Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 2 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5:
Đã có lần con khóc giữa chiêm bao
Khi hình mẹ hiện về năm khốn khó
Đồng sau lụt, bờ đê sụt lở
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.
Anh em con chịu đói suốt ngày tròn
Trong chạng vạng ngồi co ro bậu cửa
Có gì nấu đâu mà nhóm lửa
Ngô hay khoai còn ở phía mẹ về…
Chiêm bao tan nước mắt dầm dề
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng
Dù tiếng lòng con chẳng thể nào vang vọng
Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.
(Trích Khóc giữa chiêm bao, Vương Trọng)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?
Câu 2. Những từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện năm khốn khó trong đoạn trích?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong hai dòng thơ sau:
Dù tiếng lòng con chẳng thể nào vang vọng
Tới vuông đất mẹ nằm lưng núi quê hương.
Câu 4. Anh/Chị hiểu nội dung dòng thơ sau như thế nào?
Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn.
Câu 5. Thông điệp tâm đắc nhất mà anh/chị rút ra từ đoạn trích trên là gì? Nêu lí do anh/chị lựa chọn thông điệp đó.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: biểu cảm.
Câu 2. Những từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện năm khốn khó trong đoạn trích: đồng sau lụt, bờ đê sụt lở, gánh gồng xộc xệch, chịu đói suốt ngày tròn, ngồi co ro, có gì nấu đâu, ngô hay khoai còn ở phía mẹ về.
Câu 3. Gợi ý:
- Biện pháp tu từ ẩn dụ/nói giảm nói tránh: vuông đất - chỉ nấm mồ của mẹ.
- Tác dụng: gợi hình ảnh cụ thể, làm giảm sự đau xót khi nhớ về người mẹ đã qua đời.
Câu 4. Cách hiểu nội dung dòng thơ: Mẹ gánh gồng xộc xệch hoàng hôn:
- Hình ảnh người mẹ nghèo khổ suốt đời, tần tảo, chịu thương chịu khó trong cuộc mưu sinh để nuôi con nên người.
- Biểu hiện tình cảm thương xót, kính trọng dành cho mẹ của nhà thơ.
Câu 5. Thí sinh tự chọn một thông điệp tâm đắc nhất qua đoạn thơ và trình bày lí do chọn thông điệp đó sao cho hợp lí, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý về thông điệp:
- Tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, xúc động nhất trong những tình cảm của con người.
- Cần biết trân trọng, yêu thương và biết ơn mẹ.
II. PHẦN VIẾT (6.0 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội trong đoạn thơ sau:
Thu Hà Nội
(Trích)
Se sẽ gió heo may, xào xạc lạnh
Lá vàng khô lùa trên phố bâng khuâng
Ta lặng lẽ một mình. Chiều nhạt nắng.
Nhớ người xa
Người xa nhớ ta chăng?...
Ôi! Hàng sấu vẫn còn đây quả sót
Rụng vu vơ một trái vàng ươm
Ta nhặt được cả chùm nắng hạ
Trong mùi hương trời đất dậy trên đường
(Hoàng Cát, Tuyển tập thơ Việt Nam, 1975 - 2000. tr.198-199, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001)
Câu 2. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn luận về sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI).
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng:
- Yêu cầu về hình thức: đoạn văn.
- Dung lượng: 200 chữ.
Học sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích vẻ đẹp của mùa thu được thể hiện trong đoạn trích Thu Hà Nội (Hoàng Cát).
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
- Gợi ý:
+ Mùa thu Hà Nội hiện lên với vẻ đẹp rất đặc trưng: thời tiết se se lạnh, lá vàng xào xạc, chút nắng vàng phảng phất lúc trời chiều, hương sấu chín vàng ươm,...
+ Nghệ thuật: liệt kê, câu hỏi tu từ, nhân hóa, đảo cấu trúc,...
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI).
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý phù hợp theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của người viết về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích vấn đề nghị luận.
+ Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau: sự phát triển như vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp cuộc sống của con người ngày càng tiện ích hơn, mới mẻ hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc,...; tuy nhiên, kéo theo đó, khi con người lạm dụng nó thì sẽ gây ra những tác hại như con người sống phụ thuộc, ỷ lại vào trí tuệ nhân tạo (AI),...
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:
- Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.