Bài học cùng chủ đề
- Viết bài văn nghị luận về văn bản thơ trữ tình
- Viết bài văn nghị luận về truyện kí, tùy bút, tản văn
- Viết bài văn nghị luận về văn bản truyện thơ dân gian, truyện truyền kì, truyện ngắn, tiểu thuyết
- Viết bài văn nghị luận về kịch bản chèo, tuồng
- Viết bài văn nghị luận về văn bản thần thoại, sử thi
- Viết bài văn nghị luận về văn bản hài kịch
- Viết bài văn nghị luận về văn bản bi kịch
- Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Viết bài văn nghị luận về văn bản bi kịch SVIP
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích sau.
Lớp VII: Đan Thiềm - Vũ Như Tô
ĐAN THIỀM - Trời xui khiến tôi gặp ông ở chốn này. Thực là duyên kỳ ngộ.
VŨ NHƯ TÔ - Tôi là một kẻ quê mùa, không biết những nhời mỉa mai bóng gió.
ĐAN THIỀM - Đây là thực tình. Ông đừng nghi kỵ. Chính tôi đang muốn gặp ông để nói chuyện.
VŨ NHƯ TÔ - Hỏi chuyện tôi! Để làm gì? Các người không thể nào hiểu được chuyện tôi, các người nông nổi...
ĐAN THIỀM - Ông mới gặp tôi, lấy cớ gì mà bảo tôi nông nổi?
VŨ NHƯ TÔ - Người ăn chơi thì đều nông nổi.
ĐAN THIỀM - Sao ông bảo tôi là người ăn chơi?
VŨ NHƯ TÔ - Cung nữ đều là tuồng ăn chơi. Huống chi trông quầng mắt thâm kia, tôi đoán chắc là người trong túy hương mộng cảnh.
ĐAN THIỀM - Ông nhầm lắm. Đôi mắt thâm quầng này là do những lúc thức khi người ngủ, khóc khi người cười, thương khi người ghét.
VŨ NHƯ TÔ - Ủa? Bà nói như một người đồng bệnh.
ĐAN THIỀM - Chính là một người đồng bệnh, nên chưa biết ông, tôi đã ái ngại cho ông. Tài làm lụy ông, cũng như nhan sắc phụ người.
VŨ NHƯ TÔ - Thực mang tội với bà. Xin cho nghe chuyện.
ĐAN THIỀM - Ông tạm ngồi xuống cái đôn kia cũng được. Ông có mỏi không? Rõ khổ. Tài bao nhiêu lụy bấy nhiêu! Gông xích, trông ông tiều tụy quá, tôi lại càng thương số phận tôi. Tôi bị tuyển vào cung từ năm 17 tuổi. Hồi ấy tôi đã có người dạm hỏi. Tôi bị giam trong cung ngày ngày làm bạn với cảnh già. Rồi từ đấy đến nay, ngót 20 năm tôi chỉ đóng vai thị nữ hầu hạ từ vua cho đến các phi tần, nhiều kẻ kém cả tài lẫn sắc.
VŨ NHƯ TÔ - Tôi không ngờ lại được biết một đời cung oán nhãn tiền.
ĐAN THIỀM - Thân tôi không đáng kể đã đành, nhưng còn ông?
VŨ NHƯ TÔ - Cũng là thân không đáng kể.
ĐAN THIỀM - Sao lại không đáng kể? Hữu tài tất hữu dụng.
VŨ NHƯ TÔ - Cảnh ngộ chúng tôi có khác chi cảnh ngộ bà? Có phần khổ nhục hơn nữa. Chế độ thì nghiệt ngã vô lý: nhà không cho làm cao, áo không cho mặc đẹp. Ai xây một kiểu nhà mới khả quan, thì lập tức kết vào tội lộng hành đem chém. Thành thử không ai dám vượt ra khuôn sáo nghìn xưa, nghề kiến trúc đọng lại như một vũng ao tù. Người có tài không được thi thố đành phải tiến về mặt tiểu xảo. Mà nói ngay đến những bọn này nào họ có được yên thân. Họ phải lẩn lút, giấu giếm. Vô phúc mà triều đình biết, thế là gia đình tan nát. Họ bị đóng cũi giải kinh, để làm những công việc nhà vua, thân giam trong nội như một tên trọng phạm, mãi đến khi mắt mờ, tay chậm, họ mới được thải hồi nguyên quán. Triều đình còn không ban cho họ một chút bổng nhờ để mưu sống buổi tàn niên. Cách đối đãi như thế, thì nhân tài nhiều sao được, mà ai chịu luyện tập cho thành tài? Thậm chí người ta nói kẻ có tài đã không giúp cho gia đình, còn là một cái vạ nữa.
ĐAN THIỀM - Thảo nào mà nước ta không có lấy một lâu đài nào ra hồn, khả dĩ sánh với những lâu đài Trung Quốc. Ngay cả Chiêm Thành cũng hơn ta nhiều lắm...
VŨ NHƯ TÔ - Tôi bẩm sinh có khiếu về kiến trúc. Tôi đã học văn, sau bỏ văn tập nghề, nhưng tập thì tập, vẫn lo nơm nớp, chỉ sợ triều đình biết, thì vợ con ở nhà nheo nhóc, mà mình cũng không biết bao giờ được tháo cũi xổ lồng. Vua Hồng Thuận ngày nay càng khinh rẻ chúng tôi, cách đối đãi lại bạc ác. Chẳng qua là cái nợ tài hoa, chứ thực ra theo nghề ở ta lợi chẳng có mà nhục thì nhiều.
ĐAN THIỀM - Chính vì thế mà ông càng đáng trọng.
VŨ NHƯ TÔ - Trọng để làm gì? Tìm danh vọng chúng tôi đã chẳng chọn nghề này. Đời lẩn lút...
ĐAN THIỀM - Vậy thì các ông luyện nghề làm gì, luyện mà không đem ra thi thố?
VŨ NHƯ TÔ - Đó là nỗi khổ tâm của chúng tôi. Biết đa mang là khổ nhục mà không sao bỏ được. Như bóng theo hình. Chúng tôi vẫn chờ dịp.
ĐAN THIỀM - Dịp đấy chứ đâu? Cửu Trùng Đài...
VŨ NHƯ TÔ - Bà đừng nói nữa cho tôi thêm đau lòng. Ngày ngày, tôi thấy các bạn thân bị bắt giải kinh, người nhà khóc như đưa ma. Còn tôi, mong manh tin quan đến bắt, tôi đem mẹ già, vợ và hai con nhỏ đi trốn. Được một năm có kẻ tố giác, quan địa phương đem lính tráng đến vây kín nơi tôi ở. Tôi biết là tuyệt lộ, mặc cho họ gông cùm. (Chàng rơm rớm nước mắt) Mẹ tôi chạy ra bị lính đẩy ngã, chết ngay bên chân tôi. Bọn sai nha lộng quyền quá thể. Rồi tôi bị giải lên tỉnh, từ tỉnh lên kinh, ăn uống kham khổ, roi vọt như mưa trên mình, lắm khi tôi chết lặng đi. Mẹ cháu lẽo đẽo theo sau, khóc lóc nhếch nhác, tôi càng đau xót can tràng. Cũng vì thế mà tôi thề là đành chết chứ không chịu làm gì.
ĐAN THIỀM - Cảnh ngộ của ông thì đáng thương thực. Nhưng ông nghĩ thế thì không được.
VŨ NHƯ TÔ - Sao vậy?
ĐAN THIỀM - Không được. Vì đức Hồng Thuận sẽ bắt ông chịu cực hình và còn đem chu di chín họ nhà ông. Ông đã tu được bao nhiêu công quả mà phạm vào tội đại ác ấy?
VŨ NHƯ TÔ - Tài đã không được trọng thì đem trả trời đất. Đó là lẽ thường. Cũng như nhan sắc...
ĐAN THIỀM - Không thể ví thế được, sắc vất đi được, nhưng tài phải đem dùng.
VŨ NHƯ TÔ - Bà đã thương tài xin giúp cho tôi trốn khỏi nơi này. Ơn đó xin...
ĐAN THIỀM - Tôi giúp cũng không khó gì. Nhưng ra khỏi chốn này liệu ông có thoát hẳn được không? Hơn nữa, cái vạ chu di cửu tộc vẫn còn sờ sờ ra đó. Ông đừng tính nước ấy, không nên.
VŨ NHƯ TÔ - Vậy bà khuyên tôi nên ở đây làm việc cho hôn quân sao?
ĐAN THIỀM - Miễn là ông không bỏ phí tài trời. Ông nên lợi dụng cơ hội đem tài ra thi thố.
VŨ NHƯ TÔ - Xây Cửu Trùng Đài?
ĐAN THIỀM - Phải.
VŨ NHƯ TÔ - Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được.
ĐAN THIỀM - Ông biết một mà không biết hai. Ông có tài, tài ấy phải đem cống hiến cho non sông, không nên để mục nát với cỏ cây. Ông không có tiền, ông không có thể dựng lấy một tòa đài như ý nguyện. Chấp kinh, phải tòng quyền. Đây là lúc ông nên mượn tay vua Hồng Thuận mà thực hành cái mộng lớn của ông... Ông khẽ tiếng. Đó là tiểu tiết. Ông cứ xây lấy một tòa đài cao cả. Vua Hồng Thuận và lũ cung nữ kia rồi mất đi nhưng sự nghiệp của ông còn lại về muôn đời. Dân ta nghìn thu được hãnh diện, không phải thẹn với những cung điện đẹp nước ngoài, thế là đủ. Hậu thế sẽ xét công cho ông, và nhớ ơn ông mãi mãi. Ông hãy nghe tôi làm cho đất Thăng Long này thành nơi kinh kỳ lộng lẫy nhất trần gian.
VŨ NHƯ TÔ - Đa tạ. Bà đã khai cho cái óc u mê này. Thiếu chút nữa, tôi nhỡ cả. Những lời vàng ngọc tôi xin lĩnh giáo. Trời quá yêu nên tôi mới được gặp bà.
(Trích Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng)
Chú thích: Vũ Như Tô là vở bi kịch lịch sử năm hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 - 1517, dưới triều Lê Tương Dực. Tác phẩm kể về Vũ Như Tô, một kiến trúc sư thiên tài, bị hôn quân Lê Tương Dực bắt xây dựng Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi với các cung nữ. Vốn là một nghệ sĩ chân chính, gắn bó với nhân dân, Vũ Như Tô nhất quyết không chịu xây Cửu Trùng Đài, bất chấp Lê Tương Dực dọa giết. Đan Thiềm, một cung nữ đã thuyết phục Vũ Như Tô chấp nhận yêu cầu của vua, lợi dụng quyền thế và tiền bạc của hắn để trổ hết tài năng của bản thân mà xây cho đất nước một công trình vĩ đại. Thế nhưng, công cuộc xây dựng gần đến khi hoàn thiện, mâu thuẫn giữa các tập đoàn thống trị tăng cao. Trịnh Duy Sản đã dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ làm phản, giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Cửu Trùng Đài cũng bị chính những người thợ nổi loạn đập phá, thiêu hủy.
Hướng dẫn giải:
Nội dung |
Điểm |
a. Xác định được yêu cầu về kiểu bài: Xác định được yêu cầu về kiểu bài: nghị luận văn học. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích. |
0.5 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết: - Xác định được các ý chính của bài viết. - Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Mở bài: dẫn dắt vấn đề nghị luận. * Thân bài: giải quyết vấn đề nghị luận. * Kết bài: khái quát vấn đề nghị luận. - HS tự chọn cách triển khai vấn đề. - HS chỉ ra, phân tích được một số nét đặc sắc về hình tượng nhân vật Vũ Như Tô như sau: + Là người được trời phú cho tài năng xuất chúng: Tôi bẩm sinh có khiếu về kiến trúc., nhưng lại sinh nhầm thời. + Là người cương trực, thẳng thắn bày tỏ những suy nghĩ cá nhân về thời cuộc: Chế độ thì nghiệt ngã vô lý: nhà không cho làm cao, áo không cho mặc đẹp. Ai xây một kiểu nhà mới khả quan, thì lập tức kết vào tội lộng hành đem chém. Thành thử không ai dám vượt ra khuôn sáo nghìn xưa, nghề kiến trúc đọng lại như một vũng ao tù. Người có tài không được thi thố đành phải tiến về mặt tiểu xảo. Mà nói ngay đến những bọn này nào họ có được yên thân. Họ phải lẩn lút, giấu giếm. Vô phúc mà triều đình biết, thế là gia đình tan nát. Họ bị đóng cũi giải kinh, để làm những công việc nhà vua, thân giam trong nội như một tên trọng phạm, mãi đến khi mắt mờ, tay chậm, họ mới được thải hồi nguyên quán. Triều đình còn không ban cho họ một chút bổng nhờ để mưu sống buổi tàn niên. Cách đối đãi như thế, thì nhân tài nhiều sao được, mà ai chịu luyện tập cho thành tài? Thậm chí người ta nói kẻ có tài đã không giúp cho gia đình, còn là một cái vạ nữa. + Là người trọng nghĩa khinh tài khi biết thấu hiểu, đồng cảm với số phận đáng thương của Đan Thiềm: Bà nói như một người đồng bệnh. + Có quan điểm nghệ thuật trong sạch thanh cao: có tài, cũng muốn góp công sức mình cho đất nước nhưng nhất quyết không chịu dùng tài năng của bản thân để hiện thực hóa ước mơ ô trọc của vua Lê Tương Dực: Xây Cửu Trùng Đài cho một tên bạo chúa, một tên thoán nghịch, cho một lũ gái dâm ô? Tôi không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời được. => Nhận xét, đánh giá: Vũ Như Tô là người nghệ sĩ tài hoa nhưng cái tài ấy lại được trao nhầm thời. Bi kịch của Vũ Như Tô không đơn thuần chỉ là mâu thuẫn giữa quan điểm nghệ thuật thuần khiết, thanh cao với mong muốn của vị vua bạo tàn Lê Tương Dực; mà còn là mâu thuẫn giữa nghệ thuật với cuộc sống. Vốn dĩ, Vũ Như Tô chẳng hề sai trái, Đan Thiềm cũng vậy. Họ đơn thuần chỉ muốn thực hiện khát vọng của mình là giúp cho nước ta có một công trình kì vĩ, "tranh tinh xảo với hóa công", sánh ngang cùng các nước láng giềng. Thế nhưng, khát vọng của họ (đại diện cho nghệ thuật - cái đẹp) lại mâu thuẫn với hiện thực đời sống của nhân dân. Để rồi người biết yêu cái đẹp, người tạo ra cái đẹp và thậm chí là cả cái đẹp đều bị giết chết bởi nhân dân. |
1.0 |
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: - Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích. - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1.5 |
đ. Diễn đạt: - Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong bài văn. |
0.25 |
e. Sáng tạo: - Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.5 |
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật vua Lia trong đoạn trích sau.
Hồi I
(Một lễ đường trong cung điện vua Lia.)
LIA – Bây giờ ta muốn nói ra những điều bấy nay ta giữ kín. Truyền lấy bản đồ! Đây, ta đã chia đất nước làm ba phần. Ta quyết định cất khỏi tuổi già này bao nỗi lo toan cùng công việc nước, đem gánh nặng đặt lên sức vóc trẻ trung hơn, để cho ta được thênh thang bước vào cõi thọ. Hiền tế của ta, Cor-nơ-uôn, và con ta nữa, hỡi An-ba-ni mà lòng ta thương chẳng kém, giờ đây ta tuyên bố rõ ràng về từng phần đất đai chia cho mỗi nàng công chúa của ta để tránh về sau mọi điều xích mích. Hai vương công nước Pháp và xứ Bơ-găn-đi, hai vị giai tế cao sang cùng rắp ranh công chúa út của ta, hai người qua chơi đây ướm hỏi cũng đã khá lâu, ta nên trả lời dứt khoát. Vậy, ta hỏi các con gái của ta, ngày nay ta đã từ thoái mọi phần: quyền lợi, đất đai, cũng như quan tâm việc nước; vậy thì trong các con, kẻ yêu ta nhất là ai, để cho ân trạch của ta biết mưa đổ xuống tấm lòng nào là nơi xứng đáng nhất. Gô-rơ-nin, công chúa đầu lòng của ta, cho con nói trước.
GÔ-RƠ-NIN – Thưa phụ vương, lòng con yêu phụ vương thực không lời nào tả xiết, con yêu phụ vương thiết tha hơn cả yêu ánh sáng, yêu vũ trụ, yêu tự do, yêu trên hết mọi vật quý giá nhất đời; yêu như yêu sự sống đầy duyên, đầy sức, đầy nhan sắc, đầy vinh quang; yêu như chưa có con yêu cha nào bằng, yêu như chưa có cha nào được con yêu đến thế; yêu tới mức không còn hơi sức nữa và yêu tới độ lời lẽ hóa nghèo nàn; con yêu cha thực vượt xa mọi bờ bến.
COR-ĐÊ-LI-A (nói riêng) – Cor-đê-li-a thì sao đây? Yêu mà im tiếng!
LIA – Cả cõi đất này, từ đây đến đấy, với bao nhiêu rừng cây bóng cả và đồng ruộng phì nhiêu, với bao nhiêu sông cá đầy nguồn cùng bãi bờ bát ngát, ta cho con làm nữ chủ. Đó là sở hữu của con và An-ba-ni, truyền cho con cháu đời đời. Nào, đến thứ nữ của ta thì nói sao? Rê-gan, con rất yêu quý của ta, vợ của Cor-nơ-uôn, con nói đi.
RÊ-GAN – Con với chị con đều đúc nên cùng một chất và so với chị, con biết mình con nào có kém chị? Nghe trong trái tim chân thật của con, con thấy lời chị con vừa thốt ra chính là tiếng của lòng con yêu kính đó; có điều lời ấy còn xa mới đạt tới độ nồng nàn. Con nói thực, con thù ghét mọi sinh thú ở đời, duy nhất chỉ thấy được hạnh phúc trong tấm tình con yêu đấng phụ vương rất tôn kính.
COR-ĐÊ-LI-A (nói riêng) – Hẩm hiu thay cho Cor-đê-li-a này! Không! Đâu đến nỗi vậy? Tình ta dào dạt còn phong phú hơn lời lẽ ta nhiều.
LIA – Thuộc về con và dòng dõi của con hưởng thụ đời đời là cả một phần ba phong tục đất nước đẹp tươi này, cũng rộng lớn, cũng hữu tình chẳng kém chi phần dành cho Gô-rơ-nin. Còn bây giờ, nào hòn ngọc báu rất nâng niu tuy út ít của ta, trang thục nữ thanh tân mà cả vườn nho nước Pháp và cả đồng cỏ sữa Bơc-gơ-đin đang cùng ganh nhau để chiếm được trái tim: con nói sao đây để đáng được hưởng phần ba đất nước còn trù phú hơn cả phần của hai chị con? Con nói đi.
COR-ĐÊ-LI-A – Thưa phụ vương, con chẳng có gì đáng nói.
LIA – Chẳng có gì?
COR-ĐÊ-LI-A – Con chẳng có gì.
LIA – Chẳng có gì thì chẳng được gì hết. Nói đi nào!
COR-ĐÊ-LI-A – Tội thay cho con! Trái tim con, con không sao nâng nó lên đầu lưỡi được. Con yêu cha đúng theo đạo nghĩa kẻ làm con. Vậy đó thôi, không hơn không kém.
LIA – Thế nào, thế nào? Cor-đê-li-a? Con nên lựa lại lời mà nói, kẻo nữa con sẽ phải thiệt thòi nhiều!
COR-ĐÊ-LI-A – Thưa phụ vương của con, phụ vương đã sinh ra con, nuôi nấng con, thương yêu con; nghĩa nặng đó con xin đền đáp lại sao cho phải đạo; con vâng lời cha, yêu quý cha và hơn nữa, làm rõ ràng công đức phụ vương. Hai chị con nói là yêu cha đến trọn hết cả tấm tình yêu; nếu thực thế thì sao hai chị lại lấy chồng? Một ngày kia mà con lấy chồng thì vị phu tướng nào đưa tay ra đón lấy tâm nguyện của con cũng sẽ đón theo về phân nửa tấm tình con, phân nửa công phụng dưỡng với phân nửa bổn phận của con. Chắc chắn là con phải đừng lấy chồng như hai chị con mới có thể toàn tâm toàn ý dâng trọn tình con cho cha con được.
LIA – Cô nói đúng theo lòng cô đấy chứ?
COR-ĐÊ-LI-A – Thưa phụ vương, vâng.
LIA – Ít tuổi thế mà đã vô tình đến thế sao?
COR-ĐÊ-LI-A – Thưa phụ vương, ít tuổi thế nhưng mà chân thực.
LIA – Được lắm. Đem cái chân thực ấy đi mà làm của hồi môn. Vì rằng, thề với ánh sáng thần thiêng mặt trời, thề với bầu bí mật của Hê-cat và của trời đêm, thề với các tinh cầu có quyền năng cho ta được sống hay phải chết; tại đây, ta gạt bỏ hẳn mọi ân tình phụ tử, mọi quan hệ huyết mạch tông môn và từ đây ta coi mi vĩnh viễn là người dưng: đối với ta không vương, không bận. Đối với cái giống man rợ phải ăn thịt con mới đủ thỏa cơn thèm lòng ta gớm ghét như thế nào thì đối với mi, lòng ta cũng thế, hỡi kẻ trước đây đã từng là con gái của ta.
(Lược một đoạn: Vua Lia cho mời hai người cầu hôn công chúa út vào để bàn chuyện hôn sự. Trước mặt hai người cầu hôn, vua Lia vẫn nhất quyết không chia cho công chúa út chút của hồi môn nào, khiến cho công tước Bơ-găn-đi từ bỏ mối hôn sự.)
LIA – Vậy, ngài thôi nó là phải; vì nhân danh thứ quyền phép đã dựng nên ta, ta đã nói rõ cả với ngài về tài sản của nó rồi đấy! (Với vua nước Pháp) – Còn đối với vị anh quân đây, thì nếu ta lại đem gả cho Ngài kẻ mà ta gớm ghét, tức là làm tổn hại lớn cho tình hữu hảo của chúng ta; lòng ta sao nỡ? Vậy ta mong ngài chuyển hướng cầu duyên về một nơi xứng đáng hơn, chớ như kẻ khốn nạn kia thì tạo vật thiên nhiên cũng phải hổ ngươi vì có nó.
VUA PHÁP – Thực là chuyện kỳ dị! Có lẽ nào mà một người mà chỉ mới vừa đây thôi vẫn còn là châu báu nhất, nhà vua mở miệng là ban khen, coi là hương hoa tuổi thọ của Người, không ai tốt nết hơn, không ai đáng quý hơn, – vậy mà chỉ trong thoáng chốc lại phạm những tội gớm ghê, đến mất sạch sành sanh bao nhiêu từng ân huệ. Đến nỗi này thì: hoặc là tội lỗi nàng phải hết sức dị thường, bạo thiên nghịch địa; hoặc là lòng yêu thương của nhà vua nay đã hóa ra lẫn cẫn mất rồi! Nhưng muốn tin được là nàng có tội, họa chăng phải có một thứ tín điều mà nếu không có phép quỷ thần thì lý trí tôi không đời nào chịu chấp nhận.
COR-ĐÊ-LI-A – Tuy rằng lỗi của con là không biết khôn ngoan ngọt ngào đầu lưỡi, chỉ muốn làm hay hơn là nói giỏi, con cũng xin phụ vương truyền phán cho thiên hạ hay rằng, con mất ân sủng của phụ vương không phải vì bất cứ một hành vi nhơ nhuốc nào hoặc một bước lầm đường vô hạnh nào, mà chỉ vì con không có được ánh mắt tha thiết khẩn cầu, không có được thứ miệng đong đưa mà con vui lòng chịu thiếu, mặc dầu sự thiếu thốn đó đã khiến con mất luôn cả lòng từ ái của phụ vương.
LIA – Thà mày đừng sinh ra đời còn hơn là sinh ra lại làm thất ý ta như thế.
VUA PHÁP – Chỉ là thế thôi sao? Chỉ là chuyện một bản tính chậm lời, khéo làm mà vụng nói? Bơ-găn-đi tướng công, ngài trả lời cho nàng sao đây? Tình mà còn suy tính vấn vương thì còn tình đâu nữa? Ngài có yêu thương nàng? Bản thân nàng là một kho châu ngọc đó.
BƠ-GĂN-ĐI – Muôn tâu hoàng thượng, người cứ chỉ ban cho nguyên cái phần người đã hứa là tôi xin bái lĩnh Cor-đê-li-a về làm nữ công tước Bơ-găn-đi.
LIA – Ta không cho chi hết, ta đã thề là ta nhất quyết.
BƠ-GĂN-ĐI – Tôi đành lấy làm tiếc vậy thôi: vì nàng làm mất lòng cha, nên phải thiệt mất người chồng.
COR-ĐÊ-LI-A – Xin ngài Bơ-găn-đi yên tâm. Ngài tính lấy tài sản tôi làm đối tượng tình yêu, thì tôi không thể nào làm vợ ngài được.
VUA PHÁP – Nàng Cor-đê-li-a kiều diễm! Nàng giàu có biết bao khi chỉ có đôi bàn tay trắng, nàng càng thêm quý giá vì bị bỏ rơi, càng thêm đáng yêu bởi bị người khinh miệt. Nàng, cùng với đức hạnh của nàng, ta xin chiếm lĩnh. Ta đoạt cho ta được lắm chứ, cái phần mà thiên hạ rẫy ruồng gạt đi. Hỡi thiên địa thần minh! Lạ lùng thay, đối trước những lòng rẻ rúng giá băng kia, tình của ta trên muôn kính ngàn yêu thêm bừng cháy. Nàng công chúa không của hồi môn này, thưa hoàng thượng, tay không về với kẻ gặp phước may này, sẽ là hoàng hậu của tôi, của thần dân tôi, của cả nước Pháp thân yêu và tươi đẹp. Không một vị công tước nào của xứ Bơ-găn-đi ẩm ướt chuộc lại được nơi tôi người con gái bị hạ giá mà quý giá vô ngần này! Tạm biệt họ hàng đi, em Cor-đê-li-a! Mặc dầu người ta không tình không nghĩa. Thôi đành nơi này em mất hết nhưng chốn khác em lại được nhiều.
LIA – Thì đấy, nhà vua nước Pháp cứ việc đem nó về! Ngữ này, ta không còn chấp nhận là con gái của ta, cũng chẳng còn bao giờ ta thèm nhìn mặt nữa. Thôi đi đi! Đừng hòng ta thương, ta ân xá, hay ta ban một chút ơn lành! Nào mời, ngài công tước xứ Bơ-găn-đi.
(Lia, Bơ-găn-đi, Cor-nơ-uôn, An-ba-ni, Glô-xtơ và bọn tùy tùng vào.)
VUA PHÁP – Nàng từ biệt hai chị đi.
COR-ĐÊ-LI-A – Thưa hai chị, ngọc báu của cha, Cor-đê-li-a không khỏi rơi châu khi từ biệt hai chị. Em biết lòng hai chị lắm, và nết của hai chị; vì tình ruột thịt, em không tiện gọi thẳng tên nó ra. Xin hai chị cư xử tốt với cha. Em phó thác cha cho những tấm lòng kia đã thốt nên lời tâm nguyện. Thương thay! Giá em vẫn được lòng thương của Người, thì em ưng thấy Người trong tay phụng dưỡng khác tốt hơn. Thôi, vĩnh biệt hai chị.
RÊ-GAN – Cô không phải dạy chúng tôi cách ăn ở.
GÔ-RƠ-NIN – Cô cứ gắng mà chiều đức phu quân của cô cho khéo, người ta đã cứu vớt cô khỏi chỗ khốn cùng. Cô chi li cả với điều vâng thuận ý cha; cho cô đáng đời, cô muốn tay trắng thì được tay trắng rồi đó.
COR-ĐÊ-LI-A – Thời gian rồi sẽ phơi bày ra những nhân tâm lẩn núp sau khôn khéo. Ai che giấu lỗi, thế nào cũng phải hối về sau. Mong cho các chị mọi điều thịnh vượng.
VUA PHÁP – Ta ra thôi, nàng Cor-đê-li-a mỹ lệ.
(Vua Pháp và Cor-đê-li-a vào.)
GÔ-RƠ-NIN – Em này, chị có nhiều điều rất cần bàn với em, quan hệ đến cả hai chị em ta! Chị chắc tối nay cha chúng ta lên đường.
RÊ-GAN – Đúng rồi, cha đi với chị đấy. Tháng sau thì đến lượt cha sang em.
GÔ-RƠ-NIN – Em xem, tuổi già tính nết cha đổi thay như thế đấy. Những điều trông thấy vừa đây không phải là chuyện nhỏ. Ông cụ vẫn yêu con Cor-đê-li-a hơn cả, vậy mà, đùng một cái, ruồng bỏ nó, đủ biết ông cụ thiếu suy nghĩ biết chừng nào?
RÊ-GAN – Bệnh não tuổi già! Với lại thực ra ông cụ cũng chẳng bao giờ biết giữ mình một tý gọi là có.
GÔ-RƠ-NIN – Thời ông cụ tỉnh táo phương cương nhất, cũng đã thường sinh ra cơn trận đùng đùng. Bây giờ, già rồi, bọn mình coi chừng không những rồi phải chịu đựng cái cố tật đã kinh niên mà còn phải tính đến cả những lúc dở chứng thất thường của cái tuổi khật khừ đâm cắm cảu.
RÊ-GAN – Thế nào rồi chúng mình chẳng bị ông cụ thình lình giáng cho những vố đáo để, như việc phóng trục lão Ken vừa rồi?
GÔ-RƠ-NIN – Lúc này ông cụ đang dở cuộc tiễn biệt nhà vua Pháp. Chị em ta hội ý với nhau ngay đi. Nếu cứ với tình trạng thế kia mà ông cụ vẫn nắm vững uy quyền thì chuyện tự ý thoái vị mới đây đối với chúng ta có thể trở thành một mối hậu họa.
RÊ-GAN – Chúng ta sẽ nghĩ kỹ vấn đề này.
GÔ-RƠ-NIN – Phải tính cách nào, càng sớm càng tốt.
(Trích Vua Lia, Uy-li-am Sếch-xpia)
Tóm tắt: Vua Lia là vở bi kịch năm hồi của Sếch-xpia. Nội dung vở kịch như sau:
Vua Lia nước Anh đã già, có ba cô con gái là Gô-rơ-nin, Rê-gan và Cor-đê-ni-a. Nhà vua định chia vương quốc cho các con gái làm của hồi môn, rút lui khỏi công việc triều chính. Ông hỏi các con xem ai yêu mình nhất để quyết định việc phân chia. Sau khi quyết định việc phân chia xong xuôi, vua Lia lần lượt đến ở với hai công chúa. Nhưng không được bao lâu, họ trở mặt, thậm chí là can tâm đẩy ông ra khỏi nhà trong một đêm giông bão. Quá sốc trước sự bội phản của hai cô con gái, vua Lia đã hóa điên.
Bá tước Glô-xtơ có hai người con trai là Eđ-ga (con chính thức) và Eđ-mơn (con ngoài giá thú). Bá tước bị Eđ-mơn lừa gạt, hiểu nhầm rằng Eđ-ga phản bội để chiếm hết gia tài của mình. Ông cho người truy lùng Eđ-ga khắp nơi khiến chàng phải cải trang, chạy trốn. Trong khi đó, Eđ-mơn phản bội bá tước, khiến ông bị Cor-nê-uôn móc mắt.
