Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại (Phần 2) SVIP
I. Loài và cơ chế hình thành loài
1. Khái niệm loài sinh học và các cơ chế cách li sinh sản
- Loài sinh học là một hoặc nhóm các quần thể gồm các cá thể có khả năng giao phối với nhau trong tự nhiên sinh ra đời con hữu thụ nhưng cách li sinh sản với nhóm quần thể khác.
- Cách li sinh sản là những đặc điểm sinh học ngăn cản các cá thể cho dù sống cùng nhau cũng không giao phối với nhau, hoặc có giao phối cũng không sinh ra đời con hữu thụ.
2. Cơ chế hình thành loài
a) Hình thành loài khác khu vực địa lí
- Để cách li sinh sản có thể xảy ra phải có những trở ngại ngăn cản dòng gene giữa các quần thể. Dòng gene càng bị ngăn cản triệt để và kéo dài thì xác suất hình thành sự cách li sinh sản giữa các quần thể dẫn đến hình thành loài mới càng cao. → Phần lớn các loài được hình thành trong tự nhiên nhờ cách li địa lí.
- Khi cách li địa lí đã xảy ra, vốn gene của các quần thể cách li được phân hoá bởi các nhân tố tiến hoá như đột biến, CLTN và phiêu bạt di truyền,... Sự khác biệt về vốn gene càng nhiều và càng được duy trì lâu dài thì xác suất xuất hiện các trở ngại sinh học ngăn cản quá trình thụ tinh hoặc ngăn cản quá trình tạo con lai hữu thụ càng cao.

b) Hình thành loài cùng khu vực địa lí
- Các quần thể cùng loài sống trong cùng một khu vực địa lí nên thường hay xảy ra dòng gene giữa các quần thể và sự cách li sinh sản khó xảy ra hơn so với các quần thể sống ở các khu vực địa lí khác nhau. Tuy nhiên, khi đã xuất hiện sự cách li sinh sản thì loài mới lại xuất hiện một cách nhanh chóng.
- Ví dụ: Trong quần thể cây lưỡng bội, đột biến làm xuất hiện cây tứ bội có thể sinh sản tạo ra quần thể tứ bội → Quần thể các cây tứ bội lai với cây lưỡng bội sẽ cho ra cây tam bội bất thụ → Hình thành nên loài mới.

- Hình thành loài cùng khu vực địa lí hay xảy ra đối với các loài thực vật hơn là đối với các loài động vật.
II. Tiến hóa lớn
1. Khái niệm
- Là quá trình tiến hoá hình thành loài và các đơn vị phân loại trên loài (chi, họ, bộ, …) và toàn bộ sinh giới.
- Xảy ra ở quy mô lớn với khoảng thời gian dài hàng trăm triệu năm đến cả tỉ năm.
- Kết quả là hình thành các loài mới có nhiều đặc điểm khác biệt đến mức có thể xếp vào những đơn vị trên loài.
- Ví dụ: Từ các loài bò sát (khủng long) đã hình thành nên loài chim đầu tiên.
2. Sự phát sinh chủng loại
Sơ đồ cây sự sống là một sơ đồ hình cây phân nhánh thể hiện sự phát sinh của các loài trong quá trình tiến hoá.
Dựa vào các bằng chứng tiến hoá, đặc biệt là các bằng chứng phân tử, phần lớn các nhà sinh học hiện nay đều cho rằng:
- Toàn bộ sinh giới ngày nay được tiến hoá từ một tổ tiên chung qua quá trình phát sinh chủng loại.
- Dựa trên các bằng chứng phân tử (sự giống nhau về rRNA của các sinh vật) để chia thế giới sống hiện nay thành ba nhóm lớn (lãnh giới/miền).
Sự phát sinh chủng loại là kết quả của quá trình tiến hoá nhỏ và tiến hoá lớn:
- Tiến hoá nhỏ làm thay đổi dần dần tần số allele và tần số các kiểu gene của quần thể, đến một mức độ nào đó nếu xuất hiện sự cách li sinh sản giữa các quần thể thì loài mới xuất hiện.
- Những biến đổi địa chất lớn xảy ra qua hàng triệu, hàng tỉ năm trong tiến hoá lớn dẫn đến các sinh vật bị huỷ diệt hàng loạt, sau đó lại phát sinh và phát triển thành nhiều loài mới với các đặc điểm khác biệt đến mức các nhà sinh học xếp chúng vào những đơn vị phân loại trên loài.
1. Loài sinh học là một hoặc nhóm các quần thể gồm các cá thể có khả năng giao phối với nhau trong tự nhiên sinh ra đời con hữu thụ nhưng cách li sinh sản với nhóm quần thể khác tương tự.
2. Loài mới được hình thành khi có sự ngăn cản dòng gene giữa các quần thể. Khi các quần thể đã cách li với nhau, các nhân tố tiến hoá sẽ tác động làm vốn gene của các quần thể cách li trở nên khác biệt. Sự khác biệt về vốn gene đến một mức độ nhất định sẽ làm xuất hiện sự cách li sinh sản dẫn đến hình thành loài mới.
3. Tiến hoá lớn là quá trình hình thành các loài và đơn vị phân loại trên loài xảy ra ở quy mô lớn dẫn đến hình thành toàn bộ sinh giới.
4. Cây phát sinh chủng loại là giả thuyết dưới dạng sơ đồ giải thích mối quan hệ tiến hoá giữa các loài sinh vật. Từ tổ tiên chung, các sinh vật phát sinh thêm các biến dị di truyền, đảm bảo cho chúng thích nghi với các điều kiện sống khác nhau tạo nên thế giới sống vô cùng đa dạng.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây