Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Dinh dưỡng và tiêu hóa ở động vật SVIP
I. Khái quát về quá trình dinh dưỡng
Động vật là các sinh vật dị dưỡng, chúng chỉ có thể tồn tại và phát triển nhờ lấy các chất dinh dưỡng từ môi trường bên ngoài dưới dạng thức ăn.
Quá trình dinh dưỡng gồm các giai đoạn:
- Lấy thức ăn: Động vật có thể lấy thức ăn từ môi trường sống theo kiểu lọc, hút và ăn thức ăn rắn.
- Tiêu hóa thức ăn: Là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có kích thước lớn, cấu tạo phức tạp thành các phân tử nhỏ, đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
- Hấp thu: Là quá trình các chất dinh dưỡng từ cơ quan tiêu hóa di chuyển vào cơ thể.
- Đồng hóa: Sau khi được hấp thu, các chất dinh dưỡng được hệ tuần hoàn vận chuyển đến các tế bào trong cơ thể và được đồng hóa thành các chất hữu cơ phức tạp, tạo nên cấu trúc mô, cơ quan của cơ thể, tích luỹ năng lượng cần thiết cho các hoạt động sống.
- Thải chất cặn bã: Thức ăn không tiêu hóa được và không hấp thu bị thải ra khỏi cơ thể dưới dạng phân.
II. Các hình thức tiêu hóa ở động vật
1. Tiêu hóa ở động vật chưa có hệ tiêu hóa
Ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa như: Động vật thuộc ngành Động vật hình tấm, Thân lỗ,... quá trình tiêu hóa là tiêu hóa nội bào (tiêu hóa bên trong tế bào).
2. Tiêu hóa ở động vật có túi tiêu hóa
Ở động vật có túi tiêu hóa như ngành: Ruột khoang, Giun dẹp,... quá trình tiêu hóa là tiêu hóa ngoại bào kết hợp với tiêu hóa nội bào.
Túi tiêu hóa có dạng hình túi, được cấu tạo từ nhiều tế bào. Túi tiêu hóa có một lỗ thông duy nhất (lỗ miệng) vừa là nơi thức ăn đi vào vừa là nơi thoát các chất thải ra ngoài. Trên thành túi có nhiều tế bào tiết enzyme tiêu hóa vào lòng túi để biến đổi thức ăn thành các mảnh nhỏ và được hấp thụ qua màng tế bào. Trong tế bào, các mảnh nhỏ được chuyển hóa thành những thành phần chất riêng của tế bào trong cơ thể, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của cơ thể.
3. Tiêu hóa ở động vật có ống tiêu hóa
Nhiều loài động vật không xương sống và động vật có xương sống có ống tiêu hóa. Ống tiêu hóa được hình thành từ nhiều cơ quan khác nhau. Thức ăn chủ yếu được tiêu hóa ngoại bào thông qua.
- Tiêu hóa cơ học: Là các động tác như cắn, xé, nhai, nghiền thức ăn của miệng; sự co bóp của dạ dày; các nhu động ruột làm cho thức ăn được phân nhỏ, thấm đều với dịch tiêu hóa vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu hóa hóa học thức ăn, vừa vận chuyển thức ăn đi dọc theo ống tiêu hóa.
- Tiêu hóa hóa học: Là tác động của các enzyme có trong dịch tiêu hóa (do các tuyến tiêu hóa tiết ra) để phân giải các hợp chất hữu cơ phức tạp trong thức ăn thành những hợp chất đơn giản để cơ thể có thể hấp thụ.
- Tiêu hóa vi sinh vật: Là nhờ các tác động của vi sinh vật hữu ích có trong dạ dày (tiêu hóa vi sinh vật trong dạ cỏ ở động vật nhai lại) hoặc ruột (hoạt động của vi sinh vật trong ruột già) để tiêu hóa thức ăn.
Tuỳ thuộc vào các loại thức ăn khác nhau mà cấu tạo của hệ tiêu hóa và quá trình tiêu hóa ở các loài thuộc các nhóm động vật là khác nhau.
- Ở động vật ăn thực vật nhai lại, thức ăn từ miệng đi đến thực quản và dạ dày. Dạ dày của động vật nhai lại được chia làm bốn ngăn: Dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách, dạ múi khế. Thức ăn được tiêu hóa cơ học và tiêu hóa vi sinh vật tại dạ cỏ, sau đó được tiêu hóa hóa học tại dạ múi khế và ruột.
- Ở chim ăn hạt và gia cầm, thức ăn từ miệng được chuyển xuống diều, dạ dày tuyến và dạ dày cơ. Dạ dày tuyến tiết dịch tiêu hóa, dạ dày cơ nghiền nát thức ăn đã thấm dịch vị tiêu hóa từ dạ dày tuyến. Thức ăn sẽ được biến đổi một phần sau đó chuyển xuống ruột.
- Ở nhóm động vật ăn thịt (hổ, sư tử, mèo,...) và động vật ăn tạp, quá trình tiêu hóa gần giống nhau gồm tiêu hóa cơ học, tiêu hóa hóa học và tiêu hóa vi sinh vật, tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt về cấu tạo răng và độ dài ruột để thích nghi với chế độ ăn.
III. Chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa
1. Vai trò của thực phẩm sạch
Thực phẩm sạch là thực phẩm không chứa chất độc hại, tạp chất, vi sinh vật gây bệnh, đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe con người.
2. Xây dựng chế độ ăn hợp lí
Chế độ ăn hợp lí là một chế độ ăn cân bằng nhằm cung cấp những dưỡng chất cần thiết để có được sức khỏe tốt; có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho con người và phòng chống các loại bệnh tật. Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lí, cần thực hiện chế độ ăn như sau:
- Ăn theo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể và phù hợp với từng đối tượng.
- Chế độ ăn phải đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
- Các chất dinh dưỡng cần thiết ở tỉ lệ cân đối, thích hợp (cân đối giữa các yếu tố sinh năng lượng như protein, carbohydrate, lipid; cân đối về vitamin, chất khoáng).
- Phù hợp với điều kiện kinh tế của từng gia đình và thực tế địa phương.
- Thức ăn phải đảm bảo sạch, không gây bệnh.
3. Các bệnh về tiêu hóa và cách phòng tránh
Ống tiêu hóa là nơi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn được đưa vào từ môi trường, thường xuyên chịu tác động của các tác nhân gây nguy hiểm như vi khuẩn, các chất độc hại,... Ngoài ra, do cách ăn uống, chế độ dinh dưỡng có thể dẫn đến một số bệnh về tiêu hóa như: Loét dạ dày và loét tá tràng, tiêu chảy, ung thư đại tràng và trực tràng, viêm gan,...
Một số biện pháp bảo vệ hệ tiêu hóa và phòng tránh các bệnh về tiêu hóa:
- Vệ sinh răng miệng đúng cách sau khi ăn để bảo vệ răng và các cơ quan khác trong khoang miệng.
- Ăn uống hợp vệ sinh, tránh các tác nhân gây hại cho cơ quan tiêu hóa.
- Thiết lập khẩu phần ăn hợp lí để đảm bảo đủ dinh dưỡng và tránh cho các cơ quan tiêu hóa phải làm việc quá sức.
- Ăn chậm, nhai kĩ; ăn đúng giờ, đúng bữa, hợp khẩu vị; tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái khi ăn; sau khi ăn cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lí để sự tiêu hóa đạt hiệu quả.
1. Quá trình dinh dưỡng gồm: Lấy thức ăn, tiêu hóa, hấp thụ, đồng hóa và đào thải các chất.
2. Tiêu hóa nội bào là quá trình biến đổi thức ăn xảy ra bên trong tế bào, tiêu hóa ngoại bào là quá trình biến đổi thức ăn xảy ra bên ngoài tế bào.
- Ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa nội bào.
- Ở động vật có túi tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào kết hợp với tiêu hóa nội bào.
- Ở động vật có ống tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào.
3. Thực phẩm sạch là thực phẩm không chứa chất độc hại, tạp chất, vi sinh vật gây bệnh, đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe con người. Thực phẩm sạch cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng, cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể phát triển, tăng sức đề kháng, tránh bệnh tật.
4. Nhu cầu dinh dưỡng của từng người không giống nhau, tùy thuộc vào giới tính, lứa tuổi và trạng thái sinh lí của cơ thể. Cần xây dựng chế độ ăn hợp lí để đảm bảo cho cơ thể sinh trưởng, phát triển và hoạt động bình thường.
5. Có nhiều tác nhân khác nhau như vi sinh vật gây bệnh, các chất độc hại trong thức ăn, đồ uống và ăn không đúng cách là nguyên nhân gây bệnh cho hệ tiêu hóa. Cần phải hình thành thói quen ăn uống hợp vệ sinh, khẩu phần ăn hợp lí, ăn uống đúng cách và vệ sinh răng miệng để phòng các bệnh về tiêu hóa.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây