Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Thơ tự do SVIP
Đọc văn bản sau:
Biết ơn những cánh sẻ nâu đã bay đến cánh đồng
Rút những cọng rơm vàng về kết tổ
Đã dạy ta với cánh diều thơ nhỏ
Biết kéo về cả một sắc trời xanh
Biết ơn mẹ vẫn tính cho con thêm một tuổi sinh thành
"Tuổi của mụ" con nằm tròn bụng mẹ
Để con quý yêu tháng ngày tuổi trẻ
Buổi mở mắt chào đời, phút nhắm mắt ra đi...
Biết ơn trò chơi tuổi nhỏ mê ly
"Chuyền chuyền một..." miệng, tay buông bắt
Ngôn ngữ lung linh, quả chuyền thoăn thoắt
Nên một đời tiếng Việt mãi ngân nga...
Biết ơn dấu chân bấm mặt đường xa
Những dấu chân trần, bùn nặng vết
Ta đi học quen dẫm vào không biết
Dáng cuộc đời in mãi dáng ta đi...
(Trích Lời chào - trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Dẫn theo Tư liệu Ngữ văn 12, NXB Giáo dục, tr.69)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Trong đoạn trích, nhân vật trữ tình bày tỏ lòng biết ơn đối với những đối tượng nào?
Câu 3. Dấu ngoặc kép trong dòng thơ "Chuyền chuyền một..." miệng, tay buông bắt có công dụng gì?
Câu 4. Nêu hiệu quả của phép lặp cú pháp được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 5. Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: tự do.
Câu 2. (0.5 điểm)
Trong đoạn trích, nhân vật trữ tình bày tỏ lòng biết ơn với những cánh sẻ nâu, mẹ, trò chơi tuổi nhỏ, dấu chân bấm mặt đường xa.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Phép lặp cú pháp: Biết ơn...
- Hiệu quả: tạo giọng điệu trữ tình tha thiết; nhấn mạnh tình cảm biết ơn của nhân vật trữ tình đối với những điều bình dị thân thuộc làm nên ý nghĩa cuộc đời mình.
Câu 4. (1.0 điểm)
Công dụng của dấu ngoặc kép: đánh dấu từ ngữ được trích dẫn trực tiếp.
Câu 5. (1.0 điểm)
HS có thể trả lời theo những cách khác nhau nhưng phải gắn với nội dung, chủ đề của đoạn trích.
Ví dụ: biết trân trọng những gì mình đang có.
Đọc văn bản sau:
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm.
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người.
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong...
(Trích Miền Trung, Hoàng Trần Cương, Thơ hay Việt Nam thế kỉ XX, NXB Văn hóa Thông tin, 2006, tr. 81 - 82)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Chỉ ra hai hình ảnh trong đoạn trích cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung.
Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về con người và mảnh đất miền Trung?
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Câu 4. Việc vận dụng thành ngữ trong dòng thơ Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt có tác dụng gì?
Câu 5. Anh/Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện trong đoạn trích.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể thơ: tự do.
Câu 2. (0.5 điểm)
Hai hình ảnh trong đoạn trích cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung:
- Trên nắng và dưới cát
- Chỉ có bão là tốt tươi như cỏ
Câu 3. (1.0 điểm)
Mảnh đất miền Trung duyên dáng, mảnh mai thắt đáy lưng ong, tình người miền Trung đậm đà như mật đọng.
Câu 4. (1.0 điểm)
HS chỉ ra được thành ngữ được vận dụng: Thành ngữ Nghèo rớt mồng tơi trong dòng thơ Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt.
HS nêu được tác dụng của việc vận dụng thành ngữ: Giúp tăng sự sinh động, hấp dẫn cho sự diễn đạt; nhấn mạnh sự cực nhọc, nghèo khó của mảnh đất miền Trung.
Câu 5. (1.0 điểm)
HS chỉ ra được tình cảm của nhà thơ đối với mảnh đất miền Trung: Xót xa trước sự lam lũ, khắc nghiệt của miền Trung; trân trọng, tự hào vẻ đẹp của con người miền Trung.
HS nhận xét được tình cảm của nhà thơ đối với mảnh đất miền Trung: Có thể theo hướng sau: Đó là tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng.
Đọc văn bản sau:
Có tiếng hát nào văng vẳng khơi xa
Tôi đi tìm em nàng tiên bé nhỏ
Em ở đâu giữa muôn trùng sóng bể
Sóng bồn chồn vỡ dưới chân tôi…
Tôi đã tin cổ tích tự lâu rồi,
Như em vẫn tin tình yêu có thực.
Đi hết tuổi thơ tôi còn day dứt,
Hoàng tử vô tình hay Andecxen quên?
Biển mặn mòi như nước mắt của em,
Cho tôi mơ về những điều không thể.
Em là nàng tiên mang trái tim trần thế,
Bởi biết yêu nên đã hoá con người.
Thôi ngủ đi em biển đã xa rồi,
Biển đã xa em đừng thao thức nữa…
Khi tình yêu không là hai nửa
Nguyên vẹn bao giờ mà vỡ tan thêm…
Thôi ngủ đi nào, đêm Andecxen
Dẫu tuyết lạnh vào ngày mai bão tố,
Dẫu thạch thảo nở hoa bốn mùa dang dở,
Que diêm cuối cùng sẽ cháy trọn tình yêu.
(Lời ru miền cổ tích, Hoàng Cẩm Giang, rút từ tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 12/2008)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2. Văn bản gợi nhắc đến những tác phẩm nào của nhà văn Andecxen?
Câu 3. Theo anh/chị, việc gợi nhắc các tác phẩm của nhà văn Andecxen trong văn bản có tác dụng gì?
Câu 4. Phân tích giá trị của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu thơ Biển mặn mòi như nước mắt của em.
Câu 5. Nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được thể hiện trong khổ thơ cuối.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.
Câu 2. (0.5 điểm)
Các tác phẩm được gợi nhắc:
Nàng tiên cá (qua câu thơ Em là nàng tiên mang trái tim trần thế/Bởi biết yêu nên đã hoá con người), Cô bé bán diêm (qua câu thơ Que diêm cuối cùng vẫn cháy trọn tình yêu ).
Câu 3. (1.0 điểm)
Việc gợi nhắc các tác phẩm của nhà văn Andecxen có tác dụng:
- Tạo màu sắc cổ tích cho văn bản, từ đó tăng sự hấp dẫn cho văn bản.
- Tạo ra những liên tưởng thú vị, giàu ý nghĩa.
Câu 4. (1.0 điểm)
Tác dụng: Tăng sự sinh động, hấp dẫn cho diễn đạt; đồng thời nhấn mạnh sự hi sinh, lòng khát khao tình yêu của nhân vật em.
Câu 5. (1.0 điểm)
Cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật trữ tình được thể hiện trong khổ thơ cuối: Luôn lạc quan hướng về tương lai phía trước, luôn giàu niềm tin với cuộc sống, con người (các dòng thơ Dẫu tuyết lạnh vào ngày mai bão tố/Dẫu thạch thảo nở hoa bốn mùa dang dở cho thấy cuộc sống có nhiều khó khăn, thử thách, song con người hoàn toàn có thể vượt qua để Que diêm cuối cùng sẽ cháy trọn tình yêu).