Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì II - Đề số 3 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Giữa người với người
Cuộc tình của em mẻ một miếng sau bữa bồ khoe ca trực tối qua có thằng trộm trâu bị đánh suýt chết, ngay lúc cấp cứu bồ kịp lấy điện thoại chụp cái ảnh thằng nhỏ nằm rúm ró tải ngay lên mạng xã hội, thiên hạ ào vô thích quá trời. Nhỏ em nghĩ bồ quên vai trò mình là y sĩ còn thằng nhỏ là bệnh nhân, nhưng sao có thể quên kẻ đang chịu đau đớn kia là một con người?
Chuyện đã cũ rồi, tình cũng thành tình cũ, nhưng em nói không bao giờ ghé lại ngôi nhà trên mạng của bồ, giờ cũng là một địa chỉ đông khách thăm. Em sợ lại gặp trên ấy gương mặt biến dạng của người phụ nữ bị chồng thiêu, bàn tay rụng đốt của một em bé bị bạo hành. Những con người buộc phải đến khoa cấp cứu trong tình trạng bên bờ sống chết, chỉ với điện thoại thông minh buộc vào mạng xã hội là thành một cần câu, anh y sĩ ung dung biến ca trực của mình thành buổi câu tín nóng hổi. "Và bằng mồi người", em nói, không cười.
Hai chữ "mồi người" thịnh hành khá lâu, lúc những trang báo lá cải bắt đầu câu người đọc bằng những tình duyên, đường cong, rãnh sâu của diễn viên người mẫu. Lần hồi cũng lạt miệng, mồi câu không còn móc vào giới phù hoa. Đầu năm những người bán bắp luộc chết giấc với tin nồi nước luộc có pin đèn, cuối năm giới hủ tiếu gõ sập tiệm với tin nước dùng chuột cống. Mẹ em nấu chè dừa non bán, hổm rày lo rầu sợ mở báo thấy đăng tin chè bưởi có thuốc rầy, chẳng hạn. Tai bay vạ gió, biết đâu chỉ vì một người bán chè nào đó ở cổng trường thấy một cậu học trò chửi thề ghê quá, bảo ban nó mấy câu, ai ngờ nó để bụng về tung lên mạng cái câu ăn chè bưởi ngộ độc thuốc trừ sâu. Những trang báo đói ngấu chộp lấy, năm giây sau cả nước biết tin, tẩy chay món chè của bà già.
Em hỏi chị bạ gì cũng đọc, có chuyện nào truyền thuyết nào về cái sự người không ngó thấy người, kiểu như truyền thuyết Babel giải thích rằng bởi vì chúa trời trừng phạt nên chúng ta không nghe và hiểu nhau. Đâu phải tự dưng mà lịch sử thế giới triền miên những cuộc chiến vì tôn giáo, sắc tộc, màu da, nhìn nhau chi để nhận diện giặc hay ta. Điện thoại thương hiệu Mỹ, Hàn, hoàn toàn không mắc mớ gì tới chén cơm của mình đâu mà vẫn tung tóe những lời nhiếc mắng trên diễn đàn công nghệ. Một vụ cướp tiền giữa ban ngày, người ta chỉ thấy giấy bạc bay mà không thấy nạn nhân. Hôi bia cũng vì chỉ thấy bia lăn lóc ra đường.
“Tụi mình cứ như bị lời nguyền.”, em nói. Biết đâu những bộ tộc trong rừng rậm châu Phi, họ đang lưu truyền một vài lời nguyền rằng người ta luôn bị che mất tầm nhìn bởi những bức tường vô hình, chọn bầy đàn này, nghĩa là chống lại bầy đàn khác, chọn tôn giáo này buộc phải miệt khinh người của tôn giáo khác. Đến và đi cùng lúc, trong cái cách người ta gần lại có ẩn chứa sự xa nhau.
Ngay cả mạng xã hội, thứ dùng để chia sẻ, cũng đi bên lằn ranh chia rẽ. Nó giúp em tìm lại rất nhiều bạn học cũ, tham gia những chuyến từ thiện, quen và yêu anh y sĩ đẹp trai. Nhưng mạng xã hội cũng góp tay cho đường ai nấy bước. Mẹ em tiếc thằng rể hụt, nói tao thấy nó hiền queo, có gì để chê đâu. Em cười cười. Thí dụ một người thấy cô gái trèo thành cầu để nhảy sông tự vẫn, anh ta đắn đo không biết nên giữ cô lại, hay cứ để cổ nhảy và ta chụp ảnh đem lên mạng hái hàng trăm cái tặc lưỡi xuýt xoa. Cái đắn đo ấy, dù là trong khoảnh khắc, cũng đáng sợ.
Đến đồ chơi mà cũng điều chỉnh được hành vi con người, làm cho tình người xao lãng, động vật cấp cao coi vậy mà dễ tổn thương.
(Nguyễn Ngọc Tư)
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2. Đề tài của văn bản này là gì?
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê được sử dụng trong đoạn trích sau:
Đầu năm những người bán bắp luộc chết giấc với tin nồi nước luộc có pin đèn, cuối năm giới hủ tiếu gõ sập tiệm với tin nước dùng chuột cống. Mẹ em nấu chè dừa non bán, hổm rày lo rầu sợ mở báo thấy đăng tin chè bưởi có thuốc rầy, chẳng hạn. Tai bay vạ gió, biết đâu chỉ vì một người bán chè nào đó ở cổng trường thấy một cậu học trò chửi thề ghê quá, bảo ban nó mấy câu, ai ngờ nó để bụng về tung lên mạng cái câu ăn chè bưởi ngộ độc thuốc trừ sâu. Những trang báo đói ngấu chộp lấy, năm giây sau cả nước biết tin, tẩy chay món chè của bà già.
