Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề số 3 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau:
... Kim đồng hồ tích tắc, tích tắc
Hai tiếng động nhỏ bé kia
Hơn mọi ầm ào gào thét
Là tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người
Đó là thời gian
Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại
Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối
Nhưng anh, anh chẳng sợ nó đâu
Thời gian – đó là chiều dài những ngày ta sống bên nhau
Thời gian – đó là chiều dày những trang ta viết.
(Trích Cho Quỳnh những ngày đi xa, Di cảo Lưu Quang Vũ, NXB Trẻ, 2028, tr.29 – 30)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Vì sao tiếng Kim đồng hồ tích tắc lại trở thành tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người?
Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong trường hợp sau:
Hai tiếng động nhỏ bé kia
Hơn mọi ầm ào gào thét
Câu 4. Lưu Quang Vũ có cách cảm nhận thời gian như thế nào trong hai câu thơ cuối?
Câu 5. Theo anh/chị, hai cách cảm nhận về thời gian trong đoạn trích sẽ chi phối như thế nào tới đời sống con người?
Hướng dẫn giải:
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Thể thơ: Tự do. | 0.5 |
2 | Tiếng Kim đồng hồ tích tắc lại trở thành tiếng động khủng khiếp nhất đối với con người bởi vì Nó báo hiệu mỗi giây phút qua đi không trở lại/ Nhắc nhở cái gì đang đợi ta ở cuối. | 1.0 |
3 |
Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh: – Tăng sự sinh động, hấp dẫn cho câu thơ. – Nhấn mạnh sự chảy trôi nhanh chóng của thời gian, nó khiến con người cảm thấy lo lắng, sợ hãi. |
1.0 |
4 | Trong hai câu thơ cuối, Lưu Quang Vũ có cách cảm nhận thời gian như sau: thời gian là quỹ ngày tháng quý giá để ta được sống ý nghĩa, hạnh phúc (ta sống bên nhau, ta viết). | 1.0 |
5 |
– Chỉ ra hai cách cảm nhận về thời gian: + Lo sợ trước sự trôi đi chóng vánh, một đi không trở lại của thời gian. + Trân trọng thời gian bởi vì nó giúp con người được sống bên nhau, được làm những gì mình yêu thích. – Nêu được sự chi phối của hai cách cảm nhận về thời gian, có thể theo hướng: Biết tận dụng, biết tiết kiệm thời gian, không để thời gian trôi qua lãng phí. |
1.0 |
II. PHẦN VIẾT (6 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ phân tích vẻ đẹp của con sông Đà trong đoạn trích sau:
Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hươu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng cái tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?”. Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bung trắng như bạc rơi thoi. Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến. Thuyền tôi trôi trên “Dải Sông Đà bọt nước lênh đênh - Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình” của “một người tình nhân chưa quen biết” (Tản Đà). Dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải nó khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng trên.
(Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Nguyễn Tuân toàn tập, tập IV, NXB Văn học, Hà Nội, 2000)
Câu 2. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề ý thức tự học ở giới trẻ.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Nội dung | Điểm |
a. Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng: – Yêu cầu về hình thức: đoạn văn. – Dung lượng: 200 chữ. Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích vẻ đẹp của con sông Đà trong đoạn trích thuộc tác phẩm Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân). | 0.25 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: – Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: + Sông Đà mang vẻ đẹp lặng tờ, hoang sơ với không khí vắng lặng, nhuốm màu sắc cổ tích xa xưa,... + Sông Đà mang vẻ đẹp trữ tình, tươi mới, giàu sức sống với cây cối xanh tươi mơn mởn, động vật đáng yêu,... + Sông Đà trở thành cảm hứng thi ca bao đời, được coi là "một tình nhân chưa quen biết", cũng có tình cảm, cảm xúc như con người,... + Nghệ thuật: Kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ; ngôn ngữ gợi hình, gợi cảm; giọng điệu nhẹ nhàng,... – Sắp xếp được hệ thống ý phù hợp với đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn. |
0.5 |
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau: – Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0.5 |
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn. | 0.25 |
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.25 |
Câu 2.
Nội dung | Điểm |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội. | 0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ý thức tự học ở giới trẻ. | 0.5 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: – Xác định được các ý chính của bài viết. – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. * Triển khai vấn đề nghị luận: + Giải thích vấn đề nghị luận: Thế nào là tự học? (Quá trình tự tìm tòi, nghiên cứu, tổng hợp kiến thức mà không cần ai nhắc nhở, yêu cầu.), Thế nào là ý thức tự học? (Sự nhận thức của mỗi người về tầm quan trọng của việc tự học, từ đó có kế hoạch và phương pháp tự giác học tập một cách chủ động.) + Thể hiện quan điểm của người viết: ++ Vì sao giới trẻ cần có ý thức tự học? (Giúp làm giàu cho kho tri thức; rèn luyện sự chủ động, tư duy phản biện;...) ++ Làm sao để luôn có ý thức tự học? (Xác định mục tiêu rõ ràng khi học; tạo môi trường học tập tích cực; tạo động lực và chấp hành kỉ luật bản thân;...) ++ Rút ra bài học cho bản thân. |
1.0 |
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: – Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
1.5 |
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn. | 0.25 |
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.5 |