Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện/kí hoặc kịch SVIP
1. TRI THỨC VỀ KIỂU BÀI
Bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện/kí hoặc kịch là kiểu bài nghị luận văn học dùng lí lẽ và bằng chứng để làm rõ những điểm tương đồng/khác biệt về đặc điểm/giá trị nội dung và nghệ thuật của hai tác phẩm truyện/kí hoặc kịch.
2. PHÂN TÍCH NGỮ LIỆU THAM KHẢO
Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân),
Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
- những điểm tương đồng, khác biệt nhìn từ thể loại và phong cách
Trong văn học hiện đại Việt Nam, nói đến tuỳ bút, người ta thường nhớ ngay đến Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường. Bởi đó là hai tác giả, người trước, kẻ sau đã ghi được những thành công vang dội, để lại những dấu ấn khó quên qua các thiên tuỳ bút của mình: một Nguyễn Tuân với những trang văn tài hoa, tài tử và một Hoàng Phủ Ngọc Tường với những trang viết sâu lắng, dịu dàng. Đặt Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân cạnh Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta có thể thấy rõ hơn giá trị đặc sắc của mỗi tác phẩm cũng như sự tương đồng và khác biệt trong lối viết giữa hai tác giả.
Quả thật, khi đặt hai tác phẩm nêu trên cạnh nhau, người đọc dễ dàng nhận thấy giữa Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường có không ít điểm tương đồng, gặp gỡ thú vị.
Trước hết, giữa hai tác phẩm có sự gần gũi về thể loại và đề tài. Cùng là tuỳ bút, Người lái đò Sông Đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông? đều thấm đượm chất trữ tình, chất thơ, giàu suy tưởng, cho phép tác giả phát huy khả năng liên tưởng tự do phóng túng. Hơn nữa, cả hai tác phẩm đều chọn đối tượng thẩm mĩ là dòng sông gắn với đời sống con người, với lịch sử quê hương, đất nước: sông Đà của Tây Bắc hùng vĩ và sông Hương của Huế “đẹp và thơ”.
Sự tương đồng trong cách lựa chọn thể loại, đề tài của hai tác giả đã đưa đến sự gặp gỡ quan trọng và thú vị hơn: cả hai tác phẩm đều mang lại những phát hiện bất ngờ về vẻ đẹp đa dạng và độc đáo của những dòng sông tưởng như đã quá đỗi quen thuộc. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên trong sự đối lập mà thống nhất giữa cái hùng vĩ, dữ dội (đoạn miêu tả con sông chảy qua vùng núi non hiểm trở, lắm thác nhiều ghềnh) với nét đẹp thơ mộng, trữ tình (đoạn tả con sông ở hạ lưu). Dưới ngòi bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương cũng trở nên mới mẻ, độc đáo trong sự đa dạng mà thống nhất. Đó là vẻ đẹp đa dạng trong nét riêng khó lẫn của mỗi phân khúc sông Hương (sông ở thượng nguồn, sông ở ngoại ô, sông chảy trong lòng thành phố, sông chảy ra biển cả,...). Tuy vậy, sự đa dạng của sông Hương, suy cho cùng là sự đa dạng của cái thi vị, mộng mơ nghĩa là sự đa dạng của chất thơ. Thêm nữa, vẻ đẹp và sức sống của hai dòng sông đều được miêu tả trong mối quan hệ với sinh hoạt của con người. Nếu như sông Đà là môi trường tôi luyện phẩm chất trí dũng, kiên cường và chất nghệ sĩ tài hoa của người lái đò trên sông, là lửa thử vàng, làm phát lộ “chất vàng mười trong tâm hồn” người Tây Bắc, thì sông Hương là bà mẹ xứ sở mang trầm tích văn hoá qua thời gian và lịch sử của đời sống kinh thành cổ kính. Chính vì thế, sông Đà và sông Hương đều trở thành những hình tượng nghệ thuật tráng lệ, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.
Tuy nhiên, hai thiên tuỳ bút mang hai phong cách khác nhau. Nét độc đáo trong mỗi phong cách thể hiện qua nhiều yếu tố: cách quan sát miêu tả đối tượng; cách huy động kiến thức đời sống, sử dụng ngôn từ; cái tôi trữ tình trong mỗi tác phẩm;...
Nét khác biệt trong cách quan sát, miêu tả dòng sông thể hiện ở chỗ Nguyễn Tuân chú ý nhiều đến vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ của sông Đà, còn Hoàng Phủ Ngọc Tường lại tập trung quan sát vẻ đẹp văn hoá giàu màu sắc trữ tình đầy thơ mộng của sông Hương. Những đoạn văn hay, giàu ấn tượng nhất của Nguyễn Tuân là những đoạn miêu tả vẻ “hung bạo” của sông Đà và cuộc sống đầy kịch tính trên sông với những viên tướng đá, những hút nước, những trùng vây, những cửa tử,... Các hình ảnh, âm thanh được miêu tả đều tác động mạnh vào giác quan người đọc. Còn thành công của Hoàng Phủ Ngọc Tường lại thuộc về những câu văn viết về vẻ trữ tình của Hương Giang, một vẻ đẹp đa dạng của “thiên tính nữ”: vẻ nữ tính man dại của một cô gái Di gan; vẻ nữ tính e lệ, đoan trang của cô tiểu thư xứ Huế trong tình yêu...; và bao trùm lên tất cả là vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng của “mẫu tính”: “sông Hương mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở”.
Nét riêng trong cách huy động kiến thức đời sống và sử dụng ngôn từ của mỗi tác giả qua hai tác phẩm cũng rất đậm. Cái uyên bác của tác giả hình tượng sông Đà là cái uyên bác từ trải nghiệm thực tế, cái uyên bác của tác giả hình tượng sông Hương có lẽ đến từ niềm say mê văn hoá. Nguyễn Tuân thích tạo nên những từ ngữ mới, câu chữ cầu kì, biến hoá, co duỗi nhịp nhàng. Hoàng Phủ Ngọc Tường lại thích một lối văn câu chữ mượt mà, uyển chuyển; từ ngữ hình ảnh thấm đượm những suy cảm.
Đối với thể tuỳ bút, cái tôi trữ tình có một vị trí rất quan trọng. Đó là cái tôi nghệ sĩ, vừa chi phối vừa thấm nhuần trong mọi yếu tố của tác phẩm, góp phần định hình nên phong cách nghệ thuật của tác giả. Cái tôi ấy, khi được phát huy một cách tự nhiên, cao độ trong tuỳ bút, sẽ làm nên sức hấp dẫn riêng của tác phẩm. Tuỳ bút của Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là những minh chứng sinh động cho điều đó. Ta bắt gặp trong Người lái đò Sông Đà một cái tôi độc đáo, khác biệt: thích quan sát, miêu tả tỉ mỉ bằng nhiều giác quan; thích huy động tối đa vốn hiểu biết và trải nghiệm phong phú của mình; thích phát hiện nét độc đáo, khác thường trong đối tượng miêu tả nhằm mang lại ấn tượng thật sâu sắc, khó quên cho người đọc. Cái tôi ấy muốn người đọc phải cùng với nó nhìn ngắm, sờ chạm, cùng hình dung tưởng tượng về sông Đà và ông lái đò “tay lái ra hoa” trên sông Đà. Ta cũng bắt gặp trong Ai đã đặt tên cho dòng sông? một cái tôi không kém độc đáo, hấp dẫn: thích quan sát sự vật, con người không phải ở bề mặt mà ở chiều sâu, từ đó lật mở những tầng vỉa, trầm tích văn hoá thường bị vùi lấp bởi dòng chảy của thời gian và lịch sử. Đó là cái tôi điềm tĩnh, thâm trầm, thích suy tư, giàu nội cảm và cũng giàu khả năng hoà nhập, hoá thân vào đối tượng miêu tả. Chả thế mà đọc Ai đã đặt tên cho dòng sông?, một số người nhận thấy ở đó dường như có sự thống nhất giữa sự nhạy cảm của một người nghệ sĩ với sự thâm trầm của một triết gia. Nhiều người khác lại nghe thấy ở đó một giọng văn mềm mại, kiều mị, nữ tính như giọng một cô gái Huế,... Phải chăng là vì nhà văn đã hoá thân vào sông Hương để thể hiện bằng được vẻ đẹp mang thiên tính nữ của một dòng sông Mẹ, dòng sông sinh thành văn hoá xứ sở?
Cho đến khi những câu văn cuối cùng khép lại, âm vang của sự sống từ hình tượng sông Đà, sông Hương ở mỗi tác phẩm vẫn chưa thôi ngân vọng. Đó là hai hình tượng nghệ thuật được thể hiện qua hai áng văn trữ tình giàu âm hưởng sử thi và diễm lệ. Đó cũng là hai thế giới nghệ thuật vừa có sự tương đồng, gặp gỡ, vừa khác biệt, độc đáo. Ở đó, sức hấp dẫn của hình tượng nghệ thuật được tạo ra không chỉ từ vẻ đẹp vốn có của chính đối tượng được miêu tả mà còn từ cái nhìn nghệ thuật độc đáo của mỗi nhà văn - một Nguyễn Tuân tài hoa, tài tử và một Hoàng Phủ Ngọc Tường sâu lắng, dịu dàng. Bởi vậy, sẽ không hề quá lời khi có ai đó quả quyết rằng văn học hiện đại Việt Nam nếu thiếu đi tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, thì người đọc hôm nay vẫn chưa thể biết đến một sông Đà, một sông Hương với vẻ đẹp đa dạng, độc đáo và gợi nhiều suy ngẫm như thế.
