Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Truyện thơ SVIP
Đọc văn bản sau:
KHUN LÚ - NÀNG ỦA
(CHÀNG LÚ - NÀNG ỦA)
(Truyện thơ dân tộc Thái)
(Trích)
Nàng rời chàng buồn đau theo mẹ
Đường về quê vắng vẻ quạnh buồn
Vời trông nào thấy người thương
Trời âm thầm tỏa màn sương mịt mùng
Vào cánh rừng trông chừng xa khuất
Nàng như cuồng ngã vật nằm queo
Bà Nàng cuống sợ nhào theo
Ôm con nhớn nhác giữa đèo nhờ ai?
- Nhờ chim Én cánh dài tìm Lú
Kể ngọn ngành, Chàng sợ đi ngay
Đây rồi Chàng gọi, Chàng lay
- Hỡi ôi, Vía Ủa có hay chăng về
Anh đây mà, dậy đi Em hỡi
- Người vợ yêu anh đợi anh mong
“Hà hơi” Chàng bế Chàng bồng
Giật mình choàng tỉnh Nàng bừng cơn mê
- Anh yêu quý, chết đi cho khuất
Sống chia lìa, lay lắt anh ơi!
Van Nàng, Mẹ mới nên lời:
- Sợ Cha bắt “chém” cả đôi chẳng nề!
Khun Lú mới vỗ về Nàng Ủa:
- Gắng hãy về chớ quá buồn đau
Mặc cho kẻ lượn bên rào
Có trời chứng giám ta nào phụ nhau!
Nàng về những âu sầu buồn bã
Nước mắt thì lã chã kêu gào
Người Cha sôi giận tuôn trào
- Hễ mày còn bướng thì tao chặt đầu!
Vừa lúc Tạo thăm Dâu đã đến
Mẹ mắng con, im ỉm trong buồng
Nàng Ủa xinh đẹp ngậm buồn
Khóc thương Chàng Lú chẳng còn thiết chi.
(Bản diễn Nôm Khun Lú - Nàng Ủa của Nguyễn Khôi, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tháng 9 năm 1997)
Tóm tắt tác phẩm: Tích truyện cổ Chàng Lú - Nàng Ủa có ở các dân tộc Kháng (Xá), Khơ Mú, Thái,... Chàng Lú và nàng Ủa yêu nhau tha thiết từ nhỏ. Lớn lên, Ủa bị cha mẹ ép gả cho một tù trưởng có thế lực. Cả hai cùng tự vẫn, kiện lên đến Trời. Nhưng chính Trời lại là người chủ mưu trong mọi chuyện. Họ bị đày thành hai ngôi sao (sao Khun Lú và sao Nàng Ủa), mỗi ngôi sao đứng một góc trời, mãi mãi trông đợi nhau mà không được gần nhau.
Đoạn trích trên kể về việc Chàng Lú và Nàng Ủa không thể đến được với nhau và tâm trạng của Nàng Ủa khi theo mẹ về nhà.
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Vì sao có thể xác định đoạn trích trên thuộc thể loại truyện thơ?
Câu 2. Người cha thể hiện sự ngăn cấm quyết liệt tình yêu của Nàng Ủa, Chàng Lú như thế nào?
Câu 3. Những hành động nào trong đoạn thơ cho thấy tình cảm của Chàng Lú dành cho Nàng Ủa?
Câu 4. Anh/chị có nhận xét gì về tình cảm của Chàng Lú và Nàng Ủa dành cho nhau trong đoạn trích trên?
Câu 5. Qua văn bản, anh/chị có suy nghĩ gì về hiện tượng hôn nhân cưỡng ép?
Hướng dẫn giải:
Câu |
Nội dung |
Điểm |
1 |
Có thể xác định đoạn trích trên thuộc thể loại truyện thơ vì đoạn trích có cốt truyện, nhân vật, lời kể,... được thể hiện bằng hình thức thơ. |
0.5 |
2 |
Người cha thể hiện sự ngăn cấm quyết liệt tình yêu của Nàng Ủa, Chàng Lú như sau: dọa sẽ chặt đầu con nếu không nghe lời. |
0.5 |
3 |
Những hành động sau cho thấy tình cảm của Chàng Lú dành cho Nàng Ủa: sợ hãi đi tìm nàng ngay, chàng gọi, chàng lay, vỗ về nàng, khuyên nhủ nàng đừng quá buồn đau. |
1.0 |
4 |
HS nêu được tình cảm của Chàng Lú và Nàng Ủa dành cho nhau: quan tâm, lo lắng, yêu nhau thắm thiết. HS nhận xét tình cảm của Chàng Lú và Nàng Ủa dành cho nhau theo quan điểm cá nhân, có thể theo hướng: đó là tình cảm đẹp, đáng trân trọng, đáng ngợi ca, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của người Thái nói riêng, người Việt Nam nói chung,... |
1.0 |
5 |
HS nêu suy nghĩ về hiện tượng hôn nhân cưỡng ép theo quan điểm cá nhân, có thể theo hướng: đây là hiện tượng thiếu tính nhân văn, xâm phạm quyền tự do hôn nhân của con người,... |
1.0 |
Đọc đoạn trích sau sau:
Mẹ cha ưng gả khi em còn trên nương
Khi em đang ngoài ruộng,
Chiều tới khi mặt trời rụng,
Mặt trời rơi xuống thấp,
Mặt trời sát mặt phai,
Mặt trời qua sàn ngoài người thương.
Mặt trời quấn ngọn giang sắp lặn,
Mặt trời quấn ngọn tre, ngọn bương sắp tắt,
Mặt trời lặn mặt trời không gọi.
Mặt trời đi mặt trời không chờ.
Mặt trời khuất mây mờ sập tối.
Em tuốt dao chặt củi,
Chặt củi, chặt củi dâu,
Sắp củi sắp cho bõ gánh,
Kiếm củi kiếm hai bó,
Kiếm củi kiếm ba bó,
Một bó để mẹ yêu ninh xôi,
Một bó cho mẹ yêu nấu rượu,
Một bó dành nhen lửa sàn hoa.
Lửa sàn hoa để bạn trai xa hơ áo,
Em chẻ đóm chờ mồi thuốc anh yêu.
Em trở về em gọi:
- “Về nhà thôi vía hỡi!
Về với cây sào giang vắt khăn,
Về với cây sào lăn vắt áo.
Về giã gạo hai cối bữa chiều,
Về giã gạo thêm cơm bữa sáng.
Về nằm đệm nẹp đen,
Về nằm đệm nẹp đỏ.
Về nằm bên mẹ hiền!
Vía anh yêu đừng nằm nơi gốc lau,
Đừng ngủ sau gốc sậy.
Hỡi vía anh yêu, về nhà theo nhau!”
Em khoác lẵng em gánh củi,
Vừa đeo dưa, vừa xách bầu.
Về tới bản, thấy lạ sao!
[…] Em thấy gói dong chen gói cá,
Gói dong kín gói gà,
Gói trầu không bắt chéo,
Gói dong dày, gói xôi,
Và thuốc lào khô gói bằng lá đề.
Em yêu bèn hỏi:
- “Xá Núi Chíp mang bán?
Người Xá Xăm Cằm đem đổi phải không?”
Mẹ yêu em đáp:
- “Người Xá Núi Chíp không mang tới bán,
Người Xá Xăm Cằm không mang tới đổi,
Đây gói trầu nhỏ người mang tới gửi,
Gói cau con tới dạm,
Dây trầu không ràng cuốn tình con!”
[…] Em lập cập chạy ra sàn1,
Mâm cơm chiều dọn vội,
Nghĩ đến anh mà nát ruột gan.
Như nặn nến sáp không nên,
Như ôm cây to không xuể.
Em lập cập chạy vào đằng quản2,
Cất tiếng xa gần trách chú:
- “Giúp cháu với, bác trai gái nhà trên
Giúp cháu với, ơi chú ơi thím nhà dưới!”
- “Chúng ta không giúp nổi cháu ơi!
Ta đã ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi,
Gói cau con người mang tới dạm,
Dây trầu không người đã tới cuốn leo!”
Em yêu lại kêu:
- “Giúp tôi với, hỡi chị em dâu rể trong nhà!”
Chị em dâu rể trong nhà cũng đáp:
- “Không giúp được em ơi!
Ta cũng ăn gói trầu nhỏ người mang tới gửi,
Gói cau con người mang tới dạm,
Dây trầu không người đã tới cuốn leo!
Nghe chim cu trên ngọn cây cúc cu,
- “Cũng đừng khóc cô ơi!
Cây tre nó thành giấy
Cây nứa nó thành ống
Con gái thành nàng dâu
Bố gả chồng cho đừng chối cô à!”
[…] Lời đã trao lời liền như chiếc chiếu,
Lời chắc đanh như dao sắc chặt dong,
Như lá dong kia đã lót ủ men nồng,
Dẫu van xin cha cũng không buông không thả!
Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa,
Bằng con chẫu chuộc thôi.
(Trích Tiễn dặn người yêu, Mạc Phi dịch, Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, Tập IV, NXB Đà Nẵng, 2002)
Chú thích:
sàn1: đầu nhà bếp nước tiếp khách nữ giới.
quản2: đầu nhà bàn thờ tiếp khách nam giới.
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Đoạn trích kể lại sự việc gì?
Câu 2. Đoạn trích có lời của những nhân vật nào?
Câu 3. Tâm trạng của cô gái được thể hiện như thế nào trong những câu sau?
Em lập cập chạy ra sàn,
Mâm cơm chiều dọn vội,
Nghĩ đến anh mà nát ruột gan.
Như nặn nến sáp không nên,
Như ôm cây to không xuể.
Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong những câu sau:
Ngẫm thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa,
Bằng con chẫu chuộc thôi.
Câu 5. Từ đoạn trích, hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong hôn nhân.
Hướng dẫn giải:
Câu |
Nội dung |
Điểm |
1 |
Đoạn trích kể lại sự việc cô gái bị cha mẹ ép duyên gả cho người mà cô không yêu. |
0.5 |
2 |
Đoạn trích có lời của những nhân vật sau: mẹ yêu, em yêu (cô gái), chú, thím. |
0.5 |
3 |
Tâm trạng của cô gái: mất bình tĩnh, vội vã, lo lắng, bế tắc, đau khổ đến tột độ, không thể tập trung vào việc gì. |
1.0 |
4 |
Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh: - Giúp cho diễn đạt trở nên gợi hình, sinh động hơn. - Cho thấy thân phận bèo bọt của cô gái, chỉ bằng thân con bọ ngựa, bằng con chẫu chuộc. - Phản ánh sự bất công trong xã hội xưa; thể hiện quan niệm hôn nhân cổ hủ, lạc hậu, bóp nghẹt quyền được tự do, hạnh phúc của con người. |
1.0 |
5 |
HS trình bày suy nghĩ của bản thân về quan niệm “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” trong hôn nhân, có thể theo hướng: đây là quan niệm thiếu nhân văn, xâm phạm quyền tự do hôn nhân của con người,... |
1.0 |