Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:

Bộ đề đọc hiểu truyện truyền kì SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
(Tóm tắt phần đầu: Nguyễn Sinh người Thanh Trì, diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào. Chàng sớm mồ côi cha, nhà nghèo nên học hành dang dở. Chàng làm nghề chèo đò. Vì say đắm giọng hát và vẻ ưa nhìn của chàng nên cô con gái một nhà giàu họ Trần đã đem lòng yêu mến, sai người hầu đem khăn tay đến tặng, dặn chàng nhờ người mai mối đến hỏi. Nguyễn Sinh nhờ mẹ bảo người mai mối đến nhà nàng nhưng bố nàng chê chàng nghèo nên không nhận lời, còn dùng lời lẽ không hay để mắng bà mối. Chàng phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp; cô gái biết chuyện âm thầm đau khổ chẳng thể giãi bày cùng ai, dần sinh bệnh, hơn một năm sau thì nàng qua đời.)
(1) Trước khi nhắm mắt, nàng dặn cha:
- Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì?
Ông làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lụi, ông thấy trong nắm xương tàn, sót lại một vật, to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn kĩ thì thấy trong khối ấy có hình một con đò, trên đò một chàng trai trẻ tuổi đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Nhớ lại việc nhân duyên trước kia của con, ông chợt hiểu ra vì chàng lái đò mà con gái ông chết, hối thì không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, cất khối đỏ ấy vào trong, đặt lên giường của con gái.
(2) Nguyễn Sinh bỏ nhà lên Cao Bằng làm khách của trấn tướng. Chàng vì hát hay nên được trấn tướng yêu quý. Hơn một năm sau, chàng dần dần có của nả, rồi lại mấy năm nữa tích cóp lại được hơn hai trăm lạng vàng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để chi dùng cho việc cưới xin”. Xong, chàng sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, chàng hỏi thăm ngay cô gái nọ. Được nghe tất cả đầu đuôi về nàng, chàng vô cùng đau đớn, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Khi chàng làm lễ xong, bố cô có mời chàng ở lại dùng cơm. Chàng xin ông cho xem vật đã được cất giấu trong hộp con. Ông mở hộp lấy ra đưa chàng. Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng. Chàng cảm kích mối tình của nàng, thề không lấy ai nữa.
(Trích Chuyện tình ở Thanh Trì, Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh, in trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 424 - 426)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản?
Câu 2. Phát biểu chủ đề của văn bản.
Câu 3. Vì sao người cha lại ngăn cản mối hôn sự của chàng trai với con gái mình? Nhận xét về cách hành xử của người cha.
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của chi tiết kì ảo trong đoạn (2).
Câu 5. Từ nội dung của văn bản, hãy trình bày suy nghĩ của em về khát vọng tình yêu thời phong kiến (khoảng 5 - 7 dòng).
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể loại: Truyện truyền kì.
Câu 2. (0.5 điểm)
Chủ đề: Khát vọng tình yêu tự do thời phong kiến vượt lên trên những định kiến xã hội.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Người cha ngăn cản mối hôn sự này là vì chàng trai quá nghèo, không môn đăng hộ đối, xứng đôi với con gái của ông.
- Cách ứng xử của ông (chê chàng trai nghèo, mắng bà mối) thể hiện rõ sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội xưa.
Câu 4. (1.0 điểm)
- Chi tiết kì ảo: Nước mắt chàng trai nhỏ xuống khối đá, khối đá liền tan thành nước, hóa thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng.
- Tác dụng:
+ Gây ấn tượng đặc sắc cho người đọc.
+ Thể hiện nỗi đau đớn, sự đồng cảm, thấu hiểu của chàng trai trước sự ra đi của người mình yêu.
+ Khối đá tan thành nước, hóa thành máu là nhờ sự cộng hưởng giữa cảm xúc chân thành của chàng trai với tâm nguyện của cô gái. Chi tiết này như thể hiện sự thanh thản của cô gái khi được gặp lại người mà mình mong mỏi, nhớ nhung.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS trình bày được suy nghĩ của bản thân về khát vọng tình yêu thời phong kiến qua những lí giải hợp lí.
- Gợi ý:
+ Khái quát đôi nét về tình yêu giữa Nguyễn Sinh và cô gái: Đó là một tình yêu đẹp đẽ, trong sáng nhưng bị cấm cản bởi định kiến xã hội.
+ Khát vọng về một tình yêu tự do là một khát vọng chính đáng dù ở bất kì thời đại nào.
+ Thời phong kiến với những giáo lí hà khắc đã trói buộc con người, ngăn cản họ đến với những bến bờ hạnh phúc, tự do.
+ Nhiều cặp đôi bị gia đình, xã hội cấm cản. Dù vậy, họ vẫn dành cho nhau những tình cảm trong sáng, thủy chung, son sắt, vượt lên mọi sự trói buộc trong xã hội lúc bấy giờ.
(4 điểm) Đọc văn bản sau:
(Tóm tắt phần đầu: Từ Thức làm quan Tri huyện Tiên Du, nhân một buổi xem hội hoa mẫu đơn mà cứu giúp một người con gái đẹp. Vì tính ham thơ mến cảnh nên chàng đã từ quan mà chọn sống chốn nước biếc non xanh. Một hôm Từ Thức mải vãn cảnh mà lạc vào động tiên, gặp lại người con gái mà chàng đã cứu hôm đi hội, mới biết hóa ra cô gái đó chính là nàng tiên Giáng Hương, con của bà tiên cai quản vùng núi Phù Lai, động tiên thứ 6 trong 36 động tiên bồng bềnh ngoài biển cả. Để báo đáp ơn cứu mạng trước kia, phu nhân đã tác hợp cho Từ Thức và Giáng Hương nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của quần tiên.)
Nhưng từ khi chàng bỏ nhà đi thấm thoát đã được một năm, ao sen đã đổi thay mầu biếc. Những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng sáng nhòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng, quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc tàu buôn đi về phương nam, Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng:
- Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu.
Rồi nhân lúc rỗi, chàng nói với nàng rằng:
- Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể tình mà cho được tạm về, chẳng hay ý nàng nghĩ thế nào?
Giáng Hương bùi ngùi không nỡ dứt. Từ lang nói:
- Tôi xin hẹn trong một thời kỳ bao nhiêu lâu, để về cho bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, sẽ lại đến đây để với nàng cùng già ở chỗ làng mây bến nước.
Giáng Hương khóc mà nói:
- Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản mối lòng quê hương của chàng. Song cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi, dù nay chàng về, nhưng chỉ e liễu sân hoa vườn, không còn đâu cảnh tượng như ngày trước nữa.
Nàng nhân thưa với phu nhân, phu nhân nói:
- Không ngờ chàng lại thắc mắc vì mối lòng trần như vậy.
Nhân cho một cỗ xe cẩm vân để chàng cưỡi về. Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói:
- Ngày khác trông thấy vật này, xin đừng quên mối tình cũ kĩ.
Rồi trào nước mắt mà chia biệt.
Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc màu xanh thuở nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói:
- Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn tám mươi năm, nay đã là năm thứ năm niên hiệu Diên Ninh là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi.
Chàng bấy giờ mới buồn bực bùi ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: "Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên biển, dịp khác còn đâu!" mới biết là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất.
(Trích Từ Thức lấy vợ tiên, Truyền kì mạn lục, Nguyễn Dữ, in trong Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997, tr 259 - 260)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2. Khi trở về quê cũ, Từ Thức rơi vào tình huống như thế nào?
Câu 3. Nhận xét về không gian và thời gian nghệ thuật trong đoạn trích trên.
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của một yếu tố kì ảo trong văn bản.
Câu 5. Hành động của nhân vật Từ Thức ở cuối tác phẩm gợi cho em những cảm nhận, suy nghĩ gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Thể loại: Truyện truyền kì.
Câu 2. (0.5 điểm)
Khi trở về quê cũ, Từ Thức rơi vào một tình huống éo le:
+ Lúc này, Từ Thức mới biết, mình đã rời xa trần thế quá lâu, vật đổi sao dời, những người thân thích cùng thời đều không còn nữa.
+ Muốn quay trở lại chốn tiên cảnh thì xe mây đã hóa thành một con chim loan bay đi mất.
Câu 3. (1.0 điểm)
- Không gian nghệ thuật trong đoạn trích có sự đan xen giữa cõi trần và cõi tiên.
+ Cõi trần: Huyện Tiên Du - quê cũ của Từ Thức.
+ Cõi tiên: Vùng núi Phù Lai - động tiên thứ 6 trong 36 động tiên bồng bềnh ngoài biển cả.
- Thời gian nghệ thuật có sự kết hợp giữa thời gian thực và thời gian kì ảo
+ Thời gian thực: năm thứ năm niên hiệu Diên Ninh là đời ông vua thứ ba của triều Lê.
+ Thời gian kì ảo: Thời gian ngưng đọng; Từ Thức ở động tiên khoảng một năm nhưng ở cõi trần đã hơn tám mươi năm.
Câu 4. (1.0 điểm)
- HS chỉ ra được một chi tiết kì ảo trong tác phẩm:
+ Từ Thức gặp tiên và kết duyên cùng Giáng Hương trong sự chúc phúc của quần tiên.
+ Cỗ xe cẩm vân đưa Từ Thức về nhà trong thoáng chốc.
+ Xe mây hóa thành chim loan bay đi mất.
+ Một năm ở động tiên bằng tám mươi năm ở hạ giới.
- HS phân tích được tác dụng của một chi tiết kì ảo: Giúp cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn, li kì, thu hút bạn đọc.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS nêu được cảm nhận, suy nghĩ của mình về hành động của Từ Thức ở cuối đoạn trích qua những lí giải hợp lí.
- Gợi ý:
+ Hành động của Từ Thức ở cuối đoạn trích: Chọn vào núi, xa rời cuộc sống trần gian.
+ Sau khi tìm về quê cũ, Từ Thức rơi vào cảnh bơ vơ, lạc lõng bởi chốn trần gian không còn người thân thích, quen biết với mình, còn chốn tiên cảnh, nơi có người vợ Giáng Hương thì lại không thể quay trở về được nữa. Cho nên, hành động bỏ vào núi là một hành động tất yếu, cũng là sự lựa chọn tốt nhất của chàng lúc bấy giờ.
Đọc văn bản sau:
(Lược một đoạn: Đào Cảnh Long, hiệu là Vân Hiên cư sĩ, là một học trò nghèo sống vào cuối đời Lê Chiêu Thống, đức độ rộng rãi, tính tình chất phác, trọng danh nghĩa, chuộng khí khái. Năm Bính Thìn, vì nhà thiếu ăn, chàng phải đi dạy học thuê cho một nhà giàu.).
Ở chỗ dạy học, anh có nuôi một con chó già, sớm hôm chơi đùa với nó. Anh đi đâu, nó cũng đi theo. Anh ngồi đâu, nó cũng đứng chầu bên cạnh. Anh đặt tên nó là Hàn Lư. Anh thường đùa với nó:
- Mày được ta chăm nuôi, mày có chịu dốc sức liều chết vì ta không?
Con vật gật đầu, ngoe nguẩy đuôi như tỏ ý nhận lời.
Mấy tháng sau, anh có việc phải trở về quê hương. Con chó phải ở lại. Nó quanh quẩn ra vào ở cửa phòng học. Ban ngày xua đuổi gà lợn, ban đêm phòng giữ kẻ gian. Nhiều khi bọn trẻ lãng quên, không cho ăn, tiếng sủa của con chó không còn được sang sảng nữa.
Bấy giờ, trong làng có một phú ông họ Trương thấy vậy, thương hại, đem cơm đến cho ăn. Vừa bước vào cửa phòng học, liền bị con chó cắn phải. Ông trách mắng:
- Hàn Lư! Hàn Lư! Vì thương mày đói lâu nay, nên ta đến đưa cơm cho mày ăn. Ta đâu phải là kẻ bất nhân! Mày tuy là giống vật, nhưng cũng biết suy nghĩ chút ít. Sao mày lại lấy oán trả ân?
Ông chưa dứt lời, con vật chồm lên, nhe răng, giơ vuốt, nói bằng tiếng người:
- Ngày chủ tôi đi có căn dặn tôi phải bảo vệ phòng học, trông nom bọn trẻ. Ngăn chặn kẻ ác, cấm đoán kẻ gian là trách nhiệm của tôi. Ông tới đột ngột, lại không có chủ tôi đón tiếp, thì bị cắn một miếng là đúng lẽ thôi! Thế mà còn trách mắng nặng lời gì nữa!
Thấy con chó biết nói tiếng người, lại nói đúng lẽ, phú ông thầm nghĩ trong bụng nó là con vật kì lạ, ý muốn dụ dỗ, bèn nói:
- Ông chủ của mày bản chất là thầy đồ nghèo. Mình hắn chẳng đủ miếng ăn, lấy đâu ra dành cho mày nữa. Bây giờ chi bằng mày bỏ chỗ tối, tới chỗ sáng, bỏ nhà nghèo, tới nhà giàu, tìm nơi no đủ, sung sướng suốt đời, có phải hơn không? Tội gì mà phải chịu khổ mãi?
Con chó nói:
- Ôi! Ông cũng là người, sao nỡ mở miệng buông lời như thế. Kẻ sĩ trung nghĩa, không vì cùng hay thông mà thay đổi ý chí, cho nên đến mùa rét mới biết rõ bách tùng tươi tốt hơn các cây khác, gặp gió mạnh mới hay cây đứng được vững chắc. Giống súc vật tuy khác với loài người, song vẫn có tính trời phú, biết giữ vững khí tiết đối với chủ của mình. Huống hồ ông chủ của tôi lại là một người luôn biết giữ lòng chân chính, sống nghề quang minh, trung để thờ vua, tín để kết bạn, hiếu với cha mẹ, hòa thuận họ hàng, trời sắp giao cho trách nhiệm quan trọng, cho nên bắt phải cùng khổ thiếu thốn, để trau dồi cho được thành công tốt đẹp đó thôi! Ông nói năng lung tung chẳng đúng gì, nên tôi tha thứ cho. Nếu không miệng này sẽ cắn cho một miếng nữa, chẳng ngần ngại gì! Hãy mau mau lui về, chớ để sau phải hối tiếc!
Phú ông nghe xong, sửng sốt ngây dại, hiểu rõ con vật có nghĩa, không thể giành giật được, đành mang cơm ra về.
Vài hôm sau, Đào Cảnh Long trở về, con chó mừng rỡ ra cửa đón tiếp, hình dáng tiều tụy khôn xiết. Nghe xóm giềng kể lại câu chuyện, Đào Cảnh Long cảm động lắm, ngậm ngùi lấy làm lạ mãi. Anh kiểm tra lại phòng sách, thì khóa cửa không di chuyển, giường chiếu còn y nguyên, đều là nhờ con chó hết sức canh giữ.
Ôi! Con chó là loài súc vật, mà còn biết giữ lòng tiết nghĩa thờ chủ. Dù dùng lời đường mật dụ dỗ, cũng không thể lay chuyển lòng dạ sắt đá của nó. Huống gì con người ăn lộc nhà vua, nếu giữ vững đầy đủ cái lòng tiết nghĩa ấy để đền ơn nước, xông ra đánh giặc, giặc nào chẳng tan; cố sức giữ thành, thành nào chẳng vững…
Than ôi! Sao mà lòng người chẳng còn được như xưa, thói đời đổi thay nhiều dạng? Lúc nước nhà yên vui thì bợ đỡ cầu vinh, lúc cuộc đời rối ren thì trở mặt đổi giọng, bán nước kiếm ăn, theo thời cầu lợi, không còn chút liêm sỉ, thật là quá quắt!
Vì vậy, tôi cho rằng ở đời nhiều kẻ không bằng con Hàn Lư đấy! Nhân ghi lại mẩu chuyện để răn bảo người đời.
(Trích Chuyện con chó có nghĩa của một nhà nghèo, Phạm Quý Thích, in trong Truyện truyền kì Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh - Nguyễn Quang Ân sưu tầm, tuyển chọn, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.320 - 332)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Xác định ngôi kể của văn bản.
Câu 3. Nội dung của văn bản này là gì?
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của yếu tố kì ảo trong văn bản.
Câu 5. Qua văn bản, em rút ra được những bài học nào?
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (0.5 điểm)
Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
Câu 2. (0.5 điểm)
Ngôi kể: Ngôi thứ ba, người kể ẩn mình đi để kể lại câu chuyện.
Câu 3. (1.0 điểm)
Thông qua câu chuyện về chú chó trung thành, tình nghĩa Hàn Lư, tác giả khẳng định, ngợi ca những con người có tấm lòng trung nghĩa, đồng thời bày tỏ thái độ phê phán đối với những kẻ bất trung, bất nghĩa, dễ bị lợi ích che mờ mắt.
Câu 4. (1.0 điểm)
- HS chỉ ra được chi tiết kì ảo trong tác phẩm: Chú chó Hàn Lư biết nói tiếng người.
- HS phân tích được tác dụng của một chi tiết kì ảo: Giúp cho câu chuyện thêm li kì, thu hút bạn đọc và giúp tác giả thể hiện được một cách hấp dẫn, sinh động tư tưởng về lòng trung nghĩa.
Câu 5. (1.0 điểm)
- HS nêu được những bài học được rút ra từ văn bản.
- Gợi ý:
+ Cần giữ vững quan điểm, khí tiết, không chịu luồn cúi trước những điều gian dối, bất nghĩa trong bất cứ hoàn cảnh nào.
+ Có ý thức phê phán, đẩy lùi những hành vi hám lợi hay thỏa hiệp với cái xấu, cái ác trong xã hội.
+ Cần có ý thức đề phòng những cám dỗ trong cuộc đời.
+ ...