cũng chẳng thèm lại gần. Bà cứ đứng từ xa mà nhận xét “đền Thái thú đứng cheo leo”. Từ cheo leo vừa gợi ra vị trí xây dựng của ngôi đền (trên gò), vừa gợi cảm giác không vững vàng. Câu thơ khiến người đọc tủm tỉm khi nhớ đến hai chữ “trông ngang” ở câu khởi. Ra là vậy, dù là một viên tướng được thờ phụng, dù là một ngôi đền được xây cao, thì cũng chỉ là thứ đáng coi thường trong mắt Hồ Xuân hương. Sự tôn nghiêm, thiêng liêng của ngôi đền biến mất sạch sẽ trong mắt nữ sĩ.
Câu chuyển của bài thơ đã chuyển từ khách thể quan sát (ngôi đền thờ Sầm Nghi Đống) sang chủ thể cảm thụ:
Ví đây đổi phận làm trai được,
“Đây” được dùng như đại từ ngôi thứ nhất, thể hiện một cách tự xưng đầy tự tin và tự tôn của Hồ Xuân Hương. Cách xưng hô thể hiện một cuộc “trò chuyện” trong tưởng tượng giữa tác giả với tên tướng giặc bại trận, ở đó, nữ sĩ tự cảm thấy mình không hề kém cạnh đối phương về vị thế. Để rồi trong cuộc giao tiếp ấy, nữ sĩ đã không ngại so sánh mình với người được thờ, kèm theo lời chỉ trích không khoan nhượng bằng một câu cảm thán:
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
Câu cảm thán cũng là câu hợp, kết lại những gì lắng đọng nhất, những gì nhà thơ muốn nói nhất. Tiếng cười giễu cợt, đả kích của nữ sĩ đạt đến cao trào cũng chính ở thời khắc này.
Cách suy nghĩ đổi phận làm trai thể hiện sự mặc cảm là người nữ đã in hằn vào ý thức nhà thơ khi phải sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Nhưng mặt khác, nó cũng thể hiện sự quật cường, không an phận của nữ sĩ. “Anh hùng đâu cứ phải mày râu” – quan niệm như thế mới thực sự đúng đắn.
Đề đền Sầm Nghi Đống là tiếng cười trào phúng vừa sâu cay, vừa mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương dành cho một kẻ xâm lược, góp phần củng cố thêm lòng yêu nước trong mỗi người Việt Nam. Bài thơ đã cho thấy tài năng nghệ thuật của Hồ Xuân Hương – một nhà thơ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Bà Chúa Thơ Nôm”.
(Nhóm biên soạn)
- Chú ý vào các từ ngữ (từ tượng hình, từ tượng thanh, thành ngữ); biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, nói quá, điệp ngữ,...). Ví dụ các từ ngữ: ghé mắt, trông ngang, kìa, đây,... thể hiện thái độ coi khinh, xem thường tác giả.
Từ việc phân tích trên, học sinh cần chú ý:
Yêu cầu
- Giới thiệu tác giả và bài thơ.
- Phân tích được nội dung trào phúng của bài thơ để làm rõ chủ đề.
- Chỉ ra được tác dụng của một số nét về đặc sắc nghệ thuật trào phúng được thể hiện trong bài thơ.
- Khẳng định được giá trị, ý nghĩa bài thơ.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây