Bài học cùng chủ đề
- Dấu của tam thức bậc hai
- Tam thức bậc hai
- Định lí về dấu của tam thức bậc hai
- Cách xét dấu của tam thức bậc hai
- Giải bất phương trình bậc hai: sử dụng định lí về dấu của tam thức bậc hai
- Giải bất phương trình bậc hai: sử dụng đồ thị hàm số
- Tam thức bậc hai và định lí về dấu của tam thức bậc hai
- Xét dấu của tam thức bậc hai
- Giải bất phương trình bậc hai
- Bài toán sử dụng định lí về dấu có chứa tham số
- Phiếu bài tập: Dấu của tam thức bậc hai
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 0 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Dấu của tam thức bậc hai SVIP
Nội dung này do giáo viên tự biên soạn.
1. DẤU CỦA TAM THỨC BẬC HAI
a. Định nghĩa
Tam thức bậc hai (đối với \(x\)) là biểu thức có dạng \(ax^2+bx+c\), trong đó \(a,b,c\) là những số thực cho trước (với \(a\ne0\)), được gọi là các hệ số của tam thức bậc hai.
Chú ý
Nghiệm của phương trình bậc hai \(ax^2+bx+c=0\) cũng được gọi là nghiệm của tam thức bậc hai \(ax^2+bx+c\).
\(\Delta=b^2-4ac\) và \(\Delta=b'^2-ac\), với \(b=2b'\) tương ứng được gọi là biệt thức và biệt thức thu gọn của tam thức bậc hai \(ax^2+bx+c\).
Ví dụ. Biểu thức nào sau đây là tam thức bậc hai? Nếu là tam thức bậc hai, hãy tìm biệt thức và nghiệm của tam thức bậc hai đó.
a) \(f\left(x\right)=x^2-3x+1;\)
b)\(g\left(x\right)=-2x+\dfrac{5}{11};\)
c) \(h\left(x\right)=-2x^3+5x+4.\)
Giải
Biểu thức \(f\left(x\right)\) là tam thức bậc hai, biểu thức \(g\left(x\right),h\left(x\right)\) không phải là tam thức bậc hai.
Tam thức bậc hai \(f\left(x\right)=x^2-3x+1\) có \(\Delta=\left(-3\right)^2-4.1.1=5.\) Do đó \(f\left(x\right)\) có hai nghiệm phân biệt là:
\(x_1=\dfrac{3-\sqrt{5}}{2}\) và \(x_2=\dfrac{3+\sqrt{5}}{2}\).
b. Định lí về dấu tam thức bậc hai
Cho tam thức bậc hai \(f\left(x\right)=ax^2+bx+c\left(a\ne0\right).\)
- Nếu \(\Delta< 0\) thì \(f\left(x\right)\) cùng dấu với hệ số \(a\) với mọi \(x\inℝ.\)
- Nếu \(\Delta=0\) thì \(f\left(x\right)\) cùng dấu với hệ số \(a\) với mọi \(x\ne-\dfrac{b}{2a}\) và \(f\left(-\dfrac{b}{2a}\right)=0.\)
- Nếu \(\Delta>0\) thì tam thức \(f\left(x\right)\) có hai nghiệm phân biệt \(x_1,x_2\left(x_1< x_2\right)\). Khi đó \(f\left(x\right)\) cùng dấu với hệ số \(a\) với mọi \(x\in\left(-\infty;x_1\right)\cup\left(x_2;+\infty\right)\); \(f\left(x\right)\) trái dấu với hệ số \(a\) với mọi \(x\in\left(x_1;x_2\right).\)
Chú ý. Định lí về dấu tam thức bậc hai có thể thay \(\Delta\) bởi \(\Delta'\).
Ví dụ. Xét dấu các tam thức bậc hai sau:
a) \(3x^2-x+1\);
b) \(-x^2+4x+5\);
c) \(x^2+6x+9\).
Giải
a) \(f\left(x\right)=3x^2-x+1\) có \(\Delta=-11< 0\) và \(a=3>0\) nên \(f\left(x\right)>0\) với mọi \(x\inℝ.\)
b) \(g\left(x\right)=-x^2+4x+5\) có \(\Delta'=9>0\) và \(a=-1< 0\) và có hai nghiệm phân biệt \(x_1=-1;x_2=5\) do đó \(g\left(x\right)< 0\) với mọi \(x\in\left(-\infty;-1\right)\cup\left(5;+\infty\right)\) và \(g\left(x\right)>0\) với mọi \(x\in\left(-1;5\right).\)
c) \(h\left(x\right)=x^2+6x+9\) có \(\Delta=0\) và \(a=1>0\) nên \(h\left(x\right)\) có nghiệm kép \(x=-3\) và \(h\left(x\right)>0\) với mọi \(x\ne-3.\)
2. BẤT PHƯƠNG TRÌNH BẬC HAI
a. Định nghĩa
- Bất phương trình bậc hai ẩn \(x\) là bất phương trình có dạng \(ax^2+bx+c>0\) (hoặc \(ax^2+bx+c\ge0;ax^2+bx+c< 0;ax^2+bx+c\le0\)) trong đó \(a,b,c\) là những số thực đã cho và \(a\ne0.\)
- Số thực \(x_0\) được gọi là một nghiệm của bất phương trình bậc hai \(ax^2+bx+c> 0\) nếu \(ax_0^2+bx_0+c>0\). Tập hợp gồm tất cả các nghiệm của bất phương trình bậc hai \(ax^2+bx+c> 0\) gọi là tập nghiệm của bất phương trình này.
- Giải bất phương trình bậc hai \(f(x)=ax^2+bx+c> 0\) là tìm tập nghiệm của nó, tức là tìm các khoảng mà trong đó \(f\left(x\right)\) cùng dấu với hệ số \(a\) (nếu \(a>0\)), hay trái dấu với hệ số \(a\) (nếu \(a< 0\)).
Nhận xét. Để giải bất phương trình bậc hai \(ax^2+bx+c>0\) (hoặc \(ax^2+bx+c\ge0;ax^2+bx+c< 0;ax^2+bx+c\le0\)) ta cần xét dấu tam thức \(ax^2+bx+c\) từ đó suy ra tập nghiệm.
Ví dụ. Giải các bất phương trình sau:
a) \(2x^2-5x+3\ge0\); b) \(-x^2+3x-7>0\);
Giải
a) Tam thức \(f\left(x\right)=2x^2-5x+3\) có \(\Delta=1>0\), \(a=2>0\) và có hai nghiệm phân biệt \(x_1=1;x_2=\dfrac{3}{2}\) do đó \(f\left(x\right)>0\) với mọi \(x\in\left(-\infty;1\right)\cup\left(\dfrac{3}{2};+\infty\right)\), \(f\left(x\right)< 0\) với mọi \(x\in\left(1;\dfrac{3}{2}\right)\) và \(f\left(x\right)=0\) với \(x\in\left\{1;\dfrac{3}{2}\right\}.\)
Vậy tập nghiệm của bất phương trình \(2x^2-5x+3\ge0\) là \(S=(-\infty;1]\cup[\dfrac{3}{2};+\infty)\).
b) Tam thức \(g\left(x\right)=-x^2+3x-7\) có \(\Delta'=-17< 0\), hệ số \(a=-1< 0\) nên \(g\left(x\right)< 0\) với mọi \(x\inℝ.\) Suy ra bất phương trình \(-x^2+3x-7>0\) vô nghiệm.
Bạn có thể đăng câu hỏi về bài học này ở đây