Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ SVIP
I. TRI THỨC VỀ KIỂU BÀI
1. Kiểu bài:
Bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ những điểm tương đồng/ khác biệt về đặc điểm/ giá trị nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm thơ.
2. Yêu cầu đối với kiểu bài:
– Chỉ ra một số điểm tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm theo yêu cầu của đề bài.
– Kết hợp so sánh với nhận xét, đánh giá về giá trị của hai tác phẩm; phân tích sự tương đồng/ khác biệt giữa hai tác phẩm (như hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh văn hoá – xã hội, phong cách nghệ thuật của tác giả hay trường phái, thời đại mà tác giả đại diện,...).
– Sử dụng lí lẽ và bằng chứng thuyết phục.
– Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng theo trình tự hợp lí; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc.
– Bố cục bài viết gồm ba phần:
+ Mở bài:
+ Thân bài: Phân tích, so sánh hai tác phẩm để làm rõ điểm tương đồng/ khác biệt về đặc điểm/ giá trị nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm thơ. Có thể lần lượt chỉ ra những điểm tương đồng/ khác biệt về nội dung/ hình thức hoặc điểm tương đồng/ khác biệt trên từng khía cạnh của nội dung, vấn đề.
+ Kết bài: Khẳng định lại đặc điểm thể loại của tác phẩm; những giá trị chung và nét độc đáo ở mỗi tác phẩm; nêu cảm nghĩ về phong cách sáng tác của mỗi tác giả.
II. PHÂN TÍCH NGỮ LIỆU THAM KHẢO
Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:
Phong vị cổ điển trong bài thơ Giang tuyết (Liễu Tông Nguyên)
và tính hiện đại trong bài thơ Mộ (Hồ Chí Minh)
Hai bài thơ Giang tuyết (Liễu Tông Nguyên) và Mộ (Hồ Chí Minh) về thời gian sáng tác thật cách xa nhau. Bài Giang tuyết ra đời vào khoảng thế kỉ VIII – IX, thời Trung Đường (Trung Quốc), khi Liễu Tông Nguyên bị biếm ở đất Vĩnh Châu (805 – 815). Còn bài thơ Mộ (thuộc tập thơ Nhật kí trong tù) được Hồ Chí Minh sáng tác vào cuối mùa thu năm 1942, khi đang trên đường chuyển lao (từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo). Cả hai bài thơ đều được đánh giá là đặc sắc nhưng mỗi bài đều có vẻ đẹp riêng bên cạnh một số điểm tương đồng.
Tuy ra đời ở hai thời đại khác nhau nhưng hai bài thơ đều có những điểm tương đồng thú vị. Về đề tài, cả hai bài cùng viết về thiên nhiên. Về thi liệu và thủ pháp, cả hai bài đều sử dụng thi liệu cổ điển của thơ Đường như: “chim”, “mây”, “sông”, “tuyết”,... và nghệ thuật “tả cảnh ngụ tình” để bộc lộ cái nhìn và cảm xúc rất khác nhau về thế giới. Về thể thơ, bài thơ Giang tuyết là thơ ngũ ngôn tứ tuyệt, bài thơ Mộ là thơ thất ngôn tứ tuyệt, cả hai bài đều theo luật Đường.
Tuy nhiên, ngay trong sự tương đồng ấy, ta vẫn thấy giữa hai bài thơ trên có những điểm khác biệt rất rõ: Giang tuyết là một bài thơ mang phong vị cổ điển với đầy đủ ý nghĩa của phong cách thơ cổ điển Trung Hoa, còn Mộ là một bài thơ kết hợp giữa phong vị cổ điển với tính hiện đại.
Điểm khác biệt thứ nhất là chủ thể trữ tình. Xuất phát từ quan niệm thẩm mĩ khác nhau, chủ thể trữ tình trong hai bài thơ cũng có cách nhìn, cách cảm cuộc sống khác nhau. Ở bài thơ Giang tuyết, thế giới hiện lên thật vắng lặng, cô tịch:
Nghìn non mất bóng chim bay
Muôn con đường tắt dấu giày tuyệt không.
Kìa ai câu tuyết bên sông.
Áo tơi, nón lá, một ông thuyền chài.
(Bản dịch của Tản Đà)
Chỉ với hai mươi chữ trong nguyên tác, bài thơ đã vẽ nên một cảnh tượng lạnh lẽo, hoang vu: Nghìn non không dấu chim bay, muôn nẻo không bóng người qua lại. Giữa khung cảnh khắc nghiệt ấy, xuất hiện hình ảnh ngư ông mang tơi, đội nón, trên chiếc thuyền cô đơn, một mình câu tuyết lạnh (không phải câu cá, mà là câu tuyết). Toàn bộ cái trống trải, lạnh lẽo của bầu trời, mặt đất thu hết vào hình ảnh con người cô độc này. Bài thơ mở đầu là lẻ loi “Nghìn non, bóng chim tắt" và kết thúc là lạnh lẽo “Một mình câu tuyết sông lạnh”. Đó là cái nhìn và cảm xúc của một thi sĩ đời Đường mang trong lòng nhiều tâm sự u uẩn về thời thế nên ngắm nhìn cảnh vật trong thế tĩnh lặng, cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi buồn và sự trĩu nặng ưu tư của một nho sĩ.
Bài thơ Mộ của tác giả Hồ Chí Minh thì khác hẳn. Thiên nhiên trong bài thơ Mộ được cảm nhận qua cái nhìn của một nhà thơ hiện đại, người chiến sĩ cách mạng với quan niệm thẩm mĩ hiện đại. Có tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác bài thơ này, ta mới hiểu: Người tù Hồ Chí Minh – tác giả bài thơ – bấy giờ đang trên đường bị giải từ nhà lao này qua nhà lao khác, thân thể bị đoạ đày đau khổ. Tuy nhiên, hãy xem cái nhìn và cảm xúc của nhà thơ đối với cảnh vật xóm núi trước mặt, trên đường đi:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
(Bản dịch của Nam Trân)
Buổi chiều tối ở miền núi vẫn có hình ảnh “chim mỏi về rừng”, “chòm mây lẻ loi lững lờ trôi" gợi nỗi buồn man mác nhưng không đến mức cô quạnh như bài thơ Giang tuyết. Bài thơ Mộ cũng có sự xuất hiện của con người, nhưng không phải là ngư ông mang tơi, đội nón một mình câu tuyết trên sông lạnh mà là “cô em xóm núi xay ngô tối", một con người lao động lam lũ nhưng khoẻ khoắn, đầy sức sống. Do đó, với sự xuất hiện của mình, con người đã mang lại hoạt động và sự sống cho bức tranh sinh hoạt nơi xóm núi lúc chiều tối. Mọi hoạt động như thu lại, vận động theo vòng xoay cối xay ngô của người sơn nữ. Ngô xay xong thì trời tối hẳn, ta cảm nhận được điều đó bởi sự tương phản ánh sáng – bóng tối: Lò than đỏ rực lên.
Điểm khác biệt thứ hai là cách sử dụng nhãn tự (chữ mắt) của hai nhà thơ. Nhãn tự của bài thơ Giang tuyết là “hàn" (lạnh). Cái “hàn” không chỉ toát ra từ dòng sông tuyết mà còn từ sự lẻ loi nơi hình ảnh chiếc thuyền “cô chu” (lẻ loi) và cả cái lẻ loi nơi ông câu "độc điếu" (câu một mình). Hơn thế lại là “độc điếu hàn giang tuyết” (một mình câu tuyết sông lạnh). Đó hẳn không phải chỉ cái lạnh từ ngoại cảnh mà có thể còn là cái lạnh từ tâm hồn chủ thể trữ tình – người đang lặng lẽ quan sát bức tranh “Giang tuyết". Nhãn tự của bài thơ Mộ, chữ “hồng" (đỏ), tạo một hiệu ứng cảm giác ngược lại với chữ “hàn” nói trên. “Lô dĩ hồng” là lò than đỏ rực lên trên nền trời tối. Đó là ánh sáng, là hơi ấm không chỉ toả ra từ bếp lò mà còn từ thành quả vòng quay của cối, động tác xay ngô của cô gái xóm núi. Và hơn thế, còn là ánh sáng từ cái nhìn, hơi ấm từ tâm hồn của chủ thể trữ tình. Theo đó, chữ "hồng" cuối bài thơ đã xua đi bóng tối và giá lạnh buổi chiều hôm nơi xóm núi, mang lại ánh sáng, hơi ấm cho bức tranh. Thật đáng ngạc nhiên, khi đó lại là ánh sáng, hơi ấm từ cái nhìn và từ tâm hồn của chủ thể trữ tình – một người tù sau suốt một ngày dài bị đoạ đày đau khổ trên đường đi. Nhãn tự này đặt trong chỉnh thể nghệ thuật của bài thơ đã phản ánh quan niệm thẩm mĩ hiện đại, tinh thần lạc quan của nhà thơ Hồ Chí Minh: Cái đẹp nằm trong đời sống sinh hoạt bình dị: ở đâu có con người, ở đó có hoạt động, có hơi ấm, có ánh sáng, có niềm vui.
Việc phân tích trong sự so sánh hai bài thơ cũng giúp ta hiểu thêm hai phong cách sáng tác: phong cách thơ cổ điển và phong cách thơ hiện đại (lãng mạn, hiện thực hoặc lãng mạn kết hợp với hiện thực). Tiêu biểu cho phong cách cổ điển, bài thơ Giang tuyết (Liễu Tông Nguyên) cho thấy: Trong con mắt của nhà thơ xưa, thế giới tạo vật thật lớn lao, vô biên, vô tận; con người chỉ như cái rơm, cọng cỏ hoà tan vào trong cõi vô tận, vô biên ấy. Tiêu biểu cho phong cách hiện đại (kết hợp giữa cổ điển và lãng mạn), bài thơ Mộ (Hồ Chí Minh) lại cho thấy: Trong tương quan với vũ trụ và thế giới, con người bao giờ cũng giữ một vị trí, vai trò xứng đáng; và trong các bức tranh thơ, con người thường chiếm vị trí trung tâm.
Sự phân tích, so sánh ở trên cũng cho thấy: Ngay cả khi nhà thơ của thời đại cách mạng cùng viết về một đề tài, cùng làm thơ theo luật thơ cổ điển (luật Đường chẳng hạn) như nhà thơ cổ điển, thì bài thơ họ làm ra vẫn mang tính hiện đại. Phải chăng đó là vì những bài thơ hay đều là những sáng tạo độc đáo không chỉ mang dấu ấn của nhà thơ, mà còn mang dấu ấn của phong cách sáng tác thời đại.
(Theo Hoàng Trung Thông, Bác Hồ làm thơ và thơ của Bác, Thơ Hồ Chí Minh và lời bình, NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 2002, tr. 99 – 101)
1. Mở bài, thân bài và kết bài của ngữ liệu đã đáp ứng được yêu cầu của kiểu bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ như thế nào?
– Mở bài: Giới thiệu hai tác phẩm thơ và nội dung cần so sánh, đánh giá.
– Thân bài: Phân tích, so sánh hai tác phẩm để làm rõ điểm tương đồng, khác biệt về đặc điểm/ giá trị nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm thơ.
– Kết bài:
2. Nhận xét về cách sắp xếp các luận điểm của phần thân bài.
3. Trong từng luận điểm, sự kết hợp giữa lí lẽ và bằng chứng được thể hiện như thế nào?
Trong từng luận điểm, lí lẽ và bằng chứng có sự kết hợp chặt chẽ, các bằng chứng được lựa chọn, phân tích để củng cố, làm rõ cho lí lẽ. Ví dụ, khi so sánh để làm rõ sự khác biệt về cách sử dụng nhãn tự của hai tác phẩm, người viết đã phân tích chữ "hàn" trong Giang tuyết và chữ "hồng" trong Mộ để làm rõ, củng cố cho lí lẽ.
4. Từ ngữ liệu trên, bạn rút ra được những lưu ý gì khi viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ?
Học sinh nêu bài học rút ra theo ý kiến cá nhân.
Tham khảo:
– Sử dụng lí lẽ, bằng chứng thuyết phục.
– Sắp xếp luận điểm, lí lẽ, bằng chứng theo trình tự hợp lí.
– ...
III. THỰC HÀNH VIẾT THEO QUY TRÌNH
Đề bài: Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm thơ cùng phong cách hoặc khác phong cách sáng tác mà bạn yêu thích.
Bước 1: Chuẩn bị viết
– Lựa chọn hai tác phẩm để so sánh, đánh giá.
– Trả lời các câu hỏi sau để định hướng cho bài viết:
+ Mục đích viết của bạn là gì?
+ Người đọc bài viết của bạn có thể là ai?
+ Với mục đích và đối tượng người đọc như thế, bạn cần lựa chọn nội dung và hình thức trình bày như thế nào cho phù hợp?
– Tìm những nguồn tài liệu có liên quan đến hai tác phẩm thơ.
– Ghi chép một số nhận xét, đánh giá của cá nhân về hai tác phẩm thơ để phục vụ cho việc viết bài.
Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:
– Trả lời một số câu hỏi:
+ Hai tác phẩm thơ có đặc điểm/ giá trị gì về nội dung, nghệ thuật.
+ Hai tác phẩm thơ có điểm gì tương đồng?
+ Hai tác phẩm thơ có điểm gì khác biệt?
+ ...
– Xây dựng, sắp xếp các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng cho bài viết.
– Lập dàn ý:
+ Trình bày ít nhất hai luận điểm về nét tương đồng/ khác biệt của hai tác phẩm thơ.
+ Sắp xếp các luận điểm sao cho phù hợp.
+ Trích dẫn các bằng chứng từ hai tác phẩm thơ cần so sánh.
Bước 3: Viết bài:
– Phát triển các luận điểm thành những đoạn văn.
– Nêu rõ ý kiến đánh giá của người viết về phong cách sáng tác của mỗi tác phẩm thơ.
– Làm sáng rõ các luận điểm thông qua bằng chứng tiêu biểu, thuyết phục trích ra từ hai tác phẩm thơ.
– Diễn đạt mạch lạc, thể hiện được những đánh giá phù hợp và độc đáo về phong cách sáng tác của hai tác phẩm đó.
Bước 3: Xem lại và chỉnh sửa:
Đọc kĩ lại bài văn, chỉnh sửa các lỗi (nếu có).
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây