Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì II - Đề số 2 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Từ ngày muôn dặm phù tang(1),
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
Vội sang vườn Thúy(2) dò la,
Nhìn phong cảnh cũ, nay đà khác xưa.
Đầy vườn cỏ mọc, lau thưa.
Song trăng quạnh quẽ, vách mưa rã rời…
Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông(3).
Sập sè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa!
Chung quanh lặng ngắt như tờ,
Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
Láng giềng có kẻ sang chơi,
Lân la sẽ hỏi một hai sự tình.
Hỏi ông, ông mắc tụng đình(4),
Hỏi nàng, nàng đã bán mình chuộc cha.
Hỏi nhà, nhà đã dời xa,
Hỏi chàng Vương, cùng với là Thúy Vân.
Đều là sa sút khó khăn,
May thuê, viết mướn, kiếm ăn lần hồi.
Điều đâu sét đánh lưng trời,
Thoắt nghe, chàng thoắt rụng rời xiết bao!
Vội han di trú(5) nơi nào?
Đánh đường, chàng mới tìm vào tận nơi.
Nhà tranh, vách đất tả tơi,
Lau treo rèm nát, trúc cài phên thưa.
Một sân đất cỏ dầm mưa,
Càng ngao ngán nỗi, càng ngơ ngẩn người!
Đánh liều lên tiếng ngoài tường,
Chàng Vương nghe tiếng, vội vàng chạy ra.
Dắt tay vội rước vào nhà,
Mái sau, viên ngoại ông bà ra ngay.
Khóc than kể hết niềm tây:
“Chàng ôi, biết nỗi nước này cho chưa?
Kiều nhi phận mỏng như tờ,
Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng!
Gặp cơn gia biến lạ đường,
Bán mình nó phải tìm đường cứu cha.
Dùng dằng khi bước chân ra,
Cực trăm nghìn nỗi, dặn ba bốn lần.
Trót lời hẹn với lang quân,
Mượn con em nó Thúy Vân thay lời.
Gọi là trả chút nghĩa người,
Sầu này dằng dặc muôn đời chưa quên.”
[…] Ông bà càng nói càng đau,
Chàng càng nghe nói, càng rầu như dưa.
Vật mình vẫy gió, tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai!
(Trích “Truyện Kiều”, Nguyễn Du, Nhà xuất bản Trẻ, 2015)
Chú thích:
(1) Phù tang: Chịu tang.
(2) Vườn Thúy: Nơi Kim Trọng từng trọ học, cũng là nơi Kim – Kiều cùng nhau tình tự, thề nguyền.
(3) Hoa đào… gió đông: Thôi Hộ đời Đường, nhân tiết Thanh minh, đi đến nơi kì ngộ, tìm người con gái đã gặp gỡ năm trước thì chỉ thấy cửa đóng, người đi đâu vắng, nhân đó mà làm bài thơ, trong đó câu: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (nghĩa là: “Mặt người không biết đi đằng nào/ Hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ).
(4) Tụng đình: Sân xử kiện, nơi xử kiện. Ở đây dùng với nghĩa chỉ việc kiện cáo.
(5) Han: Hỏi, di trú: Dời đi nơi khác.
Câu 1. Văn bản trên thuộc thể loại nào?
Câu 2. Văn bản là ngôn ngữ của ai?
Câu 3. Tóm tắt lại văn bản theo các sự kiện chính trong văn bản.
Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về hình ảnh “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”?
Câu 5. Nêu tác dụng của biện pháp tả cảnh ngụ tình trong đoạn trích:
Sập sè én liệng lầu không,
Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày.
Cuối tường gai góc mọc đầy,
Đi về này những lối này năm xưa!
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: Truyện thơ Nôm.
Câu 2.
Văn bản là ngôn ngữ của người kể chuyện và ông bà Vương Ông.
Câu 3.
Tóm tắt:
– Sự kiện 1: Sau nửa năm về quê hộ tang chú, Kim Trọng quay trở lại nơi trọ cũ và bất ngờ khi thấy phong cảnh tiêu điều.
– Sự kiện 2: Gặp người láng giềng sang chơi, Kim Trọng hỏi han sự tình mới biết cảnh ngộ của gia đình Thúy Kiều.
– Sự kiện 3: Tìm đến nhà Vương Ông hiện tại, được nghe kể rõ ngọn ngành câu chuyện, biết tin Kiều trao duyên mình cho Thúy Vân, chàng đau đớn, khóc than.
Câu 4.
– HS nêu ý hiểu về hình ảnh thơ và có lí giải hợp lí. Chú ý những nội dung sau:
+ Hình ảnh này được tác giả gợi lên từ tứ thơ của Thôi Hộ.
+ Hình ảnh gợi lên sự bất ngờ, bàng hoàng xen lẫn chút tiếc nuối vì cảnh cũ vận đây mà người xưa không thấy.
+ Hình ảnh gợi lên sự trớ trêu, tương phản: Hoa vẫn cười với gió đông, còn lòng người thì buồn bã, nhớ nhung, thẫn thờ. Cái tươi tắn của hoa gợi lên nỗi tàn héo trong lòng người.
Câu 5.
– Tác dụng của bút pháp tả cảnh ngụ tình trong đoạn trích là:
+ Gợi lên một không gian quạnh hiu, lạnh lẽo, không có sự hiện diện và hơi ấm của con người.
+ Thể hiện tâm trạng hoài niệm, xót xa, tiếc nuối của chàng Kim khi trở lại nơi cũ: Vẫn là mùa xuân, cánh én nhưng không phải là mùa xuân, cánh én của mùa xuân rộn ràng, tươi tắn của “Ngày xuân con én đưa thoi”. Sự hoài niệm của Kim Trọng càng đối lập gay gắt với hiện tại, nhấn mạnh nỗi đau xót, tiếc nuối khôn tả của chàng Kim.
Câu 1. (2.0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4.0 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự hi sinh thầm lặng trong cuộc sống hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về nội dung: Đoạn trích tái hiện lại sự việc Kim Trọng quay lại nơi trọ cũ sau nửa năm về quê chịu tang chú thì bất ngờ biết tin xấu về gia đình người thương. Đoạn trích thể hiện sự sững sờ, đau đớn, xót xa của Kim Trọng trước hoàn cảnh của gia đình Kiều và về mối lương duyên của chàng và Thúy Kiều.
+ Về nghệ thuật:
++ Cốt truyện: Các sự kiện được sắp xếp theo trình tự thời gian tuyến tính.
++ Ngôn ngữ: Bình dị, gần gũi.
++ Sử dụng điển tích, điển cố góp phần làm tăng sức gợi hình, gợi cảm của bài thơ.
++ Sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng để diễn tả tâm trạng của con người: Vật mình vẫy gió, tuôn mưa,/ Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai!
++ Các thủ pháp, biện pháp nghệ thuật: Tả cảnh ngụ tình, phép đối,… góp phần bộc lộ sâu sắc tâm trạng của nhân vật.
– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự hi sinh thầm lặng trong cuộc sống hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích: “Sự hi sinh thầm lặng” là việc đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích của bản thân trong âm thầm, lặng lẽ mà không mong đợi sự đền đáp.
– Biểu hiện:
+ Trong gia đình: Cha mẹ hi sinh cho con cái bằng cách cố gắng kiếm nhiều tiền, lo cho con cái tương lai tốt đẹp, chăm sóc con cái trong từng miếng ăn, giấc ngủ,…; ông bà chăm sóc con cháu;…
+ Trong xã hội: Những người tình nguyện viên tham gia các hoạt động công tác xã hội; các y bác sĩ, giáo viên,… âm thầm cống hiến hết mình cho công việc; những người dân thường giúp đỡ những người gặp khó khăn ở bất cứ đâu trong cuộc sống;…
– Ý nghĩa:
+ Đối với người thực hiện:
++ Nuôi dưỡng tâm hồn, mang lại cảm giác hạnh phúc, cảm thấy bản thân có ý nghĩa trong cuộc đời.
++ Góp phần hoàn thiện nhân cách.
++ Tạo nên những ấn tượng đẹp trong mắt những người chứng kiến, góp phần lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống.
+ Đối với người được nhận:
++ Cảm thấy hạnh phúc vì được quan tâm, yêu thương, chia sẻ.
++ Có động lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
– Thực trạng: Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, sự hi sinh thầm lặng thường bị xem nhẹ.
– Nguyên nhân:
+ Nhịp sống hiện đại diễn ra quá nhanh khiến chúng ta dần trở nên xa cách, ít quan tâm nhau hơn nên không cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, sự hi sinh mà mọi người dành cho ta trong âm thầm, lặng lẽ.
+ Sự vị kỉ ngày càng gia tăng, con người chỉ quan tâm đến lợi ích của chính mình. (Ví dụ: Các tiểu thương chỉ vì lợi ích về kinh tế mà không ngại buôn bán thực phẩm bẩn, ôi thiu, không đạt yêu cầu cho người dân.)
+ Nhà trường, xã hội chưa chú trọng đến giáo dục nhân cách, đặc biệt là lòng nhân ái, sự thấu cảm.
– Giải pháp:
+ Giáo dục: Nâng cao nhận thức về giá trị của sự hi sinh thông qua gia đình, nhà trường, xã hội.
+ Tuyên truyền: Tổ chức các hoạt động, chương trình nhằm mục đích tôn vinh những hành động âm thầm hi sinh, qua đó lan tỏa những tốt đẹp trong xã hội.
+ Mỗi cá nhân cần có ý thức tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những người xung quanh.
* Khẳng định quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.