Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ SVIP
I. TRI THỨC VỀ KIỂU BÀI
1. Khái niệm
2. Yêu cầu
- Trình bày luận điểm rõ ràng, gãy gọn, thể hiện quan điểm của người viết về vấn đề có liên quan đến tuổi trẻ.
- Đưa ra được hệ thống lí lẽ, bằng chứng thuyết phục chính xác, tin cậy, thích hợp, đầy đủ để làm sáng tỏ luận điểm.
- Có thể phân tích, trao đổi với những ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện, khách quan về vấn đề.
- Có bố cục gồm 3 phần:
+ Mở bài:
+ Thân bài: Giải thích được vấn đề cần bàn luận, trình bày hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ quan điểm của người viết, có thể trao đổi với các ý kiến khác về vấn đề, nêu được những đề xuất, giải pháp phù hợp để thực hiện hoặc giải quyết vấn đề.
+ Kết bài: Khẳng định lại quan điểm của người viết về vấn đề, đề xuất tóm tắt giải pháp hoặc bài học phù hợp.
II. PHÂN TÍCH NGỮ LIỆU THAM KHẢO
Trách nhiệm của người trẻ với Tổ quốc
Có những hình ảnh dường như đối lập giữa những ngày này: một bên là một số người trẻ có thái độ không hợp tác với công tác phòng chống dịch, đã quen với cách sống hưởng thụ vật chất và chỉ biết đòi hỏi; một bên là những chiến sĩ bộ đội, công an, bác sĩ và nhân viên y tế trẻ tuổi đang ngày đêm xông pha ở tuyến đầu chống dịch. Những hình ảnh ấy gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của những người trẻ tuổi với Tổ quốc, nhất là khi tháng Ba này là tháng Thanh niên.
Người trẻ ở đây được hiểu là thế hệ thanh, thiếu niên. Trách nhiệm của những người trẻ tuổi với Tổ quốc là phần việc mà cộng đồng xã hội, đất nước, dân tộc đã giao cho họ, buộc phải làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả. Với Tổ quốc, trách nhiệm của thế hệ trẻ được thể hiện cụ thể qua việc sẵn sàng tham gia bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc, tích cực xây dựng đất nước vững mạnh, giữ gìn các giá trị văn hoá, tinh thần của cha ông. Ngoài ra, đó còn là ý thức nỗ lực học tập, trau dồi, rèn luyện bản thân để cống hiến, giúp ích cho quê hương.
Vì sao vấn đề trách nhiệm với Tổ quốc lại được đặt ra với những người trẻ tuổi? Trước tiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thế hệ trẻ đối với đất nước. Họ là những người đang ở độ tuổi trưởng thành, mang trong mình bao nhiệt huyết, ước mơ, lí tưởng, khát vọng khám phá và cống hiến. Ngoài ra đó còn là lứa tuổi được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng, phẩm chất, sức khoẻ để thực hiện hoài bão, làm chủ xã hội tương lai. Lịch sử dân tộc ghi nhận trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chúng ta đã có không ít những lớp thanh niên dũng cảm ra trận, hiến dâng tuổi xuân cho sự nghiệp bảo vệ đất nước. Đến khi hoà bình, cũng chính họ lại sẵn sàng dấn thân, đi đầu trong công cuộc xây dựng đất nước, gìn giữ thành quả của cha ông. Đó là những chàng trai, cô gái luôn hăm hở, nhiệt tình trong những hoạt động tình nguyện của chiến dịch Mùa hè xanh; những thầy cô giáo trẻ sẵn sàng băng rừng, vượt suối mang con chữ đến với trẻ em vùng sâu, vùng xa; những người lính trẻ luôn vững chắc tay súng, kiên cường bảo vệ từng tấc đất, vùng trời, biển đảo quê hương,... Đó còn là những bạn trẻ luôn gắng sức học tập, rèn luyện để mang về những tấm huy chương quý giá của những kì thi Olympic quốc tế hay những giải đấu thể thao hàng đầu châu lục, thế giới.
Hơn nữa, với sự nhanh nhạy, linh hoạt, những người trẻ dễ dàng thích nghi, bắt kịp với xu thế phát triển về khoa học công nghệ, kĩ thuật của thế giới. Khi đất nước chuyển sang giai đoạn hội nhập với thế giới, một thế hệ trẻ lớn lên trong sự đủ đầy về vật chất đã nhanh chóng tiếp cận với khoa học, công nghệ và thông tin, tự tin trở thành những công dân toàn cầu và dù ở đâu họ cũng sẵn lòng cống hiến. Họ còn là lực lượng chính với những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Theo số liệu thống kê của Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động. Vì vậy, có thể nói nước ta đang trong giai đoạn "dân số vàng" với đội ngũ lao động đông đảo, tiếp thu nhanh chóng các tiến bộ phát triển của thế giới,... tạo sức mạnh cho vấn đề khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, hơn ai hết, họ xứng đáng là lực lượng chính nhận lãnh trách nhiệm xây dựng, giữ gìn và phát triển đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hoá như hiện nay. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội."
Tuy nhiên, bên cạnh những bạn trẻ luôn có ý thức về trách nhiệm và bổn phận thì vẫn còn một số người trẻ có biểu hiện sống hưởng thụ, lười biếng, dựa dẫm, thực dụng. Chúng ta không khỏi lo ngại về những bạn trẻ ấy. Không ít lần chúng ta đã phải đặt ra câu hỏi: Nếu Tổ quốc cần, những người trẻ tuổi có còn sẵn sàng ở tuyến đầu hay không? Thì đây, câu trả lời đã có ở những ngày tháng này, khi cả thế giới đang cùng chiến đấu với virus Corona thì ở Việt Nam, chúng ta lại nhìn thấy những gương mặt trẻ đang hăng hái tham gia chống dịch ở những điểm nóng. Trong quá khứ, chúng ta từng có những thế hệ sinh viên sẵn sàng ra trận, bỏ dở việc học hành. Hôm nay, chúng ta lại nhìn thấy những sinh viên trường Y xin được bổ sung vào đội ngũ tuyến đầu chống dịch hay hình ảnh bộ đội biên phòng dựng lán trại ngủ giữa rừng để kiểm soát đường mòn lối mở, những người chiến sĩ không quản ngày đêm phục vụ nhân dân ở khu cách li. Người bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa dương tính với SARS-CoV-2 có tuổi đời cũng còn rất trẻ. Anh đã có hai tháng trực tiếp tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm bệnh. Tuy đã lường trước được nguy cơ bị lây nhiễm, nhưng những bác sĩ và điều dưỡng ấy vẫn kiên cường bám trụ, không hề chùn bước. Tháng Ba này, xin được tôn vinh những người trẻ đầy nhiệt huyết và sự hi sinh ấy!
Lí tưởng và hoài bão không phải chỉ là những mĩ từ nói cho hay, cho đẹp. Trách nhiệm của tuổi trẻ cũng không phải là những từ ngữ "đao to búa lớn". Những người trẻ không thể chỉ ngồi ở nhà để gõ phím phê phán hay chê trách, cũng không thể chỉ hô hào suông trên mạng. Tuổi trẻ là phải dấn thân, là phải ở đúng chỗ khi Tổ quốc cần, là phải tự biết làm những việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Để người trẻ có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, trước tiên họ cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về trách nhiệm của thế hệ, rèn luyện kĩ năng tự ra quyết định và chịu trách nhiệm với những quyết định ấy. Điều đó có thể có được nhờ vào sự giáo dục đến từ nhà trường, gia đình và cả xã hội. Hãy để cho họ được tự chịu trách nhiệm càng sớm càng tốt từ những điều nhỏ nhất, rồi dần hình thành bản lĩnh có thể cáng đáng những trọng trách lớn hơn với quê hương, đất nước. Đợt phòng, chống dịch Covid-19 này đã bộc lộ một số vấn đề trong việc giáo dục tinh thần trách nhiệm cho những người trẻ tuổi với cộng đồng. Có gì đáng khoe khoang khi một người mẹ kể về quá trình “giải cứu" con mình khỏi châu Âu mà cứ đi một chặng, thì cô cậu sinh viên ấy lại phải nhắn tin, gọi điện để hỏi mẹ tiếp theo nên làm gì. Một số bạn trẻ khi trở về nước và được cách li tập trung đã phàn nàn từ khu vệ sinh đến việc thiếu nước nóng để tắm. Trong tình thế "chống dịch như chống giặc", khi những người trẻ khác như bộ đội, bác sĩ đã không màng nguy hiểm và vất vả để phục vụ công tác chống dịch, thì họ – những người trẻ vốn chỉ thiếu thốn vật chất trong một thời gian ngắn đã không chịu được ấy – đã nghĩ gì? Đất nước, gia đình có thể kì vọng gì ở họ? Và xét ở nền tảng giáo dục thì một số người lớn nên suy nghĩ lại về cách giáo dục của mình khi đã vác cả cái tủ lạnh đến tiếp tế cho con cháu của họ trong khu cách li.
Cho dù có vậy, giữa những ngày tháng Ba này, chúng ta vẫn tin tưởng vào phần đông những người trẻ tuổi hôm nay. Tuổi trẻ là tương lai dân tộc, là rường cột quốc gia. Khi đất nước gặp khó khăn, những người trẻ tuổi lại luôn sẵn sàng có mặt ở những nơi khó khăn nhất. Có thể ở đâu đó vẫn còn một vài bạn trẻ chưa ý thức được trách nhiệm của mình, nhưng lớp lớp những người trẻ vẫn đang miệt mài học tập, rèn luyện, cống hiến. Niềm tin vào thế hệ trẻ lại được thắp lên giữa những ngày chống dịch, họ lại ở tuyến đầu, nguy hiểm không chùn bước. Một thế hệ trẻ đã khác trước, đã bước ra ngoài thế giới, đã đầy đủ điều kiện để có thể phát triển tốt nhất, nhưng vẫn không được quên trách nhiệm với cộng đồng, Tổ quốc. Vì thế, hãy nhận thức đúng về trách nhiệm của thế hệ mình và sẵn sàng dẫn thân, gách vác những trọng trách được giao phó.
Theo Cẩm Thuỷ
(Theo Trách nhiệm của người trẻ: http://daidoanket.vn/trach-nhiem-
cua-nguoi-tre-462446.html 26-3-2020)
1. Xác định bố cục của bài viết. Vấn đề được bàn luận trong bài viết là gì?
Bố cục bài viết:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần bàn luận.
* Thân bài:
- Giải thích khái niệm trách nhiệm đối với đất nước.
- Bàn luận về trách nhiệm của những người trẻ tuổi đối với đất nước.
- Phê phán biểu hiện tiêu cực của vấn đề và trao đổi với ý kiến khác.
- Đề xuất phương án hành động.
* Kết bài: Khẳng định lại vấn đề và tóm tắt phương hướng hành động.
2. Em có nhận xét như thế nào về hệ thống luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong bài viết?
- Luận điểm: Rõ ràng, cụ thể.
- Lí lẽ, bằng chứng: Phong phú, thuyết phục, cụ thể, tiêu biểu, đáng tin cậy; có trích dẫn danh ngôn để tăng sức thuyết phục.
3. Phần phê phán những biểu hiện tiêu cực của vấn đề và trao đổi của người đọc giúp em rút ra thêm kinh nghiệm gì khi viết kiểu bài này?
Tham khảo:
- Dẫn ra một câu hỏi, ý kiến thể hiện sự băn khoăn, hoài nghi của người đọc về tính đúng đắn của vấn đề bàn luận trong cuộc sống hôm nay để trao đổi.
- Dẫn ra những bằng chứng cụ thể, tiêu biểu để tạo sức thuyết phục.
4. Bài viết trên có mạch lạc không? Dựa vào đâu em có thể kết luận như vậy?
Bài viết trên mạch lạc.
III. HƯỚNG DẪN VIẾT THEO QUY TRÌNH
1. Bước 1: Chuẩn bị viết
- Nên lựa chọn vấn đề được nhiều người trẻ quan tâm. Một số vấn đề tiêu biểu về tuổi trẻ:
+ Tuổi trẻ với vấn đề bảo vệ môi trường.
+ Tuổi trẻ với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
+ Tuổi trẻ với kỉ nguyên số trong việc xây dựng và phát triển đất nước.
- Sau khi xác định được vấn đề, hãy tìm kiếm và thu thập tài liệu cần thiết phục vụ cho bài viết.
2. Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý bằng cách trả lời một số câu hỏi sau:
+ Vấn đề xã hội có liên quan đến tuổi trẻ mà tôi quan tâm là gì? Những nội dung/khái niệm nào cần giải thích?
+ Quan điểm, ý kiến của tôi về vấn đề này là gì?
+ Tôi nên sử dụng những lí lẽ, bằng chứng gì để làm sáng tỏ luận điểm?
+ ...
- Lập dàn ý cho bài viết theo hướng dẫn sau:
+ Chọn lọc và sắp xếp các ý vừa tìm được thành dàn ý hoàn chỉnh.
+ Khi triển khai lí lẽ, bằng chứng, cần tránh sự trùng lặp. Một số bằng chứng có thể dùng để làm sáng tỏ cho nhiều luận điểm nhưng với mỗi luận điểm, cách triển khai lí lẽ để phân tích, lí giải cần khác nhau.
3. Bước 3: Viết bài
Khi viết cần chú ý:
- Trình bày luận điểm rõ ràng, ngắn gọn. Kết hợp nêu luận điểm với lí lẽ, bằng chứng. Để tăng sức thuyết phục cho lí lẽ, có thể sử dụng trích dẫn, danh ngôn.
- Tách đoạn hợp lí và sử dụng các phương tiện liên kết để tạo sự mạch lạc, chặt chẽ.
- Có thể kết hợp với thuyết minh, tự sự, biểu cảm để tăng sức thuyết phục, hấp dẫn.
- Có thể sử dụng một số cách để mở bài và kết bài ấn tượng như trích dẫn danh ngôn, nhận định liên quan đến đề tài; sử dụng hình ảnh có tính chất biểu tượng để so sánh, dẫn dắt; nêu câu hỏi có tính chất đối thoại, trao đổi với người đọc;...
- Có thể trao đổi với các ý kiến khác nhau về đề tài để nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn. Lựa chọn lí lẽ và bằng chứng thuyết phục để củng cố cho quan điểm của bản thân.
4. Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa
Đọc lại bài viết, tự kiểm tra các lỗi về bố cục, diễn đạt,...
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây