Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Văn bản thông tin giới thiệu một cuốn sách SVIP
TRI THỨC NGỮ VĂN: VĂN BẢN THÔNG TIN GIỚI THIỆU MỘT CUỐN SÁCH
1. Đặc điểm của văn bản thông tin giới thiệu một cuốn sách
Văn bản giới thiệu một cuốn sách thuộc loại văn bản thông tin trình bày khách quan những đặc điểm chung của cuốn sách: nhan đề; tác giả; loại, thể loại văn bản; đề tài; chủ đề; bố cục; nội dung chính (tóm tắt). Đồng thời, loại văn bản này cũng nêu cách nhìn (quan điểm, thái độ) của tác giả cuốn sách về đời sống; những giá trị, đóng góp nổi bật hoặc điểm mới, thú vị của cuốn sách. Có thể nêu ngắn gọn quan điểm và đánh giá của người viết nhưng không cần bàn luận sâu, không yêu cầu mở rộng và triển khai các lí lẽ, bằng chứng như văn bản nghị luận. Với những cuốn sách đã phổ biến rộng rãi, có thể giới thiệu thông tin về nhà xuất bản, năm xuất bản.
2. Vai trò của tưởng tượng trong sáng tạo và tiếp nhận văn học
- Về phía tác giả (chủ thể sáng tạo):
+ Tưởng tượng giúp hình dung rõ rệt hơn về con người với những đặc điểm ngoại hình, hành động, nội tâm,...
+ Tưởng tượng khiến tác giả có thể nhập thân vào đời sống để hiểu hơn những điều còn tiềm ẩn, chưa bộc lộ rõ ràng, dự đoán về diễn biến của sự việc, số phận nhân vật.
+ Tưởng tượng là cách để tác giả hồi tưởng và tái hiện những điều đã chìm vào quá khứ, hiểu bản chất của những cảnh tượng chợt xuất hiện và nhìn thấy trước tương lai của những gì đang diễn ra...
+ Tưởng tượng cũng là cách để tác giả kết nối những cuộc đời, những khoảng không gian, thời gian tưởng chừng rất xa nhau trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
* Tưởng tượng có mối quan hệ mật thiết với hiện thực. Cái lõi của hiện thực luôn ẩn chứa trong bất kì một hình tượng nghệ thuật mang tính hư cấu, hoang đường, huyền ảo hay khác thường nào. Ngược lại mọi hình tượng dù có vẻ thật nhất, “như thật”, gắn với nguyên mẫu đời thực cụ thể đều có dấn ấn của tưởng tượng, hư cấu.
Ví dụ:
- Các vị thần với quyền năng phi thường trong thần thoại, những người anh hùng mang sức mạnh siêu nhiên trong truyền thuyết, những yếu tố thần kì trong truyện cổ tích, thế giới tương lai trong truyện khoa học viễn tưởng,… đều là sản phẩm của trí tưởng tượng trong sáng tạo văn học.
- Nhưng “cái lõi hiện tượng” của những hình tượng hoang đường, kì ảo này vẫn có thể tìm thấy trong hiện thực đời sống: sức mạnh của thiên nhiên trong các nhân vật thần thoại, những sự kiện và nhân vật lịch sử trong truyền thuyết, các lực lượng xã hội và mơ ước, khát vọng của con người trong cổ tích, ước mơ và sức sáng tạo của con người trong quá khứ sau đó đã thành hiện thực.
3. Nhan đề và cách đặt nhan đề văn bản văn học
- Nhan đề của văn bản nghị luận, văn bản thông tin thì thường mang nghĩa tường minh, khái quát:
+ Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn): Hịch là tên một loại văn bản nghị luận (thời trung đại) có mục đích kêu gọi, hiệu triệu. Nhan đề Hịch tướng sĩ thể hiện tường minh loại văn bản, mục đích, đối tượng hướng tới và nội dung chính của văn bản: lời kêu gọi, hiệu triệu tướng sĩ quyết tâm chống giặc ngoại xâm.
+ Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh): Nhan đề cũng cho thấy mục đích và vấn đề chính trong văn bản nghị luận này: tuyên bố rộng rãi để khẳng định nền độc lập của dân tộc Việt Nam.
+ Nóng, Phẳng, Chật – Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai (Thô-mát L. Phrít-man (Thomas L. Friedman)): Nhan đề của cuốn sách nêu rõ thực trạng môi trường sống trên Trái Đất hiện nay (Nóng, Phẳng, Chật). Phụ đề tường minh vấn đề cần giải quyết trong văn bản thông tin (Tại sao thế giới cần cách mạng xanh và làm thế nào chúng ta thay đổi được tương lai).
+ Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng vĩ (Bờ-ri-an Ây-lơ (Brian Eyler)): Nhan đề thể hiện tường minh nội dung chính của văn bản (cảnh báo về thực trạng môi trường của các quốc gia khu vực sông Mê Kông).
- Nhan đề của văn bản văn học thường mang nghĩa hàm ẩn, gợi hình tượng. Trong một số trường hợp, nhan đề của văn bản văn học cũng có thể gợi ra đặc điểm loại hay thể loại văn bản, đề tài, chủ đề, nhân vật,...
+ Bầy chim chìa vôi (Nguyễn Quang Thiều): Hình tượng bầy chim chìa vôi trong cơn mưa lũ gắn với thời gian, không gian nghệ thuật và các nhân vật chính (hai anh em Mon và Mên). Tác giả lấy một hình tượng xuyên suốt câu chuyện để đặt tên cho tác phẩm của mình. Nhưng ý nghĩa của hình tượng mang tính hàm ẩn trong toàn bộ câu chuyện. Do đó nhan đề cũng mang ý nghĩa hàm ẩn.
+ Bếp lửa (Bằng Việt): Hình ảnh bếp lửa là trung tâm của không gian, thời gian nghệ thuật và gắn với toàn bộ mạch cảm xúc của bài thơ được chọn để đặt tên cho tác phẩm.
+ Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài), Cô bé bán diêm (H.C. An-đéc-xen), Tôi là Bê-tô (Nguyễn Nhật Ánh),... là những tác phẩm mà nhan đề gắn với hình tượng nhân vật chính của tác phẩm.
Cách đặt nhan đề của văn bản văn học rất phong phú, sinh động, có mối quan hệ với thể loại, đề tài, nhân vật, không gian, thời gian, chủ đề,... Ví dụ: Chinh phụ ngâm khúc (Đặng Trần Côn), Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ), Bài thơ tình ở Hàng Châu (Tế Hanh), Chiếc lá cuối cùng (O. Hen-ry),...
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây