Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Tự đánh giá SVIP
TỰ ĐÁNH GIÁ
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
CHUỖI HẠT CƯỜM MÀU XÁM
Mắt nó rõ ràng là màu đen, nhưng tôi lại cứ thích bảo rằng mắt nó màu xám, như đôi mắt của một cô bé tóc nâu trong câu chuyện nào đó.
- Màu đen chứ! - Nó phụng phịu.
- Màu xám! Màu xám mà lị!
- Màu đen!
- Màu xám!
- Màu đen cơ!
Nó khóc thét lên, mặt đỏ phừng phừng. Tôi khoái chí cầm cành sung huơ lên trước mặt nó. Nó hay khóc nhè, hơi một tí là khóc. Một ngày có khi nó khóc mấy lần vì tôi. Vậy mà cứ bám riết lấy, thân như một cái đuôi. Mà tôi thì thế, nhưng không hề ghét nó. Cái Na ấy, bé tí như con chim chích, mặt tròn, có một nốt ruồi dưới mắt trái.
Hai ông cháu cái Na nghèo lắm, có khi nghèo nhất làng. Tôi không biết gì về bố mẹ Na, chỉ thấy có hai ông cháu tối ngày lùa vịt ra đầm rồi lùa về. Mỗi sáng, sương mai vừa tan là nó đội chiếc nón mê lủi thủi ra đầm trông vịt. Con đầm nằm bên kia cánh rừng, rộng mênh mông, đầy lau lách. Tôi đi học buổi sáng, chiều về thả trâu rồi ra đầm chơi với nó, hai đứa rúc vào bụi mua rậm rì hái quả, mồm mép đen nhẻm như ngậm mực. Na không đi học, tôi biết nó thèm khát lắm khi thấy mỗi sáng chúng tôi í ới gọi nhau đến lớp. Đôi lúc hứng chí tôi mang giấy bút theo, bắt nó bò ra cỏ nhìn quả trứng vịt mà vẽ, bảo đấy là chữ O.
Rằm tháng Bảy là cái tết thứ hai trong năm của chúng tôi. Ngày đó, trẻ con được mặc áo mới, nhà nhà gói bánh rôm rả lắm. Năm nào ông cháu cái Na cũng mang gạo sang góp chung với nhà tôi gói bánh gù, bao giờ nó cũng nhớ gói vài chiếc nhỏ xíu để hai đứa ăn trước. Mẹ tôi rất thương cái Na, phần vì nhà tôi không có con gái, phần vì hoàn cảnh của nó. Mẹ thường chải mái tóc rối bù, khét lẹt của nó, buộc thành hai túm vềnh lên như đuôi ngựa, dạy nó làm đủ thứ bánh,...
- Anh Di ơi!
- Cái gì?
- Hái cho em chùm phong lan kia với.
Tôi nhìn theo tay nó chỉ. Chà! Chùm phong lan đang độ nở đầy, vàng rực sáng cả vòm lá cao chót vót. Tôi giao hẹn: “Được thôi. Nhưng không được mách mẹ là tao bắn què con gà đấy nhé!”. Tôi sợ nhất cái Na mách lẻo những tội tày đình của mình với mẹ. Vừa hôm qua thôi, tôi giương súng cao su định bắn con lợn đang dũi đất ngoài vườn rau lại trúng phải con gà mái mẹ, què cẳng nó. Na vừa cười vừa gật lia lịa.
Gì chứ trèo cây là thú vui của tôi, nhất là trên cây có tổ sáo hay khướu thì khỏi nói. Tôi trèo thoăn thoắt, ở dưới cái Na cứ ngửa mặt lên xuýt xoa, luôn miệng nhắc cẩn thận. Lúc thả chùm phong lan xuống cho nó, tôi từ từ tụt xuống rồi giả vờ ngã phịch, nằm thẳng đừ. Cái Na cuống quýt vứt chùm hoa đi mếu máo sờ nắn khắp người tôi. Nào là “anh đừng chết đấy nhá”, nào là “đừng có doạ em”, nào là “em đã bảo rồi mà không chịu cẩn thận”,... Tôi buồn cười quá, không nín được, cười phá lên sằng sặc. Na túm lấy tôi đấm thùm thụp, nước mắt lại chảy ra đầm đìa.
Năm học cuối cấp hai, tôi không còn nhiều thời gian chơi với Na nữa. Thi thoảng lại thấy nó rón rén vào cổng rồi rúc vào bếp với mẹ tôi, để yên cho tôi học bài. Một hôm thấy nó thập thò mãi ở cửa, tôi gọi:
- Có gì ăn được hay sao thế?
- Không phải... không ăn được, nhưng... cho anh này. Em hái ở tít Bãi Bằng về đấy!
Nó xoè tay ra. Một chuỗi hạt cườm còn tươi, xâu bằng chỉ đỏ.
- Tao mà lại đi đeo cái thứ dở hơi này à?
- Nó không đẹp à? (Nghe giọng lại rưng rưng rồi).
Tôi trấn an:
- Không phải thế, đẹp chứ. Tao đùa một tí thôi. Xin nhé!
- Anh sắp đi học xa rồi, khi nào anh nhìn thấy nó thì...
- Ừ, tao biết rồi. Mày cũng lắm chuyện ra phết đấy!
Na cười toe toét. Đúng là đồ con gái!
Thi xong tôi quyết định xả hơi vài ngày. Mùa này măng đang mọc, hoẵng về nhiều lắm đây. Tôi định dắt con Vện đi đặt bẫy, chợt nhìn thấy chuỗi hạt cườm trên mặt bàn bèn mang ra đeo vào cổ con chó. Trông cũng hay hay.
Ở làng không có trường cấp ba, tôi được ông bác nhận đón về thị xã học tiếp đúng như dự định. Ngày mai tôi đi thì tối nay cả xóm đến chơi, cái Na cũng đến, lúi húi nhét đủ thứ vào bị cho tôi. Bất chợt con Vện từ đâu về lao hồng hộc vào nhà, chuỗi hạt cườm xâu bằng chỉ đỏ vẫn lằng nhằng trên cổ. Na túm chặt lấy hai tai con Vện, nhìn tôi, nhìn chuỗi hạt, lắp bắp không ra tiếng. Tôi chợt hiểu, rối rít thanh minh:
- Anh xin lỗi. Không phải anh chê nó không đẹp. Không phải anh không thích, mà tại vì... tại vì... con Vện cũng giống anh thôi mà...
Na không nói gì, chạy vụt đi. Thế là thêm một lần nữa tôi lại làm nó khóc rồi.
Tôi luống cuống gỡ chuỗi hạt trên cổ con Vện, gỡ mãi, gỡ mãi, nó đứt ra, rơi vãi tung toé, gom mãi cũng chỉ còn già nửa số hạt.
Rồi tôi đi, đi lâu, hàng chục năm trời. Những lần quay trở về đều không gặp Na, nó tránh mặt tôi. Khi tôi về hẳn thì ông cháu cái Na đã không còn ở đó nữa. Ông mất, được đưa ra rừng. Na theo một người bà con xa đi nơi khác. Những hạt cườm vẫn còn, bóng lên theo thời gian, như đôi mắt của Na nhìn tôi trách móc.
Hằng ngày, tôi lên lớp, cố tìm trong đám trò nhỏ của mình hình bóng Na, nhưng làm gì có gương mặt rám nắng, mái tóc vàng hoe như râu ngô và đôi mắt xám buồn mênh mang. Không biết Na ở nơi nào, Na ơi!
Vị Xuyên - 1994
(ĐỖ BÍCH THUÝ, Tuyển tập truyện viết về thiếu nhi dân tộc và miền núi,
NXB Giáo dục, 2004)
Chọn phương án trả lời đúng cho mỗi câu hỏi (từ câu 1 đến câu 5):
7. Chi tiết “Na túm chặt lấy hai tai con Vện, nhìn tôi, nhìn chuỗi hạt, lắp bắp không ra tiếng.” thể hiện điều gì đang xảy ra trong tâm hồn nhân vật Na?
Gợi ý:
- Na đang cảm thấy buồn, thất vọng, tức giận vì món quà chia tay mình tặng anh Di lại bị đem đeo cho một con vật.
- Có thể Na cũng cảm thấy anh Di đang chọc tức, xem thường món quà của mình.
8. Em suy nghĩ như thế nào về đoạn kết thúc truyện: “Hằng ngày, tôi lên lớp, cố tìm trong đám trò nhỏ của mình hình bóng Na, nhưng làm gì có gương mặt rám nắng, mái tóc vàng hoe như râu ngô và đôi mắt xám buồn mênh mang. Không biết Na ở nơi nào, Na ơi!”?
Gợi ý:
- Nhân vật "tôi" đang cảm thấy ân hận về hành động của mình trong quá khứ. Cậu muốn tìm kiếm bóng hình của Na để xin lỗi vì hành động của mình.
- Có thể anh Di đang mong nhớ em Na.
9. Có người cho rằng: “Câu chuyện như một bài thơ buồn phả vào hồn ta những rung động cao quý, thiêng liêng.”. Em nghĩ như thế nào về ý kiến trên?
Gợi ý: Đồng ý, bởi xuyên suốt văn bản, người đọc được trải mình cùng những kỉ niệm của nhân vật "tôi", từ những kỉ niệm vui vẻ đến kỉ niệm buồn. Kết truyện khiến chúng ta phải cảm thấy hối tiếc. Truyện cũng nhắc nhở chúng ta phải biết cẩn thận trong từng hành động tưởng chừng như nhỏ nhặt, bởi nó có thể tạo thành vết thương lòng với người khác và khiến ta phải ân hận vì những gì đã qua.
10. Chắc hẳn, em đã có lần vô tình làm cho người thân, bạn bè và những người xung quanh buồn phiền. Hãy kể lại sự việc ấy trong khoảng 6 - 8 dòng.
Học sinh kể lại sự việc, có thể dựa vào các gợi ý sau:
- Đó là sự việc gì?
- Diễn biến của sự việc ấy thế nào?
- Sau sự việc ấy, em có những suy nghĩ, cảm xúc gì?
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây