Đề thi tỉnh Thanh Hóa
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2016 – 2017
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian: 120 phút, không kể thời gian giao đề
Ngày thi: 17/06/2016
Đề có 01 trang, gồm 03 câu
Đề A
Câu 1 (2,0 điểm)
a. Từ “tay” trong những câu thơ sau đây được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển?
- Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
(Chính Hữu, Đồng chí)
- Cũng nhà hành viện xưa nay,
Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
b. Tìm thành phần biệt lập trong đoạn trích sau và cho biết đó là thành phần biệt lập gì?
Tim tôi cũng đập không rõ. Dường như vật duy nhất vẫn bình tĩnh, phớt lờ mọi biến động chung là chiếc kim đồng hồ.
(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)
c. Thành ngữ Khua môi múa mép có liên quan đến phương châm hội thoại nào?
Câu 2 ( 3,0 điểm):
Trong bài thơ Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy viết:
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
Câu thơ trên gợi cho em suy nghĩ gì về tình yêu và lòng biết ơn mẹ? (Bài viết khoảng 30 dòng)
Câu 3 (5,0 điểm):
Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long (SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2015)
---HẾT---
Câu | Ý | Nội dung |
1 | a | Câu 1: Tay: một bộ phận trên cơ thể người -> nghĩa gốc. Câu 2: Tay: chỉ người -> nghĩa chuyển. |
| b | Thành phần biệt lập tình thái: dường như. |
| c | Thành ngữ “Khua môi múa mép” (ba hoa, nói hay, nhưng không thực tế) liên quan đến phương châm hội thoại về chất |
2 | 2.1 | Giải thích - Hai câu thơ trên trích trong bài thơ “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy, nói về tình yêu và lòng biết ơn của con dành cho mẹ. - Ý nghĩa của hai câu thơ: Khẳng định công ơn to lớn của mẹ: + Nuôi nấng, chăm sóc con bằng những điều tốt đẹp, tinh túy nhất “Sữa nuôi phần xác”. + Dạy dỗ con về đạo lí làm người ngay từ thuở lọt lòng, cho con biết những điều hay lẽ phải, nuôi dưỡng tâm hồn con: “mẹ ru cái lẽ ở đời”, “hát nuôi phần hồn” =>Hai câu thơ ngắn gọn, vẻn vẹn 14 chữ nhưng đã nói lên tất cả lòng biết ơn của con dành cho mẹ. Đó là một biểu hiện cao quý của tình mẫu tử. |
| 2.2 | Phân tích, bàn luận a.Tại sao phải yêu thương, biết ơn mẹ - Mẹ là người gắn bó với ta nhất từ khi ta còn là một giọt máu lớn lên từ trong lòng mẹ. Công đức sinh thành của mẹ với chín chữ cù lao không thể đong đếm hết. - Mẹ luôn hi sinh, yêu thương, làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con. Để con trưởng thành, lớn khôn, mẹ đã vất vả rất nhiều. - Dù sóng gió cuộc đời có khắc nghiệt như thế nào, vòng tay mẹ vẫn luôn đón con trở về sau bao vấp ngã. Có mẹ là có hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời. Ngôi nhà có mẹ là ngôi nhà có tất cả yêu thương. - Biết ơn mẹ để tự hứa làm những điều xứng đáng với tình yêu, sự quan tâm, chăm sóc, hi sinh của mẹ. b. Yêu thương, biết ơn mẹ, chúng ta cần làm gì? - Vâng lời mẹ, không có hành động sai trái, cãi lời, làm cho mẹ buồn, lo lắng. - Luôn quan tâm, chăm sóc mẹ từ những điều nhỏ nhất. Tình yêu thiết thực nhất là thể hiện bằng hành động, luôn miệng nói “con yêu mẹ” mà không chứng minh được thì chỉ là nói suông. Đơn giản như một cốc nước khi mẹ mệt cũng đủ làm cho mẹ ấm lòng, hạnh phúc. - Thấu hiểu những hi sinh của mẹ dành cho con. Con có thể không nói ra nhưng con biết ơn những gì mẹ làm cho con, con phải học tập tốt để mẹ không buồn lòng. - Con trở thành người có ích cho xã hội là thành công lớn nhất trong cuộc đời mẹ. Mẹ không cần con làm điều gì cho mẹ, mẹ chỉ cần con sống tốt, nhân cách tốt. - Khi cha mẹ ốm yếu, khi tuổi già đến, con chăm sóc, nâng niu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, chăm sóc yêu thương mẹ với tất cả tình thương yêu như mẹ đã làm với ta trong cả cuộc đời. c. Mở rộng - Ngoài tình yêu thương, biết ơn mẹ, còn phải dành tình cảm đó cho cha, cho những người thân trong gia đình và mọi người. Mỗi người ta gặp trong cuộc đời đều là những tài sản vô giá. - Phê phán những kẻ bất hiếu. |
| 2.3 | Bài học và liên hệ bản thân - Yêu thương, trân trọng và biết ơn cha mẹ, em cần có những hành động, cụ thể, tích cực và bắt đầu ngay từ hôm nay. - Liên hệ bản thân |
3 | 3.1 | Giới thiệu chung - Tác giả: Nguyễn Thành Long (1925-1991), quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Ông viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp, là cây bút chuyên viết truyện ngán và kí. Thành công trong sáng tác của Nguyễn Thành Long không phải ở khai thác tình huống dữ dội mà là sự nhẹ nhàng, trong trẻo, thấm đẫm chất trữ tình. - Tác phẩm: “Lặng lẽ Sa Pa” sáng tác năm 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai, in trong tập “Giữa trong xanh” (1972), là một trong những tác phẩm thành công của ông. - Truyện xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên với những vẻ đẹp tiêu biểu của người thanh niên Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. |
| 3.2 | Phân tích a. Công việc và hoàn cảnh sống - Anh sống và làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn, quanh năm giữa cỏ cây, mây mù lạnh lẽo. Anh làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Cụ thể là đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết. Xung quanh anh chỉ là máy móc và cây rừng. Anh có bốn ca: 4 giờ, 11 giờ, 7 giờ tối, 1 giờ sáng. Tính chất công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác, đặc biệt là làm việc lúc 1 giờ sáng, có mưa gió, bão tuyết. - Hoàn cảnh sống đặc biệt. Cái khó khăn lớn nhất là nỗi cô đơn vắng vẻ, quanh năm suốt tháng trên đỉnh núi cao. Anh thèm người đến độ có khi phải tự lăn cây ra chắn giữa đường để xe dừng lại, để được gặp mọi người một lát rồi lại tiếp tục công việc. b. Nhân vật anh thanh niên có nhiều phẩm chất đáng quý - Một thanh niên giàu nghị lực đã vượt qua hoàn cảnh sống bằng những suy nghĩ rất đẹp, giản dị mà sâu sắc. Anh quan niệm sống là cống hiến. Anh có ý thức về công việc, yêu nghề và thấy được ý nghĩa cao quý trong công việc: yên tâm với nghề khi biết mình đã đóng góp phần phát hiện kịp thời một đám mây khô nhờ đó “không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mỹ trên cầu Hàm Rồng”; suy nghĩ: ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được. - Một người hiếu khách, cởi mở, chân tình: + Với bác tài xế xe khách: có tình cảm thân thiết, chuyến nào chạy lên, bác đều ghé lại trạm khí tượng để người thanh niên gặp gỡ, trò chuyện; anh tìm và tặng củ tam thất cho vợ bác lãi xe đang bị ốm. + Với ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ mới gặp lần đầu: hiếu khách, vui mừng, ân cần mời hai người lên nhà, cắt hoa tặng cô gái, dẫn khách đi thăm vườn khí tượng, giới thiệu các loại máy móc, kể công việc hàng ngày của mình, pha trà ngon đãi khách, giãi bày tâm sự tự nhiên, chân thành. Đến khi chia tay, anh xúc động đến nỗi phải quay mặt đi và không dám tiễn khách ra xe dù chưa đến giờ “ốp”, và có lẽ để che giấu cái e ấp, xao xuyến, bang khuâng của hai người con gái con trai mới gặp nhau đột ngột, quý mến nhau rồi chia tay nhau ngay, bởi biết là không bao giờ gặp nhau nữa. + Khiêm tốn, thành thật: Trong suy nghĩ, anh luôn cho rằng những đóng góp của mình là nhỏ bé. Anh có ba mươi phút để nói chuyện nhưng chỉ nói về mình trong năm phút. Khi ông họa sĩ muốn vẽ bức chân dung về những con người có đóng góp, anh lại giới thiệu những người khác, đó là anh kĩ sư vườn rau dưới Sa Pa ngày ngày chỉ biết trong vườn su hào rình xem cách bướm thụ phấn, lấy phấn. Ông có công làm cho củ su hào miền Bắc nước ta to hơn, ngọt hơn trước.Rồi cả đồng chí khoa học lúc nào cũng trong tư thế chờ sét. Anh kể về những dồng nghiệp của mình với thái độ say sưa. - Một người thanh niên có đời sống tâm hồn trẻ trung, phong phú và lành mạnh: + Anh thích giao lưu, gặp gỡ đến mức thèm người. + Anh tự tạo niềm vui trong sáng, lành mạnh: Trồng hoa, đọc sách, chăn nuôi. Anh còn có sách làm bạn. Anh rất ham đọc sách, bác lái xe đọc sách, anh mừng quýnh. Lúc nào anh cũng có người trò chuyện, đó là sách. Sách không chỉ là niềm vui, là người thân mà còn là một người thầy. + Anh sống ngăn nắp, gọn gang với một căn nhà ba gian sạch sẽ, với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách dù chỉ một mình. - Lí tưởng sáng ngời, anh nói với cô kĩ sư “Cũng đoàn viên phỏng”chứng tỏ sự đồng cảm về lí tưởng sống giữa hai người, những thanh niên ba sẵn sang trong kháng chiến chống Mỹ vào những năm 70 của thế kỉ XX. c. Tác động của anh thanh niên đến những người xung quanh - Anh làm cho những người tiếp xúc với mình cảm thấy khâm phục: Ông họa sĩ thấy “Người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá”. Nhọc là vì ông không biết làm thế nào để vẽ hết cái hồn của người thanh niên vào bức chân dung của mình. Còn cô kĩ sư cảm thấy bàng hoàng, làm cô hiểu thêm về cuộc sống một mình dung cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về cái thế giới của những người mà anh kể, và về cả con đường cô đang đi tới. - Chỉ bằng một số chi tiết và xuất hiện trong một thời gian ngắn, tác giả đã khắc họa chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tư tưởng, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, công việc. Đó là nét đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa, có lí tưởng đẹp, nghị lực, tinh thần trách nhiệm với công việc, tình yêu lao động, yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước. => Con người anh và những việc anh đang làm đã truyền cảm hứng, say mê công việc và niềm tin cho những người xung quanh. => Với nhân vật chính là anh thanh niên, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa man mác như một bài thơ. Bài thơ với âm hưởng ngợi ca những con người trong thời đại mới, những thanh niên hết lòng vì lí tưởng và chan chứa tình yêu quê hương đất nước. Đồng thời họ cũng rất gần gũi, giản dị, đời thường. Anh thanh niên là hình ảnh đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam những năm 70 của thế kỉ XX và cho tới ngày nay chúng ta vẫn phải học tập và noi theo. d. Nghệ thuật xây dựng nhân vật - Tạo tình huống gặp gỡ bất ngờ, thú vị. - Miêu tả nhân vật ở nhiều điểm nhìn khác nhau: ông họa sĩ, bác lái xe, cô kĩ sư trẻ. - Lời văn giản dị, tinh tế. |
| 3.3 | Tổng kết - Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật về tư tưởng, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuốc sống, công việc. Đó là nét đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa, có lí tưởng đẹp, nghị lực, tinh thần trách nhiệm với công việc và tình yêu lao động, yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước. - Rút ra bài học cho bản thân: + Sống có lí tưởng, có mục đích, cống hiến hết mình cho lí tưởng đó. + Sống giản dị, cởi mở, chân thành với mọi người. + Luôn giữ tinh thần lạc quan, yêu đời trong mọi hoàn cảnh. |