Hai tác phẩm cũng cho thấy, dù là Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường hay bất kì tác giả nào khác, muốn có được những thiên tuỳ bút thành công thì luôn phải kết hợp được một cách hài hoà giữa tri thức uyên thâm với cảm xúc chân thành, sâu lắng; giữa sức hấp dẫn của đối tượng thẩm mĩ với sức hấp dẫn của chính cái tôi của tác giả;... Qua đó, mang đến cho hình tượng nghệ thuật một vẻ đẹp độc đáo và giàu tính nhân văn.
(Tùy bút từ Sông Đà của Nguyễn Tuân đến Sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, in trong
Văn học và tuổi trẻ, số tháng 5, năm 2021, tr.57 - 58)
1. Cụm từ nào trong nhan đề và các đoạn mở bài, kết bài cho thấy đề tài của bài viết đã được xác định rõ ràng, cụ thể?
2. Tác giả bài viết so sánh, đánh giá hai tác phẩm trên những tiêu chí nào?
3. Nhận xét về cách sử dụng lí lẽ và bằng chứng của tác giả bài viết khi so sánh, đánh giá hai tác phẩm.
Khi đưa ra luận điểm, người viết luôn đưa kèm lí lẽ và bằng chứng trong văn bản.
Ví dụ: Khi nhận xét về sự khác biệt trong việc quan sát, miêu tả dòng sông:
- Nguyễn Tuân chú ý đến vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ của sông Đà: "hung bạo", cuộc sống kịch tính,...
- Hoàng Phủ Ngọc Tường quan sát vẻ đẹp văn hóa giàu màu sắc trữ tình: "thiên tính nữ", man dại của cô gái Di gan,...
4. Nêu một số mẫu câu mà người viết thường dùng nhằm làm rõ sự tương đồng/khác biệt giữa hai tác phẩm.
5. Từ bài viết trên đây, bạn rút ra những lưu ý gì khi viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học?
Tham khảo:
- Cần so sánh qua các tiêu chí như thể loại, đề tài, ngôn ngữ,...
- So sánh để thấy được sự tương đồng và nét riêng của từng tác phẩm chứ không phải để đánh giá tác phẩm nào hay hơn.
- ...
3. HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH VIẾT THEO QUY TRÌNH
Dưới đây là hướng dẫn viết bài văn nghị luận so sánh, đánh giá hình tượng nhân vật Sơn Tinh trong tác phẩm Trên đỉnh non Tản (Nguyễn Tuân) và Sơn Tinh, Thủy Tinh (Nguyễn Nhược Pháp):
a. Mở bài: Giới thiệu chung về hai tác phẩm truyện và vấn đề cần so sánh, đánh giá.
b. Thân bài: So sánh, đánh giá hình tượng nhân vật Sơn Tinh trong tác phẩm Trên đỉnh non Tản (Nguyễn Tuân) và Sơn Tinh, Thủy Tinh (Nguyễn Nhược Pháp):
- Những điểm tương đồng:
+ Lí lẽ, bằng chứng 1: Đều là những hình tượng nhân vật thần linh được sáng tạo lại từ hình tượng Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
+ Lí lẽ, bằng chứng 2: Đều miêu tả trong cuộc tranh chấp lâu dài với Thủy Tinh (trực tiếp hay gián tiếp).
+ Lí lẽ, bằng chứng 3: Đều được xây dựng, tôn vinh bằng yếu tố kì ảo.
+ ...
- Những điểm khác biệt:
+ Lí lẽ, bằng chứng 1: Trong Trên đỉnh non Tản, Sơn Tinh hiện lên với phong thái của một tiên ông; còn trong Sơn Tinh, Thủy Tinh, Sơn Tinh mang phong thái của một vị thần nhân tuổi trẻ tài cao.
+ Lí lẽ, bằng chứng 2: Trong Trên đỉnh non Tản, Sơn Tinh hiện lên là một vị thần ung dung, tự tại; còn trong Sơn Tinh, Thủy Tinh, Sơn Tinh lại là chỗ dựa vững chắc cho công chúa Mị Nương và vua Hùng.
+ ...
- Nguyên nhân dẫn đến những điểm tương đồng, khác biệt:
+ Lí lẽ, bằng chứng 1: Sự tương đồng do cùng liên quan đến nhân vật trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh.
+ Lí lẽ, bằng chứng 2: Sự khác biệt do đặc trưng thể loại, một bên là truyện ngắn sử dụng yếu tố kì ảo, một bên là thơ kết hợp tự sự với trữ tình.
+ Lí lẽ, bằng chứng 3: Sự khác biệt xuất phát từ những nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân và Nguyễn Nhược Pháp.
+ ...
c. Kết bài: Khẳng định lại giá trị của mỗi tác phẩm, nêu suy nghĩ cá nhân khi so sánh hai tác phẩm (ví dụ: suy nghĩ về vai trò của văn hóa truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật).
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây