Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 7 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
CHUYỆN NGƯỜI NGHĨA PHỤ Ở KHOÁI CHÂU(1)
(Tóm tắt phần đầu: Trọng Quỳ nhà họ Phùng, Nhị Khanh nhà họ Từ được cha mẹ đôi bên ưng thuận cho kết duyên. Nhị Khanh sau khi về nhà chồng khéo biết cư xử, ai cũng khen, còn Trọng Quỳ lại dần sinh ra chơi bời lêu lổng, Nhị Khanh vẫn thường phải can ngăn. Cha của Trọng Quỳ được tiến cử vào Nghệ An dẹp giặc, Nhị Khanh khuyên chồng đi cùng cha. Ở nhà, cha mẹ Nhị Khanh tạ thế. Nàng lo việc hậu sự chu đáo rồi đến ở chung với bà cô là Lưu thị. Lưu thị rắp tâm muốn gả Nhị Khanh cho cháu họ ngoại là quan tướng quân họ Bạch song Nhị Khanh một mực chối từ, nhờ bõ già(2) lặn lội vào xứ Nghệ tìm chồng về. Vợ chồng sum họp. Nhưng Trọng Quỳ lại trở vê tính cũ, bê tha, lêu lông, cờ bạc, Nhị Khanh khuyên nhủ cũng không nghe. Kẻ lái buôn Đỗ Tam say mê nhan sắc Nhị Khanh nên đã rủ Trọng Quỳ cùng đánh bạc, Đỗ bỏ ra trăm vạn đồng tiền còn Trọng Quỳ kí giao kèo bằng Nhị Khanh. Trọng Quỳ thua bạc, phải gọi Nhị Khanh đến để nói rõ sự tình.)
Nàng liệu cơ không thể thoát khỏi, giả vờ nói tử tế rằng:
- Bỏ nghèo theo giàu, thiếp lẽ đâu từ chối. Số trời xếp đặt, há chẳng là tiền định hay sao! Nếu chồng không nỡ rẽ bỏ, còn đoái thu đến cái dung nhan tàn tạ này, thiếp xin sửa túi nâng khăn, hết lòng hầu hạ, như đã đối với chàng xưa vậy nhưng xin cho uống một chén tiễn biệt và cho về từ giã các con một chút.
Đỗ cả mừng, rót đầy một chén xà cừ rượu đưa mời nàng uống. Uống xong, nàng về nhà ôm lấy hai con, vỗ vào lưng mà bảo rằng:
- Cha con bạc tình, mẹ đau buồn lắm. Biệt li là việc thường thiên hạ, một cái chết với mẹ có khó khăn gì nhưng mẹ chỉ nghĩ thương các con mà thôi.
[Lược một đoạn: Nhị Khanh tự vẫn. Trọng Quỳ hối hận vô cùng, sắm đồ liệm táng tử tế rồi làm văn tế nàng.]
Trọng Quỳ đã góa vợ, rất ăn năn tội lỗi của mình. Song sinh kế ngày một cùng quẫn, ăn bữa sớm lo bữa tối, phải đi vay quanh của mọi người làng xóm. Nhân nghĩ có một người bạn cũ, hiện làm quan ở Quy Hoá(3) bèn tìm đến để mong nhờ vả.
Dọc đường buồn ngủ, chàng nằm ghé xuống ngủ ở gốc cây bàng, bỗng nghe trên không có tiếng gọi rằng: “Có phải Phùng lang đấy không? Nếu còn nghĩ đến tình xưa thì ngày ấy tháng ấy xin đến chờ thiếp ở cửa đền Trưng Vương(4). Ân tình thiết tha, đừng coi là âm dương cách trở.”.
Sinh lấy làm lạ tiếng giống như tiếng Nhị Khanh, mở mắt ra nhìn thì chỉ thấy trên trời một đám mây đen bay về tây bắc. Sinh tuy rất lấy làm ngờ nhưng cũng muốn thử xem ra sao, bèn đúng hẹn đến trước đền ấy. Song đến nơi chỉ thây bóng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu ở trên cành cây xao xác. Sinh buồn rầu toan về thì mặt trời đã lặn, bèn ngả mình nằm ở một tấm ván nát trên một cái cầu. Khoảng cuối canh ba, bỗng nghe thấy tiềng khóc nức nở từ xa rồi gần; khi thấy tiếng khóc chỉ còn cách mình độ nửa trượng, nhìn kĩ thì người khóc chính là Nhị Khanh. Nàng bảo với Sinh rằng:
- Đa tạ ơn chàng, từ xa lặn lội tới đây, biết lấy gì để tặng chàng được!
Trọng Quỳ chỉ tự nhận tội lỗi của mình. Nhân hỏi đầu đuôi thì Nhị Khanh nói:
- Thiếp sau khi mất đi, Thượng đế thương là oan uổng bèn ra ân chỉ. Hiện thiếp được lệ thuộc vào tòa đền này, coi giữ về những sổ sách văn tấu đối, không lúc nào nhàn rỗi để thăm nhau được. Bữa nọ nhân đi làm mưa, chợt trông thấy chàng nên mới gọi; nếu không thì nghìn thu dằng dặc, chẳng biết đến bao giờ được gặp gỡ nhau.
[...] Trời gần sáng, Nhị Khanh vội dậy để cáo biệt, vừa đi vừa ngoảnh đầu nhìn lại, rồi thoắt chốc thì biến đi mất.
Trọng Quỳ bèn không lấy ai nữa, chăm chỉ nuôi hai con cho nên người. Đến khi vua Lê Thái Tổ tuốt gươm đứng dậy ở Lam Sơn, hai người con trai đều đi theo, trải làm đến chức Nhập thị nội. Đến nay ở Khoái Châu hiện còn con cháu.
Lời bình:
Than ôi, người con gái có ba đạo theo, theo chồng là một. Nàng Nhị Khanh chết, có quả là đã theo chồng không? Thưa rằng không. Đời xưa bảo theo, là theo chính nghĩa chứ không theo tà dục [...] Có người vợ như thế mà để cho phải hàm oan, Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn. Muốn tề được nhà, phải trước tự sửa mình lấy chính, khiến cho không thẹn với vợ con, ấy là không thẹn với trời đất.
(Trích Truyền kì mạn lục, in trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, NXB Giáo dục, 2001, tr.242 - 250)
Chú thích:
(1) Khoái Châu: tên huyện, nay thuộc tỉnh Hưng Yên.
(2) Bõ già: người đầy tớ già.
(3) Quy Hóa: nay thuộc tỉnh Phú Thọ.
(4) Đền Trưng Vương: nay thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Câu 1. Truyện viết về đề tài gì?
Câu 2. Chỉ ra một biện pháp tu từ trong câu sau: “Song đến nơi chỉ thấy bóng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu ở trên cành cây xao xác.”.
Câu 3. Chỉ ra một chi tiết hoang đường kì ảo và nêu tác dụng của yếu tố kì ảo trong văn bản.
Câu 4. Phát biểu chủ đề của truyện. Kể tên một tác phẩm có cùng chủ đề với văn bản Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu.
Câu 5. Lời bình cuối truyện không chỉ cho thấy thái độ của người kể chuyện đối với các nhân vật, mà còn là thông điệp về việc “tự sửa mình”. Hãy đánh giá về ý nghĩa của thông điệp này.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Đề tài của truyện là: người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Câu 2.
- HS chỉ ra được một trong hai biện pháp tu từ sau:
(1) Biện pháp tu từ đối: bóng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân.
(2) Biện pháp tu từ liệt kê: bóng tà rọi cửa, rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu ở trên cành cây xao xác.
Câu 3.
- HS chỉ ra được một yếu tố hoang đường kì ảo trong truyện. Chẳng hạn:
+ Nhị Khanh tự vẫn, được Thượng đế thương mà cho coi giữ sổ sách ở đền.
+ Nhị Khanh hiện về gặp gỡ Trọng Quỳ.
+ Trọng Quỳ nằm ngủ dọc đường thì nghe có tiếng gọi ở trên cao, mở mắt ra chỉ thấy một đám mây đen.
- HS nêu được tác dụng của yếu tố kì ảo:
+ Góp phần thể hiện chủ đề của tác phẩm và thái độ, tư tưởng của tác giả: khẳng định nỗi oan uổng, vẻ đẹp khí tiết của người phụ nữ được chứng giám; nhấn mạnh thái độ bất bình trước thực tại qua số phận bất hạnh của người phụ nữ khi họ không thể tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống đời thường ở xã hội đương thời; giảm bớt tính bi kịch của số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến,…
+ Tạo tính li kì, hấp dẫn cho tác phẩm.
Câu 4.
- Chủ đề: Truyện phản ánh số phận đau khổ, thiệt thòi và vẻ đẹp đáng trân trọng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Câu 5.
HS nêu được đánh giá của bản thân và lí giải phù hợp. Ví dụ: Trong xã hội hiện nay, thông điệp trong lời bình vẫn mang giá trị, ý nghĩa sâu sắc, bởi lẽ, mỗi con người đều có những mặt tốt đẹp đáng trân trọng và những điều chưa hoàn hảo. Do đó, ta cần biết “tự sửa mình”, khắc phục những thiếu sót, hạn chế để giúp cho bản thân ngày một tốt đẹp hơn. Mỗi cá nhân nếu biết “tự sửa mình”, sẽ mang đến cho người thân, gia đình và xã hội những điều tươi đẹp và tích cực hơn.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá chủ đề của truyện Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục người thân của em từ bỏ thói quen thức khuya để học tập, làm việc.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích, đánh giá chủ đề của truyện Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Nhị Khanh là người con gái đẹp người đẹp nết. Điều này được thể hiện qua sự ngưỡng mộ, khát khao sở hữu nàng của những người đàn ông trong văn bản; qua lối ứng xử khéo léo, được mọi người yêu mến, khen ngợi.
+ Nhị Khanh lại có một cuộc sống đầy thiệt thòi, đáng thương. Nàng có một người chồng ham chơi bời, lêu lổng, bê tha, cờ bạc. Chính vì những tật xấu này mà Trọng Quỳ dám đem vợ ra cược khi đánh bạc.
+ Đứng trước tình cảnh đó, Nhị Khanh lựa chọn tự vẫn. Chi tiết này cho thấy Nhị Khanh là người phụ nữ tiết nghĩa. Bị chồng bán cho người khác, nàng lựa chọn quyên sinh để bảo toàn danh dự, phẩm tiết của mình.
+ Nhận xét về số phận của Nhị Khanh, qua đó nhấn mạnh chủ đề của truyện và đánh giá giá trị nhân đạo của tác phẩm (khi hướng đến người phụ nữ nhỏ bé, đáng thương, chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống).
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: thuyết phục người thân của em từ bỏ thói quen thức khuya để học tập, làm việc.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Thực trạng: ngày càng có nhiều người có lối sống không khoa học, thường thức khuya để học tập, làm việc.
+ Những tác động của thói quen này đối với sức khỏe: ảnh hưởng đến hệ thần kinh, khiến cơ thể suy nhược, mắc các bệnh như đau vai gáy, đau vùng thái dương, mỏi mắt, gây căng thẳng… ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất học tập và làm việc.
+ Những biện pháp khắc phục vấn đề: cần xây dựng cho mình lối sống khoa học, phù hợp hơn; thường xuyên rèn luyện sức khỏe để cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng.
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại vấn đề, cần rút ra bài học nhận thức, hành động cho bản thân và thế hệ trẻ.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.