Quân Pháp kéo đến trả thù cho vua Lia nhưng bại trận. Vua Lia và Cor-đê-li-a bị bắt. Eđ-mơn bí mật cho người đến sát hại hai cha con họ. Trong khi đó, Gô-rơ-nin, Rê-gan cùng muốn tằng tịu với Eđ-mơn. Gô-rơ-nin viết thư bày cho Eđ-mơn chồng cô là An-ba-ni để mình được tự do. Bức thư bị Eđ-ga bắt được và chuyển cho An-ba-ni. Eđ-mơn bị Eđ-ga trừng trị. Trước khi chết, Eđ-mơn kêu mọi người đi cứu vua Lia và Cor-đê-li-a, nhưng không kịp. Cor-đê-li-a bị tên lính thắt cổ chết. Nhà vua giết tên lính, ôm xác con gái, quá đau đớn, ông cũng từ giã cõi đời trong tiếng kèn lâm khốc.
Hướng dẫn giải:
Nội dung |
Điểm |
a. Xác định được yêu cầu về kiểu bài: Xác định được yêu cầu về kiểu bài: nghị luận văn học. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật vua Lia trong đoạn trích. |
0.5 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết: - Xác định được các ý chính của bài viết. - Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Mở bài: dẫn dắt vấn đề nghị luận. * Thân bài: giải quyết vấn đề nghị luận. * Kết bài: khái quát vấn đề nghị luận. - HS tự chọn cách triển khai vấn đề. - HS chỉ ra, phân tích được một số nét đặc sắc về hình tượng nhân vật vua Lia như sau: + Là người cha yêu thương con, muốn con cái có cuộc sống sung túc, hạnh phúc nên đã quyết định chia đều vương quốc và quyền lực cai trị cho các con. + Là người nóng nảy, thiếu sự suy xét kĩ càng, dễ bị bùi tai bởi những lời hoa mĩ: ++ Trước câu trả lời hoa mỹ của hai công chúa đầu, vua rất hài lòng nên đã trao cho mỗi công chúa quyền cai trị và một phần ba vương quốc. ++ Nhưng đối với câu trả lời thành thật của công chúa út - người con gái mà vua yêu thương nhất, vua lại cảm thấy tức giận vô cùng, cũng chỉ vì công chúa "không biết khôn ngoan ngọt ngào đầu lưỡi, chỉ muôn làm hay hơn là nói giỏi". Cũng chính vì thế mà vua Lia hiểu nhầm lòng ái nữ, quyết liệt chối bỏ mối quan hệ với nàng và gả nàng đi với không chút của hồi môn. ++ Thế nhưng, những hiểm họa còn đang chờ đợi nhà vua trong tương lai: vua không biết hai cô con gái đầu không ưa gì tính nóng nảy, thiếu sự suy xét kĩ càng của ông, mà đang ấp ủ âm mưu lừa phỉnh nhằm chiếm hết quyền lực mà vua có; thậm chí, hai người con vô tình, bạc bẽo ấy còn nhẫn tâm đẩy vua Lia ra khỏi nhà trong một đêm giông bão, khiến vua Lia hóa điên vì sốc. => Nhận xét, đánh giá về nhân vật: vua Lia là người cha yêu thương con sâu sắc nhưng tính cách lại rất nóng nảy, thiếu suy nghĩ. Kết cục của vua Lia là hệ quả tất yếu của một tình yêu, một sự hi sinh gửi gắm nhầm nơi. Vốn dĩ, yêu con, hi sinh cho con là điều thiêng liêng, đẹp đẽ mà người cha nào trên thế giới cũng muốn dành, muốn làm cho con cái mình. Nhưng sai lầm của vua Lia là dễ bị những lời mật ngọt đầu môi làm cho bùi tai mà trở nên lầm lạc (trao hết quyền lực và đất nước cho hai đứa con gái vô tình, bất hiếu, cắt đứt quan hệ với người con gái yêu ông chân thành, thật lòng) để rồi tuổi già của ông phải trải qua những ngày tháng sống trong điên loạn và cuối cùng là chết trong sự lâm khốc cùng cô con gái út. => Nhận xét về ý nghĩa của vở kịch: vở kịch mặc dù được sáng tác cách đây 4 thế kỉ song nó vẫn còn nguyên giá trị về mặt tư tưởng, đạo đức - coi trọng, đề cao đạo hiếu. Vở kịch giúp cho người đọc/ người xem có được những suy nghĩ, chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ sống, mối quan hệ cha - con trong đời sống hiện nay. |
1.0 |
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: - Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá hình tượng nhân vật vua Lia trong đoạn trích. - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1.5 |
đ. Diễn đạt: - Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong bài văn. |
0.25 |
e. Sáng tạo: - Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.5 |