Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 8 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
MỘT TIẾNG RAO ĐÊM
Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
Không phải giọng của một hầu đứng tuổi
Cao thánh thót hay rồ khan gió bụi
Đây âm thanh của một cổ non tơ
Mà giây ngân còn vương vấn dại khờ
Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ.
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời
Mà giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái bén
Thôi cũng được, tiếng em vừa ngon đến
Rao đi em, kẻo nữa quá khuya rồi...
Anh nằm nghe qua cửa khám, xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm nho nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ.
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ tóc chưa viền
Manh áo mỏng che không kín ngực
Đầu không nón, bụi sương thầm chấm ướt
Đuôi tóc chuôi chừng bảy tám năm thôi!
Ấy chân em leo lên bước đường đời
Ngày tháng đó trong mủng vài chục bánh.
Gia tài đó, mấy đồng xu mỏng mảnh,
Biết bao giờ mà sướng được em ơi!
Có ai thương một com bé giữa trời
Mà thương nữa, cũng đôi người lơ đễnh
Kêu em lại, mua cho vài chiếc bánh
Trả vài xu và thoa má, ngọt ngào
“Ồ cái con bé nó mới ngoan sao
Chừng ấy tuổi đã làm ăn bán dạo!”
(Trích Một tiếng rao đêm, Tố Hữu)
Chú thích: Bài thơ được sáng tác tại xà lim Quy Nhơn, vào tháng 11 năm 1941. Tác giả nằm trong nhà giam, nghe tiếng rao đêm của một đứa trẻ mới chỉ 7 - 8 tuổi trong đêm khuya vắng (đứa trẻ này chính là con gái của người bạn tù của Tố Hữu). Trong ông dâng lên nỗi xúc động, nghẹn ngào và tiếng thơ Một tiếng rao đêm ra đời là vì thế.
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ.
Câu 2. Chỉ ra nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình trong bài thơ.
Câu 3. Xác định và phân tích biện pháp tu từ trong câu thơ sau: Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
Câu 4. Phát biểu chủ đề và tư tưởng của bài thơ.
Câu 5. Tác giả gửi gắm thông điệp gì qua bài thơ?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Bài thơ Một tiếng rao đêm được viết theo thể thơ tự do.
Câu 2.
- Nhân vật trữ tình: người tù nhân bị giam trong xà lim Quy Nhơn.
- Đối tượng trữ tình: em bé rao bán bánh đêm khuya.
Câu 3.
- HS xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!: tác giả sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ (cụ thể là ẩn dụ chuyển đổi cảm giác) khi dùng cụm từ "ướt lạnh" (cảm nhận bằng xúc giác) để bổ sung ý nghĩa cho "tiếng rao" (một dạng âm thanh phải cảm nhận bằng thính giác).
- HS phân tích tác dụng của biện pháp tu từ: biện pháp tu từ ẩn dụ trong trường hợp này không chỉ có tác dụng làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt; mà còn nhấn mạnh cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình khi nghe tiếng rao đêm của một số phận nhỏ bé, đáng thương, vất vả.
Câu 4.
- Chủ đề: số phận nhỏ bé, đáng thương của đứa trẻ nghèo.
- Tư tưởng: tác giả thể hiện sự đồng cảm, xót thương cho số phận của những đứa trẻ nghèo, đáng thương, vất vả.
Câu 5.
Qua bài thơ, tác giả gửi gắm thông điệp: hãy yêu thương, nâng niu, bảo vệ, săn sóc những đứa trẻ để chúng có được những năm tháng tuổi thơ yên vui, hạnh phúc.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá bài thơ Một tiếng rao đêm của Tố Hữu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về căn bệnh thành tích "ảo" của thế hệ trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích, đánh giá bài thơ Một tiếng rao đêm.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về hình thức bài thơ: chú ý phân tích sự biến đổi về số tiếng trong một dòng thơ, hình ảnh thơ, nhịp thơ, giọng thơ, các biện pháp tu từ,...
+ Về nội dung bài thơ:
- Hoàn cảnh đặc biệt của cô bé: bố bị bắt giam, cô bé buộc phải đi bán bánh đêm khuya để kiếm tiền phụ giúp gia đình, dù chỉ là vài đồng ít ỏi.
- Đặc điểm của cô bé: âm thanh của một cổ non tơ, giây ngân còn vương vấn dại khờ, môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ,... Những hình ảnh này cho thấy cô bé còn đang ở độ tuổi thơ ngây, lẽ ra phải được sống trong êm ấm, an nhiên, nhưng lại phải sống một cuộc sống vất vả, cực nhọc.
- Rút ra nội dung, tư tưởng, thông điệp của bài thơ.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: căn bệnh thành tích "ảo" của giới trẻ hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Biểu hiện của căn bệnh thành tích "ảo": khoe khoang những đồ xa xỉ không thuộc về mình; hiện tượng mua điểm, mua bằng, gian dối trong thi cử, học tập,... (Có thể kể tên một số bạn trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội mắc căn bệnh này như Louis Phạm, Yến Tattoo, Việt Anh Pí Po,...)
+ Hệ quả: ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của cá nhân, hình thành thói quen xấu, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lí vì phải liên tục duy trì vẻ ngoài hào nhoáng,...
+ Những biện pháp khắc phục vấn đề: chúng ta cần lên tiếng phản ánh, lên án để chấm dứt thói hư tật xấu này; gia đình cần chú trọng hơn tới việc quan tâm và giáo dục con cái,...
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại vấn đề, cần rút ra bài học nhận thức, hành động cho bản thân và thế hệ trẻ.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.