Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra cuối giữa kì II - Đề số 3 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4 ĐIỂM)
Đọc văn bản sau:
(1) Blog được ghép từ hai chữ “web log” là một loại nhật kí trực tuyến, mặc dù xuất hiện từ những năm đầu của thập kỉ 1990 nhưng chỉ thực sự phát triển trong vòng 5 – 6 năm trở lại đây. […] Sự phát triển của blog nói riêng và của cộng đồng mạng nói chung cho thấy nhu cầu được giao lưu, chia sẻ, được mọi người biết đến, và có tiếng nói là những nhu cầu hết sức cơ bản của con người. […]
(2) Mỗi một blog là một kênh trao đổi thông tin mở. Không chỉ tác giả mà cả những khán giả có thể vào xem và viết bình luận. Tính năng liên kết cho phép nối kết một blog với nhiều blog khác, và nhờ đó tạo nên một mạng lưới blog toàn cầu. Công nghệ hiện đại cũng cho phép có thể đưa được ảnh, nhạc và video lên blog. Như vậy, có nghĩa là blog đã thực sự trở thành nguồn tin tức mở, và mỗi blogger theo một nghĩa nào đó đã trở thành một “nhà báo công dân”.
(3) Việc một blog có thể trở thành một nguồn tin mở, và mỗi một blogger có thể trở thành một nhà báo công dân chắc chắn sẽ có tác động đến việc làm báo truyền thống. Tuy nhiên, tác động cụ thể của nó như thế nào thì có lẽ còn phải chờ thời gian mới đánh giá được một cách chính xác. Chẳng hạn như theo Friedman, tác giả của “Thế giới phẳng”, trong vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London, chỉ trong vòng 24 giờ, BBC đã nhận được 20.000 bài viết qua thư điện tử, hơn 1.000 bức ảnh và hơn 20 đoạn video. Việc thẩm định, chọn lọc và sử dụng những nguồn tư liệu hết sức đồ sộ, phong phú và đa dạng này thực sự là một thách thức chung cho làng báo truyền thống: một mặt, họ rất muốn có một cách nhanh nhất những thông tin trực tiếp, từ nhiều góc độ khác nhau, đại diện cho nhiều tiếng nói khác nhau, mặt khác, việc chọn lọc, xử lí, biên tập những tin này quả thực không đơn giản.
(Vũ Thành Tự An, Blog và nền báo chí công dân, trích Một góc nhìn của tri thức, NXB Tri thức, tr.115)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Văn bản được diễn đạt bởi yếu tố nào là chính?
Câu 2. Chọn câu văn thể hiện luận điểm ở đoạn (2).
Câu 3. Em có nhận xét gì về cách người viết trình bày bằng chứng trong đoạn (3)?
Câu 4. Tìm chủ ngữ, vị ngữ trong câu văn “Như vậy, có nghĩa là blog đã thực sự trở thành nguồn tin tức mở, và mỗi blogger theo một nghĩa nào đó đã trở thành một “nhà báo công dân”. Cho biết câu văn này là câu ghép đẳng lập hay câu ghép chính phụ?
Câu 5. Hiện nay, khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, báo mạng, blog là một trong những phương tiện cung cấp thông tin nhanh chóng, tiện lợi. Trong bối cảnh này, theo em báo chí truyền thống có vai trò như thế nào? (Viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu thể hiện quan điểm của bản thân)
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Yếu tố diễn đạt chính: Nghị luận.
Câu 2. Câu văn thể hiện luận điểm ở đoạn (2): Mỗi một blog là một kênh trao đổi thông tin mở.
Câu 3.
– Bằng chứng:
+ Trong vụ đánh bom tàu điện ngầm ở London, chỉ trong vòng 24 giờ, BBC đã nhận được 20.000 bài viết qua thư điện tử, hơn 1.000 bức ảnh và hơn 20 đoạn video.
+ Việc thẩm định, chọn lọc và sử dụng những nguồn tư liệu của làng báo truyền thống.
--> Bằng chứng là những ví dụ tiêu biểu lấy từ thực tế do Friedman ghi lại trong “Thế giới phẳng”. Bằng chứng cụ thể, rõ ràng, thuyết phục người đọc, giúp thể hiện được mục đích của văn bản.
Câu 4.
Câu văn: Như vậy, có nghĩa là blog đã thực sự trở thành nguồn tin tức mở, và mỗi blogger theo một nghĩa nào đó đã trở thành một “nhà báo công dân.
– CN1: blog; VN1: đã thực sự trở thành nguồn tin tức mở.
– CN2: mỗi blogger; VN2: theo một nghĩa nào đó đã trở thành một “nhà báo công dân.
--> Câu ghép đẳng lập.
Câu 5.
HS trình bày quan điểm cá nhân bằng đoạn văn:
– Trình bày đúng hình thức của đoạn văn.
– Trình bày được quan điểm của bản thân về vấn đề: vai trò của báo chí truyền thống trong sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng.
+ Người đọc nắm bắt được những thông tin quan trọng, chính thống từ (luật, nghị định, thông tư, chỉ thị,…) của cơ quan nhà nước. Vì những phát ngôn ấy có giá trị với công luận khi được đăng trên báo giấy.
+ Người đọc (đặc biệt các nhà nghiên cứu) có thể lưu giữ văn bản làm tư liệu có giá trị, không dễ bị thay đổi, sao chép như báo mạng.
+ …
II. PHẦN VIẾT (6 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của em về vấn đề: Người trẻ cần làm gì để chọn lọc thông tin bổ ích trong thời đại “bùng nổ” mạng xã hội?
Câu 2. Viết một bài văn (khoảng 600 chữ) kể lại một câu chuyện mà em tưởng tượng trong đó có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Người trẻ cần làm gì để chọn lọc thông tin bổ ích trong thời đại “bùng nổ” mạng xã hội?
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Giải thích: Thời đại “bùng nổ” mạng xã hội là gì?
+ Người trẻ cần làm gì để chọn lọc thông tin bổ ích trong thời đại “bùng nổ” mạng xã hội?
- Lựa chọn những trang báo, trang thông tin uy tín, chính thống.
- Tiếp cận thông tin một cách cẩn trọng, chắt lọc, có sự nghiền ngẫm.
- Trình báo với cơ quan có thẩm quyền xử lí ngay những thông tin sai lệch, lừa đảo, chống phá nhà nước,…
- …
(HS sử dụng bằng chứng phù hợp, thuyết phục)
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn.
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Tự sự.
b. Xác định đúng yêu cầu: Kể chuyện tưởng tượng.
c. Đề xuất các tiêu chí để làm rõ vấn đề:
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn:
* Mở bài: Giới thiệu thời gian, không gian, các nhân vật và tình huống xảy ra câu chuyện.
* Thân bài: Chọn ngôi kể phù hợp (ngôi thứ nhất hoặc thứ ba); lần lượt kể lại sự việc từ khi mở đầu cho đến kết thúc xoay quanh nhân vật chính; sử dụng các chi tiết tiêu biểu; xây dựng đối thoại giữa các nhân vật; kết hợp miêu tả và biểu cảm;…
* Kết bài: Có thể nêu cách giải quyết vấn đề được đề cập trong truyện phù hợp với diễn biến của câu chuyện, gợi mở hoặc thể hiện những suy ngẫm từ/ về câu chuyện.
d. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong bài văn.
e. Sáng tạo: Sử dụng hình ảnh, từ ngữ, biện pháp tu từ độc đáo; lời văn trau chuốt, sinh động, gợi cảm.