Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề đọc hiểu văn bản nghị luận xã hội SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Giới trẻ với văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
Văn Phong
(1) Hiện nay, mạng xã hội (MXH) trở thành công cụ truyền thông, môi trường giải trí được nhiều người ưa thích, sử dụng hàng ngày, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực với những tiện ích vượt trội mà MXH mang lại thì việc sử dụng MXH trong giới trẻ cũng nảy sinh không ít vấn đề mà dư luận lo ngại.
(2) Theo điều tra sơ bộ của UNICEF, cứ 3 người dùng Internet thì có 1 người dưới 18 tuổi và 71% người từ 15-24 tuổi đang trực tuyến, cho thấy nhóm tuổi này được kết nối nhiều nhất trên toàn thế giới. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ tiếp cận số hóa chưa từng có, ngay cả ở các khu vực vùng sâu, vùng xa… Thêm nữa, thống kê của Google cho thấy, hiện 97% người dùng Việt Nam tìm kiếm thông tin qua các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng đã khiến thị trường trực tuyến thực sự trở thành một “khoảng không gian riêng” cho các bạn trẻ thỏa sức khai thác nhu cầu thông tin của mình.
(3) MXH là công cụ có nhiều tiện ích để kết nối mọi người, hình thành nên các nhóm và cộng đồng mạng rất phong phú, mang tính xuyên quốc gia. Những người tham gia MXH rất đa dạng, khác nhau về tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, tính cách, sở thích… Mỗi cá nhân lại có thể kết bạn, tham gia nhiều nhóm, cộng đồng mạng khác nhau, nên mặc dù có sự lựa chọn, song nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về quan điểm giữa các thành viên trong nhóm hay giữa nhóm này với nhóm khác vẫn rất cao, có thể khiến bạn bị lôi kéo vào những chuyện vô bổ, phiền toái… không đáng có. Một thực tế đáng buồn khác hiện nay là, môi trường MXH đang bị vẩn đục bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa; cách sử dụng MXH của một số người dùng chưa thật sự văn minh, hoặc số ít còn lợi dụng các diễn đàn để công khai đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Rất nhiều bạn trẻ còn quan niệm MXH là thế giới ảo, có thể ẩn danh nên rất dễ dãi trong ứng xử, xem MXH là công cụ để săm soi đời tư của người khác, thể hiện cái tôi cá nhân, hoặc tự cho mình cái quyền “tự do ngôn luận” núp bóng trong hành vi phỉ báng, cư xử thiếu văn hóa… làm tổn thương người khác, lây lan cách ứng xử tiêu cực cho cộng đồng.
(4) Nên nhớ rằng, những gì chia sẻ trên MXH là sự phản ánh con người, tính cách, lối sống của bạn. Vì vậy, khi tham gia MXH, mỗi người trẻ nên là một người dùng thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực. Giao tiếp, ứng xử, tương tác trên mạng xã hội, mỗi người cần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người trong thời đại 4.0. Có như vậy mỗi bài viết, mỗi clip mới góp phần lan tỏa những quan điểm tư tưởng tiến bộ, những giá trị cao đẹp; tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng; mặt khác, góp phần đấu tranh với những tệ nạn tiêu cực, những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống. Hãy thực hiện đúng những quy tắc: nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị, tôn trọng người khác… Có như thế thì người dùng sẽ không sa vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ MXH.
(5) Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người cần có ý thức, rằng mình phải là người có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng; biết tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền lợi của người khác; và nhất là biết tôn trọng danh dự bản thân thì mới có trách nhiệm với mỗi bài viết, mỗi hình ảnh, mỗi comment khi đăng lên mạng xã hội. Với những kẻ cố tình sử dụng mạng xã hội để bịa đặt, xuyên tạc sự thật, làm hại người khác cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
(Theo Thừa Thiên Huế Online, 14/11/2022)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định luận đề của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn (2).
Câu 3. Nhận xét về cách lập luận của tác giả.
Câu 4. Ở đoạn (3), để làm sáng tỏ cho lí lẽ: Mạng xã hội bên cạnh những lợi ích vượt trội, vẫn còn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, xung đột, tác giả đã đưa ra những bằng chứng nào?
Câu 5. Vấn đề mà tác giả đưa ra trong bài viết còn có ý nghĩa với cuộc sống của chúng ta ngày nay hay không? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Luận đề: Giới trẻ với văn hóa ứng xử trên mạng xã hội (văn hóa ứng xử trên mạng xã hội của giới trẻ).
Câu 2. (0.5 điểm)
Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn (2): Chứng minh.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Để làm sáng tỏ cho luận điểm, tác giả đã đưa ra những lí lẽ sau:
+ Lí lẽ 1: Số lượng bạn trẻ sử dụng MXH trên thế giới và ở Việt Nam.
+ Lí lẽ 2: Những mâu thuẫn, xung đột tiềm ẩn trên MXH.
+ Lí lẽ 3: Bàn về cách ứng xử đúng đắn khi tham gia MXH.
- Nhận xét: Cách lập luận xác đáng, chặt chẽ, rõ ràng, giàu sức thuyết phục.
Câu 4. (1.0 điểm)
Ở đoạn (3), để làm sáng tỏ cho luận điểm: Mạng xã hội bên cạnh những lợi ích vượt trội, vẫn còn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, xung đột, tác giả đã đưa ra những bằng chứng sau:
- Môi trường MXH đang bị vẩn đục bởi các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa; cách sử dụng MXH của một số người dùng chưa thật sự văn minh, hoặc số ít còn lợi dụng các diễn đàn để công khai đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau.
- Rất nhiều bạn trẻ còn quan niệm MXH là thế giới ảo, có thể ẩn danh nên rất dễ dãi trong ứng xử, xem MXH là công cụ để săm soi đời tư của người khác, thể hiện cái tôi cá nhân, hoặc tự cho mình cái quyền “tự do ngôn luận” núp bóng trong hành vi phỉ báng, cư xử thiếu văn hóa… làm tổn thương người khác, lây lan cách ứng xử tiêu cực cho cộng đồng.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS bày tỏ quan điểm cá nhân đồng tình hay không đồng tình và có đưa ra lí giải hợp lí.
- Ví dụ: Vấn đề mà tác giả đề cập cho tới hôm nay vẫn còn ý nghĩa vì văn hóa ứng xử của người trẻ trên không gian MXH chưa thực sự được cải thiện, vẫn còn tồn tại nhiều bạn trẻ có hành vi, cách ứng xử thiếu văn minh trên không gian mạng, gây ảnh hưởng tới những người khác. (HS có thể trích dẫn thêm dẫn chứng cụ thể để câu trả lời thêm sâu sắc.)
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
Tổ quốc em hình gì?
Đoàn Công Lê Huy
1. Nếu có một bài văn ra đề rằng: "Đất nước em hình gì?" em sẽ trả lời như thế nào?
2. Có phải là "Tổ quốc em như một con tàu, mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau" để bày tỏ khát vọng ra khơi của đất nước mấy nghìn năm neo đậu? Để bày tỏ ước mơ giao hòa thế giới bao quanh địa cầu tươi đẹp này? Để gần hơn nữa với mọi quốc gia, mọi màu da trong thời kì hội nhập?
3. Có phải hiện hình trong em là "đất nước hình bông lúa" để em xót xa nhiều một dáng mẹ, dáng cha một nắng hai sương nuôi em ăn học? Để em mang theo trong mình hồn xứ sở khi em lớn khôn đi khắp mọi miền? Để em ơn nghĩa với bà con, với đồng bào đã góp sức lực, góp dáng hình vào trong mỗi bước em đi?
4. Có phải là "đất nước em mang hình tia chớp" để em không quên một thời đạn bom, một thời anh dũng. Để em không quên một xứ sở khó nhọc, quanh năm trông trời, trông đất, trông mây, trong mỗi giấc ngủ của ông cha cũng ám ảnh mưa nguồn chớp bể?
5. Có phải đất nước em hình người mẹ già ngồi đan nón lưng còng để nhắc em một lịch sử lâu dài cả đất nước đói nghèo trong rơm rạ? Để nhắc em Việt Nam mình còn đang ở top nghèo?
6. Có phải đất nước em "hình chim câu" để mơ mãi quê hương thanh bình, không có cảnh loạn lạc, không có cảnh đầu rơi máu chảy, mẹ đợi con, vợ chờ chồng trong biệt li, không hẹn ngày về? Có phải đất nước em "hình chim câu" cũng là để cho em mong đợi đất nước em có một ngày vỗ cánh?
7. Có phải đất nước em hình tro mái tranh nghèo che nắng, che mưa, che cả dải đất nép mình bên bờ biển Đông? Để em cảm động hơn về tình người "nhiễu điều phủ lấy giá gương"? Để em tự hào hơn về thành tựu xóa đói, giảm nghèo suốt mấy năm qua? Để em thấy tin tưởng hơn khi tỉnh này chủ trương xóa mái tranh nghèo vào năm 2005, khi tỉnh nọ quyết tâm hoàn thành dứt điểm việc xóa phòng học ba ca, tranh tre nứa lá vào năm 2004?
8. Và cứ thế, trong mỗi trái tim VIỆT có một dáng hình nước VIỆT. Nên chăng mỗi lớp học phải treo một bản đồ VIỆT NAM ở nơi cao nhất, trang trọng nhất để luôn khắc sâu trong tim mình hình chữ S này? Để nhắc nhở em chăm học, để nhắc nhở em danh dự và trách nhiệm của một công dân nước VIỆT? Bởi không phải Tổ quốc em hình gì mà điều quan trọng hơn em còn phải biết "hóa thân vào dáng hình xứ sở":
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên ĐẤT NƯỚC muôn đời
(Nguyễn Khoa Điềm)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Chỉ ra luận đề của văn bản.
Câu 3. Cách mở và kết của văn bản có gì đặc biệt?
Câu 4. Nhận xét về cách lập luận của tác giả.
Câu 5. Phân tích tác dụng của phép lặp trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Miêu tả, biểu cảm, nghị luận.
Câu 2. (0.5 điểm)
Luận đề: Tổ quốc em hình gì? (bàn về dáng hình của Tổ quốc trong tâm hồn mỗi người Việt).
Câu 3. (1.0 điểm)
- Mở bài ngắn gọn bằng một câu hỏi nêu vấn đề, mang tính đối thoại với giọng điệu trìu mến, thân thương.
- Kết bài bằng lời khuyên dưới dạng một câu hỏi có sức lay động và truyền cảm, tránh được sự giáo điều, khô khan.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Luận đề: Tổ quốc em hình gì?
- Luận điểm:
+ Đất nước như một con tàu - gắn với khát vọng "ra khơi".
+ Đất nước hình bông lúa - gắn với nỗi vất vả của mẹ cha và tình nghĩa đồng bào.
+ Đất nước hình tia chớp - gắn với kí ức một thời đạn bom.
+ Đất nước hình mẹ già ngồi đan nón - gắn với quá khứ đói nghèo của dân tộc.
+ Đất nước hình chim câu - gắn với ước mơ hòa bình.
+ Đất nước hình tro mái tranh nghèo - nhắc nhở về tình người.
=> Cách lập luận rõ ràng, mạch lạc phản ánh từng khía cạnh cụ thể của dáng hình Tổ quốc, góp phần làm sáng tỏ cho luận đề của văn bản.
Câu 5. (1.0 điểm)
- Phép lặp được thể hiện rõ nét nhất qua việc tác giả lặp lại xuyên suốt văn bản những cấu trúc sau:
+ Có phải ... ?
+ Để ... ?
=> Việc lặp đi lặp lại những cấu trúc trên (dưới dạng câu hỏi tu từ) vừa có tác dụng nhấn mạnh những dáng hình Tổ quốc trong lòng mỗi người dân nước Việt; vừa tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của bạn đọc về những nỗi gian lao, vất vả, về những ước mơ, khát vọng của nhân dân, dân tộc; đồng thời thể hiện một tinh tế sự trân trọng, niềm hạnh phúc, tự hào mà tác giả dành cho đất nước.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
AI KHÔNG DÁM QUYẾT, NGƯỜI ẤY TỰ TRÓI MÌNH
(1) Bạn có biết ở Phi châu người ta bắt những chú khỉ như thế nào không? Người thợ săn đặt một hòn đá cỡ bằng quả trứng gà vào một hốc cây. Chú khỉ đã sờ thấy hòn đá nọ và muốn kéo nó ra khỏi hốc. Nhưng miệng hốc cây quá bé. Tất nhiên chú khỉ có thể dễ dàng rút tay ra khỏi hốc, nếu chú bỏ hòn đá ra. Nhưng chú đã không đủ bản lĩnh để làm điều đó. Và cuối cùng người thợ săn đã bắt được chú bằng cách thong thả trùm lên người chú một chiếc bao tải.
(2) Phải chăng, đôi khi chúng ta bị quá khứ giam hãm, bởi một điều gì đấy hoặc một sự yên ổn chăng? Để rồi chúng ta chịu bó tay trước việc làm cho cuộc sống của mình trở nên hạnh phúc hơn. Đây là lúc mà chúng ta phải trả lời câu hỏi rất cơ bản:“Bạn mong muốn đạt được điều gì trong cuộc sống của bạn ?”.
(3) Roosevelt một lần đã nói: “Tốt hơn là mạo hiểm làm một việc lớn, nâng cốc chúc mừng đại thắng cho dù có khi sai lầm hoặc chịu mất mát thương đau. Còn hơn là đứng vào hàng ngũ những con chiên, chất phác, giản đơn, những con người ít biết đến niềm vui lẫn nỗi đau. Bởi vì họ sống trong miền sáng tối, nơi chẳng hề có thành công và thất bại”.
(4) Người thành đạt sống thoáng, không lùi bước trước khó khăn, biết chấp nhận rủi ro. Vì họ hiểu rằng biết hi sinh cái nhỏ sẽ được cái lớn. Sự nghèo hèn đối với hầu hết người châu Âu không có nghĩa là chịu đói khát mà là phải sống những tháng ngày ngớ ngẩn, vô bổ.
(5) Thật là khác biệt khi người vào cuộc chơi chỉ nhằm không thua cuộc, với người lao vào cuộc chơi là để giành chiến thắng. Ai cố gắng để không thua cuộc, người đó chỉ tập trung chống rủi ro, tránh hiểm nguy. Người vào cuộc với ý đồ thắng cuộc, anh ta luôn tìm cơ hội để chiến thắng. Bạn nghĩ sao, trong hai con người, ai là người cảm thấy hạnh phúc hơn?
(Bodo Schaefer, Bí quyết để thành đạt, NXB Thông tấn, Hà Nội, 2002, tr.17)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Đoạn trích trên thuộc kiểu văn bản nào?
Câu 2. Vấn đề được bàn luận trong văn bản là gì?
Câu 3. Đoạn văn đầu tiên có vai trò gì trong văn bản?
Câu 4. Đoạn văn (5) được trình bày theo kiểu đoạn văn nào?
Câu 5. Theo em, giữa "người vào cuộc chơi chỉ nhằm không thua" với "người lao vào cuộc chơi là để giành chiến thắng", ai là người cảm thấy hạnh phúc hơn? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm) Văn bản nghị luận.
Câu 2. (0.5 điểm) Ai không dám vượt qua vùng an toàn của bản thân, không dám nắm lấy cơ hội thì là đang tự trói mình.
Câu 3. (1.0 điểm) Đoạn văn đầu tiên là câu chuyện đóng vai trò dẫn dắt, làm sáng rõ vấn đề nghị luận đã nêu ra ở nhan đề.
Câu 4. (1.0 điểm) Đoạn văn (5) được trình bày theo kiểu diễn dịch. Câu chủ đề ở đầu đoạn.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS đưa ra lựa chọn của bản thân.
- HS giải thích hợp lí cho lựa chọn của bản thân. HS có thể trình bày như sau:
+ Người hạnh phúc hơn là người vào cuộc chơi chỉ nhằm không thua cuộc: vì họ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản, không bị áp lực,…
+ Người hạnh phúc hơn là người lao vào cuộc chơi để giành chiến thắng: vì họ được khẳng định khả năng của bản thân, ngày càng tiến bộ, thành công hơn,…
+ Lựa chọn là người vào cuộc chơi chỉ nhằm không thua cuộc hoặc người vào cuộc chơi để giành chiến thắng tùy vào từng hoàn cảnh, tình huống cụ thể.
+ Ví dụ: Tình huống quan trọng, cần chiến thắng: lựa chọn trở thành người lao vào cuộc chơi để giành chiến thắng. Tình huống chiến thắng không được đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu, chỉ cần vui vẻ, giải trí: lựa chọn trở thành người vào cuộc chơi chỉ nhằm không thua cuộc.