Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 2 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5:
Con hãy quen và con hãy yêu
Mỗi góc phố, mỗi căn nhà chật hẹp
Những ngăn gác, cầu thang lên cót két
Những vỉa hè gạch cũ, guốc khua vang...
Nơi thiên tài nhân dân từng lớn lên ở đó
Cho mắt con đầy ánh sáng Việt Nam!
Thành phố suốt đời con qua chẳng hết
Chưa phải rộng mênh mông mà sâu đến không cùng!
Con đi giữa mọi sắc màu bất diệt
Mà nhẹ nhàng, thành phố cứ lâng lâng!
Con lớn lên. Đời sẽ rộng dài hơn
Sẽ sung sướng hơn thời lên một tuổi!
Nhưng có thể có gì so sánh nổi
Với mọi điều cha đang ước cho con?...
(Bằng Việt, Viết cho con mùa xuân thứ nhất, thivien.net)
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.
Câu 2. Đoạn trích là lời của ai nói với ai?
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung của những dòng thơ sau?
Con lớn lên. Đời sẽ rộng dài hơn
Sẽ sung sướng hơn thời lên một tuổi!
Câu 4. Chỉ ra một biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:
Con hãy quen và con hãy yêu
Mỗi góc phố, mỗi căn nhà chật hẹp
Những ngăn gác, cầu thang lên cót két
Những vỉa hè gạch cũ, guốc khua vang...
Nơi thiên tài nhân dân từng lớn lên ở đó
Cho mắt con đầy ánh sáng Việt Nam!
Câu 5. Anh/Chị rút ra được thông điệp gì cho bản thân từ đoạn trích trên?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Thể thơ của đoạn trích: tự do.
Câu 2. Đoạn trích là lời của người cha nói với người con.
Câu 3. Thí sinh nêu được cách hiểu của bản thân về các dòng thơ đã cho. Tham khảo: những dòng thơ khẳng định rằng khi con lớn lên, cuộc đời sẽ có thêm nhiều mối bận tâm, có thêm nhiều điều mới mẻ, tuyệt vời mở ra trước mắt con.
Câu 4. Thí sinh chỉ ra được cụ thể biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và nêu được tác dụng của biện pháp tu từ đó.
Tham khảo: biện pháp tu từ liệt kê:
Mỗi góc phố, mỗi căn nhà chật hẹp
Những ngăn gác, cầu thang lên cót két
Những vỉa hè gạch cũ, guốc khua vang...
Tác dụng:
- Giúp đoạn thơ trở nên gợi hình, gợi cảm hơn.
- Chỉ ra cụ thể những nơi, những sự vật mà người cha muốn con trân trọng, yêu quý.
- Gửi gắm tình yêu thương của người cha dành cho người con; gửi gắm ước mong con sẽ biết yêu quê hương, đất nước của người cha.
Câu 5. Thí sinh nêu được thông điệp bản thân rút ra từ đoạn trích. Tham khảo:
- Biết yêu quê hương, đất nước.
- Biết trân trọng, biết ơn đấng sinh thành luôn lo nghĩ, nỗ lực nuôi dạy con cái.
II. PHẦN VIẾT (6.0 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận về hình ảnh con sông trong đoạn thơ sau:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Toả nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
(Tế Hanh, Nhớ con sông quê hương, thivien.net)
Câu 2. Viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết phục người khác từ bỏ thói quen lạm dụng mạng xã hội.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng:
- Yêu cầu về hình thức: đoạn văn.
- Dung lượng: 200 chữ.
Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: cảm nhận về hình ảnh con sông trong bài thơ Nhớ con sông quê hương (Tế Hanh).
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
- Gợi ý:
+ Con sông được miêu tả với vẻ đẹp trong trẻo: xanh biếc, nước trong vắt, hai bên bờ là hàng tre soi bóng, lòng sông lấp loáng nắng.
+ Con sông gắn với kỉ niệm tuổi thơ và in sâu trong tâm trí của "tôi" trong suốt cuộc đời dài rộng.
+ Nghệ thuật miêu tả con sông: hình ảnh thơ giản dị nhưng giàu tính biểu cảm, giọng thơ tha thiết, biện pháp tu từ nhân hóa, câu hỏi tu từ,...
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: khuyên người khác từ bỏ thói quen lạm dụng mạng xã hội.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Nêu thói quen cần thuyết phục người khác bỏ; lí do hay mục đích viết bài luận.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Nêu thực trạng, tác hại của thói quen lạm dụng mạng xã hội.
+ Nêu lợi ích của việc từ bỏ thói quen lạm dụng mạng xã hội.
+ Nêu giải pháp khả thi đối với việc từ bỏ thói quen lạm dụng mạng xã hội.
* Khẳng định lợi ích của việc từ bỏ thói quen lạm dụng mạng xã hội. Thể hiện niềm tin vào sự cố gắng hay hi vọng ở sự thành công của người được thuyết phục.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.