Bài học cùng chủ đề
- Viết bài văn nghị luận về văn bản thơ trữ tình
- Viết bài văn nghị luận về truyện kí, tùy bút, tản văn
- Viết bài văn nghị luận về văn bản truyện thơ dân gian, truyện truyền kì, truyện ngắn, tiểu thuyết
- Viết bài văn nghị luận về kịch bản chèo, tuồng
- Viết bài văn nghị luận về văn bản thần thoại, sử thi
- Viết bài văn nghị luận về văn bản hài kịch
- Viết bài văn nghị luận về văn bản bi kịch
- Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Viết bài văn nghị luận về truyện kí, tùy bút, tản văn SVIP
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của đoạn trích sau:
MIỀN CỎ THƠM
(1) Có lần vào cuối đông, tôi ngồi trong trại viết của Hội Nhà văn ở Quảng Bá và nhìn ra con đê sông Hồng xanh ngun ngút những cỏ kéo dài xuống những cánh đồng vùng "Yên Phụ" mịt mùng trong màu mưa bụi xám, tôi chợt nhớ đến một câu thơ của Nguyễn Trãi nói về nỗi tâm đắc với cỏ ở Hà Nội: "Hoa thường hay héo cỏ thường tươi". Tôi nghiệm ra rằng cái thế thích chí nhất của cỏ chính là những triền đê. Ở đó, cỏ nghiễm nhiên thay thế vai trò của mọi loài hoa trên trái đất. Có lẽ ngày xưa trong một chức quan rỗi việc, Nguyễn Trãi đã có nhiều lần buông lỏng cương ngựa đi dọc triền đê này để ngắm vẻ đẹp của cỏ. Nhưng đã có mấy ai được ngắm thỏa thích màu xanh tươi của cỏ dọc thân đê giống như tôi trong buổi sáng mùa xuân ngày ấy. Vả Hà Nội vẫn là mái phố dài trải ra dưới những cây cao (như cây sấu) với những khách bộ hành đi trên vỉa hè. Nghĩa là còn lại Huế là một cố đô mang linh hồn của cỏ.
(2) Mùa xuân có thể định nghĩa là mùa mà toàn bộ cây nở thành hoa. Những ngọn đồi phía tây nam Huế bừng lên trong hương hoa cỏ, khiến người ta không thể ngồi yên cúi mặt lên trang sách. Hương cỏ tràn vào thành phố, như gần như xa, khiến tôi nghĩ rằng ở đâu đấy trên những sườn đồi, cánh cửa của vườn Địa Đàng đang mở ra, hoặc những nàng tiên đang múa hát dưới những gốc đào nở hoa, với mùi hương bát ngát như thể mùi tóc bay trong những chiều gió. Cỏ mọc ven những con đường trong thành phố, trên đó lưa thưa những chòm cây dại, như cây hoa ngũ sắc cười sặc sỡ dọc đường thơ ấu của tôi. […] Ôi! tôi muốn làm Liệt Tử cưỡi gió mà đi khắp nơi trên thành phố kinh xưa của tôi, thành phố nằm phơi mình giữa non xanh nước biếc, tỏa rộng linh hồn vô ưu thênh thênh trong hương cỏ.
(3) Mùa xuân về, mặt đất công viên sáng bừng lên bởi ngàn vạn bông cỏ tím, mỗi bông cỏ lại ngậm trong lòng một hạt sương mai khiến vào buổi sáng sớm, cỏ ở ven sông Hương lấp lánh như những hạt ngọc. Những cô sinh nữ từng rủ nhau ra đấy ngồi chơi trên vạt cỏ; lâu ngày tâm hồn họ nhiễm phải căn bệnh trầm uất, sinh ra bởi những bụi phấn tím của bông cỏ mùa xuân. Một chút u hoài đã kết tinh trong đôi mắt khiến từ đó họ trở nên dè chừng với những cuộc vui trong đời, và dưới mắt họ, những trò quyến rũ đối với thế nhân tự nhiên nhuốm chút màu ảm đạm của cái mà bà Huyện Thanh Quan khi xưa gọi là "hý trường".[1]
(4) Mùa xuân, tự nhiên tôi muốn gác hết mọi việc bận rộn để lên rong chơi trên những đồi cỏ gần vùng mộ Vua. Ở đó tôi có thể nằm ngửa mặt trên cỏ, ngước mắt nhìn chùm hoa lê nở trắng muốt trên cao. Tôi đã tìm đến định sống ở nhiều đô thị bắc nam; ở đó tôi có thể tìm thấy mọi cái cần cho cuộc sống của tôi, chỉ thiếu một cái mà tôi không chịu nổi, là thiên nhiên.
(5) Mùa hạ, trong những khu vườn Huế, khí đất xông lên hùng mạnh, cỏ mọc xanh lạ thường. Trái cây sắp chín nằm chờ trên cành, và khắp đây đó trong vùng Kim Long, khói đốt cỏ tỏa ra mịt mùng xanh mờ một vùng ven sông. Trên một chiếc bình phong cổ khuất trong cây lá của một khu sân vắng vẻ còn dấu chạm lỗ chỗ của một câu đối nói đến những bầy chim nhạn thường về đậu kêu om sòm trên bãi sông Hương trước mặt nhà. Tôi lớn lên không hề thấy bóng chim nhạn ven sông này. Chắc cũng giống như lũ côn trùng kia, chúng đã di trú về một vùng đất nào yên tĩnh hơn. Nhưng liệu có nơi nào gọi là "yên tĩnh hơn" trên hành tinh này. Hình như càng ngày nó càng trở nên ồn ào hơn xưa; và đó cũng là lỗi của chúng ta đã tước đoạt "quyền yên tĩnh" của thế hệ trẻ ngày mai. Mùa thu trời trở gió heo may lành lạnh làm người ta tự nhiên thấy nhớ nhung một quê hương nào không biết. Vào mùa này, các văn nhân thường mở hội leo núi, mang theo túi thơ bầu rượu lên các đỉnh núi cao mừng tiết "Trùng Cửu". Núi đó có thể là núi Ngự Bình, núi Kim Phụng hoặc những rừng thông vùng đồi Thiên An, và văn nhân có thể là Bà Huyện Thanh Quan, Tuy Lý Vương, Hàn Mặc Tử. Những văn nhân ngồi uống rượu trên đầu núi, nghe tiếng chuông chùa thánh thót trên thành phố dầm mình trong sương khói; đi thăm núi trở về, băng qua sườn đồi, vó ngựa còn thơm nồng hương cỏ, gọi lũ bướm bay theo. Thơ Tuy Lý Vương nói: "Minh triêu sất mã sơn đầu quá - Ngọa thính tùng thanh ức ngã sầu"... [2]
[…]
Huế 4.8.2003
H.P.N.T
(Trích Miền cỏ thơm, Hoàng Phủ Ngọc Tường,
Tạp chí sông Hương số 179-180/01&02 - 04, 07/07/2009)
Chú thích:
[1]: Nơi biểu diễn các loại hát nghệ thuật sân khấu, rạp hát.
[2]: Sáng mai ruỗi ngựa lên đầu núi - nghe thông reo chợt nhớ ta buồn.
Hướng dẫn giải:
Nội dung |
Điểm |
a. Xác định được yêu cầu về kiểu bài: - Xác định được yêu cầu về kiểu bài: nghị luận văn học. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: - Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Miền cỏ thơm (Hoàng Phủ Ngọc Tường). |
0.5 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết: - Xác định được các ý chính của bài viết. - Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Mở bài: dẫn dắt vấn đề nghị luận. * Thân bài: giải quyết vấn đề nghị luận. * Kết bài: khái quát vấn đề nghị luận. - HS tự chọn cách triển khai vấn đề: có thể phân tích đặc sắc nội dung trước, nghệ thuật sau; phân tích đồng thời cả nội dung, nghệ thuật;... - HS chỉ ra, phân tích được một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật như sau: - Về nội dung: Vẻ đẹp thiên nhiên xứ Huế qua miền kí ức của tác giả: mộc mạc, bình dị, tràn đầy hương sắc, sức sống; mang đặc trưng xứ Huế - “mang linh hồn của cỏ”. Cái tôi trữ tình của tác giả: cái tôi giàu cảm xúc, giàu tình yêu gắn bó với thiên nhiên, xứ Huế. Những suy tư về cuộc sống, về thiên nhiên, về chiều sâu của văn hóa Huế. - Về nghệ thuật: Sự kết hợp linh hoạt giữa tự sự và trữ tình. Sử dụng nhuần nhuyễn giữa kể, tả, liên tưởng; kết hợp ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu chất thơ. Vốn hiểu biết phong phú, đa dạng tạo nên lối viết độc đáo mang nét riêng của tác giả. * Đánh giá: Qua đoạn trích, tác giả đã bày tỏ tình yêu tha thiết với thiên nhiên và con người xứ Huế. Thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường - một cái tôi với lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa, uyên bác, giàu tình cảm và trí tưởng tượng lãng mạn, say mê cái đẹp của cảnh và người xứ Huế. |
1.0 |
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: - Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Miền cỏ thơm (Hoàng Phủ Ngọc Tường). - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1.5 |
đ. Diễn đạt: - Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong bài văn. |
0.25 |
e. Sáng tạo: - Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.5 |
Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của văn bản sau:
MÙI RƠM RẠ QUÊ MÌNH
(1) Tôi sinh ra từ một vùng sâu vùng xa ở bưng biền Đồng Tháp, lớn lên giữa hương đồng cỏ nội. Nơi tôi sống ruộng lúa không hẳn là thẳng cánh cò bay mà đủ ngan ngát mùi rơm rạ sau mỗi mùa gặt.
(2) Đối với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê thì dường như cánh đồng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên, bởi nó gắn liền với tuổi thơ - phần thời gian trong trẻo nhất của một đời người.
(3) Trong ký ức của tôi, bức tranh đồng quê sống động một cách kỳ lạ. Đó là những sân phơi trải đầy lúa vàng, tụi con nít vẫn hay đi tới đi lui trên những thảm lúa ngoài sân để lúa mau khô, những bước chân nhỏ xinh in ngang dọc trên đệm lúa vàng. Chúng bước nhanh thật nhanh để tránh cái nắng trên đầu và cái nóng hừng hực dưới chân. Ngày mùa trong tôi còn là những ụ rơm, nhánh rạ trơ ra sau vụ gặt. Đâu đâu cũng thấy rơm rạ ngút ngàn, vàng những lối đi.
(4) Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình. Nó cứ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt vào sống mũi. Mùi rơm rạ là mùi của đồng ruộng, mùi của mồ hôi ba ngày vác cuốc ra đồng, mùi của niềm vui mùa lúa trúng, mùi nỗi buồn nơi khoé mắt mẹ sau mỗi vụ thất thu.
(5) Nồi cơm mới thơm lừng, không những thơm bởi hạt gạo mà còn vì được đun bằng bếp rơm, lửa cháy bùng, cơm sôi ùng ục. Đó là cái mùi cứ phảng phất theo tôi, để rồi những tháng năm sau đó tôi đi khắp mọi miền, đi qua những đồng lúa xanh tít mắt bất chợt nhớ đến mùi thơm ấy, mùi hương của rơm rạ và mùi của chén gạo thơm hương lúa mới. Cái mùi ấy ngan ngát trong lồng ngực không dễ quên của biết bao con người lớn lên từ ruộng đồng như tôi.
(6) […] Tôi lớn lên giữa mùi rơm rạ quê hương, mấy đứa bạn tôi giờ mỗi đứa một nơi. Có đứa qua xứ Tây Đô lập nghiệp, có đứa đi làm dâu tận vùng miệt thứ Cà Mau. Còn tôi… sống và làm việc ở phố thị xa hoa, đêm đêm nhớ nhà, nhớ mùi rơm rạ mà bật khóc. Chao ôi, cái mùi rạ nồng nồng khó tả.
(7) Mỗi lần về nhà đúng mùa gặt lúa, tôi hít lấy một hơi thật sâu như muốn nuốt hết cái không khí ấy, nhớ về mình còn là đứa trẻ của những tháng năm xưa. Những tháng năm đầu trần ngồi máy kéo ra đồng nghịch rơm, những tháng năm còn được nằm trọn trong vòng tay của ba mẹ.
(8) Có sợi rơm nào bay theo gió vương qua cành lá non, phảng phất hương vị của mùa mới, mùa của yêu thương, ước vọng và hy vọng. Tôi mang theo những khát khao, những ước mơ của mình gửi vào hương vị đó để thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình.
(9) Những kí ức tuổi thơ gắn liền với mùi rơm rạ quê hương bỗng chốc ùa về làm cho con đường đến sân bay trở nên ngắn ngủi. Tôi và anh tài xế công nghệ kia tạm gác lại những ký ức miền Tây thân thương của mình để hoà vào nhịp sống hối hả. Tôi tin là nó chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người rồi đến khi gặp người “rà đúng tần số” hoặc đôi khi chỉ cần nhắc về hai tiếng miền Tây thì những ký ức thân thương ấy lại ào ạt ùa về. Đã là tuổi thơ, là quê hương thì làm sao mà quên cho được
(Ngọc Bích, Nghĩa tình miền Tây, NXB Hồng Đức, 2022, tr. 41 - 44)
Hướng dẫn giải:
Nội dung |
Điểm |
a. Xác định được yêu cầu về kiểu bài: - Xác định được yêu cầu về kiểu bài: nghị luận văn học. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: - Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật văn bản Mùi rơm rạ quê mình của tác giả Ngọc Bích. |
0.5 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết: - Xác định được các ý chính của bài viết. - Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Mở bài: dẫn dắt vấn đề nghị luận. * Thân bài: giải quyết vấn đề nghị luận. * Kết bài: khái quát vấn đề nghị luận. - HS tự chọn cách triển khai vấn đề: có thể phân tích đặc sắc nội dung trước, nghệ thuật sau; phân tích đồng thời cả nội dung, nghệ thuật;... - HS chỉ ra, phân tích được một số nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật như sau: - Về nội dung: Chủ đề của văn bản: Từ việc tái hiện những kí ức thân thương với cánh đồng, mùi rơm rạ quê hương, tác giả bộc lộ tình yêu thương, nỗi nhớ mong kỉ niệm xưa, đồng thời gián tiếp bộc lộ tình yêu quê hương, đất nước. Nội dung chính: Tác phẩm là những kí ức, cảm xúc rất đỗi thân thương, trìu mến của tác giả về làng quê với cánh đồng, mùi rơm rạ, nồi cơm mới thơm lừng,... Qua đó bộc lộ tình yêu thương, nỗi nhớ kỉ niệm xưa, đồng thời gián tiếp bộc lộ tình yêu quê hương đất nước của mình. - Về nghệ thuật: Tác phẩm chứa đựng những đặc trưng của thể loại tản văn: ngắn gọn, hàm súc, kết hợp giữa tự sự và trữ tình, kết cấu tự do, lựa hình ảnh bình dị, gần gũi, ngôn ngữ trong ság, tự nhiên,... Bài học rút ra từ văn bản: gắn bó sâu sắc với quê hương, yêu quê hương từ những điều bình dị nhất. |
1.0 |
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: - Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật văn bản Mùi rơm rạ quê mình của tác giả Ngọc Bích. - Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1.5 |
đ. Diễn đạt: - Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong bài văn. |
0.25 |
e. Sáng tạo: - Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.5 |