Đề số 4
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
bà mẹ đón tôi trong gió đêm
– nhà mẹ chật nhưng còn mê chỗ ngủ
mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm
Rơm vàng bọc tôi như kém bọc tằm
tôi thao thức trong hương mật ngọt của ruộng
trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
của những cọng rơm xơ xác gày gò.
(Nguyễn Duy, Hơi ấm ổ rơm, dẫn theo Thơ Nguyễn Duy,
NXB Hội Nhà văn, H., 2010, tr. 15)
Câu 1. Đoạn trích trên được nhà thơ sáng tác theo thể thơ nào? Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ.
Câu 2. Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào về hình ảnh “hương mật ong của ruộng”?
Câu 4. Cảm nhận của anh (chị) về ý nghĩa của câu chuyện trong đoạn thơ.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. ( 2 điểm)
Anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa gợi ra từ những câu thơ sau và liên hệ với cuộc sống hôm nay:
tôi thao thức trong hương mật ngọt của ruộng
trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
của những cọng rơm xơ xác gày gò.
Câu 2. (5 điểm)
(1) …Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá toang rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung tít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại. Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thủy thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào.
(2) Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà. Mùa xuân, dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu, nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.
Con sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất mà mình sắp đổ ra sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch gương chiếu vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà. Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy rồi chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.
(trích Người lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, tập một,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr. 187 – 188, 191)
Hai đoạn trích trên tiêu biểu cho hai nét tính cách của hình tượng sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân. Bằng hiểu biết của anh (chị) về tác phẩm, hãy phân tích hình tượng sông Đà để làm nổi bật những nét tính cách ấy.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1.
- Thể thơ được sử dụng: thơ tự do.
- Các phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự.
Câu 2. Các biện pháp tu từ được sử dụng:
- So sánh: Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm.
- Ẩn dụ: Hương mật ong của ruộng – chỉ mùi vị thơm của rơm vàng.
- Các từ láy phụ âm đầu: thao thức, xơ xác, gày gò,…
- Nhân hóa: Những cọng rơm xơ xác gày gò.
Câu 3. Hình ảnh “hương mật ong của ruộng” mang nhiều ý nghĩa.
- Nó là hương vị thanh đằm, thơm mát, dịu ngọt của ổ rơm lúa mới trong cảm nhận của anh lính trẻ (ngày trước, sau thu hoạch, người ta thường lựa chọn phần thân của cây lúa nếp – loại lúa thơm – phơi cho được nắng để mùa đông trải ổ nằm cho ấm thay chăn).
- Đây cũng là ẩn dụ chỉ hương vị ngọt ngào của tình yêu thương mà bà mẹ quê nghèo gửi trao cho người lính trẻ qua đường.
Câu 4. Bài thơ ra đời trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Cuộc sống tuy gian khổ, nghèo khó nhưng tình người thì mênh mông. Tình cảm mộc mạc chất phác của bà cụ nông dân khiến người lính Nguyễn Duy thao thức không ngủ được, dẫu cho ổ rơm thật êm, thật ấm.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng hình thức 1 đoạn văn khoảng 200 chữ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b. Yêu cầu về nội dung:
Bài viết có thể tự do bày tỏ quan điểm riêng miễn sao được triển khai logic, tự nhiên, thuyết phục. Có thể trình bày dựa vào những ý sau:
- Nội dung của 3 câu thơ: người lính trẻ xúc động vì sự đón tiếp giản dị, đơn sơ nhưng giàu ân tình của người mẹ nghèo nên dù nằm trong ổ rơm thơm và ấm áp nhưng vẫn trằn trọc không ngủ được. Ba câu thơ khắc sâu tình cảm của con người trong một giai đoạn đầy khó khăn, gian khổ của đất nước.
- Bàn luận mở rộng vấn đề:
+ Điều kiện vật chất và những rung động cảm xúc trong đoạn thơ có phần đối ngược với cuộc sống hôm nay. Nếu như trước đây, trong quá trình lịch sử hàng ngàn năm, con người Việt Nam coi làng nước, nghĩa tình là những giá trị thiêng liêng nhất, thì ngày nay, khi đời sống vật chất có phần đầy đủ, người ta lại có xu hướng coi quyền lợi cá nhân và cuộc sống gia đình riêng là giá trị lớn nhất, mục tiêu sống quan trọng nhất.
+ Con người Việt Nam bao đời nay coi trọng các giá trị tinh thần, cách đối nhân xử thế hơn tiền bạc thì ngày nay, ngay chính trong gia đình, các mối quan hệ cũng trở nên lỏng lẻo. Người ta có rất nhiều lí do để biện giải cho việc “phó thác” chuyện dạy dỗ con cái cho nhà trường, cho các trung tâm giáo dục ngoài giờ, bỏ việc chăm sóc, trong nom cha mẹ cho người giúp việc… Với xã hội, không ngày nào người ta không nghe thấy những chuyện giết người, cướp của,… trên truyền hình, trên báo chí; những hành động vô cảm, không chút tình thương khi người ta chẳng mảy may bận tâm đi lướt nhanh qua nỗi đau hay sự hoạn nạn của người khác.
Tất cả những điều này phản ánh sự suy giảm đạo đức, hao hụt tình người trong xã hội quá coi trọng vật chất.
- Nêu suy nghĩ: Nhu cầu có một cuộc sống đầy đủ, giàu có là mong muốn chính đáng của mỗi người. Song cuộc sống chỉ bền vững và có ý nghĩa khi chúng ta trao đi sự yêu thương và nhận lại tình yêu của mọi người.
Câu 2. Dàn ý:
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả tác phẩm.
- Giới thiệu đoạn trích.
II. Thân bài
1. Khái quát
a. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
b. Vị trí, giá trị nội dung nghệ thuật của 2 đoạn trích
- Đoạn trích (1) nằm ở phần đầu, khi giới thiệu về con sông Đà hung bạo, dữ dội.
- Đoạn trích (2) nằm ở phần cuối, khi làm nổi bật con sông Đà thơ mộng, trữ tình.
- Hình ảnh sông Đà hiện lên dưới ngòi bút Nguyễn Tuân nổi bật ở 2 khía cạnh: hung bạo và trữ tình. Con sông Đà rất hung dữ, hiểm ác, lúc nào cũng có thể gây hại cho con người nhưng ngược lại, đó là công trình nghệ thuật tuyệt vời của tạo hóa, vừa hùng vĩ thơ mộng, tạo nên chất men say cho sự sống của con người.
2. Phân tích:
a. Đoạn 1: Con sông Đà hung bạo, dữ dội
- Tâm điểm dữ dội của sông Đà là ở những con thác.
- Nước dữ đã đành. Đá cũng dữ.
+ Nhờ những câu văn trùng điệp của Nguyễn Tuân mà chúng ta có thể cảm nhận được điều ấy: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm. + Nguyễn Tuân có những cách so sánh thật độc đáo và táo bạo: nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.
+ Hoặc những cách nhân hóa sắc sảo (“Mặt nước hò la vang dậy… ùa vào bẻ gãy cán chèo” sóng nước “sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền”, “cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè”…).
=> Thác nước và đá đã phối hợp ăn ý với nhau để tạo nên những trùng vi thử thách người lái đò.
- Hình ảnh những cái thuyền bị hút nước nuốt chửng, hình ảnh cái hút nước như một cái giếng xây bằng nước sông đang xoáy tít, tạo nên ở người đọc một cảm giác hết sức mạnh mẽ. Sức mạnh hoang dã của thiên nhiên qua miêu tả của Nguyễn Tuân cứ như một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử.
=> Con sông Đà hung bạo dữ dội hằng năm đời đời kiếp kiếp vẫn làm mình làm mẩy, thử thách con người. Thiên nhiên Tây Bắc nhiều khi nhìn như diện mạo của một thứ kẻ thù số một của con người. Thiên nhiên hung bạo ấy cũng đem lại nguồn lợi về thủy điện, thủy sản, tôi luyện sự cứng cỏi, kiên cường cho người dân miền Tây Bắc.
b. Đoạn 2: Con sông Đà thơ mộng, trữ tình
- Để lột tả đặc tính này của sông Đà, Nguyễn Tuân thật tài hoa trong việc sử dụng những so sánh. Mỗi so sánh thực sự là một phát hiện của nhà văn trước đối tượng thẩm mĩ của mình.
+ Sông Đà dưới con mắt của Nguyễn Tuân là “áng tóc trữ tình” – vẻ đẹp của một mĩ nhân.
+ Sông Đà còn tinh nghịch hồn nhiên như đứa trẻ nghịch gương loang loáng trên sông, mang cái màu nắng tháng ba Đường thi đầy lãng mạn, nước sông cũng có sắc điệu riêng thay đổi theo mùa… – vẻ đẹp của một cố nhân.
+ Sông Đà còn cổ kính nên thơ, như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa, đi vào thơ Tản Đà, Nguyễn Quang Bích,… - vẻ đẹp của một tình nhân.
=> Vẻ đẹp như một mĩ nhân, cố nhân và tình nhân đã hoàn thiện vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của con sông Đà.
3. Đánh giá:
- 2 đoạn văn không chỉ là hiện lên vẻ đẹp của con sông Đà ở 2 khía cạnh: hung bạo và trữ tình mà còn làm nổi bật hình tượng con người lao động kiên cường cứng cỏi. Chiến đấu hằng ngày với thiên nhiên thác dữ nhưng luôn chinh phục và chế ngự được thiên nhiên.
- Qua 2 đoạn văn này cũng góp phần khẳng định tài năng và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: nhìn sự vật ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, ở cái phi thường, độc đáo.
III. Kết luận.