Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra giữa học kì II - Đề số 2 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Việt Nam quê hương ta
Việt Nam đất nước ta ơi!
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.
Cánh cò bay lả dập dờn,
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
Quê hương biết mấy thân yêu,
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau.
Mặt người vất vả in sâu,
Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn.
Đất nghèo nuôi những anh hùng,
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên.
Đạp quân thù xuống đất đen,
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
Việt Nam đất nắng chan hoà,
Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh.
Mắt đen cô gái long lanh,
Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung.
Đất trăm nghề của trăm vùng,
Khách phương xa tới lạ lùng tìm xem.
Tay người như có phép tiên,
Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ.
Nước bâng khuâng những chuyến đò,
Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi.
Đói nghèo nên phải chia ly,
Xót xa lòng kẻ rời quê lên đường.
Ta đi ta nhớ núi rừng,
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ.
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô,
Bữa cơm rau muống quả cà giòn tan...
(Trích trường ca Bài thơ Hắc Hải, 1958, Nguyễn Đình Thi)
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ.
Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của bài thơ.
Câu 3. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ trong khổ thơ sau:
Ta đi ta nhớ núi rừng,
Ta đi ta nhớ dòng sông vỗ bờ.
Nhớ đồng ruộng, nhớ khoai ngô,
Bữa cơm rau muống quả cà giòn tan...
Câu 4. Con người Việt Nam hiện lên trong bài thơ với những phẩm chất nào?
Câu 5. Phát biểu đề tài, chủ đề của bài thơ.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: Lục bát.
Câu 2.
Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Biểu cảm.
Câu 3.
– HS xác định được một biện pháp tu từ trong khổ thơ: Lặp cấu trúc (Ta đi ta nhớ ...), điệp từ (nhớ), liệt kê (rừng, dòng sông, đồng ruộng, khoai ngô, bữa cơm rau muống, quả cà giòn tan).
– HS phân tích được tác dụng của một biện pháp tu từ:
+ Lặp cấu trúc: Nhấn mạnh tình yêu, nỗi nhớ của người con xa quê dành cho quê của mình.
+ Điệp từ: Khẳng định nỗi nhớ của người con xa quê dành cho quê hương thông qua những sự vật quen thuộc, bình dị như núi đồng ruộng, khoai ngô.
+ Liệt kê: Chỉ ra những sự vật bình dị, quen thuộc của quê hương như núi rừng, dòng sông, đồng ruộng, khoai ngô, bữa cơm rau muống, quả cà giòn tan, qua đó thể hiện tình yêu, sự trân trọng của người con xa quê dành cho quê hương của mình.
Câu 4.
Con người Việt Nam hiện lên trong bài thơ với những phẩm chất:
– Dũng cảm, anh hùng: Khi đất nước lâm nguy, con người Việt Nam sẵn sàng vùng lên đấu tranh, đánh tan quân thù: Đạp quân thù xuống đất đen.
– Hiền hòa, chăm chỉ, cần cù: Mặt người vất vả in sâu/ Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn; Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
– Thủy chung, trọng tình: Yêu ai yêu trọn tấm tình thuỷ chung; Nước bâng khuâng những chuyến đò/ Đêm đêm còn vọng câu hò Trương Chi;...
– Khéo léo, tinh tế: Tay người như có phép tiên/ Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ;...
Câu 5.
– Đề tài: Vẻ đẹp của quê hương, đất nước.
– Chủ đề: Tình yêu, sự trân trọng, ngợi ca dành cho vẻ đẹp và con người quê hương, đất nước.
Câu 1. (2 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm nhận của em về bài thơ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) bàn về tinh thần dân tộc của người Việt Nam.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ghi lại cảm nhận của em về bài thơ ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Tình yêu đối với quê hương, đất nước:
++ Biển lúa mênh mông, cánh cò rập rờn bay trên nền trời, mây mờ che đỉnh Trường Sơn làm nên một không gian vừa hùng vĩ, vừa bình yên ả, thanh bình.
++ Đất nước không chỉ đẹp đẽ mà còn thuận lợi về khí hậu, trù phú về sản vật: Việt Nam đất nắng chan hòa/ Hoa thơm quả ngọt bốn mùa trời xanh.
++ Quê hương lam lũ, vất vả, chịu nhiều đau thương: Quê hương biết mấy thân yêu/ Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau/ Mặt người vất vả in sâu/ Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn.
+ Tình yêu đối với con người Việt Nam:
++ Con người Việt Nam vất vả, lam lũ nhưng chịu thương chịu khó: Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau/ Mặt người vất vả in sâu/ Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn.
++ Con người Việt Nam vừa mạnh mẽ, dũng cảm vừa hiền hòa: Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.
++ Con người Việt Nam đẹp cả về ngoại hình và phẩm chất: Đôi mắt long lanh, thủy chung, trọng tình, giỏi giang, khéo léo, tinh tế.
=> Bài thơ là tình yêu, sự trân trọng, ngợi ca mà tác giả dành cho quê hương, đất nước và con người Việt Nam.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tinh thần dân tộc của người Việt Nam.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích từ khóa: "Tinh thần dân tộc" là khái niệm chỉ những giá trị, niềm tin và thái độ của một dân tộc đối với các giá trị văn hóa, truyền thống và những sự kiện của dân tộc mình. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và sự đoàn kết trong cộng đồng.
– Biểu hiện: Tinh thần dân tộc được người Việt Nam thể hiện rõ qua các phương diện dưới đây:
+ Lịch sử chống giặc ngoại xâm: Trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi quân thù.
+ Thái độ đối với văn hóa truyền thống của dân tộc: Người Việt có ý thức trân trọng, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát triển những ngành nghề thủ công truyền thống của Việt Nam như nghề chạm bạc, khảm trai,...; quảng bá những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của dân tộc như đồ gốm, lụa tơ tằm, lụa tơ sen,...
+ Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái: Tình cảm này của nhân dân Việt Nam được thể hiện rõ nét mỗi khi dân tộc ta giành được chiến thắng trên các đấu trường thể thao quốc tế, khi nhân dân ở khu vực nào đó phải oằn mình hứng chịu đau thương do ảnh hưởng của bão lũ,...
– Ý nghĩa:
+ Góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.
+ Góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tô đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
+ Tạo ra sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng.
+ Để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.
– Phản đề: Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tinh thần dân tộc gặp phải một số thách thức như:
+ Sự du nhập của văn hóa nước ngoài có thể làm phai nhạt bản sắc dân tộc.
+ Các vấn đề như phân biệt vùng miền có thể gây rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.