Câu 4. Hai câu văn: Một vụ cướp tiền giữa ban ngày, người ta chỉ thấy giấy bạc bay mà không thấy nạn nhân. Hôi bia cũng vì chỉ thấy bia lăn lóc ra đường. gợi cho em những suy nghĩ gì về thực trạng đạo đức con người Việt Nam hiện nay?
Câu 5. Qua văn bản, em rút ra được những bài học nào?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: Truyện ngắn.
Câu 2.
Đề tài: Mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống hiện đại.
Câu 3.
– Biện pháp tu từ liệt kê được thể hiện qua việc tác giả đưa ra những trường hợp con người đã từng rơi hoặc sợ bị rơi vào cảnh làm "mồi người" - một công cụ câu tương tác trên mạng xã hội bởi các trang báo lá cải đưa tin không chính thống.
– Tác dụng: Thể hiện rõ nét sự khốn đốn của những người dân nghèo khi bị vạ lây bởi những chiêu trò câu tương tác, những âm mưu đầy vị kỉ của những cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội.
Câu 4.
HS bày tỏ suy nghĩ của bản thân và có lí giải hợp lí. Ví dụ:
+ Tình trạng người dân hôi của khi một ai đó gặp nạn trên đường là một tình trạng đã xuất hiện khá lâu và cho đến thời điểm hiện nay nó vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn. Đây là một hành vi rất xấu, gây ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách con người Việt Nam nói riêng.
+ Tình trạng này cho thấy con người Việt Nam đang dần trở nên xa cách, thiếu sự đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại và thay đổi.
Câu 5.
– HS tự rút ra bài học cho bản thân và có lí giải hợp lí.
– Một số bài học có thể được rút ra từ văn bản:
+ Cần học cách đồng cảm, yêu thương, sẻ chia với mọi người xung quanh.
+ Không nên để mạng xã hội, thiết bị điện tử chi phối chúng ta trong cuộc sống.
+ ...
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự thờ ơ, vô cảm của con người trong xã hội hiện đại.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích văn bản ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về nghệ thuật:
++ Cốt truyện đơn giản, gần như không có cốt truyện mà chỉ có những dòng suy tư, chiêm nghiệm của người kể chuyện cùng nhân vật "em".
++ Lời người trần thuật chiếm số lượng lớn trong văn bản, còn lời của nhân vật ít; ngôn ngữ bình dị, gần gũi; giọng điệu nhẹ nhàng khiến cho tác phẩm dễ tác động đến cảm xúc, chạm đến trái tim người đọc hơn.
++ Điểm nhìn: Có sự đan xen điểm nhìn giữa hai nhân vật "chị" và "em":
+++ Nhân vật "em": Em sợ gặp lại trên ấy ... bị bạo hành.
+++ Người kể chuyện - Nhân vật "chị": Một vụ cướp tiền ... bia lăn lóc ra đường.
=> Sự đan xen về điểm nhìn giúp ta hiểu sâu sắc hơn những suy nghĩ, cảm nhận của nhân vật.
+ Về nội dung: Văn bản là những suy tư, chiêm nghiệm của nhân vật "em" đan xen với nhân vật "chị" về mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống hiện đại dựa trên câu chuyện của nhân vật "em". Ở đó, bạn đọc có thể cảm thấy băn khoăn, quan ngại về hiện thực vô cảm, thờ ơ, mù quáng của con người trong xã hội hiện đại khi con người bị chi phối bởi những thứ công cụ được tạo ra nhằm giúp cho con người trở nên gần nhau hơn, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự thờ ơ, vô cảm của con người trong xã hội hiện đại.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích: "Thờ ơ, vô cảm" là thái độ dửng dưng, không quan tâm đến những vấn đề xung quanh, đặc biệt là những nỗi đau, khó khăn của người khác.
– Thực trạng: Trong bối cảnh xã hội hiện nay, sự thờ ơ, vô cảm ngày càng trở nên phổ biến.
– Biểu hiện:
+ Trong cuộc sống hàng ngày: Thờ ơ trước những hành vi sai trái, không dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải; không quan tâm đến người khó khăn, bệnh tật; thờ ơ với môi trường sống xung quanh.
+ Trong các mối quan hệ xã hội: Thiếu sự quan tâm, chia sẻ với người thân, bạn bè; thờ ơ với cộng đồng, xã hội.
+ Trên mạng xã hội: Lan truyền tin giả, bình luận tiêu cực, gây mất đoàn kết.
– Nguyên nhân:
+ Cuộc sống hối hả, nhiều lo toan khiến con người bị cuốn vào guồng quay công việc, ít có thời gian dành cho nhau để sẻ chia, gắn kết.
+ Mạng xã hội, các thiết bị điện tử khiến con người trở nên cô lập, ít giao tiếp trực tiếp, giảm sự đồng cảm.
+ Nhiều người có lối sống vị kỉ, tiêu cực, khép mình vì từng phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tình yêu thương, không có sự giáo dục về lòng nhân ái.
– Hệ quả:
+ Làm cho con người ngày càng trở nên cô đơn, bất hạnh, mất đi niềm vui trong cuộc sống.
+ Làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xung đột trong xã hội.
+ Cản trở sự tiến bộ của xã hội, làm mai một đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
– Giải pháp:
+ Tuyên truyền, giáo dục về tình yêu thương, tầm quan trọng của sự sẻ chia trong cuộc sống.
+ Tạo điều kiện để mọi người có cơ hội giao tiếp, tương tác với nhau.
+ Học cách yêu thương, đồng cảm và sẻ chia với mọi người xung quanh chúng ta.
* Khẳng định quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.