Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 10 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
CON CHIM VÀNG
(Trích)
[Lược một đoạn: Thằng Bào mười hai tuổi là đứa ở chăn trâu cho nhà thằng Quyên mười tuổi – con nhà chủ. Hai năm trước, mẹ Bào mắc nợ nhà này hai thúng thóc, nó đòi ngặt, Bào phải đến ở đợ. Một hôm nọ, có con chim cánh vàng như nghệ, mỏ đỏ như son, ngày nào cũng sà xuống cây trứng cá trước sân nhà. Thằng Quyên đứng dưới gốc dòm lên, nó yêu con chim và đòi mẹ bắt cho được. Bà chủ bèn sai thằng Bào tìm cách bắt con chim vàng cho cậu chủ. Nhưng bắt làm sao được, nó có cánh, vừa leo lên là nó bay vụt mất. Không bắt được chim, Bào bị bà chủ đánh đập, xỉa xói vô cùng tàn nhẫn. Bào đã phản kháng nhưng rồi nó sợ và vẫn cố gắng tìm cách bắt con chim vàng cho cậu chủ… ]
Quá căm tức thì chống lại, chống rồi Bào lại sợ. Bào đến thằng Quyên:
– Cậu, bữa nay thế nào tôi cũng bắt được con chim vàng cho cậu!
Thằng Quyên ngẩng đầu lên, mắt nó long lanh, ôm lấy Bào, nó hỏi: “Chừng nào?”. Bào đưa nhánh tre có sợi nhợ cho nó coi:
– Đây, bẫy gài đây cậu. Mà cậu cho một trái chuối chín đi!
Thằng Quyên nhảy tưng lên, rồi cắm cổ chạy thẳng vô buồng, bẻ luôn hai quả. Nó đưa hai quả chuối cau chín vàng khoe với Bào. Nó cười híp hai con mắt. Lần đầu tiên nó cúi đầu sát vào Bào, xem Bào buộc quả chuối vào bẫy. Suy nghĩ thế nào, nó quay ra, lắc đầu:
– Chim không ăn chuối đâu!
– Nó ăn chớ cậu! Phải chim hát bội, chim sâu đâu, con chim này nó ăn sâu mà ăn chuối nữa cậu. Tôi coi trâu, tôi thấy nó sà xuống vuờn chuối hoài.
Bỗng mẹ thằng Quyên nện guốc bước tới, nó trố mắt nhìn hai quả chuối cau, nó hét lên:
– Mày gạt con tao ăn cắp chuối hả?
Bào lui luôn mấy bước, nép mình vô tường, mặt lấm lét:
– Dạ thưa bà, con xin chuối chín làm mồi bắt chim cho cậu.
– Chuối tao cúng thổ thần, chuối tiền chuối bạc, chuối gì chuối cho chim ăn. Mày trèo lên cây bắt sống nó cho tao.
Mẹ thằng Quyên vừa chửi vừa nhìn quanh quất kiếm cây. Bào liệng cái bẫy, chạy mất…
Không còn cách nào hơn nữa, Bào quấn cây lá đầy mình, trèo sẵn lên cây từ sáng sớm. Nhánh cây trứng cá mềm quằn xuống. Bào thụt vô, dựa lưng vào cành to. Thằng Quyên đứng dưới hét lên:
– Mày ra ngoài nhánh chớ!
Bào run quá, chân cứ thấy nhột, nhìn xuống thấy chóng mặt. Vòm trời cao vút. Một chấm đen bay tới. Rõ là con chim vàng. Nó lượn mấy vòng, vừa sà cánh đáp, bỗng nó hốt hoảng vút lên kêu choe chóe.
Mẹ con nó chạy vô nhà ló đầu ra:
– Mày đừng rung chớ!
Mẹ thằng Quyên nhìn theo con chim mình vàng như nghệ mỏ đỏ như son không chớp mắt:
– Bào! “Con” nín thở cho êm con. Ráng con!
Con chim bay qua nhảy nhót trước mặt. Bào vừa thò tay, nó nhảy ra nhánh. Thằng Quyên há mồm hồi hộp:
– Bắt mau, mau!
– Đó, đó! Nó nhảy vô đó con, chụp, chụp!
Nghe tiếng nó là Bào thấy roi đòn đánh đập, thấy máu đổ như những trận đòn hôm trước. Bào cắn răng cho bớt run, nhè nhẹ thò tay ra, nhổm mình với tới, chụp dính con chim vàng. Chim chóe lên, mẹ con nó mừng quýnh, thằng Quyên nhảy dựng lên.
– Được chim rồi!
Vỗ tay bôm bốp. Bào có cảm giác như khi mình đuổi theo trâu bị sụp những hầm giếng cạn, ruột thót lên. Hai chân Bào sụp vào không khí, tay bơi bơi – Mặt Bào tối đen – Bào rơi xuống như trái thị. Mặt Bào đập vào gốc cây, máu, nước mắt đầm đìa cả mặt: “Trời ơi!” Con chim vàng cũng bị đập xuống đất, đầu bể nát. Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh, Bào nghe văng vẳng tiếng guốc, nghe mẹ con thằng Quyên kêu: “Trời ơi!”.
Bào chống tay ngồi dậy, máu từ trên đầu chảy trên những chiếc lá quấn vào mình nhỏ giọt. Bào cố đem toàn lực vùng dậy, nhưng tay lại khuỵu xuống, đầu ngã xuống vũng máu. Mắt Bào chập chờn thấy bàn tay mẹ thằng Quyên thò xuống. Tay Bào với tới, với mãi, với mãi nhưng cũng chẳng với được ai.
Té ra, mẹ thằng Quyên thò tay nâng lấy xác con chim vàng. Bào lại nghe tiếng tắc lưỡi: “Trời! Con chim vàng của con tôi chết rồi!”.
(Nguyễn Quang Sáng)
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài.
Câu 2 (0.5 điểm): Xác định tình huống truyện của đoạn trích.
Câu 3 (1.0 điểm): Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy? Nêu tác dụng của ngôi kể.
Câu 4 (1.0 điểm): Phân tích ý nghĩa của chi tiết sau: “Mắt Bào chập chờn thấy bàn tay mẹ thằng Quyên thò xuống. Tay Bào với tới, với mãi, với mãi nhưng cũng chẳng với được ai.”.
Câu 5 (1.0 điểm): Nhận xét về nhân vật cậu bé Bào trong đoạn trích. Qua đó, tác giả gửi gắm tình cảm, thái độ gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (0.5 điểm):
Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài là: Tự sự.
Câu 2 (0.5 điểm):
Tình huống truyện: Quyên - con trai của chủ gia đình mà Bào ở đợ bắt Bào phải bắt bằng được con chim vàng cho nó.
Câu 3 (1.0 điểm):
- Đoạn trích được kể theo ngôi thứ nhất.
- Tác dụng:
+ Thể hiện được rõ ràng suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật.
+ Giúp câu chuyện được kể một cách chân thực, hấp dẫn.
Câu 4 (1.0 điểm):
- Chi tiết đặc sắc, giàu giá trị, cho thấy được sự lạnh lùng, thờ ơ đến vô tâm, tàn nhẫn của lòng người trước tình cảnh đáng thương của người khác.
- Cho thấy được số phận bi thảm, thân phận rẻ rúng của những con người thấp cổ bé họng trong xã hội xưa, họ còn không bằng con chim bé nhỏ kia.
- Qua đó còn thể hiện được sự thương xót của nhà văn với những con người nghèo khổ trong xã hội.
Câu 5 (1.0 điểm):
- HS nhận xét về cậu bé Bào trong đoạn trích:
+ Thân phận bất hạnh, đáng thương: Mười hai tuổi phải trả món nợ của gia đình (hai thúng thóc); không được quan tâm, chăm sóc, luôn bị bà chủ chửi mắng, đánh đập; mạo hiểm hi sinh bản thân để đáp ứng mong muốn bắt con chim vàng của cậu chủ,…
+ Là một cậu bé hồn nhiên, hết lòng vì chủ: Qua giọng điệu bảo cậu chủ đi lấy chuối để gài bẫy bắt chim vàng.
- HS chỉ ra được thái độ của tác giả qua hình tượng nhân vật Bào:
+ Đồng cảm, xót thương cho số phận của những đứa trẻ nghèo, bất hạnh mất quyền tự do.
+ Trân trọng, ngợi ca những đức tính quý giá của nhân vật Bào: Dù nghèo khổ nhưng không trộm cắp, hết lòng phục vụ nhà chủ,…
Học sinh nêu được ý nghĩa và trình bày được từ 3 ý: 1,0 điểm; Học sinh nêu được ý nghĩa và trình bày được 2 ý: 0,75 điểm; Học sinh nêu được ý nghĩa và trình bày được 1 ý: 0,5 điểm; Học sinh trả lời chung chung: 0,25 điểm.
Câu 1 (2.0 điểm):
Viết đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ phân tích truyện ngắn trong phần Đọc hiểu.
Câu 2 (4.0 điểm):
Viết một bài văn có dung lượng khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống.
Hướng dẫn giải:
Câu 1 (2.0 điểm):
Viết đoạn văn nghị luận văn học khoảng 200 chữ phân tích truyện ngắn trong phần Đọc hiểu.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25 điểm)
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích truyện ngắn Con chim vàng.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5 điểm)
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giới thiệu tác phẩm, tác giả, đánh giá chung.
- Phân tích chủ đề, tóm tắt truyện:
+ Chủ đề: Số phận bất hạnh của những con người nghèo khổ và sự lạnh lùng, vô cảm của những con người có địa vị trong xã hội xưa.
+ Tóm tắt truyện: Truyện ngắn trên kể về cậu bé Bào phải đi ở đợ, bị gia đình chủ coi thường, khinh rẻ đến mức tính mạng và sự sống còn của cậu còn không bằng một con chim vàng.
- Phân tích nhân vật để làm rõ chủ đề truyện:
+ Nhân vật cậu bé Bào trong đoạn trích: Thân phận bất hạnh, đáng thương mười hai tuổi phải trả món nợ của gia đình (hai thúng thóc); không được quan tâm, chăm sóc, luôn bị bà chủ chửi mắng, đánh đập; mạo hiểm hi sinh bản thân để đáp ứng mong muốn bắt con chim vàng của cậu chủ,… Là một cậu bé hồn nhiên, hết lòng vì chủ.
+ Thằng Quyên: cậu chủ được cưng chiều, muốn gì thì người khác phải đáp ứng.
+ Mẹ thằng Quyên: là một kẻ hống hách, lạnh lùng, bà ta chỉ lo lắng cưng chiều con trai của mình còn không thèm đếm xỉa đến số phận của người khác.
=> Qua nhân vật nhà văn thể hiện thái độ:
+ Đồng cảm, xót thương cho số phận của những đứa trẻ nghèo, bất hạnh mất quyền tự do.
+ Trân trọng, ngợi ca những đức tính quý giá của nhân vật Bào: dù nghèo khổ nhưng không trộm cắp, hết lòng phục vụ nhà chủ,…
+ Lên án, phê phán những con người tàn nhẫn, vô tâm trong xã hội.
- Nghệ thuật: Xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lí nhân vật, ngôi kể thứ ba và điểm nhìn kết hợp bên ngoài và bên trong.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
- Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết các câu trong văn bản.
e. Sáng tạo (0.25 điểm)
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4.0 điểm):
Viết một bài văn có dung lượng khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0.25 điểm)
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm)
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1.5 điểm)
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
- Giải thích: Tình yêu thương là tình cảm thiêng liêng, tốt đẹp xuất phát từ tâm hồn, tạo sự gắn bó hòa hợp, sự sẻ chia, cảm thông… giữa con người với con người và với vạn vật.
- Biểu hiện:
+ Luôn sẵn sàng giúp đỡ, cảm thông, chia sẻ những khó khăn, bất hạnh của người khác.
+ Biết hi sinh quyền lợi của bản thân cho người khác.
+ Dễ tha thứ cho người khác khi mắc sai lầm, khuyết điểm.
- Ý nghĩa:
+ Đối với người nhận được yêu thương: cảm thấy vui sướng, hạnh phúc; được khích lệ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn. Với những số phận bất hạnh, tình yêu thương có thể giúp họ thay đổi cuộc đời, hàn gắn những vết thương và xoa dịu những đau buồn… trong cuộc sống.
+ Đối với người trao đi yêu thương: thanh thản, bình yên, tâm hồn trở nên phong phú hơn nhờ trái tim giàu lòng nhân ái.
+ Đối với xã hội: tình yêu thương giúp lan tỏa những xúc cảm đạo đức tốt đẹp trong cộng đồng; xóa bỏ khoảng cách giữa người với người, khiến vạn vật trở nên gắn kết trong một mối quan hệ ấm áp, bền chặt…
- Phê phán những kẻ không biết yêu thương.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5 điểm)
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1.0 điểm)
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm)
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo (0.5 điểm)
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.