Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 8 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
ĐỒNG VỌNG NGƯỢC CHIỀU
Theo cái gậy tre dò đường, bà lão rờ rẫm tưng bước về phía cửa ga.
Bà đi như người tập làm xiếc trên dây. Chiếc nón lá rách lướp tướp, từ bàn tay gầy guộc, lẩy bẩy của bà huơ đi huơ lại, không lúc nào yên.
Dừng lại bên đống rác lớn, bà lão bắt đầu van vỉ:
- Cháu lạy các ông các bà…Cháu mù loà già cả…Cháu xin các ông bà nhón tay làm phúc…
Không một hồi âm, ngoài tiếng vo ve của mấy con nhặng xanh đang tranh ăn trên một chiếc lá bánh. Một con chuột ngày trơ tráo bò lên bàn chân bà lão. Bà sững người. Khuôn mặt loé lên một tia sáng mỏng. Nhưng ngay sau đó, cặp mắt nặng trĩu, ầng ẫng nước của bà tối sầm lại.
Bà lão tiếp tục van vỉ. Vẫn điệp khúc cũ. Nhưng càng về sau càng thống thiết, não nề. Những câu nói rời rạc, như tự chảy ra từ khuôn mặt dúm dó, xệch xạc của bà.
Cái nón vẫn trống huếch. Một tia nắng lọt qua cái chóp thủng, xiên thẳng xuống đất, như đóng đinh bà lão xuống nền đường.
*
Nằm dưới gốc cây sấu già, bé Chi thiu thiu ngủ. Nó gối đầu trên cái túi dúm dó, khâu bằng bốn, năm loại vải cũ, sờn. Một cái bát sắt hoen gỉ, thủng đáy, nằm lăn lóc bên cạnh. Bộ ngực gầy trơ xương của con bé thắc thỏm dưới làn áo cáu bẩn, nhàu nát.
Từ sáng tới giờ chưa có chút gì trong bụng, nên bé Chi đói rũ người. Nó hy vọng giấc ngủ xua tan cái đói. Nhưng không thể được.
Mọi ngày vào tầm này, mèng ra nó cũng xin được đủ tiền mua hai cái bánh mì. Hôm nay xúi quẩy thế nào, chỉ được tờ hai trăm đồng mất góc.
Bỗng bé Chi giật thót người. Có một bàn chân nào đó giẫm lên người nó. Đang lúc đói mệt, bé Chi gầm lên:
- Mù à? Người ta nằm thế mà giẫm lên!
- Bà mù… Mù thật cháu ạ! Thôi, bà đã trót… Cho bà xin!
Lặng đi một lát, bé Chi đưa hai tay sờ mắt mình. Từ hai hốc mắt của nó, những giọt nước mắt mặn chát, rỉ ra. Nó ngập ngừng:
- Cháu... cháu xin lỗi bà! Cháu không biết là bà như thế…
Bà lão ngúc ngắc đầu như thể chấp nhận, rồi tiếp tục đi về phía có tiếng đông người. Vừa đi và lại vừa lẩm nhẩm:
- Cháu lạy các ông các bà… Cháu xin các ông bà nhón tay làm phúc… thương kẻ mù loà, khốn khổ này!
Ngẫm ngợi điều gì đó lung lắm, bé Chi lấy trong túi áo ra tờ giấy bạc hai trăm đồng mất góc, quả quyết:
- Bà ơi!… Cháu bảo này!
Bà lão dừng ngay lại. Bà nhận ra người gọi mình chính là con bé bà vừa nói chuyện. Linh cảm mách bảo bà sẽ gặp may.
- Bà ơi! Cháu… cháu biếu bà!
Khuôn mặt lộ vẻ vui mừng, bà lão chậm chạp quay trở lại, rồi chìa nón về phía gốc cây chờ đợi.
Đúng khoảnh khắc ấy, một cơn gió nhẹ ào qua. Từ trên cây sấu già, những phiến lá khô rơi xuống, khẽ khàng, đúng vào cái nón của bào lão.
Ngỡ con bé thả tiền vào nón, bà lão đưa tay quờ đi quờ lại. Một cái nhíu mày xéo ngang vừng trán nhăn nheo. Bà lão buồn bã đi tiếp về phía cửa ga. Vừa đi bà vừa thầm rủa:
- Bố con nhà mất dạy… Lừa cả người già… Rồi giời sẽ bắt tội đấy con ạ!
Ngồi ở gốc cây, bé Chi vẫn chìa đồng bạc về phía trước, vẻ thành tâm. Chờ mãi, không thấy bà lão nhận tiền, nó đứng phắt dậy thảng thốt gọi:
- Bà ơi! Cháu xin biếu bà! Thực đấy mà!
Không ai trả lời con bé. Nó đưa tay quờ quạng quanh mình. Bàn tay nó chạm phải thân cây sấu già, thô nhám.
Nhét tờ bạc vào túi áo, một tay cầm túi, một tay chống gậy, con bé mù thập thững tìm đường.
Lúc ấy là mười hai giờ trưa. Nắng mùa hạ chói chang, in hình bé Chi xuống nền đường, tròn như đồng tiền vàng.
(Lã Thế Khanh, theo vntrungtam.info)
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản Đồng vọng ngược chiều.
Câu 2. Xác định ngôi kể được tác giả sử dụng trong văn bản. Chỉ ra một câu văn thể hiện ngôi kể đó.
Câu 3. Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong câu văn sau: "Một tia nắng lọt qua cái chóp thủng, xiên thẳng xuống đất, như đóng đinh bà lão xuống nền đường."
Câu 4. Nhan đề của văn bản có ý nghĩa gì?
Câu 5. Qua văn bản, tác giả thể hiện tư tưởng, thông điệp gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Văn bản Đồng vọng ngược chiều được viết theo thể loại truyện ngắn.
Câu 2.
- Trong văn bản, tác giả sử dụng ngôi kể thứ ba.
- HS có thể chọn câu văn bất kì, sao cho câu văn đó thể hiện ngôi kể thứ ba. Ví dụ như:
+ Theo cái gậy tre dò đường, bà lão rờ rẫm tưng bước về phía cửa ga.
+ Bà lão tiếp tục van vỉ.
+ Lặng đi một lát, bé Chi đưa hai tay sờ mắt mình.
Câu 3.
Trong câu văn "Một tia nắng lọt qua cái chóp thủng, xiên thẳng xuống đất, như đóng đinh bà lão xuống nền đường.", tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh "như đóng đinh bà lão xuống nền đường", có tác dụng khắc họa chân thực hoàn cảnh đáng thương, đầy xót xa của bà lão nghèo, mù lòa.
Câu 4.
- HS đưa ra những diễn giải cá nhân về nhan đề của văn bản, sao cho phù hợp.
- Nhan đề "Đồng vọng ngược chiều" được cấu thành từ hai cụm từ trái nghĩa "đồng vọng" (cùng hướng/ vọng về một hướng) và "ngược chiều". Sự kết hợp này tuy xét về nghĩa vô cùng lạ lùng, gây tò mò cho người đọc, nhưng gắn với văn bản, nó lại gợi lên rất sâu sắc, chân thực hoàn cảnh của hai nhân vật bà lão mù và bé Chi (cũng bị mù). Hai con người, hai số phận mù lòa, nghèo khó, đáng thương cùng hướng về nhau nhưng lại chẳng chạm được tới nhau. Bà lão mù vì hiểu lầm mà mắng bé Chi rồi bỏ đi, còn con bé cứ mong chờ bà lão nhận lấy chút tấm lòng của nó, song cũng đành thất vọng. Thế nên, các nhân vật dù cùng hướng về nhau mà lại đậm sự chua xót, day dứt đến lạ kì.
Câu 5.
- HS đưa ra những lí giải riêng về tư tưởng và thông điệp của văn bản thân, sao cho phù hợp.
- Qua văn bản, tác giả thể hiện sự đồng cảm, xót thương cho những kiếp người nhỏ bé, đáng thương, bơ vơ, không có được sự chở che, chăm sóc. Đồng thời, tác giả cũng ngợi ca tấm lòng chân thành, tốt bụng của bé Chi khi biết chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình dẫu bản thân em cũng đang phải chịu đói, chịu khổ. Từ tư tưởng ấy, tác giả muốn gửi gắm thông điệp: Hãy biết yêu thương, trân trọng, chở che, săn sóc cho những con người nhỏ bé, đáng thương trong cuộc sống.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích bài thơ haiku sau đây.
Mưa mùa xuân reo
một em gái nhỏ
dạy con mèo múa theo
(Kobayashi Issa)
Câu 2. (4 điểm)
Hiện nay, nhiều bạn trẻ có lối sống "nước đến chân mới nhảy" trong cả cuộc sống thường ngày, lẫn học tập và công việc. Điều này đã hình thành ở giới trẻ thói lề mề, không biết quý trọng thời gian hay sắp xếp công việc hợp lí. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục người thân của em từ bỏ thói quen này.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích bài thơ haiku của Kobayashi Isso.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về hình thức:
~ Chú ý phân tích về thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, cách tổ chức nhịp điệu, nhạc điệu, cách liên kết mạch cảm xúc và hình ảnh thơ.
~ Phân tích hình tượng nhân vật trữ tình trong bài thơ: cô gái nhỏ dạy con mèo múa theo trong không gian mưa mùa xuân "reo". Khung cảnh ấy gợi lên sự giao hòa, giao cảm giữa con người và tự nhiên, tạo nên một cảnh đẹp bình dị, ấm áp.
+ Về nội dung: bài thơ nói lên sự giao hòa, giao cảm của con người với thiên nhiên, qua đó làm nổi bật lên sự hài hòa giữa con người và cảnh vật trong một trạng thái minh mẫn và nhạy cảm.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thuyết phục người thân từ bỏ thói quen lề mề.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Biểu hiện của thói lề mề trong cuộc sống hằng ngày: bài tập về nhà sát ngày mới làm, việc nhà để người thân nhắc nhở mãi mới chịu làm, công việc trì hoãn mãi mới thực hiện,...
+ Hệ quả: công việc trễ nải, không đạt hiệu quả cao; đánh mất niềm tin, sự yêu mến của mọi người xung quanh...
+ Biện pháp khắc phục: khuyên răn để người thân hiểu, cùng đồng hành để thay đổi người thân của mình.
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.