Đề số 3
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Phú không sinh được lễ nghĩa. Trọc phú càng không. Lễ nghĩa không là đặc quyền của người giàu. Lễ nghĩa thuộc về người có giáo dục, có văn hóa. Người giàu (phú), có giáo dục, có văn hóa (quý) thì mới lễ nghĩa được. Giáo dục, văn hóa ở đây không đồng nghĩa với bằng cấp, học vị.
Nước ta khi còn thuộc địa, dân ta thất học, nghèo khó nhưng không thiếu người lễ nghĩa, họ thể hiện những nét đẹp trong truyền thống đạo đức của người Việt.
Ngược lại bây giờ, nước ta đã độc lập, thống nhất, dân ta nhiều người từ nghèo khó đã trở thành giàu có (có làng trở thành “làng tỉ phú”, dân quê xây biệt thự sắm xe hơi cũng là chuyện thường); từ thất học nay thì “thừa học” (ngày xưa đỗ tú tài đã là quý hiểm, bây giờ thì cử nhậc, thạc sĩ, tiến sĩ nhiều không kể xiết; có làng ngày xưa rất nghèo, dân mò cua bắt ốc, dân làng phần lớn mù chữ, nay có tới năm, bảy ông tiến sĩ…) thế mà lễ nghĩa như là chuyện trên trời.
Đâu đó vẫn vang lên tiếng cha mẹ mắng con, anh chửi em “mày là thằng bất nhân, bất nghĩa!”. Con cái đối với cha mẹ, anh em ruột đối xử với nhau, học trò đối với thầy cô giáo, con người ứng xử với con người… nhiều chuyện nếu kể ra thì đau lòng lắm, mà đấy là chuyện “thường ngày ở huyện”. Kính trên nhường dưới, hiếu đễ với cha mẹ, thành kính với tổ tiên, với tiền nhân, giúp đỡ người gặp hoạn nạn, người yếu thế… những câu chuyện của lễ nghĩa như thế càng ngày càng ít được kể lại.
Lễ nghĩa là đạo đức truyền thống của người Việt. Đã vô đạo đức thì làm gì có lễ nghĩa. Nhưng những mặc cảm về sự vô đạo đức đã dẫn tới sự phô trương lễ nghĩa, nhất là ở những người mới giàu (trọc phú).
Xây nhà thờ họ tốn kém tiền tỉ, tổ chức mừng thượng thọ cỡ vài trăm triệu cho cha mẹ, lập bàn thờ gia đình rất cầu kì, cúng giỗ cỗ bàn liên miên… để khoe chữ hiếu, để khoe sự thành kính, để khoe nghĩa tình, để khoe đủ thứ đủ kiểu.
Lễ nghĩa đâu chỉ là hành vi, đâu chỉ là việc thực hiện những nghi thức, và nó tuyệt nhiên không thể mua được bằng tiền. Lễ nghĩa là nhân cách bên trong mỗi con người, đôi khi nó không thể diễn tả bằng hành vi, bằng lời nói.
Phú quý sinh lễ nghĩa có khi chỉ là một cách nói nước đôi. Cũng có thể hiểu nếu phú mà quý thì có thể sinh lễ nghĩa, nhưng cũng có thể hiểu theo kiểu “ái chà, phú quý sinh lễ nghĩa ấy mà” với một nụ cười mỉm.
(Nhạc sĩ Dương Thụ, Ngày mùng 1 tết nói chuyện nếp người,
Dẫn theo www.tuoitre.vn, ngày 16-02-2018)
Câu 1. Xác định chủ đề của bài viết.
Câu 2. Tại sao tác giả nói “Lễ nghĩa không là đặc quyền của người giàu”?
Câu 3. Theo nội dung bài viết thì câu thành ngữ “Phú quý sinh lễ nghĩa” cần được hiểu như thế nào cho đúng?
Câu 4. Anh (chị) có tán thành quan điểm của người viết không? (trình bày suy nghĩ trong khoảng 5-7 dòng).
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1. (2 điểm) Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nguyên nhân của thói “đạo đức giả” trong xã hội ngày nay và cách khắc phục.
Câu 2. (5 điểm)
Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của con người và thiên nhiên trong đoạn thơ sau:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
(Trích Tây Tiến – Quang Dũng, Ngữ văn 12, tập 1,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr. 88-89)
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Bài viết bàn về mối quan hệ giữa phú quý và lễ nghĩa.
Câu 2. Lễ nghĩa là hành vi, cách ứng xử đúng mực, thể hiện sự tôn trọng, quý mến của mình với người khác. Lễ nghĩa được hình thành từ giáo dục nhưng nó phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân. Người ta có thể giàu có, có thể có nhiều bằng cấp nhưng vẫn không thể “mua được” lễ nghĩa là ý thức, đạo đức của bất kì ai, không kể giàu nghèo.
Câu 3. Nghĩa của câu thành ngữ “Phú quý sinh lễ nghĩa” phải gắn liền với từng hoàn cảnh:
- Người ta từ nghèo khó đi đến thành công. Khi giàu có, họ làm những việc “lễ nghĩa” để tri ân, để tỏ lòng thành kính hoặc nghĩa tình với gia đình, thầy cô, bè bạn hoặc với ai đó trong xã hội. Hành động “sinh lễ nghĩa” lúc đó xuất phát từ tấm lòng chân thành và là điều đáng quý, đáng trân trọng.
- Tuy nhiên, cũng có người dựa vào sự giàu có, nghĩ và làm những việc cầu kì, cốt để khoe mẽ, phô trương. Hành động “sinh lễ nghĩa” lúc đó xuất phát từ sự kiêu ngạo, từ những toan tính cá nhân, có thể chưa ảnh hưởng đến xã hội nhưng nó là hành động kệch cỡm, không đáng trọng.
Câu 4. HS có thể đưa ra và bảo vệ quan điểm của cá nhân. Nhưng về cơ bản là tác giả bài viết đã đưa ra ý kiến đúng đắn về cả mặt nhận thức lẫn thực tiễn. Ý kiến ấy đã cho ta hiểu sâu sắc vấn đề phú quý và lễ nghĩa, đồng thời cũng có tính chất cảnh báo, nhắc nhở chúng ta cần hành xử sao cho phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam.
II. LÀM VĂN
Câu 1.
a. Yêu cầu về hình thức:
- Viết đúng hình thức 1 đoạn văn khoảng 200 chữ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
b. Yêu cầu về nội dung
Đoạn văn có thể triển khai dựa trên 1 số ý sau:
* Đạo đức là những chuẩn mực tốt đẹp được xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội.
Đạo đức giả là đạo đức không chân thật. Đạo đức giả biểu hiện ở cách ứng xử giả tạo, dùng vỏ bọc đạo đức bề ngoài để che đậy bản chất xã hội xấu xa bên trong nhằm đánh lừa người khác, mưu lợi riêng cho mình.
* Nguyên nhân của căn bệnh đạo đức giả:
- Sự xuống cấp của nền đạo đức, văn hóa trông xã hội và những tác động của thời đại kinh tế thị trường khiến nhiều người sống giả dối. Khi mà cả xã hội bắt đầu quen với việc nói dối, làm giả thì căn bệnh đạo đức giả cũng bùng phát. Con người vì lợi ích riêng tư mà bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng chà đạp lên đạo lí và tình người.
- Tâm lí xã hội xem trọng và đề cao đời sống vật chất khiến cho tình người hao hụt. Giờ đây, để khẳng định giá trị một con người, xã hội thường lấy vật chất họ đang sở hữu để xếp hạng. Bởi thế mà có nhiều kẻ đồi bại đạo đức, làm ăn bất chính nhưng giàu có được nhiều người biết đến. Thậm chí được tôn vinh là mẫu mực để người khác noi theo.
* Khắc phục căn bệnh đạo đức:
- Trước hết là tăng cường giáo dục con người. Bởi thói xấu nào cũng do con người mà ra. Chỉ cần con người hướng đến cái cao đẹp thì cái xấu, cái giả dối tự nó sẽ biến mất.
- Xây dựng một xã hội lành mạnh, trong sạch. Lấy tập thể để làm gương cho cá nhân. Xây dựng lối sống hòa hợp đề cao tình nghĩa. Kịch liệt đả kích, lên án và trừng trị đích đáng cái xấu, cái giả dối trong xã hội.
- Tăng cường tuyên truyền, cổ động và phổ biến các giá trị đạo đức chuẩn mực trong đời sống. Phát hiện, trân trọng và đề cao những tấm gương đạo đức trong xã hội. Lấy đó làm gương sáng để người khác học tập và làm theo.
Câu 2. Dàn ý:
I. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Trích dẫn đoạn thơ.
II. Thân bài
1. Khái quát
a. Vị trí, xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác
- Tác phẩm được sáng tác năm 1948 trong một buổi chiều tại làng Phù Lưu Chanh, khi Quang Dũng đã rời xa binh đoàn Tây Tiến và thương nhớ về những người đồng đội của mình.
- Bài thơ được coi là thi phẩm tiêu biểu cho suốt đời thơ Quang Dũng, là hồn thơ chân thành mộc mạc và giàu xúc cảm của nhà thơ chiến sĩ – thi sĩ.
b. Giá trị nội dung và nghệ thuật
- Tây Tiến là một khúc nhạc lãng mạn về cảnh trí thiên nhiên và con người miền Tây Bắc. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng cho rằng: “Khi đọc tác phẩm Tây Tiến, ta có cảm tưởng như ngậm âm nhạc trong miệng. Chất nhạc, chất họa ấy được cất lên từ những lời thơ tài hoa”.
- Nếu như đoạn thơ trước, thiên nhiên Tây Bắc hiện ra với đèo vực của núi rừng hiểm trở dữ dội thì đến đây, cảnh sắc ấy lùi khuất hẳn để bất ngờ hiện ra trước mắt người đọc một vẻ đẹp khác thuộc thế giới khác của Tây Bắc – vẻ đẹp mĩ lệ, duyên dáng, thơ mộng. Theo đó những nét vẽ bạo, khỏe, gân guốc được thay bằng những nét vẽ mềm mại, uyển chuyển. Có thể nói đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất dấu ấn tâm hồn, tài năng đến độ tài hoa của Quang Dũng – một nghệ sĩ tài hoa.
2. Phân tích
Đoạn thơ tả cảnh đêm liên hoan ấm áp tình quân dân và cảnh một chiều sương phủ trên sông nước miền Tây Bắc.
- Ý thơ “Doanh trại bừng lên” vừa gợi sự hiện diện bất ngờ của ánh sáng đồng thời cũng thúc gọi sự bừng tỉnh của thiên nhiên khi có con người xuất hiện. Như thế, con người đã thổi hồn, đem đến sức sống cho vùng đất hoang vu khuất nẻo và lạnh lẽo này. Hai chữ “bừng lên” còn diễn tả được cái không khí náo nức của đêm hội. Mỗi khi một cơn gió rừng thổi tới là muôn ngàn tàn lửa đỏ bay lên. Hình ảnh ấy gợi cho Quang Dũng cái nhìn rất lãng mạn, gợi hình tượng rất đẹp, rất sang.
- Qua ánh sáng lung linh của lửa, đuốc, trong âm thanh réo rắt tình tứ của tiếng khèn, con người miền Tây qua đôi mắt của người lính Tây Tiến thấm đẫm cảm xúc lãng mạn. Những thiếu nữ dân tộc vùng cao hay những cô gái Lào hiện ra với vẻ đẹp của những sắc tộc rực rỡ cùng sự dịu dàng, “e ấp” rất nữ tính khiến cho những chiến sĩ Tây Tiến trẻ trung lãng mạn hết sức ngỡ ngàng: “Kìa em xiêm áo tự bao giờ”.
- Dòng hồi ức vẫn tiếp tục làm sống dậy trong tâm trí nhà thơ những không gian, cảnh vật gợi nhớ, gợi thương. Đó là khung cảnh sông nước miền Tây Bắc trong một buổi chiều sương phủ:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
+ Thiên nhiên nên thơ, diễm lệ và tình tứ lại hiện ra trong nỗi nhớ. Dòng sông Tây Bắc trong một “chiều sương” gắn với sự kiện đã trở thành kỉ niệm. Đó là cuộc chia tay giữa người chiến sĩ và đồng bào miền núi. Cuộc chia tay nào mà chẳng chứa đựng nỗi buồn. Cuộc chia tay hôm ấy thêm nữa lại diễn tả vào một buổi chiều nên càng buồn hơn nữa.
+ “Chiều sương ấy” vừa xác định thời gian vừa gợi một không gian hoài niệm. Hai chữ “hồn lau” tả thực những bông hoa lau với màu xám bạc. Nhưng qua cái nhìn đầy tâm trạng của người đi, hoa lau như có điệu hồn. Đó là mảnh hồn người Tây Tiến gửi lại Châu Mộc lúc từ giã. Đó cũng là tình cảm tha thiết mà người dân miền Tây Bắc dành cho những người lính Tây Tiến khi đi xa. Phải là một hồn thơ đặc biệt nhạy cảm tinh tế, Quang Dũng mới có thể nắm bắt và đồng điệu cùng thế giới thiên nhiên tạo vật Tây Bắc trong những sắc thái rất khó nhận biết ấy. Đó là sương mờ bảng lảng chiều Châu Mộc. Đó còn là hình ảnh một bông hoa rừng đang “đong đưa” như muốn làm duyên bên dòng thác lũ. Một loạt những câu hỏi tu từ liên tiếp là nỗi nhớ da diết khôn nguôi của tình người gắn bó.
- Nhớ về Tây Bắc còn là nhớ đến hình ảnh đầy ấn tượng của cô gái Thái trên con thuyền “độc mộc”. Uyển chuyên duyên dáng mà cũng rất vững vàng tự tin. Ngòi bút tài hoa của Quang Dũng không chỉ tả mà còn gợi, tinh tế cảm nhận cảnh vật thiên nhiên như có hồn phảng phất trong gió, trong cây, trong bạt ngàn lau trắng, trong không gian xa vắng của bến bờ. Nhà thơ không chỉ làm hiện diện lên trước mắt người đọc vẻ đẹp tiên nhiên mà còn gợi được cái phần thiêng liêng của cảnh vật xứ sở. Sự quyến rũ của thiên nhiên, con người nơi đây khiến nỗi nhớ không chỉ là tình cảm mà còn là cảm hứng rất phong tình của thi sĩ.
3. Đánh giá
Đoạn thơ đưa người đọc vào thế giới riêng của Tây Bắc – nơi có sự hiện diện của cái đẹp, của thơ, của nhạc, của họa, lời thơ ngân nga như hát, như nhạc điệu cất lên từ tâm hồn ngây ngất đắm đuối của người lính Tây Tiến. Có lẽ toàn tác phẩm chưa có đoạn nào mà thơ và nhạc hòa quyện tới mức khó tách bạch như tám câu thơ này. Nó chính là cái nền thiên nhiên chuẩn bị cho việc nhà thơ khắc họa bằng nghệ thuật ngôn từ bức tượng đài bi tráng hào hùng và vẻ đẹp tài hoa của tập thể đoàn quân Tây Tiến ở đoạn thơ tiếp theo.
III. Kết bài
1. Khẳng định lại giá trị nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
2. Liên hệ, mở rộng.
- Bài thơ nói chung và đoạn thơ nói riêng làm đẹp thêm cho hình tượng người chiến sĩ trong những năm kháng chiến chống Pháp.
- Đoạn thơ khiến ta nhớ tới tình cảm da diết dặt dìu giữa người đi – kẻ ở trong Việt Bắc của Tố Hữu, Tống biệt hành của Thâm Tâm,… Đây đều là những cuộc chia li lịch sử, đẹp đẽ mà thấm đượm tình người.