Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Viết bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống SVIP
VIẾT BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
I. Định hướng
1. Khái niệm
Viết bài nghị luận về một hiện tượng đời sống là viết bài văn trình bày ý kiến phân tích, trao đổi, bàn luận về một hiện tượng của đời sống nhân sinh (chính trị, kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, đạo đức, khoa học công nghệ, giáo dục, môi trường,...) mà người viết quan tâm.
2. Những chú ý khi viết bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống
- Xác định đối tượng chính mà bài viết muốn hướng tới (Viết cho ai?).
- Xác định mục đích của bài viết (Viết để làm gì?).
- Xác định nội dung cụ thể cần viết (Viết cái gì?).
- Xác định cách thức viết, bao gồm: phương thức và các thao tác nghị luận; các phương thức hỗ trợ khác (miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh); cấu trúc bài viết tranh, ảnh, bảng biểu, số liệu đi kèm,... (Viết như thế nào?).
- Thu thập các tư liệu liên quan đến hiện tượng đời sống được bàn luận trong bài viết.
II. Thực hành
1. Thực hành viết theo các bước
Bài tập: Viết bài văn nghị luận nêu ý kiến của em về hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam hiện nay.
Bước 1: Chuẩn bị
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
A. Mở bài
Nêu vấn đề: hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam.
B. Thân bài
Lần lượt trình bày các ý theo trình tự phù hợp.
Các câu hỏi gợi ý:
- Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp là gì?
- Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài này có những biểu hiện như thế nào?
- Vì sao giới trẻ lại sính dùng tiếng nước ngoài?
- Nên hay không nên sính dùng tiếng nước ngoài? Vì sao?
- Có giải pháp/ biện pháp nào để việc sử dụng tiếng nước ngoài trở nên hợp lí?
C. Kết bài
- Khẳng định lại quan điểm cá nhân.
- Nêu bài học nhận thức và hành động.
Dàn ý tham khảo
A. Mở bài
B. Thân bài
1. Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp là gì?
Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài là hiện tượng kết hợp các từ ngữ tiếng nước ngoài trong khi nói hay viết tiếng Việt một cách tràn lan, tùy tiện, thậm chí đến mức lố lăng và vô nghĩa để tỏ ra sành điệu, hợp mốt, hợp thời.
2. Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài này có những biểu hiện như thế nào?
- Một cách phổ biến trong các cuộc nói chuyện thông thường, giữa người trẻ với người trẻ và giữa người trẻ với người có tuổi, những câu như: “hi bạn”, “ok thầy”, “thank you chị nhiều ạ”, “bye bye nhé”... gần như thay cho những lời chào hỏi, hồi đáp lịch sự vốn có trong tiếng Việt: “chào bạn”, “vâng thầy”, “cảm ơn chị nhiều ạ”, “tạm biệt bạn nhé”...
- Không phải chỉ trong đời sống sinh hoạt bình thường, ngay cả trong công việc dường như việc dùng chêm, xen, thay thế những từ ngữ thuần Việt bằng từ ngữ tiếng nước ngoài dần bị hợp lí hóa:
+ Em ơi, khách hàng hình như chưa hài lòng với cái slogan em viết cho brand của họ á. Xem lại brief rồi báo phòng Creative chỉnh luôn mẫu này giùm anh nha.
+ Em đang consider đi vacation ở Cà Mau?
+ Được biết, đây là talkshow hẹn hò giấu mặt, khách mời đang làm việc cho một agency và thường xuyên phải giao tiếp với khách Tây.
- Không khó để bắt gặp những cái tên nửa tây, nửa ta trên các nền tảng mạng xã hội hay ở ngoài đời thật của những người Việt chính gốc: Robert Tú, Camelia Nhi, Miko Nhất Thúy, William Phạm, Nguyễn Johnson Thi Tiền…, thậm chí còn có trường hợp trở thành cái tên hợp pháp được khai trên giấy tờ.
3. Vì sao giới trẻ lại sính dùng tiếng nước ngoài?
- Chưa có từ ngữ tiếng Việt tương đương để sử dụng trong giao tiếp. Trong một số trường hợp, mượn tiếng nước ngoài sẽ nhanh chóng hơn, súc tích hơn và trung tính hơn.
- Môi trường hội nhập khiến cho sự tiếp xúc văn hóa trở nên năng động, mạnh mẽ hơn. Việc sính từ ngữ của nước ngoài (hầu hết là từ ngữ của các nước hiện đại, phát triển) trở thành “mốt”, như một cách để người trẻ chứng tỏ sự sành điệu, đẳng cấp và hợp thời.
- Xã hội, gia đình và nhà trường chưa có sự quan tâm đúng mức đến vấn đề lai tạp ngôn ngữ ở người trẻ cũng như hậu quả của nó, dần chấp nhận nó như một điều hiển nhiên, bình thường trong cuộc sống.
- Chưa có nhiều biện pháp cụ thể, rõ ràng, cũng như các phong trào giáo dục giúp cho con em có thể nhận thức và trân trọng vẻ đẹp trong sáng của tiếng Việt.
4. Nên hay không nên sính dùng tiếng nước ngoài? Vì sao?
- Trừ những trường hợp chưa có từ ngữ tương đương trong tiếng Việt nên buộc phải sử dụng từ ngữ nguyên gốc của ngôn ngữ khác, còn lại không nên ủng hộ hay tham gia vào trào lưu sính tiếng nước ngoài, nhất là với người trẻ, thay vào đó cần hạn chế và ngăn chặn hiện tượng này, vì những lí do sau:
+ Lai căng, pha tạp làm méo mó, biến dạng bản chất văn hóa đẹp đẽ của tiếng Việt. Ngôn ngữ là hồn cốt của một dân tộc. Sự phai nhạt bản sắc trong ngôn ngữ có thể không diễn ra chỉ trong một ngày, nhưng nếu ngày nào cũng diễn ra rồi cũng sẽ đi đến kết cục là ngôn ngữ đó biến mất, và không có nỗi bất hạnh nào hơn cho một dân tộc từng quật cường gìn giữ, bảo vệ văn hóa của mình là thế hệ sau không thể tiếp nối truyền thống ấy.
+ Hình thành nên những thói quen không tốt trong tác phong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong giao tiếp: dễ bị dao động, không nhất quán, phá vỡ đi những cấu trúc logic thông thường khi sử dụng tiếng Việt.
+ Khiến người nghe cảm thấy khó hiểu, thậm chí là khó chịu khi việc lạm dụng ngôn ngữ nước ngoài trở nên tùy tiện, lố lăng.
+ Vì hiện tượng sính ngôn ngữ nước ngoài phổ biến nhất ở giới trẻ, nên nó sẽ có khả năng lan nhanh hơn, rộng hơn, khó ngăn chặn hơn, tạo ra những tác động, ảnh hưởng xấu đến văn hóa xã hội và thế hệ sau.
5. Có giải pháp/ biện pháp nào để việc sử dụng tiếng nước ngoài trở nên hợp lí?
- Nhà nước cần có các văn bản quy định cụ thể về cách sử dụng tiếng nước ngoài trong các loại hình văn bản, trên các phương tiện truyền thông, quảng cáo…
- Xã hội (các cơ quan nhà nước, báo chí, cơ sở lao động…), gia đình, nhà trường cần trở thành những môi trường chuẩn mực trong việc sử dụng cũng như giữ gìn, bảo vệ sự trong sáng, bản sắc của tiếng Việt.
- Cần đẩy mạnh các phong trào tuyên truyền, cổ động giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, đặc biệt trong nhà trường.
- Có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho việc học tập Ngữ văn, tiếng Việt trong môi trường giáo dục, lao động...
- Mỗi người cần có ý thức tôn trọng bản sắc văn hóa trong ngôn ngữ của mình đồng thời có hiểu biết về những hậu quả khi tiếng mẹ đẻ bị biến chất, bào mòn.
…
C. Kết bài
- Hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp hằng ngày của giới trẻ Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến, khó kiểm soát, đe dọa đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.
+ Nêu bài học nhận thức và hành động.
Bước 3: Viết bài theo dàn ý chi tiết đã lập
* Chú ý:
- Mỗi luận điểm có thể triển khai thành một hoặc một số đoạn văn.
- Các thao tác phân tích, giải thích, chứng minh, bình luận cần được vận dụng một cách linh hoạt.
- Cần thể hiện một cách tự nhiên quan điểm riêng của bản thân, miễn là hợp lí, thuyết phục.
- Dẫn chứng cần xác thực, tiêu biểu cho hiện tượng sính dùng tiếng nước ngoài trong giao tiếp.
Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa
Đọc lại văn bản đã viết, đối chiếu các yêu cầu đã nêu ở mỗi bước, để:
- Kiểm tra về nội dung, hình thức của bài viết.
- Nhận biết các lỗi còn mắc phải và cách chỉnh sửa.
- Tự đánh giá kết quả viết.
2. Rèn luyện kĩ năng viết: thao tác phân tích dẫn chứng và lập luận bác bỏ
2.1. Định nghĩa
2.2. Luyện tập
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây