Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề số 2 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau:
Miền Trung
Câu ví dặm nằm nghiêng
Trên nắng và dưới cát
Đến câu hát cũng hai lần sàng lại
Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm.
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người.
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Em gắng về
Đừng để mẹ già mong...
(Trích Miền Trung, Hoàng Trần Cương, Thơ hay Việt Nam thế kỉ XX, NXB Văn hóa Thông tin, 2006, tr. 81 - 82)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Chỉ ra hai hình ảnh trong đoạn trích cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung.
Câu 3. Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về con người và mảnh đất miền Trung?
Miền Trung
Eo đất này thắt đáy lưng ong
Cho tình người đọng mật
Câu 4. Việc vận dụng thành ngữ trong dòng thơ Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt có tác dụng gì?
Câu 5. Anh/Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với miền Trung được thể hiện trong đoạn trích.
Hướng dẫn giải:
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Thể thơ: tự do. | 0.5 |
2 |
Hai hình ảnh trong đoạn trích cho thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên miền Trung: - Trên nắng và dưới cát - Chỉ có bão là tốt tươi như cỏ |
0.5 |
3 | Mảnh đất miền Trung duyên dáng, mảnh mai thắt đáy lưng ong, tình người miền Trung đậm đà như mật đọng. | 1.0 |
4 |
HS chỉ ra được thành ngữ được vận dụng: thành ngữ Nghèo rớt mồng tơi trong dòng thơ Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt. HS nêu được tác dụng của việc vận dụng thành ngữ: giúp tăng sự sinh động, hấp dẫn cho sự diễn đạt; nhấn mạnh sự cực nhọc, nghèo khó của mảnh đất miền Trung. |
1.0 |
5 |
HS chỉ ra được tình cảm của nhà thơ đối với mảnh đất miền Trung: xót xa trước sự lam lũ, khắc nghiệt của miền Trung; trân trọng, tự hào vẻ đẹp của con người miền Trung. HS nhận xét được tình cảm của nhà thơ đối với mảnh đất miền Trung: có thể theo hướng sau: đó là tình cảm cao đẹp, đáng trân trọng. |
1.0 |
II. PHẦN VIẾT (6 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích hình ảnh “cơm” (cà mèn cơm, chén cơm, miếng cơm,...) trong đoạn trích sau:
Chưa hết Tết, mới ngày mùng bốn anh lại phải đưa vợ con vào Sài Gòn. Bà mẹ dậy sớm làm gà, nấu cơm. Vẫn một mình bà cặm cụi với cái bếp. Bà xúc đầy cơm vào chiếc cà mèn*. Gà luộc cho vào hộp đựng. “Bây đem lên xe mà ăn. Cơm dọc đường dọc sá không ngon đâu”.
Con cháu lên taxi rồi bà còn dặn theo: “Vào trong nhớ ăn uống đàng hoàng nghe bây. Đừng bỏ bữa sáng. Không ai thương bằng cơm thương”.
Vào tới Sài Gòn cà mèn cơm vẫn còn một nửa. Vợ định đem đi đổ. Anh can, bảo để đấy, phơi khô cất giữ làm kỉ niệm.
Qua tháng ba nghe tin mẹ bệnh, anh tức tốc về nhà. Nằm trên giường, gặp con, câu đầu tiên bà hỏi: “Con ăn chi chưa? Mẹ không bắc cơm được. Thôi ra đầu chợ ăn tạm. Bữa nào khỏe mẹ nấu cơm cho ăn. Tội nghiệp!”.
Nhưng mẹ không khỏe nữa, yếu dần, được thêm hai bữa thì nhắm mắt.
Đưa mẹ ra đồng xong, về nhà nhìn chén cơm trắng đặt trên bàn thờ, anh thấy nhói lòng. Ân hận. Thế là hết cơ hội được ăn với mẹ một chén cơm sáng thật đầy, để nghe mẹ nói câu “Không ai thương bằng cơm thương”. Tiếc nuối. Thèm miếng cơm cháy mẹ nấu quá. Giòn và thơm, mùi hương đồng mùi nước quê, cả mùi khói bếp. Chỉ có mẹ mới nấu được miếng cơm cháy ngon như thế.
Hôm lên đường vào Sài Gòn, anh dậy sớm nấu chén cơm đặt lên bàn thờ mẹ. Anh tự mình vo gạo, tự mình nhóm bếp rơm. Loay hoay một hồi. Bếp nhà đầy khói. Và khói...
(Hoàng Công Danh, Cơm mùi khói bếp, Chuyến tàu vé ngắn, NXB Trẻ, 2016, TP. Hồ Chí Minh, tr. 53 – 54)
Chú thích:
*cà mèn: cặp lồng, hộp đựng cơm.
Câu 2. Viết bài văn (khoảng 600 chữ) nêu suy nghĩ của anh/chị về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Nội dung | Điểm |
a. Xác định đúng yêu cầu về hình thức, dung lượng: – Yêu cầu về hình thức: đoạn văn. – Dung lượng: 200 chữ. Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích hình ảnh “cơm” (cà mèn cơm, chén cơm, miếng cơm,...) trong đoạn trích được trích từ truyện ngắn Cơm mùi khói bếp (Hoàng Công Danh). | 0.25 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: – Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: + Hình ảnh xuyên suốt đoạn trích, xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: cà mèn cơm, bát cơm, chén cơm, miếng cơm cháy, mong ước nấu cơm cho con của mẹ,... + Hình ảnh có ý nghĩa sâu sắc: thể hiện tình yêu thương con lớn lao của mẹ; nỗi ân hận, day dứt, tiếc nuối của người con; sự trăn trở về chữ hiếu và hạnh phúc gia đình trong thời đại ngày nay;... – Sắp xếp được hệ thống ý phù hợp với đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn. |
0.5 |
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau: – Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0.5 |
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn. | 0.25 |
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.25 |
Câu 2.
Nội dung | Điểm |
a. Xác định yêu cầu của kiểu bài: Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. | 0.5 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết: – Xác định được các ý chính của bài viết. – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. * Triển khai vấn đề nghị luận: – Giải thích vấn đề nghị luận: + "bản sắc văn hoá dân tộc": tổng hòa những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, cốt cách, tâm hồn, tâm lí,... + "giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc": nỗ lực để những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc không bị mai một. – Thể hiện quan điểm của người viết: + Vì sao cần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc? (Khẳng định nét riêng của đất nước Việt Nam trên bản đồ quốc tế; nếu đánh mất bản sắc dân tộc thì cũng đồng nghĩa đánh mất đi hồn cốt dân tộc - "tài sản" lớn mà cha ông ta đã bao đời gây dựng; khẳng định sự độc lập tự chủ của dân tộc về mọi mặt, đồng thời cũng tạo niềm tin và là cơ sở vững chắc cho các quan hệ hợp tác quốc tế,...) + Cần làm gì để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc? (Chủ động tìm hiểu nét đẹp của văn hoá dân tộc; luôn tự hào trước những giá trị tốt đẹp mà cha ông đã để lại; tích cực giới thiệu văn hoá dân tộc với bạn bè quốc tế,...) |
1.0 |
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: – Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân. – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1.5 |
e. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản. |
0.25 |
f. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.5 |