Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật SVIP
I. Khái niệm sinh trưởng và phát triển
Sinh trưởng là sự tăng về khối lượng và kích thước của các cơ quan hoặc cơ thể.
Ví dụ: sự tăng kích thước lá, sự dài ra của rễ, sự tăng chiều cao của cây.
Phát triển là sự biến đổi về cấu trúc và chức năng của tế bào, mô, cơ quan và cơ thể, diễn ra trong quá trình sống của sinh vật.
Ví dụ: từ hạt thành cây mầm, từ mô phân sinh đỉnh phân hóa thành hoa.
II. Dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng và phát triển
1. Các dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng
Dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng ở sinh vật là tăng khối lượng, kích thước, số lượng tế bào dẫn đến tăng khối lượng, kích thước cơ thể.
Ví dụ: đối với cá chép, năm thứ nhất dài khoảng 17,3 cm và nặng 0,3 - 0,5 kg/con; năm thứ hai dài khoảng 20,6 cm và nặng khoảng 0,7 - 1 kg/con; năm thứ ba dài khoảng 30,2 cm và nặng 1 - 1,5 kg/con.
Tốc độ tăng trưởng và phân chia tế bào có thể không giống nhau ở các bộ phận khác nhau và tùy thuộc giai đoạn sinh trưởng của cơ thể. Sự sinh trưởng có thể chậm lại hoặc ngừng khi cơ thể đạt đến kích thước tối đa.
2. Các dấu hiệu đặc trưng của phát triển
Dấu hiệu đặc trưng của phát triển ở sinh vật là phân hóa tế bào, phát sinh hình thái và thay đổi chức năng sinh lí của cơ thể. Sự phát triển của cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể có thời điểm bắt đầu và tốc độ khác nhau tùy theo từng giai đoạn.
Ví dụ: ở động vật có vú, trong giai đoạn bào thai, xương đầu phát triển nhanh, sau đó xương lưng phát triển nhanh.
Quá trình phát triển được điều hòa bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài cơ thể.
III. Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển
Sinh trưởng và phát triển có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Sinh trưởng tạo tiền đề cho phát triển và ngược lại, phát triển là điều kiện thúc đẩy sự sinh trưởng.
Ví dụ quá trình sinh trưởng và phát triển ở ếch:
- Tuần đầu tiên sau khi nở ra, nòng nọc chỉ có miệng, mang và đuôi.
- Khoảng 4 - 5 tuần tuổi, nòng nọc mọc răng, rụng mang, mọc chân và hệ tiêu hóa phát triển phức tạp hơn.
- Khoảng 12 tuần sau khi nở, nòng nọc phát triển thành ếch con có thể bắt đầu thoát ra khỏi nước, thở bằng da và phổi.
- Ba năm tiếp theo, chúng trưởng thành về mặt giới tính và có thể sinh sản.
IV. Vòng đời và tuổi thọ
1. Khái niệm vòng đời và tuổi thọ
Vòng đời (chu kì sống) là quá trình lặp lại theo trình tự nhất định các thay đổi mà một cá thể sinh vật phải trải qua, bắt đầu từ khi được sinh ra cho đến các giai đoạn sinh trưởng, phát triển đến cơ thể trưởng thành, có thể sinh sản rồi chết.
Tuổi thọ được hiểu theo hai nghĩa: tuổi thọ của loài sống theo lí thuyết được tính từ khi sinh ra cho đến khi chết vì già (gọi là tuổi thọ sinh lí); tuổi thọ của loài được tính từ khi sinh ra cho đến khi chết, mỗi cá thể chịu tác động khác nhau của các nhân tố sinh thái (gọi là tuổi sinh thái).
Ví dụ: ve sầu có thể trải qua nhiều năm ở dạng nhộng. Nhộng nằm ở hang dưới đất để hút nhựa cây trước khi lột xác và chui ra khỏi hang khi trưởng thành để giao phối và đẻ trứng. Ve sầu trưởng thành chết sau khoảng 4 - 6 tuần.
Giới hạn tuổi thọ của mỗi loài được xác định bởi tính di truyền, do đó mỗi loài không thể sống được quá giới hạn tối đa đó ngay cả khi có những điều kiện thuận lợi nhất.
2. Một số ứng dụng hiểu biết về vòng đời trong thực tiễn
Vận dụng hiểu biết về vòng đời của cây trồng, vật nuôi để có các biện pháp nuôi trồng, chăm sóc và khai thác sản phẩm phù hợp từng giai đoạn trong vòng đời để thu được hiệu quả cao nhất.
Ví dụ: cây rau cải trải qua các giai đoạn hạt nảy mầm, cây mầm, cây non, cây trưởng thành, cây già rồi chết. Khi trồng rau cải cần bổ sung nước, dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn, thu hoạch rau ở cuối giai đoạn cây non.
Vận dụng hiểu biết về vòng đời của sinh vật gây hại sẽ giúp thực hiện các biện pháp tiêu diệt có hiệu quả.
Ví dụ: thực hiện biện pháp loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng để diệt ấu trùng muỗi hiệu quả.
Vận dụng hiểu biết về vòng đời của sinh vật để lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp nhất.
Ví dụ: khi trồng lúa nước, giai đoạn mạ cần tưới đủ nước, giai đoạn làm đòng lúa cần nhiều nước để tạo hạt, giai đoạn lúa chín vàng (khoảng 7 - 10 ngày trước khi thu hoạch) cần tháo cạn nước trong ruộng.
3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người
Tuổi thọ của con người phụ thuộc rất lớn vào yếu tố di truyền và yếu tố môi trường sống. Những yếu tố môi trường bao gồm: chế độ ăn uống, tập luyện, trạng thái tâm lí, chế độ làm việc và nghỉ ngơi, bệnh tật,...
Ví dụ: lạm dụng rượu, bia, chất kích thích ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật và giảm tuổi thọ con người.
1. Sinh trưởng là quá trình tăng kích thước và khối lượng cơ thể theo thời gian.
2. Phát triển là toàn bộ những biến đổi diễn ra trong chu kì sống của cá thể, bao gồm 3 quá trình: sinh trưởng, phân hoá tế bào và phát sinh hình thái cơ quan, cơ thể. Ba quá trình này có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau và đan xen với nhau.
3. Vòng đời là quá trình lặp lại theo trình tự nhất định các thay đổi mà một cá thể sinh vật phải trải qua, bắt đầu từ khi sinh ra, lớn lên và phát triển thành cơ thể trưởng thành, sinh sản, già đi rồi chết.
4. Tuổi thọ của sinh vật là thời gian sống của một loài sinh vật hoặc con người.
5. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của sinh vật và con người.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây