Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề luyện viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm truyện SVIP
(4.0 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) phân tích nhân vật Dung trong đoạn trích sau:
(Lược một đoạn: Dung là con thứ bốn trong gia đình bị sa sút kinh tế. Nàng lớn lên trong sự hờ hững, lạnh nhạt của gia đình. Rồi bị mẹ già bán cho một nhà giàu để lấy mấy trăm đồng bạc.)
Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.
Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ chồng lại đay nghiến:
- Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.
Rồi bà kể thêm:
- Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.
Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.
(Lược một đoạn: Dung ăn trộm tiền của mẹ chồng để trốn về nhà nhưng bị mẹ đẻ đay nghiến. Sáng hôm sau, mẹ chồng xuống tìm nàng.)
Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn hi vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.
Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy dòng nước chảy. [...] Nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.
Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.
[…] Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:
- Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được. Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về?
Dung buồn bã trả lời:
- Con xin về.
(Trích Hai lần chết, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2008)
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Dung trong đoạn trích.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Khái quát vài nét về tác giả, tác phẩm và luận đề của bài viết.
– Dung có số phận đáng thương như những người con gái trong xã hội xưa:
+ Xuất thân trong một gia đình bị sa sút kinh tế, từ nhỏ phải chịu cảnh thờ ơ, hờ hững của gia đình.
+ Không được coi trọng, bị coi như một món hàng để kiếm chác: bị mẹ già bán cho một nhà giàu để lấy mấy trăm đồng bạc.
+ Ở nhà chồng thì không được chồng quan tâm, yêu thương, hai người em chồng thì thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm, mẹ chồng thì ghê gớm, suốt ngày mắng mỏ, chửi rủa.
+ Khổ cực, tủi thân, nàng viết thư về cho gai đình nhưng cha mẹ nàng cũng không ai hồi âm, quan tâm nàng. Thậm chí, nàng đánh liều lấy trộm tiền của mẹ chồng để về nhà mẹ đẻ thì lại bị chính mẹ đẻ đay nghiến.
+ Trước cảnh sống khổ sở, nàng đã chọn nhảy sông nhưng không chết. Kết cục nàng vẫn đành vâng lời mà về nhà với mẹ chồng.
=> Đặt trong mối quan hệ với nhan đề, chúng ta có thể thấy, hai lần chết của Dung, thì lần thứ nhất chính là cái chết về thể xác không thành, còn cái chết thứ hai, có lẽ chính là cái chết về mặt tinh thần khi nàng chấp nhận quay về nhà với mẹ chồng. (HS bàn luận về cái chết về mặt tinh thần theo quan điểm, cách lí giải của mình.)
– Nhận xét về phương diện nghệ thuật: Có sự kết hợp giữa nhiều điểm nhìn: Điểm nhìn của người kể chuyện, điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong của nhân vật góp phần khắc họa chân thực, sâu sắc số phận, hoàn cảnh của nhân vật Dung.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
(4.0 điểm) Viết bài văn phân tích truyện ngắn "Người cha" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều.
NGƯỜI CHA
Khi tôi lên mười hai tuổi thì cha mẹ tôi chia tay nhau. Nói cho đúng là mẹ tôi bỏ cha tôi theo một người đàn ông khác về thành phố. Sau đó ít lâu cha tôi đã tìm mẹ tôi nhiều lần. Lần cuối cùng từ thành phố trở về, cha tôi đập phá lung tung. Rồi ông lôi hai chị em tôi ra và nói:
- Mẹ chúng mày đã chết rồi. Từ nay tao cấm chị em mày nhắc tới mẹ. Đứa nào nhắc tới, tao giết.
Đêm ấy, tôi nằm ôm đứa em trai sáu tuổi và lặng lẽ khóc. Em tôi ngồi dậy trong đêm và hỏi:
- Chị ơi! Mẹ chết rồi hở chị?
- Không! - Tôi vội nói - Mẹ không chết. Mẹ đang ở thành phố. Mẹ sẽ về.
Và đêm ấy, cha tôi uống rượu say và khóc. Cũng từ ngày đó, đêm đêm cha tôi uống rượu. Rồi cha tôi say, ngủ ngay trên nền nhà. Tôi không làm sao đưa cha lên giường được. Tôi lấy chăn đắp cho cha và ngồi nhìn cha mà khóc. Những đêm không uống rượu ở nhà, cha tôi mò ra chợ uống rượu. Những đêm như thế, tôi chong đèn chờ cha. Có bữa, cha tôi ngủ lại ở lều chợ. Cũng vào năm đó, tôi phải bỏ học. Suốt ngày tôi lo việc giặt giũ, cơm nước cho cha tôi với đứa em. Cha tôi đi làm cả ngày. Tối về nhà, cha gục mặt ăn vội bữa tối. Hầu như chẳng bao giờ cha nói chuyện với chị em tôi.
Một buổi tối, nhìn cha tôi uống rượu, tôi không chịu đựng nổi. Tôi giằng lấy rượu từ tay cha tôi và nói như gào:
- Cha không được uống rượu. Cha không được uống.
Cha tôi mở mắt nhìn tôi. Cha chỉ tay vào mặt tôi và nói:
- Mày đã hại đời tao... Bây giờ... Mày còn cấm tao uống à?
Cha tôi đứng dậy, vơ lấy cái chổi ở gần đó và đánh tôi. Vừa đánh tôi, cha vừa khóc. Nghe cha khóc, tôi không thể nào bỏ chạy được. Tôi nghiến răng, quỳ trên nền nhà chịu trận đòn của cha. Đến khuya, khi cha tôi đã ngủ mê mệt vì rượu, tôi mới lặng lẽ thu dọn những mảnh chai vỡ.
Đêm ấy, tôi mơ thấy những ngày hạnh phúc của gia đình tôi. Những bữa cơm tối đầm ấm. Mẹ tôi luôn gắp thức ăn cho cha con tôi. Rồi tôi mơ thấy mẹ tôi từ thành phố trở về. Cha tôi ra tận đầu thị trấn đón mẹ. Mẹ tôi gục mặt vào ngực cha tôi khóc mãi. Tôi gọi mẹ và tỉnh giấc. Ngôi nhà tối đen. Chỉ có tiếng ngáy của cha tôi nghèn nghẹn.
Chiều hôm sau đi làm về, khi ngồi xuống mâm cha tôi nhìn cánh tay tôi có những vết tím và hỏi:
- Tay con làm sao thế kia?
Lúc đó, tôi thấy tủi thân vô cùng. Tôi muốn òa khóc và gào lên thật to: “Làm sao hở cha? Chính cha đã đánh con”. Nhưng nhìn thấy cha lo lắng và buồn bã tôi vội nói:
- Con chẻ củi. Cành củi đập vào tay.
- Lần sau phải cẩn thận đấy.
Cha tôi nói và gục mặt ăn hết bữa. Đến khuya, cha lại uống rượu. Tôi mắc màn cho em tôi đi ngủ. Khi thằng em tôi đã ngủ say, tôi úp mặt vào gối và nức nở âm thầm.
Một hôm, trong lúc cha tôi đi làm vắng thì mẹ tôi về. Hai chị em tôi ôm lấy mẹ và khóc.
- Bao giờ thì mẹ về ở với chị em con? - Tôi hỏi.
- Mẹ không về đây nữa. Lần này mẹ về để đón các con lên thành phố ở với mẹ.
- Thế còn cha? - Em tôi hỏi.
- Cha ở lại đây. - Mẹ tôi nói.
- Cha ở một mình à? - Tôi hỏi.
- Ông ấy sẽ lấy vợ.
Nghe mẹ nói, tôi cúi đầu im lặng. Lát sau, tôi ngước nhìn mẹ và hỏi:
- Sao mẹ không về ở với cha?
- Mẹ không thể ở với ông ấy được - giọng mẹ tôi uất ức - Ông ấy sẽ giết mẹ.
Nghe mẹ tôi nói, tôi thấy hoảng sợ. Tôi nhớ đến những trận đòn của cha tôi trong những đêm say rượu. Và thế là ngày hôm đó, chị em tôi đã trốn cha theo mẹ về thành phố.
Đêm đầu tiên ở thành phố, em tôi ngủ ngon lành sau một ngày mệt mỏi vì đi xe và sung sướng vì những đồ chơi mà mẹ tôi mua cho nó. Tôi thao thức mãi không ngủ được vì nhớ cha tôi sẽ thế nào khi chiều đi làm về không thấy chúng tôi. Nhưng khi vừa thiếp đi, tôi mơ thấy cha tôi say rượu và cầm chổi đánh tôi. Tôi thét lên và tỉnh giấc. Mẹ tôi từ buồng trong bước ra và hỏi:
- Con làm sao thế?
- Cha... Cha đánh con.
- Cha hay đánh con à? Sao con không nói với mẹ?
- À, không. Cha không đánh con.
Lúc đó tôi đã tỉnh ngủ và vội vàng đáp. Mẹ tôi thở dài. Mẹ ngồi bên tôi một lát rồi đi vào buồng. Tôi nghe tiếng người đàn ông hỏi:
- Bao giờ thì cho chúng nó về?
- Em xin anh cho chúng nó ở đây. Em muốn chúng nó được học hành - Tiếng mẹ tôi nói nhỏ - Em sẽ cố gắng làm thêm.
- Tôi không cần cô phải làm thêm. Tôi cần cô chứ tôi không cần hai đứa con cô.
- Anh hiểu cho em. - Giọng mẹ tôi van vỉ.
- Nếu cô muốn ở với chúng nó thì về nhà cô mà ở. Thôi được, tôi cho chúng nó ở đây với cô dăm ngày nữa rồi cô phải đưa chúng nó về.
Tôi nghe thấy mẹ tôi khóc. Mặt tôi cũng giàn giụa nước mắt.
Mấy ngày ở nhà chồng mới mẹ tôi, hầu như tôi câm lặng suốt ngày. Em tôi còn nhỏ, nó không biết gì. Suốt ngày nó mê mải với những đồ chơi của nó. Rồi một hôm cha tôi xuất hiện. Tôi kêu lên gọi cha. Cha tôi không nói gì. Cha nhìn chị em tôi rất lâu, rồi hỏi:
- Mẹ chúng mày đâu?
Tôi chưa kịp trả lời cha thì mẹ từ trên gác bước xuống. Thấy cha, mẹ sững lại.
- Ông đến đây làm gì? - Mẹ tôi hỏi.
- Tôi đến đưa các con tôi về.
- Chúng nó không phải con tôi chắc?
- Cô không xứng đáng làm mẹ chúng nó.
- Ông đừng nói ai xứng đáng hay không nữa. Ông hỏi chúng nó thích ở với ai? Đấy là quyền của chúng nó.
Mặt cha tôi chợt tái đi. Tôi thấy cha tôi thở rất mạnh.
- Nào? Chúng mày thích ở với ai? Mẹ hay bố? Nói đi!
Nghe mẹ tôi hỏi, tôi cúi gằm mặt. Tôi không dám nhìn cha và mẹ tôi. Lúc đó hiện lên trong ký ức tôi những buổi tối cha tôi nằm co quắp trên nền nhà vì say rượu. Và trong tâm trí tôi vang lên giọng cha tôi: “Tay con làm sao thế kia?”. Tôi cắn môi kìm tiếng nấc, lúc sau, tôi nhìn thằng em tôi và hỏi:
- Em muốn ở với ai? - Em muốn ở với chị!
Thằng em tôi nói và bước lại, nép sau tôi. Tôi thấy cha tôi đang nhìn tôi chờ đợi. Tôi thấy mẹ tôi đang nhìn cha tôi như thách thức.
- Ở với ai, nói đi? - Mẹ tôi lại lên tiếng.
Tôi nhìn mẹ tôi, nức nở:
- Cho chúng con về quê.
Mãi đến khuya chúng tôi mới trở về thị trấn. Khi đến ngõ, em tôi reo lên:
- Nhà mình đây rồi.
Ngôi nhà phảng phất mùi rượu và mùi ẩm mốc. Đêm đó, tôi dọn dẹp, thu xếp lại đồ đạc trong nhà cho cha tôi mãi tới khuya. Và đêm đó cha tôi không say rượu. Công việc làm ăn của cha tôi mỗi ngày càng khó khăn hơn. Chiếc xe bò của cha tôi không thể cạnh tranh được với một đàn xe lam và xe công nông ở cái thị trấn bé xíu này. Rồi một tai hoạ mới giáng xuống đầu gia đình tôi. Con bò kéo của cha tôi bị bệnh lăn ra chết. Cha tôi lại lâm vào những cuộc say không biết gì. Khi say, cha khóc và chửi mẹ. Nhưng sáng sáng, cha tôi vẫn dậy rất sớm. Cha tôi xin được chân bốc vác ngoài bến xe thị trấn. Cả ngày chỉ có hai đến ba chuyến xe. Vì vậy, cha tôi làm bất kỳ việc gì để có tiền duy trì sự sống của gia đình tôi.
Tối tối, uống rượu say, cha tôi chửi mẹ và lại dùng cán chổi đánh tôi. Khi cha đánh, không bao giờ tôi bỏ chạy. Hai tay tôi ôm lấy đầu để cho cha đánh. Đánh tôi xong, cha lại dậy sớm ra bến xe. Rồi cha tôi trở về nhà khi trời xẩm tối. Khi tôi xới cơm cho cha, cha tôi nhìn cánh tay tôi và lại hỏi:
- Tay con làm sao thế?
Tôi tìm mọi lý do để nói dối cha. Tôi không bao giờ muốn nói với cha rằng những vết tím trên tay tôi là do cha đánh. Có một lần bị cha hỏi, tôi cuống quá, vội nói:
- Thằng Tuấn đánh.
Cha tôi dằn bát cơm và gầm lên:
- Sao mày đánh chị như thế, hả Tuấn? Ai tắm rửa cho mày? Ai nấu cơm cho mày? Ai ru mày ngủ?
Thằng em tôi bị mắng oan, òa khóc. Đến khi đã ngủ tôi vẫn nghe tiếng nấc của em tôi. Nhưng đến một lần cái cán chổi đánh trúng khớp cổ tay tôi. Cổ tay tôi bị bong gân sưng vù. Tôi không thể nào giấu cha được. Buổi tối trong bữa ăn, tôi không xới nổi bát cơm cho cha. Cha nhìn tôi hỏi:
- Tay con làm sao thế?
Tôi òa khóc. Lần đó, tôi không sao kìm được:
- Cha ơi! Con đau lắm!
- Làm sao thế? - Cha tôi hoảng hốt. - Ai đánh con? Đứa nào đánh con?
- Cha không đánh con. - Tôi nức nở. - Cha không đánh con.
- Đứa nào đánh? - Cha tôi quát. - Nói ngay, tao sẽ đập chết nó. Đứa nào?
Nghe cha hỏi vậy, tôi càng khóc to. Tôi khóc không phải vì đau đớn. Tôi khóc vì tủi thân. Tôi khóc vì cái giọng xót xa của cha tôi.
- Không nói đứa nào đánh mày thì tao đánh mày.
- Cha đừng đánh con nữa, đừng đánh con nữa.
Người cha tôi run lên. Mắt cha tôi đỏ hoe. Cha ôm tôi vào lòng. Hơi thở và vòng tay ấm áp của cha tôi làm tôi thêm tủi. Tôi khóc và nói:
- Đêm nào say rượu cha cũng đánh con bằng cái chổi kia kìa. Nhưng con không nói với cha vì con sợ cha buồn thêm. Con có lỗi cha cứ đánh con, nhưng cha đừng uống rượu nữa.
Tôi thấy cha tôi rùng mình. Và cha tôi khóc. Tiếng khóc của cha tôi như tiếng “u... u” kéo dài trên đầu tôi bất tận. Gần sáng tôi tỉnh giấc. Căn nhà vẫn sáng đèn. Tôi thấy cha tôi ngồi im phắc. Tôi rời giường đến bên cha. Tôi ôm lấy cổ cha:
- Cha hết rượu uống rồi ư?
Cha tôi lắc lắc đầu, cha từ từ nhắm mắt lại. Hai giọt nước mắt tứa ra.
- Cha đừng buồn nữa, cha nhé.
Cha tôi xoay người, ôm tôi vào lòng. Tôi nghe tiếng cha thì thầm:
- Từ nay cha không buồn nữa. Có đứa con như con thì cha chẳng bao giờ buồn nữa.
Tôi dụi mắt vào ngực cha. Đêm ấm áp và da diết vô cùng. Tôi thấy cha tôi gần gũi và tin cậy hơn bao giờ hết.
(Nguyễn Quang Thiều)
Hướng dẫn giải:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích truyện ngắn "Người cha".
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu tác phẩm truyện và nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Luận điểm 1: Truyện ngắn “Người cha” của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã khắc họa chân thực, sinh động hoàn cảnh éo le của gia đình “tôi” khi bố mẹ ly hôn – điều này khiến cha con “tôi” rơi vào tình cảnh bị thương. Đây cũng là thực trạng của nhiều gia đình Việt Nam trong xã hội hiện đại.
+ Mở đầu câu chuyện, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã mở ra trước mắt người đọc tình cảnh trớ trêu của gia đình “tôi”: bố mẹ chia tay nhau khi “tôi” mới mười hai tuổi, mẹ của "tôi" bỏ đi theo một người đàn ông khác.
+ Nhà văn đã khai thác chân thực nỗi đau của cha con “tôi” khi gia đình tan vỡ:
++) Nhân vật người cha: Bế tắc, tuyệt vọng, đớn đau khi vợ bỏ đi theo người đàn ông khác nên suốt ngày chìm đắm trong rượu để giải sầu. Không những thế, người cha còn có những lời nói, hành động thô lỗ, bạo lực với “tôi” trong mỗi lúc uống rượu say.
++) Nhân vật "tôi":
+++) Là đứa con gái còn nhỏ tuổi nhưng giàu tình cảm, hiểu chuyện và rất thương những người thân trong gia đình của mình.
+++) Yêu thương em và dỗ dành em một cách khéo léo khi em hỏi về mẹ.
+++) Thương cha và lo lắng, quan tâm đến cha.
+++) Cũng như bao đứa trẻ khác, “tôi” ao ước được sống trong một mái ấm gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
+++) “Tôi” cảm nhận được tình yêu thương của cha dành cho mình và thấu hiểu được nỗi đau đang trào dâng trong tâm hồn cha khi biết sự thật chính cha là người làm cho con gái mình chịu nhiều đau đớn về thể xác và tinh thần.
– Luận điểm 2: Để làm nổi bật được diễn biến tâm trạng đau đớn của hai cha con nhân vật “tôi” trong câu chuyện “Người cha”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã sử dụng những hình thức nghệ thuật đặc sắc:
+ Nghệ thuật kể chuyện rất sinh động, hấp dẫn.
+ Tạo dựng tình huống truyện độc đáo, éo le khiến người đọc trăn trở về tình trạng hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại ngày nay.
+ Ngôi kể thứ nhất (người kể chuyện xưng “tôi”, là nhân vật xuất hiện và tham gia trực tiếp vào câu chuyện).
+ Nhiều chi tiết nghệ thuật ám ảnh; giọng văn buồn thương da diết; tình huống truyện độc đáo, éo le.
+ Ngôn ngữ đối thoại thể hiện được tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng của “người cha” dành cho con gái.
+ Miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật tinh tế. Đặc biệt, nhà văn khắc họa sinh động, chân thực, cảm động nỗi đau đớn, xót xa của nhân vật “tôi” khi chứng kiến người cha tuyệt vọng, đắng cay khi hạnh phúc gia đình tan vỡ.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.